Viết tiếp truyền thống ở đơn vị Anh hùng

Thứ Tư, 29/12/2021, 18:48

Phòng Truyền thống của Cục An ninh điều tra (ANĐT) - đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới bên cạnh những tấm Huân chương, là Bằng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân được đặt trang trọng… Mỗi thành tích, chiến công đó là những cống hiến của lớp lớp cán bộ Cục ANĐT suốt 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. 

Những chiến công mang thương hiệu lực lượng An ninh điều tra

 Dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công an, sự phối hợp của các đơn vị nghiệp vụ, Cục ANĐT đã đạt được những thành tích đặc biệt xuất sắc, góp phần quan trọng bảo đảm An ninh Quốc gia, giữ gìn trật tự quản lý kinh tế, phục vụ có hiệu quả cho công cuộc đổi mới của đất nước- Thiếu tướng Vũ Hoài Bắc, Cục trưởng Cục ANĐT mở đầu câu chuyện với chúng tôi.

Viết tiếp truyền thống ở đơn vị anh hùng  -0
Lãnh đạo, cán bộ chiến sĩ Cục An ninh điều tra

Một trong số đó là vụ án cố ý làm trái quy định của nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).

Từ năm 2008, qua công tác nắm tình hình, Tổng cục An ninh phát hiện ông Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc và một số cá nhân tại Vinashin đã có dấu hiệu cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế và thiếu trách nhiệm về quản lý, điều hành, dẫn đến thua lỗ kéo dài, thất thoát tài sản, vay nợ lớn, có nguy cơ phá sản.

Những vấn đề này đã tác động xấu đến tình hình chính trị nội bộ và kinh tế - xã hội của đất nước. Được sự đồng ý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Công an, tháng 7/2010, Tổng cục An ninh đã lập chuyên án đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật xảy ra tại Vinashin.

Cũng tại thời điểm đó, Thanh tra Chính phủ tổ chức thanh tra các vấn đề sai phạm của Vinashin và đề nghị Bộ Công an phối hợp để sớm có kết luận báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ. Ngày 20/4/2010, Thanh tra Chính phủ đã kết luận thanh tra, trong đó chuyển 11 vụ việc cho Cục ANĐT để xem xét, xử lý bằng pháp luật.

Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực kinh tế, xảy ra tại một tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, vào thời điểm trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, được dư luận đặc biệt quan tâm…

Việc điều tra vụ án này không chỉ đáp ứng yêu cầu về pháp luật mà còn phải đáp ứng yêu cầu rất cao về mặt chính trị. Chính vì vậy, Cục ANĐT đã có nhiều cố gắng, nỗ lực hoàn thành xuất sắc việc điều tra vụ án, đáp ứng các yêu cầu đặt ra.

Tiếp đó là việc điều tra vụ Giang Kim Đạt và đồng phạm tham ô tài sản, rửa tiền xảy ra tại Công ty TNHH Một thành viên Vận tải Viễn Dương Vinashin (Vinashinlines). Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vinashin do Hồ Ngọc Tùng, Tổng Giám đốc tài chính Tập đoàn Vinashin; Giang Kim Đạt, nguyên Trưởng phòng kinh doanh Công ty Vinashinline bỏ trốn ra nước ngoài. Xác định  các đối tượng  nắm giữ nhiều thông tin, tài liệu liên quan đến tiêu cực, tham nhũng của các cá nhân tại tập đoàn và các công ty con của Tập đoàn; việc bắt giữ các đối tượng có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định sự thành bại việc điều tra nhóm tội về tham nhũng, nên Cục ANĐT tập trung phối hợp với các lực lượng chức năng quyết tâm xác minh, truy bắt.

Viết tiếp truyền thống ở đơn vị anh hùng  -0
Cán bộ chiến sĩ Cục An ninh điều tra trao đổi phá án 

Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, xác minh mọi thông tin, tài liệu về dấu vết của hai đối tượng này qua nhiều đầu mối ở cả trong và ngoài nước, Cục ANĐT đã xác định Hồ Ngọc Tùng trốn ở Australia, Giang Kim Đạt thay tên đổi họ trốn ở Singapore.

Cục ANĐT đã cử nhiều đoàn cán bộ sang làm việc với các cơ quan chức năng của nước sở tại, yêu cầu bắt giữ đối tượng chuyển giao cho Việt Nam.

Giám sát di biến động của Giang Kim Đạt, nắm được sau khi bắt Giang Văn Hiển (bố của Đạt), Đạt về Campuchia để nghe ngóng tình hình, Cục ANĐT cùng với các lực lượng nghiệp vụ An ninh phối hợp với cơ quan chức năng của  nước bạn xác minh, bắt giữ được Giang Kim Đạt vào ngày 7/7/2015, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật Việt Nam và Campuchia.

