Tỉnh Long An làm tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn hiểm hoạ từ “giặc lửa”

Thứ Năm, 30/11/2023, 12:25

Xác định nhiệm vụ phòng, chống “giặc lửa”, đảm bảo an toàn về cháy nổ trên địa bàn tỉnh Long An là hết sức quan trọng, góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển nên Công an tỉnh Long An đã tham mưu Tỉnh uỷ, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đề ra.

Từ định hướng cụ thể, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) Công an tỉnh Long An đã xây dựng kế hoạch và triển khai đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ (CBCS) ra sức phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu công tác đề ra.

Xây dựng và thực hiện 3 công tác trọng tâm đột phá

Gắn việc thực hiện công tác chuyên môn với kế hoạch mở đợt cao điểm an toàn PCCC và CNCH năm 2023; tăng cường xây dựng mô hình Tổ liên gia, điểm chữa cháy công cộng trên địa bàn tỉnh; nâng cao hiệu quả công tác về PCCC và CNCH đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh và các chung cư, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở đông trên địa bàn tỉnh…

Từ đó, Công an tỉnh tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh 19 văn bản, Ban Chỉ đạo PCCC và CNCH tỉnh 9 văn bản thực hiện các mặt công tác đảm bảo an toàn về cháy nổ trên địa bàn tỉnh. Trọng tâm là tham mưu chỉ đạo kiểm tra các cơ sở karaoke, khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh, tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC và CNCH trên phạm vi toàn tỉnh; các biện pháp, giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC trên địa bàn tỉnh theo sự chỉ đạo của Bộ Công an.

img_7242.jpg -0
Công an tỉnh Long An diễn tập phương án phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở kinh doanh karaoke ở huyện Bến Lức.

Trong năm, lực lượng chức năng tổng kiểm tra 5.918 lượt cơ sở, lập 5.918 biên bản, xử phạt 109 trường hợp vi phạm quy định an toàn PCCC với tổng số tiền 2,207 tỷ đồng, tạm đình chỉ hoạt động 18 cơ sở, đình chỉ hoạt động 21 cơ sở.

Đơn vị đã chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Phát khuyến cáo, ký cam kết, đĩa CD, Zalo…về công tác PCCC và CNCH; cảnh báo nguy cơ cháy, kỹ năng thoát hiểm để người dân dễ nắm thực hiện; biểu dương gương người tốt việc tốt góp phần thúc đẩy phong trào toàn dân tham gia công tác PCCC và CNCH. Tham mưu Công an tỉnh hướng dẫn Công an các huyện, thị, thành phố củng cố, nâng chất lượng 126 điểm thuộc mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC, 123 điểm thuộc mô hình Điểm chữa cháy công cộng trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Đơn vị tiếp nhận giải quyết nhanh hồ sơ thủ tục hành chính, thực hiện số hóa 7.520 hồ sơ, đạt 100% theo lộ trình quy định; các hồ sơ đều được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến trên cổng dịch vụ công Bộ Công an, 100% hồ sơ công trình đều được thẩm duyệt và nghiệm thu đảm bảo đúng hạn. Đơn vị đảm bảo tốt công tác thường trực, thực tập 401 phương án chữa cháy cơ sở có tính nguy hiểm cháy nổ cao; xây dựng 1.214 phương án CNCH, thực tập 480 phương án CNCH. Tham gia chữa cháy 5 vụ; triển khai lực lượng, phương tiện bảo vệ các sự kiện trọng đại trên địa bàn tỉnh Long An.

Tổ chức diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ quy mô cấp tỉnh năm 2023, đồng thời tham gia diễn tập phương án khu vực phòng thủ các huyện Vĩnh Hưng, Đức Huệ, Đức Hòa và Cần Giuộc theo kế hoạch của UBND tỉnh. Thực tập phương án Tổ liên gia an toàn PCCC đồng loạt trên địa bàn toàn tỉnh. Qua diễn tập giúp nâng cao ý thức về công tác PCCC và CNCH đối với tổ chức và từng hộ gia đình và người dân đang sinh sống trong khu dân cư; giúp người dân nắm bắt các kỹ năng thoát nạn, sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ, kịp thời xử lý các tình huống cháy, nổ ngay khi mới phát sinh.

img_7239.jpg -0
Lãnh đạo tỉnh Long An khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác diễn tập phòng cháy, chữa cháy.

Nhờ làm tốt các mặt công tác, trong năm qua, đơn vị được Bộ Công an tặng bằng khen và 5 lượt tập thể, cá nhân được UBND tỉnh khen thưởng về những thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ.

Nắm rõ đặc điểm địa bàn, tham mưu đúng và thực hiện hiệu quả 

Tỉnh Long An nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của cả nước, có 1 khu kinh tế cửa khẩu, 31 khu, 62 cụm công nghiệp với tổng diện tích 14.519 ha, trong đó có 25 khu, 22 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút trên 300.000 người lao động từ các địa phương khác đến định cư, sinh sống và làm việc; có 78 khu dân cư chủ yếu tập trung ở thị trấn, thị xã và thành phố, trong đó có 41 khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao đan xen vừa ở vừa hoạt động kinh doanh; có 24 chợ, trung tâm thương mại thu hút hàng ngàn hộ kinh doanh chủ yếu là chợ truyền thống, trung tâm thương mại tập trung ở trung tâm các huyện, thị xã, thành phố; có 474 cơ sở kinh doanh xăng dầu đa phần nằm trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và trục đường chính liên xã… Hiện tại, tổng số cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về lĩnh vực PCCC trên toàn tỉnh là 20.195 cơ sở.

img_7238.jpg -0
Diễn tập phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ quán karaoke.

