Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Mẹ bước tới giữa hai triền cỏ biếc

Thứ Ba, 30/01/2018, 09:13
Nhiều nhà văn, nhà thơ viết về mẹ nhưng để có những trang viết thể hiện tình yêu đến độ ám ảnh, mộng mị, đau đớn, thậm chí là khóc ròng trong những giấc mơ thì không nhiều. Trong số đó, có nhà văn Nguyễn Quang Thiều.

Anh là người yêu mẹ tột đỉnh và gọi lên được tất cả những nỗi niềm ấy về mẹ trong những trang viết. Đối với anh, người mẹ có một sức ảnh hưởng đặc biệt quan trọng đến sự hình thành nhân cách, lối sống và cả một đời cầm bút, mặc dù người mẹ quê ấy chỉ là một bà giáo trường làng, cả một đời không bước ra khỏi lũy tre, cánh đồng và ngôi nhà ở làng Chùa yêu dấu...

1. Trong văn hóa Việt, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng, người ta thường nói "con hư tại mẹ, cháu hư tại bà" có lẽ chỉ là cách nói khác của việc ảnh hưởng của người mẹ đối với đứa con từ việc sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Trong đó có những người con của những người mẹ sinh ra trong hoàn cảnh chiến tranh hoặc người cha đi làm những việc khác còn những người mẹ thì ở nhà lam lũ quanh năm.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều kể lại rằng, trong suốt những năm tháng ấu thơ bố anh đi công tác xa dăm bữa nửa tháng, thậm chí nửa năm mới về, anh sống gắn bó với mẹ và chịu ảnh hưởng rất lớn từ mẹ. Từ giọng nói của mẹ, ẩm thực của mẹ, lúc sợ hãi cũng nghĩ về mẹ. Kể cả tình cảm và thái độ của mẹ truyền vào cá nhân anh, ảnh hưởng sâu sắc tới lối sống và hầu hết những hành vi của anh sau này.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều kể lại, mẹ anh là con út trong một gia đình khá giả tại Hà Tây. Lên 5 tuổi, mẹ anh đã được ông ngoại mời thầy dạy tiếng Pháp mỗi tuần đi xe từ Hà Nội về dạy một buổi. Gia đình ông bà ngoại anh có 2 người con tham gia kháng chiến từ năm 17 tuổi, là “địa chủ” nhưng được quy là “địa chủ kháng chiến”.

Hai cụ thân sinh nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Ông thường xuyên cung cấp gạo và tiền cho Việt Minh. Hơn nữa, 2 người anh trai của mẹ anh đã tham gia kháng chiến từ năm 17 tuổi. Cho đến bây giờ nhà ông bà ngoại vẫn còn nhà ngang dãy dọc, hồ bán nguyệt trồng sen, bể đựng nước mưa lớn đủ dùng cho gia đình trong vài ba năm liền nếu không có mưa.

Nhưng thứ hấp dẫn Nguyễn Quang Thiều nhất là tủ sách của gia đình ông bà ngoại anh. Ở những năm 60, 70 của thế kỷ trước mà một gia đình ở nông thôn có một tủ sách với ngót hai ngàn đầu sách thì quả là một tài sản khổng lồ. Và Nguyễn Quang Thiều đã được hưởng cái tài sản chữ ấy.

Vì bà được học hành rất kỹ nên sau này, bà tham gia phong trào Phụ nữ cứu quốc của huyện Ứng Hòa (Hà Tây cũ), dạy bình dân học vụ và sau đó là trở thành một bà giáo làng. Những năm tháng chiến tranh, có một thời nhà cậu bé Thiều trở thành lớp học vì trường lớp bị hư hỏng và các lớp học cũng không tập trung do sợ bị ném bom.

