Những cái chết bí ẩn trên chính trường Ukraine

Thứ Năm, 02/04/2015, 08:45
Trong hơn một tháng trở lại đây đã có đến hơn chục nhân vật ủng hộ nước Nga hoặc có tiếng nói, quan điểm thân Nga ở Ukraine chết một cách khó hiểu. Họ tự sát, bị giết hay bị bức tử? Đây có phải là bằng chứng cho thấy mức độ lộng hành của các thành phần dân tộc chủ nghĩa Ukraine hay là kết quả của chính sách thanh lọc những thành phần thuộc chế độ cũ (thân Nga) ra khỏi đời sống chính trị tại Ukraine?

Những vụ giết người theo đơn đặt hàng

Chỉ riêng trong ngày 16/4/2015, tại Ukraine đã xảy ra 4 vụ giết hại các nhà hoạt động, nhà báo có tiếng trong xã hội. Các nạn nhân bao gồm một cựu đại biểu Quốc hội, Oleg Kalashnikov thuộc đảng Các khu vực (vốn là đảng cầm quyền trở thành đối lập sau vụ đảo chính tại Ukraine tháng 2/2014); nhà báo tự do Sergey Sukhobok, nguyên sáng lập viên tờ điện tử Obkom; nữ nhà báo Olga Moroz, Tổng biên tập Người đưa tin Necheshinsky (tỉnh Khmelnhitsskaya).

Đáng chú ý nhất là vụ giết hại nhà báo Oles Buzina, 45 tuổi, ông còn là nhà văn nổi tiếng, người dẫn chương trình truyền hình, tác giả nhiều cuốn sách về lịch sử Ukraine, từng là Tổng biên tập một trong những tờ báo hàng đầu Ukraine Segodnya (Ukraine Hôm nay) .

Bốn nhân vật thân Nga tại Ukraine bị sát hại chỉ trong ngày 16/4/2015.

Các nạn nhân đều có chung một điểm đó là họ ủng hộ Nga trong cuộc xung đột tại Ukraine. Trong thông cáo trên trang mạng của mình ngày 16/4, Bộ Nội vụ Ukraine đưa tin: Oles Buzina đã bị hai tay súng đeo mặt nạ bắn tại nhà ông ở Kiev. Cố vấn Bộ Nội vụ Ukraine - ông Anton Gerashchenko - đã xác nhận vụ ám sát này. "Vừa mới đây, trên phố Dehtiarivska gần ngôi nhà số 58, nhà báo nổi tiếng Oles Buzina đã bị kẻ lạ mặt từ chiếc xe Ford Focus màu xanh đen bắn chết" - ông Gerashchenko viết trên trang Facebook cá nhân. Theo ông Gerashchenko, nhà báo bị bắn từ một chiếc xe mang biển số nước ngoài.

Trước đó cùng ngày, Oleh Kalashnikov, một cựu nghị sĩ trung thành với Tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych, bị bắn chết trong một vụ tấn công tương tự bên ngoài căn hộ của ông ở thủ đô của Ukraine.

Nếu trong vụ nhà báo Sukhobok, nguyên nhân cái chết của ông dường như chỉ thuần túy do mâu thuẫn trong sinh hoạt, hay vụ liên quan đến nhà báo Olga Moroz mà trong số các giả thiết nguyên nhân có quan hệ cá nhân và hoạt động nghiệp vụ (Itar-TASS đưa tin: Thời gian gần đây, nhà báo này tiến hành thu thập tư liệu về hoạt động chặt phá rừng bất hợp pháp) thì các vụ còn lại đều có điểm chung là hai nạn nhân có quan điểm chỉ trích đường lối của chính quyền Ukraine hiện nay. Cả hai ông Kalashnikov và Buzina thời gian gần đây đều kêu gọi chính quyền Ukraine kỷ niệm trọng thể 70 năm Ngày chiến thắng phát xít 9-5, như Nga và các nước khác thuộc Liên Xô trước đây. Ngoài ra hồi tháng 3/2015, ông Buzina đã từ chức tổng biên tập báo Segodnya để phản đối sự kiểm duyệt đối với tờ báo.

Bộ Nội vụ Ukraine cho rằng, giả thuyết chính về nguyên nhân nhà báo Buzina bị giết là hoạt động báo chí của ông. Cơ quan điều tra Ukraine đưa ra nhận định: vụ giết hại nhà báo Buzina và cựu đại biểu Quốc hội Kalashnikov rất giống nhau về kịch bản, địa điểm, chi tiết thủ phạm bắn nạn nhân. Điều này cho thấy đây rất có thể là hai vụ giết người theo đơn đặt hàng.

Trước đó, có 3 cựu quan chức cao cấp dưới thời Tổng thống Yanukovych cũng đột ngột qua đời. Một giả thuyết điều tra được ưu tiên là do tự sát, tuy nhiên một số người khác nghi ngờ có sự truy bức.

