Những mảnh ghép lớn của một tờ báo

Thứ Tư, 31/10/2018, 15:13
Trong nền báo chí Cách mạng Việt Nam, Báo Công an nhân dân tự hào là tờ báo lớn và có “thâm niên”, ra đời sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công chỉ hơn 1 năm. Và, nếu ví Báo Công an nhân dân là một bức tranh khổ lớn, đặc sắc thì các Tổng biên tập là những mảnh ghép chính làm nên bức tranh ấy...

Từ Báo Công an Mới (xuất bản số đầu ngày 1-11-1946) đến nay, Báo CAND đã phát triển thành một “tổ hợp” gồm nhiều ấn phẩm báo in và báo điện tử. Ngay số báo đầu tiên, những vị lãnh đạo tiền bối của lực lượng Công an cách mạng và tờ báo non trẻ như Lê Giản, Nguyễn Tài, Nguyễn Tuấn Thức... đã cho in “Tôn chỉ mục đích” thể hiện tầm nhìn xa và rất mới ở thời điểm đó: “Để phổ cập trong quần chúng tinh thần mới của công an, để thắt chặt tình liên lạc giữa anh em cùng một ngành hoạt động trong toàn quốc, Việt Nam Công an Vụ cho xuất bản tờ Công an Mới.

Đứng về phương diện báo, Công an Mới sẽ có những mục điều tra, phóng sự, tường thuật viết theo tài liệu xác thực và đầy đủ, những sản phẩm đặc biệt của công an mà chỉ công an mới có. Gây một tinh thần vui vẻ, gợi khiếu tò mò, nhận xét của độc giả, phổ cập những thường thức về những vấn đề xã hội, pháp luật, chuyên nghiệp của công an... Đó cũng là một phần chính của tờ Công an Mới”.

Lớp hậu sinh 7X chúng tôi hiện nay ở Báo CAND tuy không được làm việc trực tiếp dưới quyền các vị Tổng Biên tập tiền bối nhưng vẫn biết đến tên tuổi và những chuyện nghề sâu sắc của các ông, các bác. Với những Tổng Biên tập thế hệ sau, chúng tôi có không ít kỉ niệm đẹp và đáng trân trọng... Trong khuôn khổ bài báo này, chỉ xin được ghi lại kí ức với một số vị lãnh đạo của Báo CAND từ thập niên 1980 đến nay.

Vị Tổng Biên tập cao niên nhất hiện nay là Đại tá Trần Liêu (Tổng Biên tập từ 1982-1987). Khi tôi là Thư ký Tòa soạn, thi thoảng vẫn nhận được những bản thảo và thư viết tay của bác Trần Liêu. Tuổi đã cao nhưng bác vẫn giữ được nét chữ ngay ngắn, chân phương. Lời lẽ của bác trong thư thật khiêm nhường, toát lên sự trân trọng lớp hậu sinh khi “gửi gắm” tác phẩm của mình...

Tôi nhớ nhất câu chuyện “bám lãnh đạo” của bác Trần Liêu để... đặt bài. Chuẩn bị cho số báo CAND Xuân Ất Sửu - 1985, Tổng Biên tập Trần Liêu đã viết thư gửi đồng chí Lê Đức Thọ, khi đó đang là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, để “đặt hàng” một bài thơ viết về lực lượng CAND. Trước đó, đồng chí Lê Đức Thọ có bài thơ rất nổi tiếng “Điểm tựa”, được anh em bộ đội thuộc nằm lòng. Đương nhiên, đồng chí Lê Đức Thọ rất bận và như chính ông kể lại sau đó không lâu trong một lần tới thăm Bộ Công an: “Tôi viết thư trả lời là tôi cũng muốn làm lắm nhưng vì chưa công tác liền lưng, chưa đi sâu đi sát với anh em thành ra chưa có cảm hứng nhiều, nên khó làm thơ. Còn làm cho có thì thơ sẽ không được hay. Anh em thông cảm và miễn cho tôi...”.

Thế nhưng, bác Trần Liêu lại viết thư lần hai, rồi đến nhà riêng của đồng chí Lê Đức Thọ và gọi điện thoại khẩn thiết đề nghị... Và, cái kết có hậu là bài thơ “Anh chiến sỹ an ninh” của đồng chí Lê Đức Thọ đã đăng trang trọng trên Báo CAND số Xuân Ất Sửu.