Sáng nào mẹ anh cũng dậy sớm quét dọn lớp và lau bảng cho học sinh. Vào mùa thu hoạch khoai, thi thoảng mẹ anh lại luộc một nồi khoai để trong lớp cho học sinh của mình ăn thêm vì sợ chúng đói. Mùa đông thì mẹ anh thường rang ngô cho học sinh ăn thêm.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều kể lại rằng, khi còn nhỏ, nhất là vào những đêm mùa đông rét buốt, vì hồi đó chẳng có quần áo ấm, các anh chị em của ông nằm co ro trong ổ rơm bên một chậu than củi. Khi các con chìm vào giấc ngủ là lúc mẹ bắt đầu soạn giáo án cho lớp học hôm sau. Mẹ anh thức rất khuya và chỉ chợp mắt được một lúc lại dậy nấu cám lợn, tưới rau, gánh nước và nấu ăn cho các con rồi lên lớp.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định rằng, vì thời gian sống bên mẹ quá lâu và ảnh hưởng tính cách của mẹ rất rõ, một trong tính cách đó là tính khảng khái, rõ ràng trong mọi việc, tính chia sẻ với mọi người. Anh còn nhớ rằng, khi về hưu, bà có mở một cửa hàng tạp hóa ở đầu ngõ bán kim chỉ, nước mắm, hành tỏi... và bà có một cuốn sổ để ghi mỗi ngày bán được những gì nhưng trong đó có một phần ghi những người còn nợ tiền, vì ở làng quê khá nghèo và vất vả.

Có người trả nợ nhưng có người không, sau này già yếu nên mẹ anh không bán hàng nữa và cuốn sổ đó, bà bảo Nguyễn Quang Thiều đốt đi. Trong đó có những người còn nợ tiền, dù số tiền không nhiều, nhưng cũng là nhiều đối với một bà giáo già về hưu ở làng quê.

Mẹ anh bảo rằng, có thể có những người không có khả năng để trả nợ, vì đời sống nông thôn những năm tháng ấy rất khó khăn, và bà bảo rằng, đốt đi để không quan tâm đến việc ai nợ mình nữa, cũng như để sau này không ai phải nhìn thấy những dòng chữ này...

2. Từ hồi trẻ đến bây giờ, trừ thời điểm đi công tác, không ở Việt Nam, thì tuần nào anh cũng trở về trong ngôi nhà ấu thơ. Trước hết đó là mẹ mình và mình đã gắn bó trong lòng mẹ từ khi sinh ra và lớn lên, hơn nữa Nguyễn Quang Thiều cho rằng mình là một người yếu đuối nên những lúc phiền muộn, thất bại thì phải trở về.

Kể cả sau này, khi mẹ đã già và anh cũng đã trưởng thành thì mỗi lần về quê, rời làng đi trên đê cũng ngoái đầu trở lại, không muốn đi nữa, luôn cảm thấy muốn khóc, nhớ mẹ ngay khi mình vừa rời khỏi đầu làng. Cho đến ngày mẹ anh đã già rồi, anh đã lấy vợ sinh con rồi, đã đi đông đi tây rồi, thì những khi anh về nhà, cuối tuần, cũng nghĩ buổi chiều cuối tuần luôn phải kiếm thêm một cái gì đó, nấu thêm một ít gạo vì con trai sẽ về.

Kể cả khi anh 50 tuổi trở về nhà thì lúc nào đi ngủ mẹ cũng mắc màn cho mình, quan sát, âu lo, sợ sệt nhưng cũng đầy bản lĩnh. Chỉ có trở về trong ngôi nhà tuổi thơ thì anh mới tìm lại được chính mình.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhớ lại: Hồi còn nhỏ, có lần đêm nằm  mơ thấy mình... chết. Bởi thế mà tỉnh khỏi giấc mộng, anh đã ôm chặt mẹ mình và khóc nức nở vì sợ hãi. Vừa khóc, anh vừa nói với mẹ rằng, con vừa nằm mơ thấy mình chết! Mẹ anh ôm chặt anh vào lòng và nói, đấy là con mơ ngủ thôi, con chết thế nào được, làm sao mẹ lại để con chết được. Mẹ anh nói vậy nhưng sau này anh biết rằng, mẹ sợ hãi giấc mộng ấy của anh lắm, hơn gấp nhiều lần chính bản thân anh.