Cuối tháng 2/2015, Mikhailo Tchetchetov, một cựu lãnh đạo đảng Các khu vực, nhảy từ tầng 17 xuống đất, sau khi để lại một dòng chữ cho vợ, nói rằng ông "không còn đủ tinh thần để sống". Bị nghi ngờ tội lạm dụng quyền lực, Mikhailo Tchetchetov bị bắt một tuần trước khi tự sát, và chỉ được trả tự do sau khi đóng tiền thế chân để tại ngoại đến 5 triệu hryvnia (hơn 200.000 euro). Vài giờ trước khi xảy ra vụ tự sát, Trưởng công tố của Ukraine thông báo trên truyền hình sẽ truy tố cựu nghị sĩ này với một số tội danh mới.

Ông Mikhailo Tchetchetov là một trong những người - đúng vào lúc đang diễn ra phong trào phản kháng Maidan - đã tổ chức cuộc bỏ phiếu ngày 16/1/2015 về các điều luật nhằm giới hạn quyền biểu tình, dự kiến phạt tù những người biểu tình. Cuộc bỏ phiếu nói trên đã khiến bản chất của cuộc biểu tình vốn ôn hòa, ngày càng trở nên quyết liệt hơn, kết thúc với cuộc đàn áp đẫm máu cuối tháng 2/2014 ngay tại trung tâm Kiev. Theo Igor Kolomoski, lãnh đạo vùng Dnipropetrovsk, miền Đông Ukraine, người quá cố "biết được những bí mật của quá trình tư nhân hóa" trước đây, "đã bị thúc ép tự tử".

Một trường hợp khác là ông Stanislav Melnik, cũng là một cựu nghị sĩ đảng Các khu vực, có thể đã tự sát bằng súng săn. Còn người thứ ba là ông Olexandre Peklouchenko qua đời với vết thương trên cổ do súng. Olexandre Peklouchenko là cựu Thống đốc vùng công nghiệp Zaporijia, Đông Nam Ukraine. Người này bị điều tra vì đàn áp các cuộc biểu tình thân phương Tây trước đây.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine Mikhailo Kornienko cho rằng, bên cạnh chấn thương tâm lý của một cựu giới chức cao cấp sau khi bị bắt giam, "không loại trừ ít nhất trong 3 trường hợp nói trên có một vụ giết người được che đậy dưới hình thức tự sát", và "cái chết của nạn nhân có thể có lợi cho ai đó". Cựu lãnh đạo đảng Các khu vực Mikhailo Tchetchetov trong những năm 2003-2005 là lãnh đạo cơ quan phụ trách việc tư nhân hóa các tài sản công Ukraine. Theo một giới chức phụ trách chống tham nhũng của Quốc hội Ukraine hiện nay, "cái chết của người này bảo đảm cho các chủ doanh nghiệp mua lại tài sản nhà nước với giá hời", kết quả của quá trình tư nhân hóa mờ ám sẽ không bao giờ bị xem xét lại.

Tối hậu thư từ "Quân đội Khởi nghĩa Ukraine"

Hiện mọi giả thuyết về những vụ ám sát này đều được nêu ra: có thể đó là do các thành phần dân tộc chủ nghĩa Ukraine muốn trừng phạt một người có quan điểm thân Nga như cựu Tổng biên tập báo Segodnya. Đấy có thể là một vụ trả thù, cũng có thể là để loại bỏ nhân chứng phiền phức của chế độ Yanukovych, cũng có thể là một chiến dịch nhằm gây bất ổn định Ukraine do lực lượng ly khai tiến hành.

Nhà báo Oles Buzina đã bị hai kẻ bịt mặt bắn chết ngay trước cửa nhà tại Kiev ngày 16/4/2015.

Thông tin mới nhất từ Bộ Nội vụ Ukraine cho hay, cơ quan này đang kiểm tra thông tin của chuyên gia phân tích chính trị Vladimir Fesenko về sự liên quan của tổ chức "Quân đội Khởi nghĩa Ukraine - UPA", vốn đã nhận trách nhiệm về các vụ sát hại ông Oleg Kalashnikov, nhà báo Oles Buzina và các đại diện khác của đảng Các khu vực.

Trước đó, nhà phân tích chính trị Vladimir Fesenko cho biết, ông đã nhận được trên e-mail một lá thư từ tổ chức tự xưng là "Quân đội  Khởi nghĩa Ukraine", trong đó tổ chức này đã nhận trách nhiệm về các vụ giết người".

Ông Fesenko trích dẫn một đoạn từ bức thư, nơi các tác giả của thông điệp trên tuyên bố về sự khởi đầu của "cuộc đấu tranh khởi nghĩa không khoan nhượng chống lại chế độ của những kẻ phản bội chống Ukraine", đồng thời tuyên bố rằng họ sẽ "nói chuyện với những kẻ phản bội chỉ bằng ngôn ngữ của vũ khí cho đến khi chúng bị tiêu diệt hoàn toàn". Trong bức thư gửi ông Fesenko ngày 17/4, "Quân đội Khởi nghĩa Ukraine" cũng thông báo là họ dành "72 giờ cho những đối tượng có tội trong các hoạt động chống nhân dân và chống Ukraine, để những người này một lần và vĩnh viễn rời khỏi lãnh thổ Ukraine".

