Việt Nam làm chủ công nghệ xử lý nước nhiễm dầu bằng chế phẩm vi sinh tạo màng sinh học

Thứ Tư, 30/09/2020, 12:49
Ngành công nghiệp khai thác và chế biến dầu mang lại lợi ích kinh tế - xã hội lớn cho đất nước, nhưng cũng gây ra ô nhiễm môi trường nước ở mức báo động. Vì vậy, nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do dầu và các sản phẩm của nó gây ra, các nhà khoa học Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu, ứng dụng vi sinh vật tạo màng sinh học trên than sinh học để tạo chế phẩm xử lý ô nhiễm dầu.

Kết quả của dự án TS. Lê Thị Nhi Công làm Chủ nhiệm này đã thu hút sự quan tâm của các đại biểu tại hội thảo khoa học về truyền truyền thông và chuyển giao công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 do Viện Hàn lâm KH&CN tổ chức tại Hà Nội hôm 18/9/2020.

TS. Lê Thị Nhi Công cho biết các nhà khoa học trên thế giới đã đưa ra nhiều quy trình xử lý như cơ học, vật lý, hóa học, sinh học… nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nước do dầu gây ra. Trong đó, tạo màng sinh học được đánh giá là một trong những quy trình giúp xử lý ô nhiễm triệt để, chi phí thấp, thân thiện với môi trường nhất và được nhiều nước trên thế giới nghiên cứu, ứng dụng.

Các cán bộ của Viện Công nghệ sinh học triển khai chế phẩm vi sinh tạo màng sinh học xử lý nước bị nhiễm dầu. Ảnh: TS Lê Thị Nhi Công.

Việc nghiên cứu để đưa ra các sản phẩm tạo màng sinh học từ các vi sinh vật là lần đầu có được không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Nhóm tác giả cũng chỉ ra màng sinh học giúp cho các vi sinh vật thích nghi dễ dàng và chống chịu lại được các điều kiện khắc nghiệt của môi trường như pH, nhiệt độ, nồng độ các chất gây ô nhiễm.

Theo TS. Lê Thị Nhi Công, chế phẩm tạo thành từ các vi sinh vật tạo màng sinh học trên than sinh học (biochar) có nguồn gốc từ trấu. Chế phẩm có độ ổn định cao, an toàn với môi trường, có năng lực phân hủy trên 95% các thành phần hydrocarbon có trong nước thải nhiễm dầu sau 7-14 ngày sử dụng. Chế phẩm là sự kết hợp của phương pháp sinh học với các yếu tố hóa lý để xử lý nước bị ô nhiễm do ngập lụt ở khu vực các nhà máy, khu công nghiệp và kho xăng dầu ...

“Ô nhiễm môi trường do dầu mỏ và các thành phần của dầu mỏ luôn là vấn đề cấp thiết đối với các nhà khoa học trong và ngoài nước, đây được xem là thị trường quan trọng và tiềm năng. Song, hiện nay chưa có nhiều sản phẩm từ vi sinh vật để xử lý ô nhiễm dầu tại các kho xăng dầu tại Việt Nam. Chế phẩm này được hình thành từ các đề tài nghiên cứu cấp nhà nước và có sự cải tiến, hoàn thiện để đạt hiệu quả được cao hơn. Chế phẩm đã được ứng dụng thành công nhiều năm tại kho xăng dầu Đỗ Xá, Thường Tín, Hà Nội” - TS. Lê Thị Nhi Công cho hay.

Nhóm nghiên cứu giới thiệu về giải pháp hữu ích trong một triển lãm công nghệ. (Ảnh: Nhóm nghiên cứu)

Bên cạnh đó, việc sử dụng than sinh học (biochar) có nguồn gốc từ phế phụ phẩm nông nghiệp (từ trấu) làm chất mang cho các vi sinh vật tạo màng sinh học bám vào, vừa nâng cao hiệu suất xử lý, vừa giảm giá thành sản xuất. Bởi đây là vật liệu rẻ tiền và sẵn có ở Việt Nam. Đồng thời, để tạo than sinh học, người ta dùng phương pháp đốt kị khí hoặc ít oxy, nhờ đó giúp giảm việc phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính do quá trình đốt hiếu khí gây ra.