Một lần khác, khi mẹ còn khỏe, vào một đêm mùa hạ, hai mẹ con anh ngồi trong vườn trò chuyện dưới ánh trăng như dát vàng. Chợt mẹ anh bảo “Sau này mẹ mất đi rồi, có còn ai thương con như mẹ không?”. Nghe mẹ nói mà anh thấy nước mắt chảy giàn giụa trên mặt. Vẫn có bao người thương yêu như anh chị em, vợ con và bạn bè, nhưng không ai có được tình thương giống mẹ.

Bây giờ mẹ đã đi xa, song, những ngày nghỉ cuối tuần, anh vẫn thường xuyên về quê. Mỗi khi về quê vào những đêm có trăng, anh vẫn ra vườn ngồi xuống nơi hai mẹ con đã ngồi. Lúc nào anh cũng cảm thấy hơi ấm từ tình mẹ tỏa vào như chưa bao giờ mẹ đi xa cả.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng, mẹ anh là một người sống nhân ái, nhưng cũng đầy quyết liệt và nghiêm khắc. Hồi trẻ anh có yêu một cô ở làng quê, và bố anh, vì những lý do đưa ra về tình về lý, đã không cho anh lấy cô gái quê ấy. Cuối cùng nhà thơ Nguyễn Quang Thiều quyết định rời mối tình ấy vì cha mình.

Bởi anh nghĩ đơn giản, người cha thì chỉ có một, còn những người đàn bà thì mình có thể có nhiều lựa chọn khác. Khi không có cha bên cạnh, mẹ anh đã tâm sự: Con phải xem lại tình yêu của mình, bởi vì mình yêu chính đáng thì mình phải đấu tranh cho tình yêu ấy chứ!

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Nguyễn Quang Thiều ngạc nhiên lắm. Mẹ anh là một bà giáo ở nông thôn đôi khi rất phong kiến, nhưng bà có lúc đã khuyên anh rằng, hai đứa hãy đi ở một nơi nào đó thật xa, sinh một đứa con và khi có đứa con trở về thì mọi chuyện sẽ khác. Nhưng Nguyễn Quang Thiều không dám làm điều đó.

Khi lớn lên, đã lập gia đình và người con gái làng mà anh yêu ngày nào cũng đã có gia đình, thì mẹ anh vẫn chê trách anh, khi nhắc về chuyện tình yêu ngày đó. Bà vẫn nói rằng, anh là người đã không dám hy sinh cho tình yêu của mình!

Đối với Nguyễn Quang Thiều, mẹ là nguồn cảm hứng sáng tác của anh. Hầu hết những câu chuyện mẹ kể tại chính làng quê cho anh, sau này anh viết nên những truyện ngắn về làng mình, những truyện ngắn nổi tiếng, có truyện đã chuyển thể thành phim, kịch như "Mùa hoa cải bên sông".

Sắp tới đây, anh sẽ xuất bản cuốn sách "Những câu chuyện kỳ bí của làng Chùa". Toàn bộ những câu chuyện trong cuốn sách này đều là do mẹ anh kể lại, thậm chí có những câu chuyện mẹ chứng kiến và kể lại trên mâm cơm, trong giường ngủ, trong ổ rơm bếp những ngày đông...

Với anh, mẹ cũng là nguồn cảm hứng để viết nên những áng thơ đầy xúc động: "Con chỉ vừa chợp mắt/ Đã trở về trên cánh đồng mùa thu/ Đất dưới chân con thơm như mật/ Mây trên đầu con thơm như hoa/ Mẹ bước tới giữa hai triền cỏ biếc/ Dắt con đi theo lối chân trời/ Câu chuyện buồn 26 năm qua/ Con đã giấu ngăn cuối cùng ký ức/ Nhưng trưa nay, một trưa như ngọc/ Con lỡ tay mở ra... gió lốc bụi thay mùa"... (Giấc mộng trưa) hay: "Nhớ mãi giấc mơ xa xôi/ Những ngày mẹ còn sống/ Tuổi thơ hoang hoang trên cánh đồng/ Cậu bé đứng im lặng/ Thời gian cũng ngừng trôi/ Bông cúc vạn thọ lay nhẹ/ Nghĩa địa vọng giọng người xưa/ Mẹ lau nước mắt cho con/ Trên biên giới của mùa thu mây trắng/ Có một đứa trẻ vừa gọi mẹ vừa lớn/ Chợt già đi trong những cúc thẫm chiều..." (Mưa gần sáng).

