Đảm bảo ANTT trên vùng đất công nghiệp Bình Dương

Bài 2: Những mô hình Phòng, chống tội phạm hiệu quả

Thứ Bảy, 20/01/2024, 07:37

Để đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) trong doanh nghiệp, trong các khu nhà trọ công nhân, Bình Dương đã xây dựng nhiều mô hình hay, hiệu quả góp phần phòng ngừa tội phạm và ngăn chặn các cuộc đình công, lãn công, tranh chấp lao động tập thể, mâu thuẫn giữa công nhân (CN) với CN và người bên ngoài…

Doanh nghiệp ổn định vì có Đội công nhân xung kích

Đình công, lãn công, mất cắp tài sản, đánh nhau…là những nỗi lo thường trực của các doanh nghiệp khi đi vào hoạt động. Những năm đầu thế kỷ 21, khi Bình Dương chỉ có một vài khu công nghiệp, việc tuyển dụng lao động khá khắt khe, có nơi đòi hỏi lý lịch phải “sạch”, trình độ văn hóa phải tốt nghiệp THPT. Đến khoảng năm 2010, khi các khu công nghiệp lần lượt mọc lên, do thiếu hụt nguồn lao động nên có nhiều công ty còn nhận cả người không biết chữ. Họ vốn là những nông dân chân lấm tay bùn, chưa có ý thức, tác phong công nghiệp bỗng chốc trở thành CN nên những thói quen xấu vẫn chưa thể thay đổi.

Vốn quen với việc đồng áng, đánh bắt cá tôm… không ràng buộc thời gian, không người quản lý nên khi làm việc tại công ty họ thường xuyên đi trễ, về sớm và chểnh mảng với công việc. Khi bị cấp trên nhắc nhở thì lập tức xảy ra mâu thuẫn, đánh nhau, thậm chí là gây án mạng.

Bài 2: Những mô hình Phòng, chống tội phạm hiệu quả -0
Đội công nhân xung kích tại một doanh nghiệp trên địa bàn Bình Dương.

Một bộ phận CN khác vốn là những đứa trẻ hư, thích thể hiện nên tính khí khá ngang tàng, chỉ giải quyết mâu thuẫn bằng nắm đấm. Ngoài giờ làm việc thì họ nhậu nhẹt thâu đêm, đánh nhau như cơm bữa. Số khác thì tham gia đua xe, đánh bạc, đá gà và cả buôn ma túy. Theo các doanh nghiệp và chính quyền địa phương ở Bình Dương thì số CN thuộc dạng này phần lớn đến từ các tỉnh khác. Thế cho nên có những công ty, doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động đều ghi rõ không nhận người có hộ khẩu ở tỉnh nọ, tỉnh kia là xuất phát từ thực tế nói trên.

Đặc biệt hơn, vốn thiếu hiểu biết pháp luật, trình độ văn hóa thấp nên không ít CN rất dễ nghe theo lời xúi giục, lôi kéo của kẻ xấu. Vụ gây rối trật tự với quy mô lớn xảy ra tại Bình Dương và các tỉnh phía Nam vào năm 2014 là một điển hình. Phần lớn đối tượng gây rối là CN đã bị các thế lực thù địch mua chuộc bằng tiền để tham gia gây rối, hủy hoại tài sản gây bất an cho xã hội trong suốt thời gian dài. Nguyên nhân chính được xác định là do thời điểm đó, công tác nắm bắt tình hình ở cơ sở còn yếu và thiếu nên dẫn đến thực trạng này. Vì nếu kịp thời phát hiện vận động, phân tích sai trái; thậm chí gọi hỏi, răn đe, giáo dục… để công nhân, người dân nhận ra thủ đoạn của kẻ xấu thì vụ việc đã không xảy ra…

“Sau sự việc này, với yêu cầu cấp thiết cần có lực lượng tại chỗ để thông tin thường xuyên về tình hình ANTT với lực lượng Công an và tự bảo vệ tài sản khi có sự việc đột xuất xảy ra, Ban Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương đã tham mưu UBND tỉnh lên ý tưởng thành lập Đội công nhân xung kích tự quản ANTT trong doanh nghiệp (gọi tắc là Đội CNXK). Ý tưởng này nhận được sự ủng hộ rất cao từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh và đặc biệt là các doanh nghiệp, công ty”- ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương cho biết.

Vào thời điểm đó, ông Nguyễn Hoàng Thao là Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương và ông rất tâm huyết với mô hình này. Vì vậy, khi là Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương ông đã chỉ đạo nhân rộng mô hình, xây dựng thí điểm ở nhiều địa phương để rồi sau đó, năm 2018 mô hình chính thức được thành lập. Đến này toàn tỉnh Bình Dương đã thành lập 1.021 Đội CNXK trong và ngoài KCN với hơn 19.000 thành viên tham gia.

Từ đó đến nay các Đội CNXK trên địa bàn toàn tỉnh Bình Dương đã kịp thời cung cấp cho lực lượng Công an 3.239 tin có liên quan về ANTT; giải quyết hơn 1.182 vụ việc các loại; phối hợp tham gia chữa cháy trên 57 vụ cháy nhỏ; triển khai các biện pháp phòng ngừa không để xảy ra đình công tại 210 doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp. Để hỗ trợ về chuyên môn, cơ quan Công an các cấp đã phối hợp cùng các ban ngành, địa phương và doanh nghiệp tổ chức 316 đợt tập huấn trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng cho 13.489 thành viên của Đội CNXK. Nhờ cách làm này mà đến nay đã có hàng trăm, hàng ngàn vụ mâu thuẫn trong công nhân và giữa công nhân với người bên ngoài được kịp thời ngăn chặn, hòa giải.

