Chuyện ghi ở điểm truy vết COVID-19

Thứ Hai, 08/02/2021, 14:14
Công an huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) đã thành lập tổ truy vết COVID-19 để phát hiện, cách ly...; đồng thời phối hợp với các lực lượng khoanh vùng, dập dịch. Việc truy vết được tiến hành thần tốc, với mong muốn người dân có được một mùa xuân yên bình.

Ngày 1/2, sau khi 2 nữ nhân viên karaoke dương tính với SARS-CoV-2 cùng với lịch trình di chuyển khá phức tạp được công bố, Công an huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) đã thành lập tổ truy vết COVID-19 để phát hiện, cách ly...; đồng thời phối hợp với các lực lượng khoanh vùng, dập dịch. Việc truy vết được tiến hành thần tốc, với mong muốn người dân có được một mùa xuân yên bình.

Một ngày ở điểm truy vết COVID-19

“Cảm ơn quý khách đã gọi đến mạng điện thoại di động...”, Đại úy Nguyễn Hoàng Hà, Tổ trưởng tổ truy vết COVID-19 của Công an huyện Cẩm Giàng vẫn kiên trì bấm máy. Ở các bàn liền kề, các thành viên của tổ truy vết COVID-19 cũng tất bật làm nhiệm vụ, căn phòng hơn 40 m² chộn rộn bởi những âm thanh hỗn độn... 

Xen lẫn giữa những cuộc điện thoại là tiếng gõ máy tính lách cách, tất cả CBCS đều căng thẳng, tập trung làm nhiệm vụ... Nhiều đêm không ngủ, Đại úy Nguyễn Hoàng Hà và các thành viên của tổ truy vết đều thấm mệt nhưng ai cũng nỗ lực làm nhiệm vụ. Bởi mỗi người đều hiểu, việc truy vết càng tiến hành nhanh chóng bao nhiều thì khoanh vùng, dập dịch sớm bấy nhiêu.

Là một trinh sát hình sự, Đại úy Nguyễn Hoàng Hà hiểu được quy luật sinh hoạt  của các cô gái làm nhân viên quán karaoke, họ thức đêm, ngủ ngày, nhưng việc truy vết thì không thể chờ đợi và chậm trễ... 

Cuộc gọi thứ 10, một giọng ngái ngủ cất lên đầy khó chịu rồi sau đó là tiếng tắt rụp, lúc đó khoảng 10h. Sau khi 2 nữ nhân viên karaoke được xác định dương tính với SARS-CoV-2, hai nhân viên nữ là L và H tiếp xúc gần được xác định là F1 được đưa vào khu cách ly. L có điện thoại, còn H thì không. 

Để chủ động rà soát, trong quá trình này, Đại úy Nguyễn Hoàng Hà và các thành viên của tổ truy vết COVID-19, Công an huyện Cẩm Giàng thường xuyên liên lạc với L và H. Thế nhưng, nhiều khi L nhấc máy, thoái thác, trong khi công tác truy vết thì không thể chậm trễ... 

Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu, Đại úy Nguyễn Hoàng Hà và đồng đội tiếp tục liên lạc với người quản lý của các nhân viên karaoke, lúc này cũng đang ở trong khu vực cách ly. Lịch trình di chuyển phức tạp của các nữ nhân viên cùng quãng thời gian dài khiến người quản lý cũng không thể nhớ hết đã đưa các nhân viên đi đâu, làm gì, gặp những ai và vào giờ nào... Một lần nữa, kết quả không như mong đợi. 

Không nản lòng, họ tiếp tục liên lạc với chủ quán karaoke nơi các nhân viên từng đến. Anh và các thành viên vui mừng khi thông tin được chủ cửa hàng karaoke cung cấp khá đầy đủ, sau khi họ được giải thích, phân tích về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh cũng như các quy định của pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã đồng ý hợp tác, cung cấp thông tin. Ngay sau khi có những dữ liệu trên, Đại úy Nguyễn Hoàng Hà lại cùng các thành viên của tổ truy vết COVID-19 tỉ mỉ so sánh, đối chiếu lại thông tin để kịp thời báo cáo.

“Nếu không nhanh chóng truy vết thì mức độ lây lan các ca sẽ rất khó được ngăn chặn... Vì thế, không chỉ rà soát các trường hợp F1, chúng tôi còn chủ động truy vết các trường hợp được xác định dương tính lần 1”, Trưởng Công an huyện Cẩm Giàng nói với chúng tôi. Trong những ngày này, sự gần gũi, động viên của Ban Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương, Trưởng Công an huyện Cẩm Giàng là động lực để CBCS đơn vị hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Các cuộc điện thoại liên tục kéo dài không ngừng... Đến khoảng 19h, các số liệu đã được tổ trưởng tổ truy vết 19 của Công an huyện Cẩm Giàng tập hợp, báo cáo. Cùng thời điểm tổ truy vết COVID-19 tại Công an huyện Cẩm Giàng làm nhiệm vụ thì một tổ truy vết khác ở địa bàn cũng đang cần mẫn làm nhiệm vụ. 

