Quảng Ninh kiểm soát chặt chẽ toàn bộ tuyến biên giới

Thứ Tư, 28/04/2021, 16:22
Trước nguy cơ lây lan rất cao của dịch COVID-19, đặc biệt là tại những địa phương có đường biên giới với các nước mà dịch đang bùng phát, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đang kiểm soát chặt chẽ toàn tuyến biên giới trên bộ, trên biển. Đồng thời, siết chặt việc quản lý xuất nhập cảnh, cư trú, tạm trú, tạm vắng, các chuyến bay đi, đến từ các tỉnh phía Nam, khách du lịch từ phía Nam ra Quảng Ninh và ngược lại…


Ngay cả khi dịch COVID-19 trong nước tạm lắng xuống, các lực lượng chức năng dọc tuyến biên giới của tỉnh Quảng Ninh vẫn tăng cường các biện pháp nhằm quản lý chặt chẽ; ngăn chặn mọi hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép, vận chuyển hàng hóa qua các đường mòn, lối mở; duy trì một số chốt chặn kiểm soát dịch, sẵn sàng kích hoạt trở lại ngay khi có yêu cầu. Đáng chú ý, Công an TP Móng Cái duy trì các chốt chặn, đặc biệt tại các đường biên và kiểm soát tại các điểm cách ly trên địa bàn.

Công an huyện Hải Hà tuyên truyền, vận động người dân chấp hành quy định của pháp luật về việc xuất, nhập cảnh.

Còn tại huyện Hải Hà, với hơn 10 km đường biển và nhiều đường mòn, lối mở, các đối tượng triệt để lợi dụng đêm tối, đường hiểm trở để tìm cách xuất, nhập cảnh trái phép với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Thượng tá Nguyễn Hảo Hà, Trưởng Công an huyện Hải Hà, cho biết đã chỉ đạo Công an xã vùng biên như Quảng Đức phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, nhất là Đồn Biên phòng Quảng Đức và chính quyền địa phương, tuyên truyền, vận động người dân vùng biên giới không tổ chức đưa dẫn người nhập cảnh trái pháp luật.

Để đảm bảo công tác quản lý nhà nước về xuất, nhập cảnh, ngăn ngừa lây lan bệnh dịch, Công an tỉnh Quảng Ninh thông báo đến người dân cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo đưa người xuất cảnh trái phép qua biên giới. Trong đó đáng chú là các đối tượng lừa đảo là thông qua các trang quảng cáo trên trang mạng xã hội Facebook, Tik Tok để dụ dỗ, lôi kéo người có nhu cầu, sau đó sử dụng mạng Wechat, Zalo, Mesenger để liên lạc, trao đổi thông tin, hứa hẹn sang được Trung Quốc mới thu tiền. Chủ sử dụng lao động sẽ hỗ trợ từ 1/3 đến 1/2 phí đi đường. Với thủ đoạn đó, các đối tượng chiếm đoạt số tiền từ 5000 đến 8.500 nhân dân tệ Trung Quốc, tương đương khoảng 17 đến 28 triệu đồng Việt Nam của những người dân nhẹ dạ cả tin nghe theo.

Vụ việc xảy ra gần đây nhất là trường hợp anh  Đặng Văn C., SN 1997, quê ở tỉnh Thái Bình cho biết có lên mạng xã hội Facebook để tìm người giúp mình sang Trung Quốc làm thuê. Anh C. đã liên hệ với một địa chỉ tên là “Tuyển công nhân Đài – Trung” thấy quảng cáo tuyển người đi làm việc với chi phí từ 6.500 – 7500 nhân dân tệ/người và sẽ có thu nhập từ 15 triệu đến 17 triệu đồng Việt Nam đã trừ các chi phí sinh hoạt. Sau đó anh C. liên hệ và đi ra Móng Cái nộp số tiền 7500 nhân dân tệ. Tuy nhiên, khi vừa đặt chân xuống biên giới phía Trung Quốc thì anh C. bị Công an Trung Quốc bắt giữ. Còn người đàn ông thu tiền đưa dẫn anh C. đã chạy thoát.

Lực lượng chức năng kịp thời phát hiện bắt giữ nhiều đối tượng  đưa người xuất, nhập cảnh trái phép.

Theo thống kê của Công an tỉnh Quảng Ninh, từ đầu năm 2021 đến nay, lực lượng chức năng Trung Quốc đã bắt giữ, đẩy trở lại qua biên giới hoặc đề nghị trao trả, tiếp nhận qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái 665 công dân Việt Nam nhập cảnh trái phép, vi phạm pháp luật Trung Quốc.

Theo đó, Công an tỉnh Quảng Ninh khuyến cáo, người dân nên hết sức cảnh giác với các thủ đoạn của đối tượng đưa dẫn người xuất cảnh trái phép, vừa  “tiền mất tật mang”, đồng thời chính bản thân cũng vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hình sự hoặc xử lý vi phạm hành chính. Nếu có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài, người dân hãy nên thông qua các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân được nhà nước cho phép tổ chức xuất khẩu lao động để đi lao động hợp pháp, được bảo hộ quyền công dân khi ở nước ngoài , không bị cưỡng bức lao động hoặc chiếm đoạt tiền công như những trường hợp xuất cảnh lao động trái phép.

V. Huy
.
.