Việc bắt giữ Giang Kim Đạt là chiến công đặc biệt xuất sắc của Tổng cục An ninh nói chung và của Cục ANĐT nói riêng, là yếu tố có ý nghĩa đặc biệt quyết định sự thành công điều tra làm rõ vụ án.

Cùng với đó đã điều tra làm rõ hành vi phạm tội của Giang Kim Đạt và đồng bọn về tội tham nhũng; điều tra, xác minh làm rõ về việc hợp thức hóa tài sản do phạm tội mà có, tiến hành kê biên phục vụ việc thu hồi cho Nhà nước.

Viết tiếp truyền thống ở đơn vị anh hùng  -0
Các trinh sát  trao đổi thông tin nghiệp vụ 

Đối với số tài sản trong nước, ngay sau khi chứng minh được, Cục ANĐT đã khẩn trương tiến hành kê biên được 38 thửa đất và 2 xe ô tô (tổng trị giá trên giấy tờ mua bán khoảng 120 tỷ đồng); thu giữ gần 6,5 tỷ đồng tiền mặt, không để các đối tượng tẩu tán, gây khó khăn cho việc thu hồi.

Đối với số tài sản ở nước ngoài, Cục ANĐT đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam đề nghị Vương quốc Anh bán 2 căn hộ trị giá khoảng 10 tỷ đồng; đề nghị Singapore bán 1 căn hộ trị giá khoảng 60 tỷ đồng (phía Singapore đã bán và đang làm thủ tục chuyển giao cho Việt Nam số tiền trên). Như vậy, tính đến nay tổng số tài sản và tiền mặt đã thu hồi được trong vụ án này ước tính khoảng gần 150 tỷ đồng.

Việc điều tra, xử lý vụ án được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, đánh giá cao về bản án nghiêm khắc, thích đáng đối với những kẻ phạm tội. Đặc biệt, Cơ quan điều tra đã chứng minh, làm rõ, tịch thu toàn bộ tài sản kê biên trong vụ án, thể hiện tin thần kiên quyết đấu tranh phòng chống tội phạm, thu hồi tài sản tham nhũng cho Nhà nước theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Đây cũng là vụ án tham nhũng mà các cơ quan tiến hành tố tụng đã thu hồi được tài sản bị thất thoát lớn nhất từ trước đến nay.

Bề dày thành tích

Tổ chức tiền thân của Cục ANĐT với tên gọi là Phòng Chấp pháp, được thành lập ngày 31/12/1951 thuộc Ty Bảo vệ Chính trị, Nha Công an Trung ương, có nhiệm vụ chính là "Bắt, hỏi cung đối tượng của các vụ án do thám, phản động". Ngày 16/2/1953, Nha Công an Trung ương đổi thành Thứ Bộ Công an (đến tháng 8/1953 đổi thành Bộ Công an), theo đó Phòng Chấp pháp được nâng lên thành Vụ Chấp pháp trực thuộc Bộ Công an, nhận thêm nhiệm vụ quản lý hệ thống trại giam, trại cải tạo, ngày 29/9/1961 đổi tên là Cục Chấp pháp.

Đến tháng 6/1981, Cục Chấp pháp tách thành hai bộ phận: Cục ANĐT thuộc Tổng cục An ninh và Cục Cảnh sát điều tra thuộc Tổng cục Cảnh sát. Từ đây, tên gọi Cục ANĐT chính thức ra đời. Năm 1996, lãnh đạo Bộ Công an xác định ngày 31/12/1951 là Ngày Truyền thống lực lượng ANĐT.

Mốc son lịch sử này đã trở thành điểm nhấn của lực lượng, gắn với một chặng đường đầy ắp những chiến công, những hy sinh trên trận tuyến bảo vệ An ninh Quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, dù còn non trẻ về tổ chức và trình độ nghiệp vụ, nhưng dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Nha Công an Trung ương, Phòng Chấp pháp đã cùng với lực lượng Bảo vệ Chính trị xử lý nhiều vụ án gián điệp, phản động; tham gia khai thác hàng trăm đối tượng tù, hàng binh do bộ đội ta bắt giữ.