Trong thời gian qua, các vụ cháy xảy ra trên địa bàn tỉnh nguyên nhân chủ yếu là do sự cố liên quan đến hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện và sơ xuất, bất cẩn trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt. Đồng thời, mùa khô kéo dài, thời tiết nắng nóng, khô hạn làm tăng nguy cơ cháy, nổ, tai nạn, sự cố; các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ tăng nhanh cả về số lượng và quy mô hoạt động, nhưng việc đầu tư cho công tác PCCC của các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn PCCC nên nguy cơ xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố cao.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa cháy nổ, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy và hướng dẫn của Bộ Công an về công tác PCCC và CNCH; sơ kết, tổng kết nhằm đánh giá kết quả quá trình triển khai thực hiện và kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót để chỉ đạo thực hiện tốt hơn. Nhờ đó, công tác lãnh đạo điều hành của chính quyền địa phương các cấp cơ sở được tăng cường, có nhiều đổi mới quyết liệt hơn, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân về công tác PCCC và CNCH.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công tác PCCC và CNCH, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và chính quyền địa phương các cấp ban hành các quy chế, kế hoạch phối hợp thực hiện có hiệu quả công tác PCCC và CNCH. Công an tỉnh phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế, Sở Công thương tiến hành phúc tra, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với các Công ty đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; kết hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Quân đội, Biên phòng và UBND các huyện có trồng rừng tiến hành công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra và củng cố Ban chỉ đạo PCCC rừng các cấp. Qua đó xác định rõ cơ chế phối hợp trong công tác chỉ huy, hiệp đồng, bảo đảm thống nhất, chặt chẽ khi xử lý các vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn trên địa bàn tỉnh.

Hiện tỉnh có 45 đơn vị được công nhận điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân PCCC và 40 đơn vị đăng ký điển hình tiên tiến phong trào toàn toàn dân PCCC năm 2023; xây dựng 932 mô hình PCCC khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”; 5 mô hình “chợ an toàn PCCC”. Kết quả, đến nay đã tổ chức được 1.516 lớp tập huấn về PCCC, có 170.125 người dân tham gia, trong đó, 100% người dân trong Tổ liên gia an toàn PCCC và Điểm chữa cháy công cộng đã được tập huấn kiến thức và kỹ năng về PCCC và CNCH.

UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh thiết lập đường dây nóng và thành lập tổ công tác để hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp vận dung các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong việc thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu về PCCC.

Đặc biệt, UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh tăng cường công tác điều tra, khảo sát nắm chắc địa bàn, cơ sở, đặc biệt là tình hình về đặc điểm, tính chất nguy hiểm cháy nổ của từng cơ sở, tình hình giao thông, nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; trên cơ sở đó, xây dựng phương án và tổ chức thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhằm chủ động trong việc tổ chức triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy đạt hiệu quả cao nhất.

Thường xuyên đẩy mạnh xã hội hóa công tác PCCC, có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật PCCC, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH. Chủ động tập trung các nguồn lực của xã hội để xây dựng và phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, kỹ thuật về PCCC và CNCH; xây dựng và áp dụng thực hiện phần mềm sử dụng việc khai thác số liệu quản lý cơ sở về PCCC; nghiên cứu áp dụng hệ thống cảnh báo cháy sớm vào công tác PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao công tác PCCC và CNCH, góp phần xử lý nhanh, có hiệu quả các vụ cháy, nổ, tai nạn, sự cố ngay từ mới phát sinh, hạn chế khả năng cháy lan, cháy lớn và làm giảm thiệt hại do cháy, nổ, tai nạn, sự cố gây ra.

img_7240.jpg -0
Diễn tập phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại Long An.

Thời gian tới, cùng với quá trình đổi mới, chính sách thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh Long An, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sẽ phát triển về quy mô và số lượng. Điều đó cũng đặt ra những vấn đề cụ thể, liên quan đến công tác bảo đảm an toàn về phòng chống cháy nổ.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh Long An, Công an tỉnh Long An chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý công khai, minh bạch, bảo đảm khách quan và tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật trên nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” và phải đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, doanh nghiệp... Tổ chức công khai danh sách các cơ sở vi phạm an toàn PCCC đã được xử lý trên Trang thông tin điện tử Công an tỉnh để các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và người dân cùng nắm, phối hợp theo dõi.

Kết hợp kiểm tra, xử lý với việc đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp với  cơ sở thực tập phương án chữa cháy và thoát nạn đối với 100% chung cư, cơ sở cho thuê trọ có mật độ người ở cao; tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho các đối tượng: Chủ cơ sở nhà trọ, người thuê trọ, công nhân đang làm việc tại các khu – cụm công nghiệp và học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh.

PV
.
.