Hiệu quả từ những mô hình “Khu dân cư an toàn về PCCC”

Chủ Nhật, 07/08/2022, 08:45

Với phương châm “4 tại chỗ”, mô hình “Khu dân cư an toàn về phòng cháy, chữa cháy” (PCCC) sẽ phát huy tích cực vai trò của quần chúng nhân dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại cơ sở. Tại tỉnh Hà Tĩnh, mô hình này ra đời đã phát huy ngay tác dụng nên được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

Xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà là một trong những địa bàn có địa giới hành chính rộng sau sáp nhập, lại nằm giáp ranh với thành phố Hà Tĩnh nên tập trung đông các cơ sở, dịch vụ kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao. Cũng chính bởi vậy, để nâng cao ý thức về PCCC trong cộng đồng dân cư, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất khi có sự cố xảy ra, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an Hà Tĩnh phối hợp với UBND huyện Thạch Hà lựa chọn Tân Lâm Hương là địa phương đầu tiên ở huyện để ra mắt mô hình “Khu dân cư an toàn về PCCC”.

Mô hình được thực hiện tại thôn Bình Tiến, ra mắt vào ngày 5/8 vừa qua. Đây cũng là mô hình thứ 15 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã được ra mắt và đưa vào hoạt động theo Kế hoạch số 273/KH-BCA ngày 1/6/2022 của Bộ Công an về tăng cường công tác PCCC&CNCH đối với khu dân cư, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh.

Hiệu quả từ những mô hình “Khu dân cư an toàn về PCCC” -0
Sự ra đời của các mô hình “Khu dân cư an toàn về PCCC” trên địa bàn Hà Tĩnh đã phát huy hiệu quả.

Trung tá Nguyễn Văn Hoành, Trưởng Công an xã Tân Lâm Hương cho biết, trong thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Thạch Hà nói chung và xã Tân Lâm Hương nói riêng đã xảy ra một số vụ cháy nổ gây thiệt hại về kinh tế cho người dân. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ cháy nổ là do sự thiếu cảnh giác của người dân trong công tác phòng chống cháy nổ như do bất cẩn, chủ quan trong công tác đốt, dọn thực bì sau khi khai thác rừng trồng, ném tàn thuốc tại khu vực rừng, đốt lửa khi đi dã ngoại, chập điện, sử dụng gas, chất đốt không an toàn, thiếu thiết bị an toàn PCCC… Do vậy, mô hình “Khu dân cư an toàn về PCCC” được đưa vào hoạt động với 21 thành viên, có nhiệm vụ đảm bảo an toàn, triển khai ứng cứu kịp thời khi có hỏa hoạn xảy ra tại khu dân cư và tại địa phương. Mô hình được xây dựng với mục đích nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân về công tác PCCC&CNCH trên địa bàn. Đồng thời, thực hiện hiệu quả, thiết thực các nội dung về PCCC, thực hiện tốt phương châm bốn tại chỗ tại địa bàn dân cư, góp phần ổn định tình hình ANTT tại thôn Bình Tiến nói riêng và trên địa bàn toàn xã nói chung trong thời gian tới.

Được biết, mô hình tự quản về PCCC đầu tiên trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh được ra mắt vào tháng 8/2021 tại tổ dân phố 1, phường Hà Huy Tập, thành phố Hà Tĩnh. Ghi nhận của người dân địa phương, kể từ khi mô hình này đi vào hoạt động, đã giúp người dân và các hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn chủ động ứng phó với các tình huống khi xảy ra cháy nổ. Nhờ vậy, người dân tránh được tâm lý hoang mang, mất bình tĩnh, góp phần hạn chế tối đa thiệt hại do cháy nổ gây ra. Đều đặn hằng tháng, các thành viên sẽ tiến hành kiểm tra an toàn tại các cơ sở kinh doanh để nhắc nhở kịp thời khắc phục những rủi ro dẫn đến cháy nổ. Đến nay, 100% hộ dân ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC, thực hiện đầy đủ các quy định, điều kiện an toàn về PCCC.

Tương tự, khu dân cư an toàn về PCCC tại thôn Bình Tiến A, xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ, mặc dù mới ra mắt từ ngày 1/4/2022, song đến nay đã phát huy được hiệu quả trong việc trang bị kỹ năng, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người dân trên địa bàn trong công tác PCCC. Theo ông Đoàn Ngọc Hường - Chủ tịch UBND xã Thanh Bình Thịnh thì thôn Bình Tiến A có trên 370 hộ dân sinh sống, trong đó có trên 60% hộ gia đình sử dụng nhà ở kết hợp làm nơi sản xuất, kinh doanh đồ gỗ, nghề mộc nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ về hỏa hoạn. Do đó, việc thành lập mô hình điểm về an toàn PCCC sẽ phát huy “4 tại chỗ” trong công tác phòng ngừa cháy nổ tại địa phương, góp phần đảm bảo về PCCC, đồng thời nâng cao ý thức của người dân trong công tác PCCC. Cũng theo ông Hường, thời gian tới, UBND xã Thanh Bình Thịnh sẽ tiếp tục tổ chức thành lập mô hình “Khu dân cư an toàn về PCCC” tại 13 thôn còn lại trên địa bàn.

Thượng tá Võ Đăng Khoa, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Thực hiện Kế hoạch số 273 của Bộ Công an về tăng cường công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ đối với khu dân cư, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh, trong thời gian qua lực lượng PCCC&CNCH Công an Hà Tĩnh đã phối hợp với các địa phương, rà soát và lựa chọn các khu dân cư tiêu biểu để triển khai thí điểm mô hình “Khu dân cư an toàn về PCCC”.

Từ tháng 8/2021 đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã cho ra đời được 15 mô hình, các thành viên tham gia sẽ được hướng dẫn về nghiệp vụ và trang bị đầy đủ các thiết bị, phương tiện về PCCC như bình chữa cháy xách tay, thang, đồ bảo hộ... Các mô hình “Khu dân cư an toàn về PCCC” được xây dựng theo phương châm thực hiện 4 tại chỗ: “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và vật tư hậu cần tại chỗ”, qua đó củng cố và nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy của lực lượng PCCC cơ sở, kịp thời xử lý nhanh các vụ cháy ngay từ ban đầu, đảm bảo an toàn về người, tài sản.

Theo Thượng tá Khoa, việc xây dựng mô hình “Khu dân cư an toàn về PCCC” nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân một số kiến thức cơ bản và tự trang bị phương tiện, thiết bị về phòng cháy, chữa cháy tại gia đình. Đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân chấp hành nghiêm các quy định của Luật phòng cháy, chữa cháy. Thực tế sau gần một năm đưa vào hoạt động đối với các mô hình đã được thành lập, “Khu dân cư an toàn về PCCC” đã phát huy tích cực vai trò của quần chúng nhân dân trong công tác PCCC&CNCH. Ý thức và trách nhiệm của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các hộ dân cư, nhà ở kết hợp kinh doanh trên địa bàn về công tác PCCC cũng đã được nâng lên rõ rệt, qua đó thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống cháy nổ.

Thiên Thảo
.
.