Gian nan những chiến dịch lập lại trật tự an toàn giao thông

Chủ Nhật, 20/08/2023, 18:33

Bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên các tuyến đường là nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT), thực hiện quanh năm, liên tục. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả tuần tra, kiểm soát, xử lí vi phạm, góp phần củng cố vững chắc những kết quả bảo đảm TTATGT, từ đầu năm đến nay, lực lượng CSGT và Công an địa phương trên toàn quốc thực hiện một loạt chuyên đề.

Kết quả đạt được từ chiến dịch thực hiện chuyên đề này đã được Chính phủ, các bộ, ngành ghi nhận. Và phía sau những kết quả đáng ghi nhận đó là biết bao vất vả, hi sinh của các chiến sĩ CSGT đang ngày đêm bám các tuyến đường…

b.jpg -1

1.Bảy nhóm chuyên đề mà lực lượng CSGT đang thực hiện đều là những vấn đề “nóng”, rất dễ xảy ra va chạm với người dân và tiềm ẩn nhiều rủi ro, như: “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn”; “Kiểm soát phương tiện vận tải hành khách, nhất là xe chở học sinh, công nhân viên, xe hợp đồng; phương tiện vận tải hàng hóa, xe chở hàng cồng kềnh, nguy hiểm”; “Cơi nới thùng xe và chở hàng quá trọng tải, quá khổ”; “Vi phạm tốc độ”; “Sử dụng các loại giấy tờ giả liên quan đến người điều khiển và phương tiện”; “Xử lý vi phạm chở quá vạch dấu mớn nước an toàn” và “Tổng kiểm soát xe kinh doanh vận tải”…

Với sự chỉ đạo quyết liệt kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia; sự vào cuộc nghiêm túc của các bộ, ngành địa phương, đặc biệt, Bộ Công an đã có nhiều kế hoạch và bảo đảm TTATGT trong lực lượng CAND; tăng cường tối đa lực lượng, phối hợp với các lực lượng liên quan đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt trong tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm, công tác bảo đảm TTATGT đã đạt được nhiều kết quả tích cực…

Tai nạn giao thông tiếp tục được kiềm chế và kéo giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022: Giảm 762 vụ (-13,29%), giảm 484 người chết (-14,45%) và giảm 214 người bị thương (-5,81%). Đặc biệt số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn trong các dịp cao điểm giảm sâu so với các năm trước. Bên cạnh đó, số vụ ùn, tắc giao thông trong các dịp cao điểm được kéo giảm so với cùng kỳ năm 2022. Tình hình vi phạm về chở quá tải trọng xe, vi phạm về cơ nới thành thùng tại các địa phương đã được xử lý một cách căn bản. Bên cạnh đó, lực lượng CSGT còn tham gia kiến nghị, đề xuất gần 4.500 điểm bất hợp lý về tổ chức giao thông.

Đánh giá về những tác động tích cực từ chuyên đề vi phạm nồng độ cồn, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã cho rằng, việc kiên quyết xử lí nồng độ cồn của lực lượng CSGT đã được nhiều báo, đài, mạng xã hội đưa tin và được quần chúng nhân dân ủng hộ. Câu chuyện về “xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn đã đi vào bữa cơm của từng gia đình”, mọi người trong gia đình, bạn bè nhắc nhở nhau đã uống rượu bia thì không lái xe, qua đó dần hình thành thói quen, văn hoá tham gia giao thông của người dân “không điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia”. Tạo được một nếp văn hóa cho người dân khi tham gia giao thông, quả là điều đáng quý.

Chia sẻ về những tác động tích cực của chuyên đề xử lí nồng độ cồn, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Ôtô vận tải Việt Nam nói, tình hình xe chở quá tải, lái xe sử dụng nồng độ cồn trên thực tế đã giảm nhiều, lái xe đã biết “ngại”. Có được điều này không thể phủ nhận vai trò của lực lượng CSGT làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên các cung đường.

Nhắc đến kết quả thực hiện các chuyên đề, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông - Cục CSGT cho biết, từ đầu năm đến nay, CSGT trên toàn quốc đã kiểm tra, xử lý trên 1,6 triệu trường hợp vi phạm TTATGT, phạt tiền trên 3.200 tỷ đồng, tước hơn 328.000 giấy phép lái xe, bằng chứng chỉ chuyên môn, tạm giữ gần 530.000 phương tiện các loại. Cơ quan Cảnh sát giao thông và Cảnh sát điều tra các cấp đã khởi tố 2.672 vụ, với 2.694 bị can. Kết thúc điều tra, lực lượng Công an đã chuyển Viện Kiểm sát truy tố 2.140 vụ với 2.198 bị can.

