Israel theo dõi những cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Iran

Thứ Năm, 02/04/2015, 20:20
Không bao lâu sau khi nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc) bước vào cuộc đàm phán năm 2014 với Iran về chương trình hạt nhân nước này, giới chức Washington đã nắm được thông tin về hoạt động gián điệp những cuộc thương lượng kín này từ phía tình báo Israel. Chiến dịch gián điệp này là một phần trong kế hoạch rộng lớn hơn của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhằm thu thập thông tin về nội dung những cuộc đàm phán hạt nhân và sau đó xây dựng cơ sở gây sức ép đến Washington.

Ngoài ra, tình báo Israel còn được giao nhiệm vụ gián điệp những cuộc họp mật cũng như các cuộc tiếp xúc ngoại giao của Mỹ ở châu Âu. Một quan chức cao cấp Washington phát biểu: "Đó là động cơ khiến cho Israel đánh cắp các bí mật của Mỹ và sau đó trao cho giới lập pháp nước này để phá hoại ngầm chính sách ngoại giao của Washington". Vụ việc được tiết lộ giữa lúc mối quan hệ giữa Mỹ và chính quyền Israel đang ngày một xấu đi.

Mối quan hệ lá mặt lá trái

Thực ra, Nhà Trắng phát hiện chiến dịch gián điệp những cuộc đàm phán hạt nhân của nhóm P5+1 với Iran khi tình báo Mỹ do thám đánh chặn tín hiệu những cuộc giao tiếp của các quan chức cao cấp Israel. Tuy nhiên, giới chức Israel bác bỏ các cáo buộc trên và tuyên bố họ nhận được thông tin từ các nguồn khác, trong đó có cả hoạt động gián điệp giới lãnh đạo Iran.

Trong khi đó, giới chức châu Âu, đặc biệt là Pháp, tỏ ra minh bạch với Israel hơn người Mỹ về những cuộc đàm phán hạt nhân kín với Iran. Đầu năm 2015, Netanyahu và Đại sứ Israel Ron Dermer tại Washington nhanh chóng tìm cách gia tăng sức ép lên Tổng thống Barack Obama trước khi lằn ranh cuối cùng kết thúc vào tháng 3.

Bức thư của 47 Thượng nghị sĩ Cộng hòa gửi đến Tehran (trái).

Netanyahu và Ron Dermer tính toán rằng, một chiến dịch vận động hành lang ở Quốc hội Mỹ sẽ giúp hủy bỏ hay thay đổi bất cứ thỏa thuận kín nào mà Nhà Trắng đạt được với Tehran. Mặc dù biết rõ sự can thiệp như thế sẽ gây tổn hại cho mối quan hệ với Nhà Trắng song họ vẫn chấp nhận trả giá. Nhưng chiến dịch can thiệp của Israel đã không thành công như mong đợi vì thái độ hờ hững của nhiều thành viên đảng Dân chủ trong Quốc hội Mỹ, trong khi đó Netanyahu và Dermer bị Tổng thống Obama chỉ trích kịch liệt.

Sự hoài nghi lẫn nhau giữa hai ông Netanyahu và Obama tăng dần qua nhiều năm và càng trở nên tồi tệ hơn nữa khi Tổng thống Mỹ khởi động những cuộc đàm phán kín với Iran từ năm 2012. Giới chức Washington công khai thừa nhận: Từ lâu Israel đã đứng đầu trong danh sách các quốc gia ráo riết gián điệp Mỹ, cùng với Trung Quốc, Nga và Pháp. Do đó, tình báo Mỹ buộc phải ưu tiên mở rộng các chiến dịch phản gián để đối phó với Israel hơn bất cứ quốc gia đồng minh nào khác.

Mới đây, một quan chức cao cấp Văn phòng Thủ tướng Netanyahu tuyên bố: "Những ám chỉ như thế là hoàn toàn sai trái. Nhà nước Israel không tiến hành hoạt động gián điệp chống lại Mỹ hay các đồng minh của Israel. Những ám chỉ sai trái rõ ràng nhằm làm suy yếu mối quan hệ bền chặt giữa Mỹ và Israel cũng như sự hợp tác chia sẻ thông tin tình báo giữa hai nước".