 Qua đó đã kịp thời cung cấp nhiều tin tức, tài liệu về âm mưu, tổ chức của địch cho các đơn vị An ninh trong Công an và Quân đội; đã khám phá, đập tan nhiều âm mưu, hoạt động chống phá chính quyền cách mạng của bọn Việt gian phản động.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Cục Chấp pháp đã điều tra, khám phá hàng trăm vụ án nhen nhóm phản động và bạo loạn, nổi bật như vụ "Nhân văn giai phẩm" ở Hà Nội (năm 1956); vụ bạo loạn ở Đồng Văn, Hà Giang (tháng 12/1959); vụ "Tân Phong cách mạng hội" ở Hà Nội, Hà Đông, Hưng Yên, Hải Phòng (năm 1962)...

Phát hiện, bóc gỡ hàng trăm vụ gián điệp cài cắm; tham gia tích cực vào các chuyên án câu nhử gián điệp biệt kích của Mỹ ngụy xâm nhập miền Bắc, điển hình như chiến dịch câu nhử gián điệp biệt kích tại Lai Châu kéo dài từ năm 1962 đến năm 1965, tại Bắc Giang kéo dài từ năm 1964 đến năm 1969.

Trong giai đoạn này, Cục Chấp pháp còn là lực lượng chính khai thác có hiệu quả các đối tượng an ninh, tình báo ngụy, đối tượng Mỹ bị bắt ở các chiến trường miền Nam phục vụ các yêu cầu  bảo vệ căn cứ và tiến công địch trên các chiến trường.

Đặc biệt trong đợt khai thác tại chỗ các đối tượng bị bắt sau chiến dịch năm 1968, năm 1972 đã phát hiện hàng ngàn tin tức, tài liệu có giá trị góp phần, phục vụ kịp thời cuộc Tổng Tiến công Đại thắng Mùa xuân năm 1975.

Đất nước thống nhất, nhiệm vụ của Cục Chấp pháp lại càng nặng nề hơn khi phải đối mặt với hàng loạt kế hoạch hậu chiến và tàn dư của chế độ cũ. Lực lượng Chấp pháp đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ và lực lượng Quân đội tập trung khai thác trên 10.000 ngụy quân, ngụy quyền, nhân viên tình báo, cảnh sát đặc biệt, phát hiện khối lượng lớn tài liệu có giá trị, nhiều đầu mối phục vụ kịp thời cho công tác trinh sát.

 Bóc gỡ cơ sở gián điệp, nội gián của địch; truy quét 67.000 tên phản cách mạng còn lẩn trốn, lập hồ sơ đề nghị truy tố hơn 35.000 tên, qua đó đẩy lùi âm mưu gây bạo loạn, góp phần củng cố chính quyền cơ sở, giữ vững an ninh, trật tự, nhất là ở các vùng đô thị tập trung đồng bào tôn giáo, dân tộc ở các tỉnh phía Nam.

Từ năm 1986 đến nay, đất nước ta tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh hệ thống chủ nghĩa xã hội sụp đổ, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, bọn phản động ráo riết tiến hành chiến lược "Diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ nhằm xóa bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta.

Chúng triệt để lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, những sơ hở, thiếu sót của ta trong quản lý điều hành đất nước để tiến hành các hoạt động chống phá. Trước tình hình đó, Cục ANĐT kế thừa truyền thống của các lớp đồng chí đi trước, lại tiếp tục lập được nhiều chiến công, thành tích đặc biệt xuất sắc.

Kết quả điều tra xử lý các vụ án xâm phạm An ninh Quốc gia của Cục ANĐT đều đạt được mục đích cao nhất của công tác an ninh, đó là vừa đảm bảo yêu cầu pháp luật, vừa phục vụ tốt yêu cầu chính trị, đối ngoại của đất nước trong mọi tình huống, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an đánh giá cao.

Trải qua gần 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, được tôi luyện trong môi trường công tác đấu tranh trực diện với kẻ địch và phần tử xấu, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ chiến sỹ lực lượng ANĐT nói chung và Cục ANĐT nói riêng luôn đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, anh dũng, mưu trí trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Ngành Công an giao cho.

Qua thực tiễn công tác, chiến đấu, có rất nhiều tập thể, cá nhân xuất sắc, tấm gương điển hình tiên tiến.Những thành tích, cống hiến của đơn vị đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và nhân dân ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao và được tặng thưởng những phần thưởng cao quý: 1 Huân chương Hồ Chí Minh; 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất; 3 tập thể đơn vị cấp phòng thuộc Cục được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

 Gần 100 tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân, Huy chương các loại, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và xuất hiện hàng trăm tấm gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu trong các phong trào thi đua. Đặc biệt, ngày 7/8/2020, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định phong tặng Danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Cục An ninh điều tra - Bộ Công an. 

Xuân Mai
.
.