Nghiên cứu tình hình tội phạm theo vùng miền nhằm có giải pháp đấu tranh hiệu quả

Thứ Sáu, 25/03/2016, 17:40
Ngày 25-3, tại Bình Dương, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện kế hoạch phối hợp tấn công trấn áp tội phạm đảm bảo ANTT bảo vệ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, làm chuyển hóa tình hình khu vực giáp ranh TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai. Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát chủ trì Hội nghị.

Trong đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, các cục nghiệp vụ thuộc Tổng cục Cảnh sát và Công an TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai đã kéo giảm số vụ phạm pháp hình sự so với thời gian liền kề. Cụ thể, xảy ra 1205 vụ, giảm 448 vụ (trong đó, TP.Hồ Chí Minh xảy ra 795 vụ, giảm 355 vụ; Bình Dương 177 vụ, giảm 45 vụ; Đồng Nai 235 vụ, giảm 48 vụ). 

Tội phạm khu vực này có xu hướng chuyển dịch theo vùng miền (các đối tượng phía Bắc, miền Trung có xu hướng vào phía Nam, nhất là vùng giáp ranh để gây án). Tội phạm hoạt động lưu động có tổ chức, xu hướng chuyển hóa, đan xen giữa các loại tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường và có sự thỏa hiệp với nhau về địa bàn hoạt động và lợi ích trên các lĩnh vực kinh doanh như, nhà hàng, khách sạn, bar, quán cà phê…

Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Thiếu tướng Phan Anh Minh tham luận tại hội nghị.

Đáng lưu ý, tội phạm giết người tiếp tục diễn biến phức tạp về tính chất, hành vi, đối tượng gây án, xu hướng sử dụng bạo lực, gây án dã man. Tình hình người thân trong gia đình do mâu thuẫn giết hại lẫn nhau, đa số tội phạm nảy sinh do mâu thuẫn từ trước. Tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội chưa được kiềm chế, đối tượng phạm tội xuất phát từ những mâu thuẫn trong cuộc sống, sinh hoạt, làm ăn, sử dụng rượu, bia và chất kích thích. Tội phạm có yếu tố nước ngoài vẫn xảy ra.

Mới đây, Công an quận 1 đã phát hiện, bắt giữ một đối tượng người Malaysia sử dụng thẻ giả để rút tiền; qua truy xét vụ vận chuyển một vật kim loại có dạng súng rulo và một số công cụ do Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất chuyển giao, Công an quận Bình Tân đã phát hiện và lập hồ sơ xử lý 7 đối tượng về hành vi tàng trữ, mua bán trái phép công cụ hỗ trợ qua mạng.

Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP.Hồ Chí Minh, cho biết: Chúng tôi đã tốn rất nhiều công sức và nghiệp vụ để phát hiện các băng nhóm hoạt động tội phạm có tổ chức, sử dụng vũ khí nóng. Đặc biệt, kịp thời ngăn chặn chúng gây ra hậu quả. Phòng Cảnh sát ma túy Công an TP.Hồ Chí Minh vừa chặn đứng âm mưu hai băng nhóm buôn bán ma túy thanh toán nhau, thu giữ được 4 khẩu súng. Một nhóm đã móc nối với nhà mạng để định vị được vị trí đối thủ. Khi chúng đang tập trung hàng nóng, dao kiếm, mã tấu, súng ở một quán cà phê thì bị lực lượng Công an bất ngờ bủa vây, bắt giữ cùng tang vật. Thách thức lâu dài về tình hình an ninh trật tự phía Nam là hiện tượng các đối tượng phía Bắc vào Nam hành nghề cho vay nặng lãi. Tất cả đều tàng trữ vũ khí nóng hay vũ khí thô sơ dùng để cưỡng đoạt tài sản.

Nói về mô hình “Hiệp sỹ”, Thiếu tướng Phan Anh Minh trăn trở, “TP.Hồ Chí Minh cũng muốn triển khai mô hình “Hiệp sỹ” như Bình Dương. Tuy nhiên, cần phải có các hướng dẫn cụ thể để quản lý mô hình này. Họ bắt cướp là vì lòng tốt, tinh thần nghĩa hiệp nhưng đôi khi lại vượt quá giới hạn pháp luật cho phép hoặc có kẻ xấu lợi dụng để mưu cầu lợi ích cho bản thân”.

Tại Hội nghị, Công an tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và một số cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an cũng kiến nghị, Công an các tỉnh thành cần trao đổi thông tin nhanh chóng về tội phạm để kịp thời, phối hợp nhằm đạt hiệu quả cao trong quá trình phá án. Đồng thời, tổ chức tốt công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát tại các địa bàn trọng điểm. Đẩy mạnh các biện pháp quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội, nhất là quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; quản lý kiểm tra nhân khẩu, hộ khẩu, các tiệm cầm đồ…

Toàn cảnh hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng, đề nghị: Các đơn vị cần tập trung tấn công tội phạm mạnh mẽ, kịp thời giải quyết có hiệu quả những vấn đề phức tạp nổi lên ở từng địa phương. Chú ý nghiên cứu tình hình tội phạm theo từng vùng miền để có biện pháp, kế hoạch hiệu quả nhằm chia cắt tội phạm, tránh dàn trải để có giải pháp chỉ đạo đấu tranh phù hợp.

Cụ thể, tập trung chỉ đạo đấu tranh với tội phạm hình sự nguy hiểm, hoạt động có tổ chức, băng nhóm theo kiểu “xã hội đen”, tội phạm là người nước ngoài, giết người do nguyên nhân xã hội, hiếp dâm, cướp, cướp giật tài sản của người nước ngoài tại vùng giáp ranh; đấu tranh với tội phạm trộm tiệm vàng, két sắt, đột nhập công sở, biệt thự ven đường.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh đấu tranh với tội phạm ma túy, kinh tế, tham nhũng, buôn lậu; tội phạm và vi phạm về môi trường (phá rừng, vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý nước thải, buôn bán hóa chất độc hại). Tiếp tục quản lý chặt chẽ số đối tượng nghiện ma túy, lập hồ sơ đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc, quản lý tại nơi cư trú để kéo giảm tội phạm hình sự. Đặc biệt, chú ý đến công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo tội phạm nhanh chóng để người dân ủng hộ, an tâm. Qua đó, họ mới góp mình tích cực cùng lực lượng Công an đảm bảo ANTT…

C.Bình
.
.