Sau này, nỗi mất mát lớn nhất của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là sự ra đi của cha, rồi mẹ, chỉ cách nhau có 6 tháng. Cảm giác như không trụ vững được, nhưng 5 anh em anh đã đứng vững để tiếp nối mạch nguồn và truyền thống gia đình. Mẹ anh vất vả thế nhưng lại bị bệnh mất ngủ và một ước mơ đau đớn nhất của bà, đó là chỉ mong có đủ thuốc ngủ để uống. Bà luôn sợ hãi khi trong tủ thuốc hết thuốc ngủ. Các con biếu tiền bà, bà không tiêu, chỉ có một ước mong là trong nhà không bị thiếu thuốc ngủ.

Anh cho rằng, dù bây giờ những nỗi niềm đã nguôi ngoai bớt đi nhưng nỗi cô đơn lớn nhất là trong ngày tết, ngày tháng Giêng về nhà. Tết khi còn mẹ cha, đối với anh nó mới thực sự có ý nghĩa. Dù có bận rộn đến đâu, thì đêm giao thừa, anh cũng có mặt ở nhà, trước đó là để cúng đêm 30, sau đó là nép vào một góc để thưởng thức hương vị quê nhà đã gắn bó với mình trong cả cuộc đời.

Tết không còn cha mẹ, nó cay đắng và tủi hờn. Đôi khi anh không có đủ thời gian để nghĩ về mình, về tuổi của mình, về những thành bại của mình vì chỉ có cả trời tuổi thơ ngập trong trái tim. Thuở nhỏ, cứ chiều chiều anh chị em Nguyễn Quang Thiều lại ra đầu ngõ chờ mẹ đi chợ về. Lúc nào mẹ về muộn là trái tim anh như bị bóp nghẹt, khó thở. Anh chỉ cảm thấy mình sẽ tan biến nếu mẹ bị làm sao. Đến khi thấy bóng mẹ thì anh mới thở phào nhẹ nhõm.

Kể cả những năm tháng đói nghèo đó và những năm tháng đời sống được cải thiện rất nhiều thì gia sản lớn nhất của các anh em anh vẫn là mẹ. Anh nhớ có những chiều mưa dông, bà đi chợ về người ướt sũng và tái ngắt vì lạnh, vì trời mưa mẹ ở lại bắt châu chấu để rang cho các con ăn... Và tất cả những ký ức đầy tràn ấy đã là hành trang duy nhất để Nguyễn Quang Thiều bước lên đỉnh cao trong thơ ca, hội họa.

Như bây giờ, dù đã đủ đầy tất cả, song có một Nguyễn Quang Thiều luôn hoài niệm về quê hương, về mẹ như một chân trời vọng tưởng đầy thương nhớ: "Có một ngày không gieo, gặt/ Tôi trốn những lo âu về lại cánh đồng/ Đất nâu thẫm hắt lên rười rượi/ Mưa luênh loang, ngây ngất đáy chiều/ Nghe vọng lại mùa châu chấu đói/ Xòe cánh bay qua vòm họng người nghèo/ Ký ức chạy dọc con đường lạc mẹ/ Có lưng còng đâu đó đẫm nhìn tôi/ Cỏ đuôi chó em tết con chó nhỏ/ Ta xa nhau chó héo đuôi rồi/ Tôi trở lại nhặt lên vành nón gãy/ Những chân trời gập khúc xuống mùa đông/ Người nông dân già chiều nay rút rơm khô thổi lửa/ Xa tít một lưỡi cày mơ tên gọi vì sao"...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.