Nhà báo Hữu Ước (bìa trái) và Tổng Biên tập Chu Phùng (bìa phải) trong chuyến công tác khoảng năm 1990 cùng đồng chí Chủ tịch UBND huyện Đoan Hùng (Vĩnh Phú, nay là Phú Thọ)

Sau bác Trần Liêu là bác Chu Phùng (Tổng Biên tập từ 1988-1994). Trước khi là Tổng Biên tập Báo CAND, bác Chu Phùng là Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Công an (nay là Tạp chí CAND). Bác Chu Phùng là vị Tổng Biên tập ở thời kì báo chí đất nước bắt đầu được “cởi trói”. Báo CAND sau nhiều năm chỉ phát hành nội bộ, trở thành tờ báo phát hành công khai (năm 1988) và nhanh chóng được đông đảo bạn đọc đón nhận.

Tôi có ấn tượng sâu sắc về bác Chu Phùng trong việc lưu giữ tư liệu, tài liệu. Khoảng đầu năm 2006, tôi đến thăm khi gia đình bác vừa chuyển về nhà mới (phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội). Tuy đồ đạc còn khá bộn bề nhưng bác vẫn tìm được những tài liệu rất quý cho tôi mượn như bác đã hứa trước qua điện thoại... Hôm đó, bác đã rất hào hứng kể lại một thời gian khó làm báo, chuyện đời, chuyện nghề và những con người ở Báo CAND khi bác làm Tổng Biên tập. Bác Chu Phùng đã đi xa gần 10 năm nhưng tôi vẫn nhớ như in cái bắt tay nồng ấm của bác những lần bác cháu gặp nhau.

Thuở nhỏ, đám trẻ trong khu tập thể chúng tôi say sưa chuyền tay nhau đọc đi đọc lại cuốn tiểu thuyết “Cuộc chiến đấu bảo vệ Đồng Văn”, còn có tên khác là “Bên kia Cổng Trời”. Duyên may, sau này tôi thường xuyên được gặp tác giả cuốn sách là nhà văn Ngôn Vĩnh (Tổng Biên tập Báo CAND từ 1995-2003). Tôi thường xưng con, gọi ông với nhà văn Ngôn Vĩnh; ông thì xưng tớ - cậu. Ông là người hiền lành, chân thành và rất tốt tính.

Lại cũng là duyên, tôi nhiều lần gặp, trò chuyện và viết về Đại tá Trần Tấn Nghĩa, nguyên mẫu nhân vật Trung tướng, đặc phái viên của Tổng thống Ngô Đình Diệm trong tiểu thuyết “Cuộc chiến đấu bảo vệ Đồng Văn”. Đại tá Nghĩa cũng là người đội trưởng trinh sát đặc biệt của Sở Công an Bắc bộ đã khám phá vụ án kinh điển Ôn Như Hầu tháng 7 năm 1946. Đại tá Nghĩa và nhà văn Ngôn Vĩnh còn là đôi bạn vong niên keo sơn gắn bó với nhau... Nhà văn Ngôn Vĩnh nghỉ hưu đã 15 năm nhưng nhiều buổi trưa tôi vẫn được hầu rượu ông trong những quán cóc gần trụ sở Báo CAND. Đã vào tuổi 75, ông còn sung sức và minh mẫn lắm, vẫn tự rong ruổi hằng ngày trên chiếc Cub 82 trong nhịp sống sôi động của phố phường.

“Chú làm khách, làm cộng tác viên của Hữu Ước thì hay, chứ làm lính ổng thì coi chừng!”, một người anh đã cảnh báo như vậy khi tôi tâm sự muốn chuyển công tác từ Tạp chí CAND sang Báo CAND giữa năm 2008. Nhưng, tôi vẫn quyết và trình bày nguyện vọng với các anh trong Ban Biên tập Báo CAND. Anh Hữu Ước (Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Công an và Chuyên đề An ninh thế giới từ 1997-2003; Tổng Biên tập Báo CAND từ 2003-2013) bảo tôi: “Mày đang là phó phòng, về bên anh chỉ làm phóng viên thôi. Đồng ý thì anh ok”. Vậy là tôi về làm phóng viên của Báo CAND.

