20 mùa xuân nằm lại với đất Long Khánh

Thứ Hai, 22/02/2016, 18:10
Tượng đài chiến thắng Long Khánh (Đồng Nai) nằm uy nghi và sừng sững bên vệ đường quốc lộ 1A ngang qua trung tâm thị xã, ghi tạc chiến công lịch sử của quân dân Long Khánh và 12 ngày đêm quân giải phóng đập tan phòng thủ chiến lược "lá chắn thép" tử thủ của quân đội Sài Gòn, mở toang cánh cửa phía Đông, để đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn, kết thúc thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào trưa ngày 30-4-1975.

Trên tháp cao của tượng đài chiến thắng có hình tượng một phụ nữ trẻ đang cầm súng, một cánh tay chỉ hướng về Sài Gòn. Với những người dân Đồng Nai, biểu tượng ấy là người nữ chiến sĩ  đội trinh sát vũ trang Long Khánh - Anh hùng, liệt sĩ Hồ Thị Hương… Một nữ trinh sát vũ trang đã anh dũng hy sinh, bất tử với tuổi 20 nằm lại trên mảnh đất quê hương.

Tuổi 17 xây dựng 16 cơ sở mật

Một lần ngồi cà phê với người bạn ở Long Khánh, quán nằm gần Trường Hồ Thị Hương, người bạn văn rất tự hào khi kể về nữ Anh hùng Hồ Thị Hương. Ngôi trường ấy không những là nơi bạn tôi từng học mà còn là ký ức không phai về người nữ anh hùng tuổi 20.

Hồ Thị Hương sinh ngày 20-7-1954, tại xã Bình An, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định, trong một gia đình nghèo đông em nên phải vất vả từ nhỏ. Mấy lần Hương đứng lặng bên vách, nghe cha kể về tội ác mà bọn giặc đã gây ra tại quê hương: Hồi đó, làng Bình An bọn lính Nam Hàn kéo về như kiến cỏ, chúng nói làng này là Việt Cộng và thế là chúng bắn, người chết như rạ, người lớn, trẻ con nằm sắp lớp, máu chảy đỏ đồng. Vụ thảm sát này kinh hoàng không kém gì vụ thảm sát ở Mỹ Lai, Sơn Tịnh (Quảng Ngãi). Tại đây còn có tấm bia ghi danh 1.236 người dân vô tội bị thảm sát trong đợt càn quét từ ngày 26 đến ngày 28-2-1966.

Di ảnh Anh hùng, liệt sĩ Hồ Thị Hương.

Hương mơ một ngày kia lớn lên sẽ giết giặc, cứu nước như nữ tướng Bùi Thị Xuân. Năm lên 9 tuổi, ông Hồ Ngâm - cha Hương đưa gia đình vào Long Khánh lập nghiệp. Một buổi đi học, còn một buổi Hương giúp mẹ buôn gánh, bán bưng kiếm sống. Do bệnh tật, mẹ Hương qua đời, cô thay mẹ phụ cha nuôi gia đình. Chiến tranh đang hồi khốc liệt nhất, cả miền Nam sục sôi khí thế đánh giặc. Lính Mỹ và lính Sài Gòn nhan nhản trên đường phố Long Khánh.

Những cuộc bắt bớ, giết người và gương hy sinh của chiến sĩ, nhân dân như ngày một khắc sâu thêm lòng căm thù giặc của cô gái trẻ. Đầu tháng 8-1970, tròn 16 tuổi, Hương đi tìm chị Hồ Thị Cận, cơ sở an ninh mật của thị xã Long Khánh xin gia nhập Đội trinh sát vũ trang.

Sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, bọn địch tăng cường nhiều cuộc hành quân càn quét, lập nên vành đai trắng, dồn dân lập ấp chiến lược kìm kẹp người dân Long Khánh. Lúc bấy giờ, nhiều cơ sở cách mạng trong nội ô hầu như bị mất trắng. Cán bộ nội thành phải rút ra căn cứ. Trước tình hình rối ren đó, đồng chí Sáu Huệ giao cho Hương làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở. Không ai hình dung được, trước miệng cọp và nanh vuốt, chó săn nhan nhản như vậy trong gần hai năm, cô gái xinh đẹp tuổi "bẻ gãy sừng trâu" Hồ Thị Hương xây dựng được 16 cơ sở bí mật cho cách mạng, hoạt động trinh sát, nắm tình hình, thông tin rất chính xác.

