Tăng cường tuyên truyền phòng cháy tại nhà ở của hộ gia đình kết hợp kinh doanh

Chủ Nhật, 29/08/2021, 08:00

Thời gian qua, cả nước nói chung, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nói riêng đã xảy ra nhiều vụ cháy, đặc biệt là các vụ việc cháy tại nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình, gây hậu quả nghiêm trọng. Điều đó yêu cầu mỗi hộ gia đình phải tự nâng cao nhận thức trong công tác phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ tài sản và tính mạng của mình và gia đình.

Theo Thượng tá Phan Thanh Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC & CNCH), Công an tỉnh Thái Nguyên các vụ cháy, nổ liên quan hộ gia đình sinh sống, kết hợp sản xuất, kinh doanh chiếm tỷ lệ trên 20% tổng số vụ. Hầu hết, các nhà mặt phố là nhà ống thường có lối thoát duy nhất là cửa chính ở tầng trệt.

Tuy nhiên, vì tận dụng làm nơi kinh doanh hoặc cho thuê kinh doanh nên tầng 1 cũng là nơi để hàng hóa, xe máy, bếp nấu nướng... che chắn lối thoát hiểm và lối lên cầu thang. Nhiều nhà ở xây dựng hàng chục năm về trước sau đó được cải tạo kết hợp ở với sản xuất, kinh doanh có diện tích nhỏ hẹp, hàng hóa được sắp xếp thiếu ngăn nắp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy cao.

Qua công tác kiểm tra của lực lượng Cảnh sát PCCC thời gian qua cho thấy, đối với các hộ gia đình, đặc biệt các hộ gia đình được cấp phép xây dựng nhà ở, nhưng chiếm đến 98% nhà ở mặt phố đều kết hợp sản xuất, kinh doanh hoặc cho thuê kinh doanh dịch vụ, ý thức chấp hành PCCC còn nhiều hạn chế.

Việc sắp xếp hàng hóa chưa đảm bảo công tác PCCC, hàng hóa để gần các thiết bị điện hoặc để gần vị trí thờ cúng thần tài không đảm bảo an toàn, dễ gây cháy nổ. Hầu hết các chủ hộ đều ít quan tâm đến công tác PCCC; thiếu kiến thức, kỹ năng PCCC và thoát nạn; không trang bị các thiết bị chữa cháy. 5 tháng đầu năm 2021, qua kiểm tra lực lượng Cảnh sát PCCC đã lập biên bản xử phạt hành chính trong lĩnh vực PCCC đối với 44 trường hợp với số tiền trên 591 triệu đồng.

Tăng cường tuyên truyền phòng cháy tại nhà ở của hộ gia đình kết hợp kinh doanh -0
Tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy cho các hộ gia đình sử dụng nhà ở kết hợp kinh doanh trên địa bàn TP Thái Nguyên.

Thực tế tại địa bàn TP Thái Nguyên chúng tôi nhận thấy số hộ ở kết hợp sản xuất, kinh doanh tập trung chủ yếu tại các phường: Hoàng Văn Thụ, Phan Đình Phùng, Quang Trung, Đồng Quang, Tân Thịnh. Nhiều hộ bày rất nhiều các mặt hàng tạp hóa nguy cơ cháy rất cao.

Đơn cử như gia đình bà N.T.H - kinh doanh tạp hóa ở đường Minh Cầu, phường Phan Đình Phùng. Tận dụng lợi thế nhà bám mặt đường gia đình bà vừa ở vừa kết hợp buôn bán tạp hóa ở tầng 1. Vì là nhà ống nên toàn bộ phòng khách tầng 1 trước đây giờ được kê các giá để bày các mặt hàng. Vì nhiều hàng hóa nên lối đi lại rất chật chội.

Ngôi nhà chứa rất nhiều hàng hóa, đồ đạc, vật dụng, trong đó có nhiều thứ dễ bắt lửa như nilông, thùng các-tông... Ngoài bày hàng hóa, nhiều hộ để biển quảng cáo che cửa thoát hiểm tầng 2. Không ít hộ chủ quan, lơ là chưa trang bị các thiết bị PCCC hoặc có hộ trang bị bình chữa cháy nhưng lại để chưa đúng vị trí nếu xảy ra cháy nổ khó khăn cho công tác chữa cháy.

Theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC quy định rõ “nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy, hàng hóa đựng trong bao bì cháy được của hộ gia đình” thuộc danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC và phân cấp UBND cấp phường, xã có thẩm quyền quản lý.

Theo ông Trần Đình Thìn, Chủ tịch UBND phường Phan Đình Phùng cho biết, trên địa bàn phường hiện có hơn 1.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong đó nhiều gia đình cho thuê hoặc tận dùng nhà ở gắn với sản xuất, kinh doanh ăn uống, khí gas, tạp hóa, đồ gỗ, quần áo, chăn ga… tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.

Bên cạnh một số hộ có ý thức trong công tác PCCC, trang bị bình chữa cháy, sắp xếp hàng hóa gọn gàng, thì vẫn còn một số hộ chủ quan, lơ là với công tác này. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các hộ dân, đồng thời thành lập các đoàn tăng cường kiểm tra, xử lý khi có vi phạm.

Để phòng, chống nguy cơ cháy nổ đối với các hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh, thời gian qua Công an các huyện, thành phố, thị xã đã tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn hộ kinh doanh các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt là tuyên truyền, vận động người dân mở thêm lối thoát nạn thứ 2 tại các lồng sắt, ban công, lô gia, tầng tum… đề phòng khi có hỏa hoạn có thể thoát ra ngoài.

Thượng tá Phan Thanh Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC & CNCH, Công an tỉnh cho biết thêm: “Trước tiên cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức phòng, chống cháy nổ. Cùng với lực lượng chức năng, chúng tôi đề nghị UBND các phường, xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền sâu rộng pháp luật về PCCC. Xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác PCCC. Thành lập, kiện toàn và tổ chức tập huấn cho các đội dân phòng tại các tổ, xóm, thôn, tổ dân phố. Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra an toàn về PCCC, đặc biệt là đối với hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh. Xây dựng phương án chữa cháy tại khu dân cư trọng điểm, tập trung nhiều hộ sản xuất, kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao”.

Dũng Minh
.
.