Kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023)

Phát huy truyền thống lực lượng Anh hùng

Thứ Hai, 01/05/2023, 14:00

Họ là những chiến sĩ kiên trung của một thời gian lao mà anh dũng. Họ đã bền gan để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Lãnh tụ Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở An toàn khu (ATK) - nơi đã ra đời các chủ trương, quyết sách đúng đắn đưa Cách mạng Việt Nam đến thắng lợi hoàn toàn.

Lực lượng nòng cốt mang nhiệm vụ tối quan trọng

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, tháng 5/1953, Tiểu đoàn 600 chính thức được thành lập, đây là phiên hiệu đầu tiên được Bác Hồ trực tiếp đặt tên, đánh dấu quá trình hình thành và phát triển của lực lượng vũ trang chuyên trách bảo vệ Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo cấp cao Trung ương Đảng và Chính phủ trong kháng chiến. Tiểu đoàn 600 đã trở thành tiền thân của Trung đoàn 600 Anh hùng ngày nay. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới của cách mạng, ngày 20/9/1954, Tiểu đoàn 600 được phát triển thành Trung đoàn 600, trực thuộc Sư đoàn 350, Bộ Quốc phòng, với biệt danh “Đoàn Tân Trào”. Đây cũng là Ngày truyền thống của Tiểu đoàn 600 năm xưa, của Trung đoàn 600 hôm nay.

30-4_ 11_ Phát huy truyền thống lực lượng Anh hùng -0
Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an với lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, lãnh đạo và CBCS Trung đoàn 600 tại buổi kiểm tra công tác ứng trực.

Đoàn Tân Trào đã trở thành nòng cốt có nhiệm vụ tối quan trọng là bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Trung ương Đảng, Chính phủ về tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954. Trong rừng cờ đỏ của mùa thu lịch sử, có những chiến sĩ của Đoàn Tân Trào. Họ đã thầm lặng vì nhiệm vụ để trong khoảnh khắc lịch sử vĩ đại, nước mắt đã dâng trào trong niềm vui chung của dân tộc. Sự kiện trọng đại này là mốc son mở đầu thời kỳ mới - thời kỳ bảo vệ các mục tiêu công khai trong lòng Thủ đô Hà Nội của Trung đoàn.

Cũng từ đây, Trung đoàn đã gắn với thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế ở miền Bắc và cũng đặt ra nhiệm vụ mới cho công tác cảnh vệ. Ngày 3/3/1959, theo Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị, Trung đoàn 600 được chuyển sang trực thuộc Bộ Tư lệnh Công an vũ trang. Một trang sử mới của Trung đoàn đã sang trang. Trung đoàn 600 đã hòa vào khí thế sục sôi đánh Mỹ của toàn dân tộc. Ngày 19/5/1967, trong làn mưa bom bão đạn của kẻ thù trút xuống miền Bắc và Thủ đô Hà Nội, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Đại đội 5 (Trung đoàn 600) đã “chia lửa” với các đơn vị bạn, với thế trận lưới lửa phòng không đánh trả máy bay Mỹ, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho lãnh tụ và các mục tiêu quan trọng trong mọi tình huống.

Để đáp ứng nguyện vọng của đồng bào và chiến sĩ cả nước, tháng 9/1973, Bộ Chính trị đã quyết định khởi công xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh để gìn giữ lâu dài thi hài của Người. Nhiệm vụ bảo vệ công trình lịch sử này được cấp trên giao cho Trung đoàn 600. Đây là một vinh dự to lớn, niềm tự hào của CBCS Trung đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin tưởng của cấp trên.

30-4_ 11_ Phát huy truyền thống lực lượng Anh hùng -0
CBCS Đại đội 4, Trung đoàn 600 diễn tập phương án sử dụng xuồng máy phục vụ công tác Cảnh vệ trên mặt nước Hồ Tây.

Một kỷ niệm khó quên của CBCS Trung đoàn 600 là lần bảo vệ Chủ tịch Fidel Castro thăm Việt Nam năm 1972. Lãnh tụ của nhân dân Cuba đã đến tận chiến trường ác liệt Quảng Trị để mang ngọn lửa trái tim của nhân dân Cuba “Vì Việt Nam, Cuba có thể hiến cả máu của mình”.

Trong lịch sử bi hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có sự đóng góp xương máu của các chiến sĩ Trung đoàn 600. Năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, Trung đoàn 600 nhận nhiệm vụ mới, thành lập 2 Tiểu đoàn 4 và 5 để tăng cường cho Đoàn 180 tiếp quản và bảo vệ các mục tiêu ở TP Sài Gòn và các tỉnh phía Nam. Cũng trong thời kỳ này, Trung đoàn còn được giao làm nhiệm vụ quốc tế, cử các đơn vị sang Lào và Campuchia giúp bạn về công tác vũ trang bảo vệ, CBCS của Trung đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được bạn đánh giá là “có tinh thần quốc tế cao cả”. Năm 1979, Bộ Tư lệnh Công an vũ trang chuyển sang trực thuộc Bộ Quốc phòng. Trung đoàn 600 chuyển sang trực thuộc Binh đoàn 32, Bộ Quốc phòng. Ngày 25/6/1985, trước yêu cầu nhiệm vụ mới, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 21 về công tác an ninh quốc phòng, Binh đoàn 32 giải thể, Trung đoàn 600 chuyển sang trực thuộc Cục Cảnh vệ, nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an.

