100 ngày điều trị “cụ rùa” Hồ Gươm

Thứ Ba, 09/08/2011, 18:10

“Từ ngày 3/4 đến 12/7/2011 như vậy là tròn 100 ngày cụ rùa được điều trị tại 2 bể nhân tạo cạnh khu Tháp Rùa. Hiện tại cụ đã hoàn toàn khỏe mạnh” - PGS. TS Hà Đình Đức (hay còn được gọi vui là “nhà rùa học”) khoe như reo với chúng tôi qua điện thoại. Rồi ông mời tôi qua nhà để kể lại quá trình điều trị cho cụ…

Căn phòng nhỏ của "nhà rùa học" bày la liệt các loại sách báo. Ở giữa phòng treo trang trọng một khung ảnh lớn, nổi rõ cảnh cụ rùa Hồ Gươm đang ngửa cổ lên hít thở khí trời. PGS.TS Hà Đình Đức vào chuyện với giọng nói hừng hực nhiệt huyết của một nhà khoa học hiểu rất rõ về vấn đề mình nghiên cứu.

"Tôi đã cảnh báo từ năm 2009, là cụ rùa Hồ Gươm đang bị đày đọa. Bao nhiêu rong rêu rác rưởi bủa vây lấy cụ. Rồi đủ thứ gạch đá, sắt thép nằm dưới đáy hồ làm khổ cụ. Mai cụ cũng đã bị rêu mốc ăn trắng xóa… Rằng phải có biện pháp khẩn thiết cứu lấy Hồ Gươm, cứu lấy cụ rùa...".

Miệng nói, tay PGS Đức lật giở chính xác từng bức ảnh trong một chồng album khoảng 40-50 cuốn để minh chứng cho lời nói của mình. Cho đến cuối năm 2010, cụ rùa không những bị tấn công bởi các loại rác rưởi của con người, mà còn bị cả bọn rùa tai đỏ thừa thế mò lên gặm mai cụ. Ngày mùng 1 Tết Canh Dần, cụ đã phải trèo lên một góc hồ, với vết thương lớn ở vai. Một chân cụ với lên trên, như cầu cứu...

Tháng 1/2011, trong cuộc gặp gỡ của lãnh đạo TP Hà Nội với 154 nhà văn hóa, nhà khoa học được tặng bằng khen vì có thành tích đóng góp cho Đại lễ 1000 năm, PGS Đức đã tranh thủ gặp ngay ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND TP Hà Nội để đề xuất một số vấn đề về việc diệt rùa tai đỏ và bảo vệ gấp cụ rùa đang bị thương nặng. Đồng thời ông cũng đề xuất với TP Hà Nội việc cần cải tạo, xây dựng khu vực cống thoát nước chính của Hồ Gươm nằm ở góc phố Hàng Khay theo kiểu cống thủy lợi, để khi có mưa lớn sẽ tháo nước ở đáy hồ ra ngoài. Hiện tại, cống phố Hàng Khay chỉ là cống tràn, tự chảy khi có mưa lớn. Theo ông Đức, nước Hồ Gươm lưu cữu đã mấy trăm năm nay, chỉ được bổ sung hằng năm vào mùa mưa, nên độ ô nhiễm rất cao. Nếu xây được cống thủy lợi ở góc hồ, vào mùa mưa, sẽ tháo nước đáy hồ ra ngoài, để nước mưa pha loãng nước Hồ Gươm, tự điều tiết sự ô nhiễm môi trường sinh thái hồ.

Thật may, cuối cùng thì lời kêu gọi khẩn thiết của ông cũng được lãnh đạo TP ghi nhận. Ngày 15/2/2011, UBND TP Hà Nội đã có ý kiến chỉ đạo các sở, ban, ngành tiến hành khảo sát hiện trường, xây dựng phương án và đề xuất thành lập tổ công tác liên ngành và có giải pháp bắt, xử lý triệt để rùa tai đỏ tại Hồ Gươm. Tiếp tục tiếp thu xin ý kiến các nhà khoa học và các tổ chức, cá nhân để hoàn thiện phương án kỹ thuật, triển khai bắt rùa tai đỏ, có giải pháp tổng thể chữa trị vết thương cụ rùa tại Hồ Gươm. Đồng thời kiểm tra, sửa chữa các bờ, kè hồ đảm bảo công trình quanh Hồ Gươm; lắp đặt hệ thống ống dẫn nước, thoát nước thải khu vực đền Ngọc Sơn sát đáy hồ và bờ để không cản trở đường đi của cụ rùa trong hồ; có phương án bổ sung nước vào hồ khi mực nước thấp hơn quy định…

Đặc biệt, UBND TP đã chỉ đạo việc đưa cụ rùa lên bờ để chữa bệnh. Hai chiếc bể có đường kính lần lượt là 5m và 10m đã được khẩn trương lắp đặt. Ngày 3/4/2011, cụ rùa đã được đưa thành công vào bể. Trước đó, ngày 8/3/2011, cụ đã xé toang một lớp lưới định bắt cụ.

