Gieo mầm thiện với những mảnh đời lầm lỗi

Chủ Nhật, 03/10/2021, 07:57

Công tác quản lý, giáo dục phạm nhân là một công việc rất đặc biệt bởi không chỉ thực hiện công tác chuyên môn dựa trên những quy định của pháp luật, người cán bộ quản giáo còn như người thầy gieo mầm thiện cho những mảnh đời lầm lỗi tìm lối hoàn lương. Bằng lòng nhân ái và sự bao dung của người cán bộ quản giáo ở Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Giang đã giúp cho các phạm nhân cải tạo tốt để làm lại cuộc đời.

“Giáo dục một con người đã khó, để giáo dục lại một người đã phạm tội còn khó khăn hơn gấp nhiều lần, bởi lẽ mỗi người phạm tội có một tính cách khác nhau nhưng đều mang tâm lý hoang mang, thay đổi liên tục, có người sợ hãi, có người chống đối, ngang ngược...”. Đó là chia sẻ của Trung tá Vũ Thiện Kế, Đội trưởng Đội quản giáo Trại tạm giam Công an tỉnh - người đã có hơn 10 năm làm công tác quản giáo, thường xuyên tiếp xúc, đối mặt với nhiều tội phạm phức tạp, nguy hiểm, anh hiểu rõ đặc thù, tính chất công việc đòi hỏi mỗi cán bộ quản giáo phải luôn sâu sát, tìm hiểu, nắm chắc lý lịch, hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phạm tội của từng phạm nhân để có các biện pháp giáo dục, cải tạo hợp lý, đồng thời động viên, cảm hóa, giúp phạm nhân cải tạo tốt, sớm trở về với gia đình và xã hội.

Trung tá Vũ Thiện Kế cho biết thêm, đối với những trường hợp phản ứng tiêu cực, nhất là những phạm nhân có cha mẹ già yếu, không có người thân hoặc chấp hành mức án cao, tôi đã trực tiếp gặp gỡ, tìm hiểu lý do, nắm bắt tư tưởng để động viên họ có ý thức cải tạo tốt. Có những phạm nhân lúc đầu chỉ im lặng, gương mặt đăm chiêu, sau nhiều lần khuyên nhủ, dần dần họ đã suy nghĩ tích cực hơn, chấp hành nghiêm nội quy của tập thể trong sinh hoạt và lao động. Ngoài việc sâu sát, theo dõi, người cán bộ quản giáo luôn dành sự quan tâm, coi phạm nhân như người thân của mình, có như vậy, công tác giáo dục, cải tạo mới hiệu quả.

cán bộ quản giáo trại tạm giam công an tỉnh hướng dẫn các phạm nhân lao động sản xuất.jpg -0
Cán bộ quản giáo Trại tạm giam Công an tỉnh hướng dẫn các phạm nhân lao động sản xuất.

Đối với cán bộ nam làm công tác quản giáo đã không hề đơn giản, nhưng với bản lĩnh của người chiến sĩ Công an, các nữ quản giáo đã vượt qua mọi khó khăn để giáo dục, thức tỉnh lương tri của phạm nhân. Thiếu tá Nông Thị Đợi, cán bộ quản giáo Trại tạm giam Công an tỉnh bày tỏ: “Gần 11 năm làm việc trong môi trường này, tôi tâm niệm việc giam giữ phạm nhân không đơn giản để họ trả hết án, mà hơn thế các cán bộ, chiến sĩ ở trại tạm giam phải giúp họ hiểu ra đúng, sai, lẽ sống ở đời. Thường phạm nhân là nữ khi mới vào cải tạo thường cảm thấy xấu hổ, tự tin, sợ gia đình, chồng, con không tin tưởng, chờ đợi. Để giáo dục phạm nhân nữ thì mình phải nhẹ nhàng, chia sẻ, quan tâm những lúc ốm đau, khích lệ bằng những hành động tích cực”.

Đặc biệt, là một tỉnh miền núi với nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nên việc không hiểu rõ pháp luật và phạm tội là điều không thể tránh khỏi. Như phạm nhân N.T.K, là người dân tộc Mông, thụ án 5 năm tại trại tạm giam vì tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài. Bản thân K từ nhỏ đã bị lừa bán sang Trung Quốc, lấy chồng và sinh con bên đó, đến khi con lớn, K muốn tìm lại gia đình nhưng chồng ngăn cản, đánh đập, không chịu được, K đã bỏ trốn về Việt Nam.

Về nhà, một phần vì nỗi nhớ con đau đáu trong lòng, một phần mẹ già ốm đau, bệnh tật, để có chi phí đi thăm con, chữa bệnh cho mẹ, K đã tìm cách đưa những người muốn sang Trung Quốc làm thuê bằng con đường vượt biên trái phép, đến khi bị bắt mới nhận ra sai lầm. Thời gian đầu chấp hành án, K khóc rất nhiều, thu mình không giao tiếp với ai, Thiếu tá Đợi đã luôn gần gũi để trò chuyện, động viên, vực lại tinh thần cho K. Qua quá trình cải tạo tốt, K đã được xét giảm án trước thời hạn, sớm có cơ hội sửa chữa, tái hoà nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời.

Bên cạnh việc giáo dục về mặt tư tưởng, cán bộ quản giáo đã hướng dẫn, dạy nghề, tổ chức cho can phạm nhân lao động trồng trọt, tăng gia sản xuất... Qua đó, giúp họ thấy được giá trị đích thực của lao động, nhanh chóng ổn định tư tưởng, chăm chỉ lao động, cải tạo và tiến bộ. Nhiều phạm nhân khi hết thời gian chấp hành hình phạt tù đã hướng thiện, làm lại cuộc đời và thành công trong cuộc sống.

Hàng ngày sát cánh, âm thầm thắp sáng niềm hy vọng cho phạm nhân, các cán bộ quản giáo tin rằng: Sự đền đáp cho công sức của họ chính là những con người lầm lỡ được trở về với nẻo thiện và họ mong rằng những người bước qua cánh cổng trại tạm giam sẽ phải không quay trở lại nơi này vì một lỗi lầm nào nữa. Để rồi khi vô tình gặp lại nhau, một nụ cười, một lời chào, hay một câu hỏi thăm cũng sẽ trở thành động lực để những người cán bộ quản giáo vững tin hơn trên con đường mình đã và đang bước tiếp.

D.Loan - K.Huyền
.
.