Trong giai đoạn nghiên cứu, quy trình được thử nghiệm tại Xí nghiệp xăng dầu K133, Công ty xăng dầu Hà Sơn Bình. Việc sử dụng hỗn hợp các chủng vi sinh vật bao gồm vi khuẩn và nấm men phân lập tử từ các kho bể chứa xăng dầu, các vùng ven biển bị nhiễm dầu đã giúp tận dụng nguồn sinh vật phong phú của Việt Nam cũng như làm giảm chi phí cho việc xử lý nước thải nhiễm dầu từ các kho, bể chứa dầu.

Nước thải nhiễm dầu sau khi được xử lý bằng các chế phẩm màng sinh học đa chủng đã loại bỏ hơn 95% các thành phần hydrocacbon có trong nước thái, nước thu được đạt loại B QCVN 29:2010/BTNMT. Theo TS Lê Thị Nhi Công, hiện giải pháp hữu ích đã được triển khai tại một số kho xăng dầu tại Hà Nội, Thanh Hóa...

“Với việc xử lý bằng chế phẩm thu được từ quy trình này, khách hàng của chúng tôi có thể tiết kiệm 1/3 chi phí so với các công nghệ đã sử dụng trước đó. Các đơn vị ứng dụng hoàn toàn có thể tự vận hành quy trình xử lý theo những hướng dẫn cụ thể của nhóm nghiên cứu. Việc làm chủ công nghệ và sử dụng ngay chính các vi sinh vật bản địa ở Việt Nam giúp chủ động về sản phẩm và công nghệ để ứng phó với các sự cố ô nhiễm môi trường.” – TS Nhi Công cho hay. 

Đồng thời, cái hay của giải pháp hữu ích là các vi sinh vật được sử dụng đều có nguồn gốc từ Việt Nam nên có giá thành rẻ. Hơn nữa, khi triển khai thực tế theo khuyến cáo của nhóm nghiên cứu, có thể chỉ cần sử dụng khoảng 4/12 vi sinh vật có trong giải pháp là đạt hiệu quả.

“Chế phẩm này hiện nay chúng tôi đang hoàn thiện và có những cải tiến bước đầu để an toàn cho người sử dụng và môi trường sinh thái. Về công nghệ tạo chế phẩm chúng tôi đã bước đầu làm chủ và có bằng độc quyền Giải pháp hữu ích về sản phẩm tương tự với sản phẩm này. Trong quá trình phát triển sản phẩm trong GPHI đó, chúng tôi phát hiện những nhược điểm và đã có những cải tiến để khắc phục” – TS. Nhi Công cho hay.

Quy trình xử lý của Viện Công nghệ sinh học đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, đồng thời, được trao giải thưởng Sáng tạo trong cuộc thi Chứng minh ý tưởng lần thứ 3 – Phụ nữ và tương lai nền kinh tế xanh, do Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam VCIC - Bộ Khoa học và Công nghệ - phối hợp cùng Ngân hàng thế giới và Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam tổ chức.

TS. Lê Thị Nhi Công biết thêm: Chế phẩm đã được hoàn thiện công nghệ và từng bước thương mại hóa sản phẩm. Với tính hữu ích của quy trình xử lý, nhóm nghiên cứu đã được tham gia các khóa học về thương mại hóa sản phẩm do Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam kết hợp với Viện Hoàng gia Anh cũng như Đại sứ quán tổ chức. Các khóa học này giúp nhóm trang bị những kiến thức để có thể thực hiện thương mại hóa thành công các sản phẩm khoa học. Đây là cơ sở để sản phẩm sớm được ứng dụng rộng rãi trên thị trường.

Thái Hoàng
.
.