Mối quan hệ Mỹ - Israel bắt đầu bị rạn nứt sau vụ người Mỹ Jonathan Pollard bị giam vì tội chuyển giao các bí mật cho phía Israel cách đây 30 năm. Trong khi giới chức Mỹ không là mục tiêu trực tiếp, tình báo Israel tăng cường nghe lén những cuộc giao tiếp giữa giới chức Mỹ với các quốc gia mục tiêu của Israel như là Iran. Người Mỹ có lẽ không lấy làm ngạc nhiên trước điều đó bởi vì chính giới chức tình báo của họ giúp Israel xây dựng hệ thống nghe lén những cuộc giao tiếp của giới chức cao cấp Iran.

Khi những cuộc đàm phán bí mật với Iran tiến triển sang năm 2013, tình báo Mỹ mở rộng do thám những cuộc giao tiếp của Israel để biết nước này có nắm thông tin về những cuộc họp kín đó hay không. Ông Obama không tiết lộ với ông Netanyahu về những cuộc họp này cho đến tháng 9/2013.

Năm 2014, Netanyahu đã bắt đầu "chọc giận" Mỹ khi gián điệp cuộc họp kín giữa Ngoại trưởng John Kerry với đối tác Iran trong một khách sạn sang trọng ở Oman mặc dù sau những vòng đàm phán hạt nhân đầu tiên, quan chức Mỹ thường trực tiếp bay đến Tel Aviv để thông tin cho giới chức Israel biết tình hình.

Chiến dịch vận động chống lại thỏa thuận hạt nhân với Iran

Từ trước tới nay, Israel luôn lo sợ Iran sẽ chế tạo bom hạt nhân, và muốn Iran hủy bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân chứ không chỉ hạn chế nó. Đại sứ Israel Ron Dermer đã mở chiến dịch vận động hành lang với các nhà lập pháp Mỹ trước khi nhóm P5+1 ký kết một thỏa thuận tạm thời với Iran vào tháng 11/2013.

Đại sứ Ron Dermer gặp gỡ các nhà lập pháp Mỹ về những cuộc đàm phán hạt nhân với Iran.

Netanyahu và Dermer tìm đến Quốc hội Mỹ sau khi họ nhận thấy không gây sức ép được nhiều đến Nhà Trắng. Trước khi thỏa thuận tạm thời được công bố, Ron Dermer đã trao cho các nhà lập pháp Mỹ bản phân tích của Israel trong đó nêu rõ chính quyền Mỹ đang làm suy yếu đáng kể những lệnh trừng phạt kinh tế chống Iran. Sau khi nắm được thông tin vận động hành lang này, ông Obama lập tức phái các quan chức của mình đến gặp Ron Dermer để phản đối. Đồng thời, nhóm quan chức của Obama cũng trình bày với giới lập pháp trong Quốc hội rằng bản phân tích của Israel thật ra đã thổi phồng vấn đề giảm nhẹ lệnh trừng phạt Iran đến 10 lần!

Khi vòng đàm phán tiếp theo với Iran bắt đầu ở thành phố Geneva (Thụy Sĩ) năm 2014, cộng đồng phản gián Mỹ thông báo đến phái đoàn đàm phán Mỹ rằng những cuộc giao tiếp của họ đang bị Israel nghe lén. Thủ tướng Netanyahu và nhóm chuyên gia cố vấn hàng đầu của ông thường xuyên nhận được thông tin cập nhật về cuộc đàm phán ở Geneva từ việc nghe lén Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và số quan chức nước này biết rõ về hoạt động gián điệp của Israel. Ngoài ra, tình báo Israel cũng nắm được nhiều thông tin  nhạy cảm khi gián điệp Iran và các quốc gia trong khu vực có liên lạc với các cường quốc tham gia cuộc đàm phán hạt nhân.

Tháng 11/2014, Israel biết được nội dung thỏa thuận do phía Mỹ đề xuất nhưng cuối cùng bị Iran bác bỏ. Nhóm cố vấn của Netanyahu kết luận thỏa thuận hạt nhân mới của Mỹ là không chấp nhận được và Nhà Trắng đã có quá nhiều nhượng bộ trong khi Iran vẫn kiên định trước sau như một. Trong khi đó giới chức Mỹ bác bỏ lập luận này, cho rằng Israel đưa ra những yêu cầu quá quắt mà Iran sẽ không  bao giờ chấp nhận được.

Các phái đoàn Mỹ và Iran tại vòng 2 cuộc đàm phán hạt nhân ở thành phố Montreux, Thụy Sĩ, ngày 23/2/2015.