2. “Để có được những kết quả xử lý vi phạm kể trên không phải là điều dễ dàng”, Đại tá Nguyễn Quang Nhật chia sẻ. Bởi khi các chiến sĩ CSGT bám các tuyến đường, đặc biệt những cung đường “nóng” về trật tự an toàn giao thông, hay những điểm đen về tai nạn giao thông là các anh phải đối mặt với biết bao rủi ro, nguy hiểm. Đó là tình trạng không chấp hành Luật Giao thông, tình trạng đối tượng chống lại CSGT đang thi hành nhiệm vụ. Từ đầu năm đến nay, trên cả nước đã xảy ra 33 vụ, khiến 1 đồng chí CSGT hy sinh, 15 đồng chí bị thương. Trong đó, có 19 vụ do người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu bia (chiếm 57,6%), làm 7 đồng chí bị thương.

a.jpg -0
CSGT kiểm tra xe của các đối tượng đua xe trái phép, độ xe gây mất TTATGT.

Nói về một vài vụ việc xảy gần đây, Đại tá Nguyễn Quang Nhật kể, mới đây, tổ công tác thuộc Đội CSGT trật tự Công an huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã phối hợp bắt giữ và đề nghị Cơ quan CSĐT Công an huyện Bá Thước ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối tượng Nguyễn Thị Ngân, SN 1979, trú tại huyện Bá Thước về hành vi “Chống người thi hành công vụ”. Ngân là một trong những đối tượng cố tình giật, vò nát biên bản vi phạm hành chính, chửi bới, dùng tay đánh các đồng chí trong tổ công tác khi  được yêu cầu ký vào biên bản vi phạm giao thông.

Cũng tại Thanh Hoá, vào trung tuần tháng 7, tổ công tác gồm các cán bộ Phòng CSGT và cán bộ Đội CSGT trật tự Công an huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) đã phối hợp bắt giữ và đề nghị Cơ quan CSĐT Công an huyện Thọ Xuân ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với đối tượng Đỗ Hữu Tâm, sinh năm 1981 về hành vi “Chống người thi hành công vụ”, khi Tâm đã uống rượu bia vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông, cố tình điều khiển phương tiện lao thẳng vào lực lượng CSGT, sau đó bỏ chạy và đã đâm va làm hư hỏng phương tiện xe ôtô của tổ công tác tại tuyến đường liên xã thuộc thôn 4, xã Phú Xuân, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá.

Hay như việc xảy ra vào tháng 5 tại Km117 thuộc quốc lộ 2, huyện Yên Sơn, đối tượng Lê Hồng Phong, điều khiển xe ôtô biển kiểm soát 20A-144.82 vượt quá tốc độ cho phép. Khi bị lực lượng CSGT ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra, Lê Hồng Phong không chấp hành, tăng ga lao thẳng về phía tổ công tác để bỏ chạy. Tổ công tác sử dụng xe đặc chủng truy đuổi hơn 1km thì chặn được phương tiện, tiếp cận và yêu cầu lái xe xuống xe để làm việc. Lúc này lái xe cố thủ trên xe, đóng cửa, lùi xe rồi luồn lách tiếp tục bỏ chạy từ địa phận tỉnh Tuyên Quang sang địa phận tỉnh Phú Thọ.

Nhận thấy tình huống phức tạp, lái xe hành động liều lĩnh bất chấp có thể gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, Tổ công tác đã báo cáo lãnh đạo cấp trên và liên hệ lực lượng CSGT, Công an tỉnh Phú Thọ phối hợp ngăn chặn. Lúc này, đối tượng Lê Hồng Phong liên tục lái xe di chuyển quãng đường 7km, chống đối không dừng lại.

Khi đến cầu Đoan Hùng thuộc địa phận tỉnh Phú Thọ, lực lượng chức năng đã chặn trước đầu xe, nhưng lái xe lại quay đầu bỏ chạy ngược về hướng Tuyên Quang rồi rẽ vào đường đê sông Lô, gặp hàng rào barrie của Nhà máy Z129, lái xe mới dừng lại. Sau khoảng 15 phút quanh co không hợp tác, lái xe mới xuống xe xuất trình các loại giấy tờ theo quy định. Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Sơn đang củng cố hồ sơ để xử lý đối tượng theo quy định của pháp luật.

Những vụ việc trên thể hiện rõ sự liều lĩnh, bất chấp hậu quả, coi thường pháp luật của các đối tượng phạm tội.

Thời nào cũng thế, để người dân được bình yên, việc đối mặt với hiểm nguy, thậm chí cả mất mát, hy sinh của lực lượng CAND là không tránh khỏi. Song người dân cũng luôn ghi nhận lực lượng CSGT đã làm tốt vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT, luôn tích cực rà soát, tham mưu xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, thể chế, chính sách, pháp luật về TTATGT, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của tình hình thực tiễn.

Đồng thời, lực lượng CSGT đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, kết nối chia sẻ dữ liệu đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác chuyên môn. Gương mẫu đi đầu, đột phá trong cải cách hành chính để phục vụ nhân dân tốt hơn, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa các dịch vụ công của Đảng, Nhà nước, từng bước xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số…

Phạm Huyền
.
.