"Luật thanh lọc chính quyền" tạo cơ hội cho những kẻ "mượn gió bẻ măng"

Những cái chết đột ngột trên đã gây lo ngại rất lớn trong xã hội "Quân đội Khởi nghĩa Ukraine". Trong bối cảnh tiếng súng vẫn vang rền, bom vẫn nổ hàng ngày ở nhiều thành phố miền Đông Ukraine, nhiều người xem những vụ ám sát này như "bước đầu thời kỳ kinh hoàng mà xã hội Ukraine phải trải qua".

Tổng thống Nga Vladimir Putin lấy làm tiếc trước các vụ ám sát mang tính chính trị mà thủ phạm là giới dân tộc chủ nghĩa Ukraine. Trong phiên trả lời câu hỏi trực tiếp thường niên trên truyền hình Nga hôm 16/4, ông Putin nói rằng, cái chết của nhà báo Buzina có động cơ chính trị. "Đây không phải là vụ ám sát chính trị đầu tiên. Ukraine đang đối mặt với một loạt những vụ giết người như vậy" - ông Putin nói.

Theo nhà phân tích chính luận của RIA Novosti, Zakhar Vinogradov, nhìn bên ngoài, tình hình giống như sự lộng hành không điều khiển nổi của thế lực phản động tràn lan tự phát vô tổ chức. Nhưng động cơ chính lại dễ hiểu: người ta muốn ngăn chặn đà gia tăng bất mãn đối với chế độ trong nước. Các xí nghiệp dịch vụ tiêu dùng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng cửa, còn người dân với thái độ oán thán không giấu giếm chờ đợi hóa đơn tháng 4, đã tăng gấp 3-4 lần so với tháng 3. Phần lớn mọi người đơn giản là không thể trả nổi những món tiền này.

Các nhà quan sát cho rằng, để lý giải cho tình trạng "chết hàng loạt" của các nhân vật thuộc chế độ cũ ở Ukraine, thì cần phải trở lại Luật Thanh lọc của chính quyền Kiev hiện nay.

Từ ngày 16/10/2014, Luật Thanh lọc tại Ukraine chính thức có hiệu lực. Đây được coi là nỗ lực của chính quyền đương nhiệm nhằm loại bỏ tất cả những thành phần thuộc chế độ cũ thân Nga ra khỏi đời sống chính trị tại Ukraine.

Trước đó, ngày 9/10/2014, Tổng thống Poroshenko đã ký ban hành Luật Thanh lọc chính quyền, quy định cơ sở pháp lý và tổ chức cho việc kiểm tra "lòng tin vào chính quyền" của các công chức nhà nước và các đối tượng tương đương, quan chức địa phương, cũng như tạo điều kiện xây dựng hệ thống chính quyền mới theo tiêu chuẩn châu Âu.

Theo luật này, đối tượng để thanh lọc là tất cả các công chức nhà nước, nhân viên cơ quan chính quyền địa phương, giữ chức vụ từ ngày 25/2/2010 đến hết ngày 22/2/2014, tức là giai đoạn cầm quyền của cựu Tổng thống Viktor Yanukovych. Luật mới sẽ cấm giữ các chức vụ trong cơ quan hành pháp đối với những đối tượng có mức sống xa hoa, không giải thích được nguồn gốc thu nhập, từng ủng hộ phong trào đòi độc lập tại miền Đông - Nam, những người từng là kiểm soát viên và các chức vụ lãnh đạo bị cho là chống lại phong trào Euromaidan.

Đúng ngày Luật Thanh lọc chính quyền bắt đầu có hiệu lực, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk thông báo: Chính phủ nước này quyết định sa thải 39 quan chức cấp cao theo luật mới.

Theo lời Bộ trưởng Tư pháp Ukraina, ông Pavlo Petrenko, cuộc "thanh lọc" này có thể sẽ khiến 1 triệu công chức bị sa thải, trong đó có cả những thành viên nội các. Ông cũng nhấn mạnh, đạo luật này lẽ ra phải có từ 20 năm trước ngay sau khi Liên Xô tan rã để giảm tối đa những ảnh hưởng từ nước Nga. Việc thanh lọc nội bộ này đi theo mô hình của các nước Đông và Trung Âu khác như Cộng hòa Séc, Ba Lan và Đức từng sử dụng để xóa đi vết tích của những thành phần thân Nga trong chính quyền. Xét trên tổng thể, Luật Thanh lọc là những hành động của chính quyền Ukraine nhằm xóa bỏ mọi "dấu vết Nga" trong đời sống chính trị tại Ukraine.

Đan Kô (tổng hợp)
.
.