Với mật danh H25, Hồ Thị Hương đã dũng cảm cùng các đội viên đặt mìn tiêu diệt hàng loạt sĩ quan, cố vấn và cảnh sát, lính ngụy tại các nhà hàng, quán ăn trong thị xã Long Khánh khiến cho bọn giặc kinh hoàng bạt vía.

Ảnh chụp gia đình Anh hùng, liệt sĩ Hồ Thị Hương (tư liệu).

Những thiên thần ra trận

Cuối năm 1973, tổ trinh sát vũ trang gồm Hồ Thị Hương (H25), Phùng Thị Thận (C8T) và Lê Thị Lệ (H120) được giao nhiệm vụ đánh địch trong nội ô thị xã Long Khánh, dựa vào dân mà đánh nhưng phải bảo vệ nhân dân. Nhiệm vụ vô cùng khó khăn, đòi hỏi các thiên thần bé nhỏ phải điều tra, nghiên cứu nắm thật chính xác các quy luật hoạt động của đối phương để ra tay.

Tổ của Hồ Thị Hương đã mưu trí, dũng cảm chiến đấu hàng chục trận, tiêu diệt hàng trăm tên thám báo, biệt kích, cảnh sát đặc biệt và tiêu diệt những tên chiêu hồi, phản bội cách mạng.

Chị Lê Thị Lệ (tức Thọ) đội viên Đội trinh sát vũ trang Long Khánh, người bạn chiến đấu thân thiết nhất của Anh hùng liệt sĩ Hồ Thị Hương kể lại: Vào đêm 7-12-1974, Hương và Lệ mang theo túi xách tay có quả mìn hẹn giờ nặng khoảng 2 kg được ngụy trang bằng hộp sữa, rồi ung dung bước vào quán Yến Lan ăn kem như tiểu thư nhà giàu, khiến cho những cặp mắt háo sắc của bọn ác ôn, cảnh sát thèm thuồng. Sau khi bí mật cài xong mìn hẹn giờ, Hương và Lệ rút lui. Bất ngờ, bọn địch cũng tàn tiệc kéo ra khỏi quán. Tình huống quá bất ngờ...

Lúc này, trong quán mấy nhân viên đang dọn dẹp - một ý nghĩ vụt lên trong đầu Hương: "Nếu để mìn nổ, người dân vô tội sẽ bị chết, ý đồ đánh địch sẽ bị lộ và địch có cớ để tuyên truyền xuyên tạc, nói xấu cách mạng".

Nhanh như cắt, Hương lao rất nhanh vào quán bình tĩnh nói lớn: "Chết rồi, tôi bỏ quên túi xách" và lao nhanh đến lấy túi xách có quả mìn hẹn giờ đi ra, một tay thò rút kíp hẹn giờ. Tuy trận đánh không diễn ra như kế hoạch, nhưng hành động dũng cảm, mưu trí của Hồ Thị Hương đã cứu tính mạng của nhiều người dân.

Lần khác, Hương và Lệ đánh mìn quán Hoàng Diệu - nơi bọn thám sát của Sư đoàn 18 quân đội Sài Gòn thường ăn nhậu linh đình trước hoặc sau mỗi lần đi gây tội ác về. Lúc đó, vào khoảng 21 giờ 15 phút, ngày 13-12-1974, Hương và Lệ ăn mặc rất thời trang, cười nói rôm rả bước vào quán Hoàng Diệu khiến bọn thám sát đang say sưa phải tạm dừng, mắt cú vọ không một phút rời hai cô gái trẻ. Lệ giả bộ bỡn cợt, liếc mắt đưa tình lả lơi tập trung sự chú ý của chúng, còn Hương nhanh trí đặt mìn dưới gầm bàn.

Khi hai nữ chiến sĩ an ninh rời khỏi quán chưa đầy 15 phút thì mìn nổ, khiến cho 33 tên thám sát ác ôn (có 1 tên trung úy) đền mạng tại chỗ và hàng chục tên khác bị thương. Tiếng la thét, khói lửa làm chấn động một góc trời thị xã Long Khánh.

