Chung sức giữ gìn an ninh trật tự

Thứ Hai, 14/05/2018, 08:17
Bằng nhiều mô hình tập hợp quần chúng, Công an các đơn vị, địa phương vùng ĐBSCL có đông đồng bào Khmer sinh sống đã xây dựng thế trận an ninh nhân dân (ANND) vững chắc, phát huy vai trò của người có uy tín trong phong trào “tự quản, tự phòng, tự bảo vệ”.

Tỉnh Sóc Trăng có trên 1,3 triệu người, trong đó có khoảng 401.747 người dân đồng bào Khmer - đông nhất cả nước. Những năm qua, tình hình an ninh chính trị (ANCT), trật tự an toàn xã hội (TTATXH) ở đây được giữ vững ổn định.

Huyện Châu Thành A (Hậu Giang) có 760 hộ Khmer, với 3.500 nhân khẩu, tập trung ở 7 ấp của 3 xã, thị trấn. Nhờ thực hiện nhiều mô hình và hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật mà kiến thức pháp luật của bà con nâng lên đáng kể, tình hình ANCT luôn ổn định. Tại các nơi này, đều thành lập Tổ tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trong đồng bào Khmer và vận động không vi phạm pháp luật. Tổ có sự tham gia của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể ấp.

Hoạt động của tổ là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật cho người dân tộc hiểu, thực hiện đúng theo pháp luật. Bên cạnh đó còn vận động bà con trong ấp giữ gìn ANTT, không vi phạm pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Tồn, Tổ trưởng Tổ tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trong đồng bào Khmer ấp Long An A, thị trấn Cái Tắc, cho biết: “Tổ sinh hoạt hàng tháng tại chùa. Ngoài tuyên truyền các chính sách, pháp luật cho bà con, chúng tôi còn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con, nhằm giải quyết kịp thời những phát sinh, không xảy ra khiếu kiện, đảm bảo ANTT địa phương”.

Ấp Long Trường là 1 trong 9 ấp của xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú (Trà Vinh), với 85% dân số là đồng bào Khmer. Người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề nông, đời sống còn nhiều khó khăn. Năm 2013, CLB “Tuyên truyền, giáo dục, cảm hóa đối tượng tại cơ sở tôn giáo” ở chùa Long Trường được thành lập. Trong đó, sư cả Thạch Sa Vane - Trụ trì chùa là chủ nhiệm.

Để việc tuyên truyền, cảm hóa đạt hiệu quả, công tác thông tin 2 chiều từ phía Ban chủ nhiệm CLB và Công an xã Tân Hiệp được thực hiện thường xuyên. Từ đó, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của từng đối tượng để động, viên, hỗ trợ kịp thời.

Đồng bào Khmer ở Bạc Liêu sinh sống ở một số xã thuộc địa bàn TP Bạc Liêu, huyện Hồng Dân, huyện Vĩnh Lợi, thị xã Giá Rai. Cụ thể, xã Vĩnh Trạch Đông (TP Bạc Liêu) là địa bàn ven biển với hơn 70% dân số là người Khmer, nơi đây giáp ranh với xã Vĩnh Trạch (TP. Bạc Liêu) và xã Lai Hòa (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) nên công tác đảm bảo ANTT còn không ít thách thức.

Đại tá Trần Ngọc Hạnh, Giám đốc Công an TP Cần Thơ, tặng quà đồng bào Khmer quận Ô Môn, nhân Tết cổ truyền Chôl-Chnam-Thmay năm 2017.

Thực hiện quy chế phối hợp với các đơn vị giáp ranh, Công an xã Vĩnh Trạch Đông thường xuyên họp thông báo tình hình, nắm bắt các loại đối tượng và luân phiên tuần tra canh gác địa bàn, kịp thời đấu tranh với các loại tội phạm.

Đặc biệt, Công an xã thành lập 4 tổ dòng tộc tự quản gồm họ Thạch, họ Sơn, họ Trần và họ Lâm với phạm vi bao phủ toàn xã. Ông Sơn Song, người được bầu làm Tổ trưởng Tổ dòng tộc tự quản họ Sơn đã 6 năm, đồng thời là Tổ trưởng Tổ bảo vệ chùa Xiêm Cán. Vào những dịp lễ hội của đồng bào Khmer, ông Song phối hợp với Công an bảo vệ tốt ANTT.

Ông Sơn Song cho biết: “Tổ dòng tộc tự quản là nơi sinh hoạt của đồng bào Khmer nhằm giáo dục mọi người sống và làm việc theo pháp luật. Đồng thời vận động mỗi người dân là tai mắt của Công an địa phương trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Năm 2017, bà con đã cung cấp trên 50 nguồn tin có giá trị, giúp Công an xử lý nhiều vụ việc liên quan đến ANTT trên địa bàn”…

TP Cần Thơ hiện có trên 5.000 gia đình đồng bào Khmer, sống đan xen ở các quận, huyện. Những năm qua, từ khi ký kết quy chế phối hợp giữa Công an và Hội đoàn kết sư sãi yêu nước Thành phố, tình hình ANCT và TTATXH trong đồng bào Khmer đảm bảo ổn định, chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực, đời sống được cải thiện, trình độ văn hóa ngày càng nâng cao.

Với phương châm “Đoàn kết, bình đẳng, hòa hợp, tốt đời, đẹp đạo”, các lực lượng phối hợp tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, văn bản về ANTT, thủ đoạn của bọn tội phạm đến các vị trụ trì, người có uy tín, Ban quản trị các chùa. Qua đó, vận động đồng bào dân tộc Khmer nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, mạnh dạn đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Theo Thiếu tướng Bùi Quang Hải, Cục trưởng Cục An ninh Tây Nam Bộ, thời gian qua các vị chức sắc Phật giáo Nam tông Khmer luôn đồng hành với Công an các đơn vị, địa phương trong công tác đảm bảo ANTT. Thông qua hành đạo, các vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức… đã giáo dục bà con Phật tử duy trì truyền thống văn hóa tốt đẹp; tuyên truyền bà con chấp hành pháp luật; tích cực tham gia lao động sản xuất, xây dựng đời sống ngày càng phát triển …

Chính những đóng góp đó, giúp cho tình hình ANTT trên địa bàn được đảm bảo.

Đức Văn
.
.