Đảm bảo tốt an ninh công nhân ở Bình Dương

Thứ Tư, 16/02/2022, 09:15

Bình Dương có đến 41 khu, cụm công nghiệp thu hút 1,2 triệu lao động, trong đó có 53% là lao động nhập cư và hàng chục ngàn người nước ngoài đến làm việc và cư trú nên đây là một trong những địa bàn mà các thế lực thù địch thường lợi dụng trà trộn vào công nhân để kích động, lôi kéo biểu tình, bạo loạn, gây rối trật tự công cộng…

Thực thi chỉ đạo của Thứ trưởng Lê Quốc Hùng, Công an Bình Dương tiếp tục đề ra nhiều giải pháp quyết liệt để đảm bảo an ninh công nhân trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.

Điển hình của thực trạng mất an ninh trật tự trong công nhân là hàng loạt vụ gây rối trật tự công cộng, đập phá tài sản doanh nghiệp liên quan đến giàn khoan HD 981 vào năm 2014 xảy ra tại Bình Dương và nhiều tỉnh, thành phía Nam. Các đối tượng tham gia phần đông là công nhân, người dân bị dụ dỗ, lôi kéo bởi các thế lực thù địch, phản động.

Nguyên nhân để xảy ra tình trạng này cũng được xác định là do vào thời điểm đó công tác nắm bắt tình hình ở cơ sở còn yếu và thiếu. Vì nếu kịp thời phát hiện từ khi mới manh nha để vận động, phân tích sai trái; thậm chí gọi hỏi, răn đe, giáo dục… thì công nhân, người dân đã nhận ra thủ đoạn của kẻ xấu và không làm theo.

Tuy nhiên, cũng qua vụ việc này, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương nói chung và Công an tỉnh Bình Dương nói riêng đã rút ra nhiều bài học sâu sắc để từ đó đề ra nhiều giải pháp đảm bảo an ninh công nhân, an ninh trong khu công nghiệp. Nhờ vậy mà từ đó đến nay, đặt biệt là trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 này công tác an ninh công nhân đã được đảm bảo khá tốt.

an ninh cn1.jpg -0
Cán bộ Công an tuyên truyền về pháp luật cho công nhân ở Bình Dương.

Vào thời điểm căng thẳng nhất của dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4, khi có một số ca F0 là công nhân bị tử vong, hầu hết các công nhân đều hoang mang, lo lắng, bức xúc muốn ngừng việc và rời khỏi công ty ngay. Đã có 16 vụ với hơn 4.000 công nhân ngưng việc tập thể hoặc tạo áp lực để được ra về, trong đó có 7 vụ công nhân bất hợp tác, phản ứng quyết liệt thậm chí xô đổ hàng rào công ty, khu cách ly để bỏ về.

Cùng lúc đó, các thế lực thù địch, phản động, đối tượng xấu lợi dụng tình hình đăng tải hàng chục ngàn lượt thông tin sai lệch, nói xấu chính quyền, doanh nghiệp trên mạng xã hội để kích động công nhân biểu tình, bạo động. Tuy nhiên, do đã chủ động phòng ngừa từ trước nên Công an tỉnh Bình Dương đã triển khai nhiều phương án hóa giải tình hình, ổn định trật tự.

Khi giãn cách xã hội được nới lỏng, trong lúc Thủ tướng Chính phủ kêu gọi mọi người dân “ai ở đâu ở yên đó” để bảo vệ thành quả đã đạt được thì thành phần xấu tiếp tục kêu gọi công nhân, người dân tự phát về quê. Chỉ trong 10 ngày đầu của tháng 10/2021 đã có hơn 140 ngàn công nhân, người dân đi xe gắn máy thành đoàn để về quê tự phát. Hàng chục đối tượng quá khích la hét, đập phá chốt kiểm soát, ném đá vào lực lượng chức năng để “thông chốt”. Tuy nhiên, với sự khôn khéo, mềm mỏng mà cương quyết, lực lượng Công an đã vận động, kêu gọi công nhân, người dân trở lại nơi tạm trú một cách an toàn và tiến hành đăng ký để được về quê một cách chính thức nhằm tránh lây lan dịch bệnh.   

Việc kịp thời ổn định tình hình an ninh trong công nhân như kể trên là nhờ Bình Dương thực hiện tốt mô hình “xây dựng lực lượng nòng cốt của các ngành, đoàn thể tại cơ sở” do Công an tham mưu thành lập. Đây là lực lượng cốt cán trong các lực lượng đoàn thể quần chúng tại cơ sở, vừa có chức năng là kênh tuyên truyền viên tại địa phương; nắm tình hình dư luận nhân dân, công nhân; khi có tình huống sẵn sàng huy động theo phương châm “4 tại chỗ” để tham gia cùng lực lượng chức năng giải quyết các điểm nóng phát sinh.

Đại tá Phạm Quốc Dũng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết, để đảm bảo tình hình an ninh trật tự, an ninh công nhân, chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý đối tượng vi phạm pháp luật; hạn chế đình công, tranh chấp lao động không đúng quy định của pháp luật tại các khu, cụm công nghiệp Công an Bình Dương đã và đang thực hiện khá nhiều giải pháp như: Triển khai các biện pháp nghiệp vụ phát hiện sớm những dấu hiệu, đối tượng cầm đầu, kích động, lôi kéo công nhân đình công; chủ động phối hợp với các ngành chức năng giải quyết kịp thời, dứt điểm ổn định các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp lao động, đình công tại cơ sở; tăng cường công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, mục tiêu, đối tượng; phối hợp cùng lực lượng Quân sự triển khai phương án phòng, chống tụ tập đông người chống người thi hành công vụ, biểu tình, bạo động… Đồng thời nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch của các hội nhóm trên không gian mạng. Phối hợp cùng lực lượng có liên quan tổ chức kiểm tra, quản lý xuất nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài trong các doanh nghiệp…    

Mã Hải
.
.