Giữ vững niềm tin, bản lĩnh chính trị và phẩm chất anh hùng cách mạng

Bước vào thời kỳ hòa bình, xây dựng, bảo vệ và đổi mới đất nước, dấu ấn của Trung đoàn lại được khắc ghi với những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là bảo vệ các cơ quan trọng yếu của Đảng, Nhà nước, bảo vệ nơi ở và làm việc của các đồng chí lãnh đạo. Lớp lớp cán bộ của Trung đoàn 600 đã trở thành những tuyên truyền viên, hướng dẫn, động viên người dân không để tình hình khiếu kiện trái quy định ảnh hưởng đến ANTT, đến hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ương, Chính phủ.

Trung đoàn 600 đã góp phần xứng đáng cùng toàn lực lượng Cảnh vệ và các lực lượng khác hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ tuyệt đối an toàn các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, bầu cử Quốc hội, các cuộc mít-tinh, diễu binh, diễu hành do Đảng, Nhà nước tổ chức; nhiều hội nghị quốc tế lớn tổ chức tại Việt Nam như: Hội nghị cộng đồng Pháp ngữ CC7; Hội nghị cấp cao ASEAN 6, 16 và 17; SEA Games 22; Hội nghị ASEM 5; Hội nghị APEC 14; Đại lễ nghìn năm Thăng Long – Hà Nội; Hội nghị Đại hội đồng liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU – 132); Hội nghị Thượng đỉnh CHDCND Triều Tiên và Hoa Kỳ tại Hà Nội tháng 2/2019. Đặc biệt là hội nghị các nhà lãnh đạo APEC lần thứ 25 tại TP Đà Nẵng năm 2017. Tinh thần tận tụy trong công việc của chiến sĩ Trung đoàn là dấu ấn đẹp trong lòng bạn bè quốc tế, lãnh đạo và nhân dân trong nước.

30-4_ 11_ Phát huy truyền thống lực lượng Anh hùng -0
Đoàn viên thanh niên Trung đoàn 600 hiến máu thiện nguyện trong chương trình "Giọt máu nghĩa tình vì đồng đội thân yêu” do Bộ Công an phát động.

Dưới sự lãnh đạo và chỉ huy của Đảng ủy, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, những năm gần đây, Trung đoàn còn có những bước tiến vượt bậc trong công tác xây dựng lực lượng, “rèn cán, luyện quân” để đáp ứng yêu cầu bảo vệ trong tình hình mới. Trung đoàn đã chú trọng tuyển chọn những người có trình độ, có sức khỏe bổ sung vào đội ngũ; cử những đồng chí có khả năng, đủ tiêu chuẩn đi học tại các trung tâm đào tạo, đồng thời nâng cao trình độ lãnh đạo chỉ huy, nâng cao trình độ tri thức và văn hóa để CBCS thấy được tầm quan trọng và vinh dự to lớn trong nhiệm vụ của mình. Các phong trào thi đua như Vì an ninh Tổ quốc; CAND chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa, vì nhân dân phục vụ... đã góp phần tạo thành sức mạnh đoàn kết của Trung đoàn. Không chỉ chú trọng nhiệm vụ chính trị và xây dựng lực lượng, chỉ huy Trung đoàn còn đặc biệt đề cao các mặt công tác Đảng, Đoàn, phụ nữ, thanh tra, kiểm tra, thi đua khen thưởng và đặc biệt là khâu hậu cần, vũ khí, trang bị kỹ thuật.

Từ nhiều năm nay, Trung đoàn 600 đã trở thành đơn vị tiên tiến điển hình trong công tác điều lệnh, kỷ luật của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, là trung đoàn đi đầu trong phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đơn vị kiểu mẫu của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ. Có được những kết quả như vậy phải kể đến sự nỗ lực của tập thể CBCS trong toàn Trung đoàn. Với những đóng góp to lớn trong sự nghiệp cách mạng, Trung đoàn 600 đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng các danh hiệu cao quý: “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” năm 1979; Huân chương Hồ Chí Minh năm 2004; Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 2009, Huân chương Quân công hạng Nhất năm 1994, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất năm 2014 và nhiều phần thưởng cao quý do Bộ Công an và các cấp tặng thưởng...

Trung đoàn 600 đã trải nhiều bước chuyển đổi, nhưng lớp lớp CBCS của Trung đoàn vẫn giữ được niềm tin, bản lĩnh chính trị và phẩm chất anh hùng cách mạng. Đó là điểm tựa để Trung đoàn phấn đấu trở thành một lực lượng tinh nhuệ của Bộ Công an, tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân.

Khổng Hà
.
.