Lần khác, tôi cùng chị Hương và chị Thận (C8T) được lệnh đánh vào quán Ngọc Hương, nơi tụ tập ăn chơi của bọn sĩ quan và lính ngụy. Trái mìn định giờ được bí mật ém sẵn... Thấy tôi, hai chị gọi vào, cả ba ăn uống thản nhiên vui vẻ. Hương và Thận ra về trước, cố tình đạp xe không nổ máy để nhờ tôi đẩy dùm. Đẩy được một quãng khá xa, tôi nhảy lên xe luôn và cả ba phóng đi trong đêm tối, để lại sau lưng một tiếng nổ kinh thiên động địa. Kết quả gần 20 tên sĩ quan, binh lính ngụy bị tiêu diệt.

Hai chị Phùng Thị Thận và Lê Thị Lệ đồng thuộc đội nữ trinh sát an ninh Long Khánh.

Chị Phùng Thị Thận - nguyên cán bộ Công an huyện Xuân Lộc (Đồng Nai), thương binh đã nghỉ hưu, giọng trầm xuống như nghẹn lại khi kể về Anh hùng liệt sĩ Hồ Thị Hương - người Tổ trưởng Tổ trinh sát vũ trang, người bạn chiến đấu thân thiết của chị: "Đầu năm 1975, sau một thời gian trinh sát nắm tình hình, Ban An ninh thị xã Long Khánh quyết định đánh địch tại quán Song Nga - quán ăn của một tên đại úy an ninh quân đội Sài Gòn, nằm kề khu vực hậu cứ của Sư đoàn 18, phía trên quán là Đồn Hoàng Diệu. Khách đến ăn nhậu chủ yếu là bọn an ninh quân đội, cảnh sát đặc biệt và tình báo Tiểu khu Long Khánh và quan chức chính quyền Sài Gòn.

Theo kế hoạch vạch sẵn, Tổ trưởng Hương và Thận đánh trực tiếp, còn Lệ bảo vệ vòng ngoài, sẵn sàng đối phó với những tình huống bất trắc có thể xảy ra. Sau khi nhận quả mìn 2 kg kèm với kíp nổ định giờ, lúc 19 giờ 30 phút ngày 29-1-1975, Hương và Thận đóng vai những thiếu nữ đi chơi tối, tạt vào quán Song Nga ăn kem và bí mật gài mìn dưới gầm bàn. Mọi việc diễn ra suôn sẻ, Hương rời quán trước, còn Thận gọi tính tiền, rời quán sau tránh tai mắt bọn địch nghi ngờ. Nhưng tình huống bất trắc xảy ra…

Do sàn nhà trơn, chị Thận trượt chân làm đổ ghế, khiến bọn địch giật mình cảnh giác, đồng loạt đứng dậy bỏ ra về. Đối tượng cần tiêu diệt không còn, Hương quyết định hủy trận đánh và lệnh cho Thận đưa mìn ra ngoài, tháo kíp ném đi. Chị Thận đạp xe chở Hương ôm quả mìn vừa ra khỏi quán Song Nga hơn 10 mét, chưa kịp tháo kíp thì mìn nổ. Hồ Thị Hương hy sinh tại chỗ, Phùng Thị Thận bị thương gãy nát cẳng chân trái và bị địch bắt.

Chị Thận nghẹn ngào nói: "Trong chiến đấu, Hương rất năng nổ và dũng cảm. Trước khi Hương hy sinh, chúng tôi đã vài lần gài mìn hẹn giờ xong, rồi lại phải lấy mìn về vì đánh không hiệu quả, hoặc lúc đó có nhiều người dân. Riêng Hương, dự định sau trận đánh này sẽ báo cáo tổ chức cho lập gia đình, nhưng không thực hiện được. Hương hy sinh khi bước qua tuổi 20 được 5 tháng 10 ngày".

Sau này trong hồi ký của mình đồng chí Sáu Huệ (tức Đại tá Nguyễn Huệ) đã viết về Hồ Thị Hương với những lời chân tình: "Nguy hiểm là thế, căng thẳng là thế, nhưng khi xong trận đánh, vào Cứ gặp các anh, các chị lại cười nói vui vẻ. Đối với quần chúng, em gần gũi đi sâu, biết thuyết phục mọi người. Bà con thường nói: "Con nhỏ Hương nhỏ tuổi nhưng biết suy nghĩ lớn, ai cũng mến thương"...Với thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 6-11-1978 liệt sĩ Hồ Thị Hương được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Hoàng Châu
.
.