Hội thảo Đề án Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù

Thứ Ba, 17/10/2017, 16:29
Chiều 17-10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo xây dựng đề án Bộ Công an tổ chức Hội thảo Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù; người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp hành chính, người mới ra tù tái hoà nhập cộng đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật lang thang cơ nhỡ giai đoạn 2017-2012”.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an là Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng đề án này. Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp là Uỷ viên Thường trực Ban chỉ đạo xây dựng đề án chủ trì hội thảo.

Tới dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam…và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Công an.

Phát biểu tại hội thảo, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh cho biết, trong Quyết định 705/QĐ-TTg ngày 25-5-2017, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì phối hợp với, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án này. Quá trình triển khai xây dựng đề án, với vai trò là cơ quan chủ trì, Bộ Công an chủ động phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức tổng kết công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho các nhóm đối tượng của đề án từ năm 2013 đến nay.

Đồng thời tổ chức khảo sát thực tế công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại Trại giam Ninh Khánh, Trường Giáo dưỡng số 2 để nắm được nhu cầu tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật của từng nhóm đối tượng và nghiên cứu xây dựng dự thảo đề án, gửi xin ý kiến Ban Chỉ đạo xây dựng đề án, Tổ Thư ký xây dựng đề án và các cơ quan, đơn vị có liên quan. Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Tổ Thư ký xây dựng đề án đã nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý, cơ bản hoàn thiện nội dung dự thảo đề án.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Tuy nhiên do đề án có phạm vi điều chỉnh, đối tượng tác động rất rộng, nội dung liên quan đến nhiều đạo luật, trách nhiệm thực hiện liên quan đến nhiều Bộ, ngành và UBND các cấp nên nội dung dự thảo đề án vẫn còn một số vấn đề cần trao đổi và thống nhất như: Đối tượng được phổ biến, giáo dục của đề án; nội dung cụ thể về cơ chế, chính sách cần được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới để triển khai thực hiện đề án hiệu quả; việc xây dựng, lựa chọn, nhân rộng mô hình điểm, xác định nội dụng trọng tâm, trọng điểm về phổ biến, giáo dục pháp luật cho từng nhóm đối tượng của đề án để tập trung nguồn lực để thực hiện; quy định cơ chế đảm bảo về kinh phí, trang thiết bị, phương tiện thực hiện đề án; định hướng phân công nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong tổ chức thực hiện đề án mang lại hiệu quả thiết thực trong quá trình triển khai thực hiện sau này nên Ban Chỉ đạo xây dựng đề án đề nghị các đại biểu tham dự hội thảo tích cực tham gia góp ý, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thiện đề án đúng tiến độ, trình Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến.    

Sau phát biểu của đại diện Bộ Công an, các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý vào đề án.

Nguyễn Hưng
.
.