Tại TP Dĩ An, địa phương có hơn 5.000 doanh nghiệp với gần 230 ngàn lao động đã thành lập hơn 200 Đội CNXK với hơn 2.500 thành viên tham gia. Với phương châm “tự phòng, tự quản, tự bảo vệ và tự hòa giải”, trong 5 năm qua, các Đội CNXK đã báo cho lực lượng Công an 487 tin liên quan đến ANTT, phối hợp với Công an, doanh nghiệp ổn định tình hình 18 vụ đình công, lãn công, tranh chấp lao động tập thể; hòa giải, ngăn chặn hàng trăm vụ mâu thuẫn giữa CN với CN và người bên ngoài; vấn nạn trộm cắp trong các doanh nghiệp giảm rõ rệt. Tại thị xã Bến Cát, 167 Đội CNXK đã tham gia ngăn chặn hòa giải 176 vụ mâu thuẫn, tham gia ổn định tình hình 69 vụ đình công, lãn công; tham gia chữa cháy 30 vụ lớn, nhỏ; cung cấp 240 tin tố giác tội phạm, tệ nạn giúp Công an làm rõ, xử lý 62 vụ đánh bạc, 31 vụ trộm cắp, 56 vụ đánh nhau…

Công ty Polytex Far Eastern VN, 100% vốn nước ngoài tọa lạc tại khu công nghiệp Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng) có diện tích đến 224ha, số lượng CN khoảng 2.600 người. Tổng chiều dài tường rào của công ty hơn 4km. Bên ngoài tường rào tiếp giáp với các rừng cây rộng lớn, hoang vắng nên bị nhiều kẻ trộm lấy cắp tài sản rồi tuồn ra hàng rào. Ngoài ra, tại một số khu vực tường rào có nhiều cây cỏ dại chết khô vào mùa nắng nên rất dễ xảy ra hỏa hoạn. Thế nhưng, từ năm 2019, khi Công ty thành lập Đội CNXK với 31 thành viên thì tình hình ANTT, cháy nổ đã giảm rõ rệt và hiện tại rất ổn định. Tương tự là Công ty TNHH Tessellation ở khu công nghiệp Vsip I, 24 thành viên Đội CNXK không những đảm bảo tình hình cháy nổ, mất cắp tài sản, hòa giải mâu thuẫn…mà còn ngăn chặn nhiều trường hợp các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” đe dọa, hành hung, quấy rối CN…

Từ hiệu quả của Đội CNXK mà tháng 7/2023, Bộ Công an chọn mô hình này để nhân rộng ra toàn quốc.

Phương châm “4 tại chỗ”

Bên trong doanh nghiệp có Đội CNXK, còn ở ngoài doanh nghiệp, tại các khu nhà trọ, Bình Dương có rất nhiều mô hình đảm bảo ANTT hiệu quả mà phần lớn là để bảo vệ CN, doanh nghiệp.

“Do người lao động đến từ nhiều vùng, miền có phong tục, tập quán khác nhau nên dễ nảy sinh mâu thuẫn trong các mối quan hệ xã hội…Tội phạm cũng lợi dụng địa bàn có đông người nhập cư, khu vực giáp ranh để ẩn nấp, hoạt động”- Thượng tá Hà Tấn Phú, Trưởng Công an TP Tân Uyên (Bình Dương) cho biết.

Thế nên, bên cạnh mô hình Đội CNXK, TP Tân Uyên còn xây dựng mô hình “Xây dựng lực lượng nòng cốt của các ngành, đoàn thể tại cơ sở” với hàng ngàn thành viên đoàn viên, hội viên nòng cốt trên 12 xã, phường. Đây là lực lượng cốt cán trong các lực lượng đoàn thể quần chúng tại cơ sở, vừa có chức năng là kênh tuyên truyền viên tại địa phương, nắm tình hình dư luận nhân dân, CN; khi có tình huống sẵn sàng huy động theo phương châm “4 tại chỗ” để tham gia cùng lực lượng chức năng giải quyết các điểm “nóng” phát sinh.

Ở các địa phương khác, mô hình phổ biến được áp dụng là Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm có quy chế hoạt động hẳn hoi và chịu sự quản lý toàn diện của Đảng ủy, UBND cấp xã. Mỗi câu lạc bộ chia thành 2 bộ phận là Đội xung kích phòng chống tội phạm và Đội tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Đội xung kích chỉ được bắt tội phạm quả tang và truy nã; còn các đối tượng có nghi vấn phạm tội thì cấp báo ngay đến cơ quan Công an để phối hợp xử lý. Bên cạnh đó là các mô hình Tổ hòa giải cơ sở; Tổ Nhân dân tự quản; Câu lạc bộ nhà trọ tự quản về ANTT; Tổ liên gia an toàn PCCC và phòng chống tội phạm; Khu dân cư an toàn về ANTT và PCCC; Tổ công nhân vệ sinh môi trường tham gia giữ gìn an ninh, trật tự…

Nhờ xây dựng “hệ thống phòng thủ” vững chắc với “tai mắt” khắp nơi bao vây tội phạm nên đã góp phần rất lớn giúp Công an Bình Dương đấu tranh trấn áp, phòng ngừa các loại tội phạm, bảo vệ bình yên cho người dân, CN và doanh nghiệp. Với thành tích đạt được, năm 2023, Công an Bình Dương nhận được Cờ thi đua của Bộ Công an.

Mã Hải
.
.