Ngày 21/1/2015, Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner thông báo Netanyahu về một cuộc họp ở Quốc hội Mỹ. Cùng ngày, Ron Dermer và một số quan chức Israel đến tòa nhà Quốc hội để gặp gỡ các nhà lập pháp, tìm kiếm một liên minh hai đảng đủ lớn để ngăn cản hay sửa đổi bất cứ thỏa thuận mới nào giữa Nhà Trắng và Iran. Phần đông phe Cộng hòa sẵn sàng đối đầu với Nhà Trắng về những cuộc đàm phán hạt nhân, cho nên Ron Dermer tập trung thuyết phục phe Dân chủ. Sau đó, Dermer và quan chức Israel thông báo với các nhà lập pháp Mỹ về việc Nhà Trắng cố giữ bí mật về cuộc đàm phán, bao gồm thỏa thuận mới cho phép Tehran vận hành 6.500 máy ly tâm.

Phản ứng không mong muốn

Giới chức Israel cũng cung cấp cho các nhà lập pháp Mỹ thông tin Iran được phép triển khai các máy ly tâm tiên tiến IR-4 có thể xử lý nhiên liệu với quy mô lớn - một thuận lợi mà họ cho rằng giúp Tehran có cơ hội vào một ngày nào đó chế tạo những quả bom hạt nhân!

Lò phản ứng nước nặng ở thành phố Arak (Iran) về lý thuyết có thể cung cấp plutonium cho Tehran.

Tháng 2/2015, khi các nhà lập pháp tra vấn về nguồn gốc thông tin của mình, giới chức Israel khẳng định họ có được từ các nguồn riêng bao gồm từ chính quyền Anh và Pháp, cũng như từ cơ quan tình báo của họ. Quyết định tham dự cuộc họp Quốc hội Mỹ về thỏa thuận hạt nhân mới đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ nhiều nhà lập pháp đảng Dân chủ.

Ngày 3/2/2015, Ron Dermer gặp Thượng nghị sĩ Joe Manchin và người này bảo rằng, Netanyahu sẽ vi phạm nghi thức ngoại giao nếu chấp nhận lời mời dự họp từ chủ tịch Hạ viện John Boehner mà không qua trung gian Nhà Trắng. Nhưng, Manchin tỏ thái độ lấp lửng về việc ủng hộ bất cứ động thái nào của Quốc hội nhằm ngăn cản thỏa thuận hạt nhân mới của Mỹ với Iran.

Hai ngày sau, Ron Dermer gặp Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein - thành viên đảng Dân chủ và Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ - ngay tại nhà riêng của bà ở Washington DC. Cuối cùng, Feinstein tuyên bố sẽ chống đối điều luật cho phép Quốc hội phủ quyết một thỏa thuận. Tất cả những sự việc đó cho thấy rõ sự thất bại trong chiến dịch vận động hành lang Quốc hội Mỹ của Netanyahu và Ron Dermer.

Mặc dù vậy, Netanyahu vẫn tiếp tục theo đuổi những cách khác để gây sức ép đến Nhà Trắng trong những cuộc đàm phán hạt nhân với Iran.

Ví dụ, mới đây Netanyahu cử một phái đoàn đến Pháp, quốc gia có mối quan hệ gần gũi hơn với Israel về những cuộc đàm phán hạt nhân, nhằm thuyết phục Paris tìm cách ngăn cản Tổng thống Obama ký kết thỏa thuận hạt nhân với Iran. Tuy nhiên, Obama cũng có hành động với Paris để cản bước Netanyahu. Do phe Cộng hòa chiếm đa số trong Quốc hội, cho nên ông Obama phải sử dụng quyền hạn đặc biệt của Tổng thống quy định trong Hiến pháp để phủ quyết các quyết định của Quốc hội và đơn phương thông qua các thỏa thuận ngoại giao.

Mới đây, nhóm 367 nghị sĩ Hạ viện Mỹ ở cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đồng ký tên trong bức thư gửi đến Tổng thống Barack Obama cảnh báo bất cứ thỏa thuận hạt nhân mới nào với Iran cũng phải được Quốc hội phê chuẩn mới có hiệu lực thi hành.

Trước đó, 47 thượng nghị sĩ Cộng hòa cũng đồng ký tên trong bức thư gửi đến chính quyền Iran cảnh báo bất cứ thỏa thuận nào đạt được với Tehran cũng có thể bị hủy bỏ bởi một tổng thống mới của Mỹ. Tuy nhiên, bức thư của 367 nghị sĩ lưỡng viện - được Ủy ban Ngoại giao Hạ viện Mỹ (HFAC) tiết lộ - đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ các thành viên khác của đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa.

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.