Tổng biên tập Phạm Văn Miên (bìa phải) và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (ảnh chụp tháng 5 năm 2018)

Làm tạp chí và báo có những khác biệt nhưng tôi đã nhiều năm cộng tác với các báo nên cũng nhanh chóng hòa nhập với công việc mới. Anh Hữu Ước thường nhắc tôi và một số anh em từ công an các địa phương chuyển công tác về Báo CAND: “Chúng mày cứ làm tốt, rồi tao sẽ trả lại chức”. Và rồi, chúng tôi lại lần lượt được “phục chức” đúng như lời ông nói.

Tôi vẫn nhớ kỉ niệm lần đầu gặp anh Phạm Văn Miên (Tổng Biên tập từ 2013 đến nay) vào tháng 3-1998. Dịp đó, Công an tỉnh Nam Định tổng kết 50 năm CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy (1948-1998); tôi đi dự với tư cách phóng viên Tạp chí Xây dựng lực lượng CAND. Trong bữa cơm tối tại nhà khách Công an tỉnh Nam Định, ngẫu nhiên tôi ngồi cùng bàn với nhiều nhà báo. Sau màn chào hỏi giao lưu, tôi mới biết người ngồi cạnh mình là anh Phạm Văn Miên (khi đó là Thư kí Tòa soạn). Anh bảo tôi: “Anh biết chú rồi, hồi trước ở Công an tỉnh Long An. Chịu khó cộng tác, viết cho bên anh nhá!”.

Tôi có ấn tượng đặc biệt về những mối quan hệ rất bền chặt của anh Phạm Văn Miên với anh em, bạn bè, đồng đội; từ bạn tiểu học, đến trung học, đại học... Nhiều cuộc gặp gỡ của các anh, tôi được dự và cảm nhận rõ “độ bền” của những mối thâm tình đó. Có lần, tôi góp mặt trong cuộc gặp của anh Miên với một người bạn ở miền Trung ra Hà Nội làm thủ tục sang tên nhà. Do khi trước cần có nhà và hộ khẩu ở Thủ đô để con cái học hành thuận lợi, anh đã mua một căn nhà và nhờ anh Miên đứng tên. Nhiều năm sau, hai người mới làm các thủ tục để chủ nhân đích thực của căn nhà được đứng tên.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là người rất gắn bó với Báo CAND từ những ngày gian khó. Có lần ông kể lại chuyện thuở hàn vi đưa bạn gái đi chơi ở Bờ Hồ nhưng trước đó, ông buộc phải ghé trụ sở của Báo (thời ấy ở phố Hàng Bột, Đống Đa, Hà Nội) để “bí mật” vay tiền nhà báo Phạm Văn Miên. Vay được tiền, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đưa bạn gái ra Bờ Hồ uống nước sen dừa. “Cô gái nào thời đó mà được người yêu mời nước sen dừa thì hạnh phúc và hãnh diện vô cùng” - mới đây nhà thơ kể lại và thầm tự khen cho cái sự ga-lăng từ thuở gian nan của mình. Rồi cũng rất hóm hỉnh, Nguyễn Quang Thiều “lửng lơ con cá vàng”: “Cho đến bây giờ, tôi không nhớ đã trả Phạm Văn Miên món tiền ấy chưa. Nếu có đòi thì cũng chẳng có bằng chứng gì về việc tôi vay tiền ông ấy cả...”.

Thời gian như bóng câu qua cửa sổ. Báo CAND đã qua hơn 7 thập niên phát triển, lúc thăng, lúc trầm với bao "bãi bể, nương dâu" nhưng những ai đã, đang là thành viên của tờ báo đều có niềm tự hào. Có vui, có buồn, song ở đó, sự tử tế và tài hoa vẫn là điều chính yếu và chủ đạo. Và, những mảnh ghép lớn, những người thủ trưởng của tờ báo luôn giữ vai trò quyết định làm nên bản sắc ấy.

Hà Nội, thu 2018

Trần Duy Hiển
.
.