Để việc truy tìm trong thời gian ngắn nhất, đồng thời đảm bảo yêu cầu cách ly, một tổ truy vết khác cũng có mặt tại thực địa. Nơi làm việc của anh em là căn nhà mượn tạm của một công ty, không có những điều kiện tối thiểu nhất để làm nhiệm vụ nhưng khi đã vào việc theo sự chỉ đạo của lãnh đạo đơn vị thì ai cũng tận tâm. Cho đến bây giờ, các chiến sĩ không nhớ được bao nhiêu ngày không về nhà. 

Trước đó là cao điểm bảo vệ Tết Nguyên đán Tân Sửu và bảo vệ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII... Khi dịch bùng phát, họ lại lao mình vào nhiệm vụ mới, chạy đua với thời gian, làm thông trưa, nhiều đêm thức trắng. Cán bộ của đơn vị đều trẻ nên đa phần các con còn quá nhỏ, tất cả đều nhờ đến sự tần tảo của vợ và những người thân trong gia đình.

Ngày làm việc của tổ truy vết COVID-19, Công an huyện Cẩm Giàng.

Quyết tâm chống dịch

Cẩm Giàng là một trong 2 địa bàn của tỉnh Hải Dương tiến hành phong tỏa, cách ly y tế. Là địa bàn nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Hải Dương, phía Bắc giáp huyện Lương Tài (Bắc Ninh); phía Đông giáp huyện Nam Sách và thành phố Hải Dương; phía Nam giáp huyện Bình Giang, Gia Lộc; phía Tây giáp huyện Mỹ Hào (Hưng Yên), với diện tích tự nhiên khoảng 110,4km²; huyện có 17 xã, thị trấn với khoảng 156.000 dân và số người tạm trú, làm việc trên địa bàn khoảng 6.500 người; số người thường xuyên làm việc nhưng không sinh sống tại địa bàn 56.000 người. Trên địa bàn có 5 khu công nghiệp và 2 cụm công nghiệp... 

Hệ thống giao thông trên địa bàn bao gồm  đường bộ với 2 tuyến quốc lộ chạy qua là quốc lộ 5A (chiều dài đoạn đi qua huyện là 12,5km, đi qua 4 xã, thị trấn); quốc lộ 38 (chiều dài đoạn đi qua huyện là 8,95km, đi qua 3 xã). Ngoài ra còn có các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường giao thông nông thôn. 

Cùng với đó là 116 lối mở tiếp giáp với QL5, QL38; 23 lối mở tiếp giáp với tỉnh ngoài, huyện ngoài. Trên địa bàn huyện còn có 2 ga đường sắt thuộc tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng, có 4 bến đò ngang...

Ngày 27/1, Hải Dương phát hiện ca nhiễm đầu tiên... thì đến ngày 1/2, Cẩm Giàng phát hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên. Ngay sau đó, Trưởng Công an huyện Cẩm Giàng đã thành lập 4 tổ truy vết COVID-19 với 30 CBCS do 1 đồng chí Phó trưởng Công an huyện trực tiếp chỉ đạo; đồng thời, thành lập 2 địa điểm tiếp nhận, xử lý thông tin đảm bảo công tác phòng chống dịch trong Công an huyện. 7h; 11h; 21h, định kỳ các tổ báo cáo, tập hợp số liệu vào các mốc thời gian 0 hàng ngày đến đồng chí Trưởng Công an huyện. 

Công tác phòng chống dịch có sự tham gia vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương; lãnh đạo Đảng uỷ, UBND huyện, lãnh đạo Công an tỉnh Hải Dương thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác phòng chống dịch với phương châm “Chống dịch như chống giặc”, “Thần tốc truy vết”; thường xuyên động viên, khen thưởng kịp thời lực lượng tham gia vào công tác phòng, chống dịch; tăng cường, bổ sung lực lượng từ Công an huyện trong việc lập chốt, thực hiện quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về việc các ly,  phong toả huyện Cẩm Giàng.

Từ các F1 đã được xác định, các tổ truy vết phải xác định, truy vết ngay đến số lượng các F2, F3 liên quan. Việc khai thác thông tin cũng không dễ dàng. Một số trường hợp bệnh nhân COVID-19 khai báo không đầy đủ về lịch trình đi lại, tiếp xúc của bản thân, việc này có thể do thời gian dài nên bệnh nhân không nhớ hết được chi tiết đi lại, tiếp xúc, hoặc có thể do nhận thức của người bệnh chủ quan cho rằng thông tin đó không quan trọng nên không cung cấp hoặc do tâm lý e ngại, xấu hổ, trốn tránh. 

Mặt khác sau khi được xác định là F1, những người này đã bị cách ly, một số người không có điện thoại, không sử dụng điện thoại hoặc vì nhiều lý do nên trong quá trình cách ly, điều trị không nghe điện thoại, không giữ liên lạc với Cơ quan Công an. 

Nhiều nội dung người bệnh khai thiếu thông tin, không chính xác như nhớ nhầm ngày, giờ, người liên quan, địa điểm nên mất rất nhiều thời gian trong việc rà soát, xác minh. Vì vậy, các tổ truy vết phải kết hợp nhiều biện pháp như khai thác thông tin từ bạn bè, những người cùng làm việc, sổ sách ghi chép của những người liên quan, thông báo trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội để truy tìm thông tin.

Xuân Mai
.
.