Bể chữa thương có đường kính 5m, chiều cao 1,2 m, nặng 2,5 tấn là nơi sẽ tiến hành "xử lý sơ bộ" cụ rùa khi lai dẫn cụ vào chân Tháp Rùa. Bể chữa thương này sẽ được đặt trên chân Tháp Rùa - nơi Hội đồng chữa trị sẽ tiến hành điều trị vết thương cho cụ rùa. Cụ sẽ được bôi thuốc đặc trị để chống nấm mốc, và để vết thương nhanh lành miệng. Hàng chục cán bộ thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, Chi cục Thủy sản Hà Nội, Sở NN &PTNT Hà Nội, Viện Da liễu Hà Nội,  Đại học Nông nghiệp I đã thay nhau chăm sóc và cung cấp thức ăn (cá) cho cụ.

Qua phân tích mẫu từ việc thăm khám rùa Hồ Gươm, các chuyên gia chỉ thấy có 4 loài vi khuẩn và một loài nấm, những loài có nhiều trong lớp bùn đáy hoặc trong nước. UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty Thoát nước và Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị tập trung lực lượng, phương tiện dọn dẹp các chướng ngại trong trong hồ như đường cấp thoát nước cho đền Ngọc Sơn, phía bắc cầu Thê Húc, đối diện bãi đỗ xe Đinh Tiên Hoàng; gạch đá chung quanh taluy ven hồ. Tiến hành phần phía nam Tháp Rùa để tăng thể tích hồ.

Cụ rùa Hồ Gươm được đưa lên thuyền để chuyển về chữa trị tại bể nhân tạo.

Theo các thành viên trong Hội đồng chữa trị vết thương rùa Hồ Gươm, sau một thời gian điều trị những vết thương ở mai và chi trước, cụ rùa đã có dấu hiệu bình phục. Kết quả phân tích ADN ở những phòng thí nghiệm cho thấy, bên trong cơ thể cụ rùa không có trọng bệnh.

100 ngày cụ rùa nằm tại bể điều trị, thì có tới gần 60 ngày PGS.TS Hà Đình Đức có mặt tại đó để theo dõi tình hình sức khỏe của cụ. Và cho tới trưa ngày 12/7, cụ rùa đã được thả lại về Hồ Gươm. Có một điểm mà chỉ PGS Đức mới biết, đó là khi chiếc lưới vừa được thả xuống, thì cụ lập tức bơi sang ngay. "Chắc là cụ biết mình được trở lại mái nhà xưa" - PGS Đức nói, giọng bùi ngùi.

Lần giở lại hơn 20 năm nghiên cứu về rùa Hồ Gươm của mình, PGS Hà Đình Đức kể. Cụ rất hay nổi vào những thời điểm quan trọng của đất nước. Rồi ông lần giở lại những tờ báo mà ông giữ rất kỹ. "Chỉ trong năm 2009, cụ đã nổi hàng chục lần. Khai mạc Hội nghị lần thứ 9 BCH Trung ương Đảng khóa X 5/1/2009 là lần cụ nổi đầu tiên trong năm. Ngày 3/2/2009 (79 năm thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam), cụ lại nổi. Trong khoảng 1 giờ đồng hồ ban đầu, cụ ở khu vực Tháp Rùa, sau đó cụ bơi một vòng tới đoạn trước vườn hoa Lý Thái Tổ. Có những lúc cụ nhào mai lên, lộn vòng rồi lại ngụp xuống.

Ngày 10/10/2009, kỷ niệm 999 năm Thăng Long, cụ rùa nổi lên khá lâu dưới chân cầu Thê Húc dẫn vào đền Ngọc Sơn… Ngày 1/10/2010, cụ rùa cũng nổi đúng dịp cả nước tưng bừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Tuy nhiên, PGS.TS Đức cũng lưu ý, cũng có thể chuyện cụ rùa nổi vào những dịp trọng đại của đất nước chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Cũng không loại trừ khả năng do nước hồ ô nhiễm, cụ bị ngộp thể nên phải nổi lên hít khí trời mà thôi.

Đến cuối năm 2010 và đầu năm 2011, số lần nổi của cụ rùa không bình thường, quá dày đặc và trên thân mình với nhiều vết thương và lở loét đã phản ánh tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng của Hồ Gươm. Chính vì vậy công việc đưa cụ lên chữa trị và cải tạo môi trường Hồ Gươm đã trở nên cấp bách. Lần này Thành phố đã vào cuộc thực sự. Công việc chữa trị cho cụ rùa đã thành công và môi trường Hồ Gươm đã được cải thiện, cụ rùa đã hoàn toàn bình phục và trở về cuộc sống tự nhiên. Kết quả này là nhờ sự chỉ đạo đúng đắn kịp thời của lãnh đạo UBND TP Hà Nội; sự tham gia với trình độ kỹ thuật và tinh thần trách nhiệm cao của các nhà khoa học

Minh Tiến
.
.