Triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tội phạm mua bán người

Thứ Năm, 30/12/2021, 13:55

Cục Đối Ngoại, Bộ Công an sẽ phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với các cơ quan chức năng từ khâu xác nhận tin báo, xác minh, giải cứu, tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ các nạn nhân hòa nhập cộng đồng, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm mua bán người.

Sáng 30/12, tại Quảng Ninh, Cục Đối ngoại, Bộ Công an phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các đơn vị chức năng tổ chức Lễ tiếp nhận, bàn giao nạn nhân bị mua bán từ Myanmar về Việt Nam.

Cùng dự có đại diện Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an), Công an tỉnh Quảng Ninh, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh (Blue Dragon Children's Foundation)…

Tại buổi lễ, đại diện Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam chân thành cảm ơn sự hợp tác chặt chẽ và những đóng góp vô cùng quan trọng của các đơn vị chức năng Bộ Công an với nhiều hình thức phong phú; thường xuyên trao đổi thông tin giữa các bên liên quan, phối hợp chuyển tuyến, thông tin được chia sẻ đầy đủ để có cơ sở tìm ra giải pháp nằm ngăn chặn tội phạm mua bán người cũng như để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho các nạn nhân; mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp kịp thời, hiệu quả của các đơn vị chức năng Bộ Công an.

Triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tội phạm mua bán người -0
Ban Tổ chức trao quà tặng các nạn nhân.

Thay mặt Ban Tổ chức và lãnh đạo Cục Đối ngoại, Thượng tá Bùi Chí Phương, Phó Trưởng phòng Phòng Đông Nam Á, Cục Đối ngoại cho biết, trước thực trạng mua bán người ngày càng có những diễn biến phức tạp, mặc dù phải tập trung mọi nguồn lực để chống dịch COVID-19, nhưng Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và các bộ, ban, ngành luôn coi công tác phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, ban hành nhiều văn bản quy định và triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn loại tội phạm này. Đồng thời quan tâm, chỉ đạo sâu sát công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. 

Hiện các Bộ, ban, ngành liên quan cũng đang xây dựng các quy trình, quy chuẩn rõ ràng về công tác xác minh, tiếp nhận, bảo vệ nạn nhân bị mua bán trong nước cũng như ra nước ngoài; các chính sách, chế độ cụ thể để hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó là việc hoàn thiện những điều luật liên quan đến phòng, chống mua bán người.

Để nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm mua bán người và trợ giúp nạn nhân, Cục Đối ngoại đề nghị, thời gian tới, các cơ quan chức năng của Trung ương, các tỉnh, thành phố cần tiếp tục chủ động khắc phục khó khăn, tháo gỡ vướng mắc bằng nhiều giải pháp linh hoạt;tiếp tục kế thừa, phát huy những kết quả đã đạt được, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động phối hợp trong xác minh, xác định, giải cứu và hồi hương cho các nạn nhân của loại tội phạm này.

Cục Đối ngoại sẽ tiếp tục duy trì và tăng cường công tác phối hợp liên ngành, trong hoạt động thu thập, chia sẻ thông tin với các đơn vị chức năng Việt Nam, với các đơn vị chức năng nước ngoài cũng như Đại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại về hoạt động của tội phạm mua bán người để kịp thời thông báo cho các đơn vị trong nước triển khai các biện pháp nghiệp vụ liên quan để điều tra, xử lý loại tội phạm này và giải cứu các nạn nhân.

Triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tội phạm mua bán người -0
Các đại biểu tham dự buổi lễ.

Tiếp nhận yêu cầu từ các đơn vị chức năng để thực hiện hoạt động phối hợp thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người cũng như hỗ trợ các hoạt động xác minh, giải cứu, tiếp nhận, bảo vệ nạn nhân bị mua bán đưa về Việt Nam. Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với các cơ quan chức năng từ khâu xác nhận tin báo, xác minh, giải cứu, tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ các nạn nhân hòa nhập cộng đồng, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm mua bán người.

Khổng Hà
.
.