2016 – Nước Nga trên con đường trở lại cường quốc

Thứ Hai, 19/12/2016, 18:20
Năm 2016, nước Nga cùng lúc phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức vì giá dầu giảm, đồng nội tệ trong tình trạng "chạm đáy", trong khi phải gồng mình đối phó lệnh trừng phạt kinh tế do phương Tây áp đặt với cáo buộc Nga ủng hộ lực lượng nổi dậy ở miền Đông Ukraine và sáp nhập Bán đảo Cremia.

Không chỉ chống chọi với tình trạng kinh tế khó khăn, Nga còn phải đương đầu với nhiều mối đe dọa, thách thức an ninh quốc gia, trong đó có chủ nghĩa khủng bố. Song, nhờ sự “chèo lái” của vị thuyền trưởng Vladimir Putin, nước Nga không những duy trì được sự ổn định kinh tế xã hội, mà còn dần khôi phục được vị thế cường quốc.

Vào tháng 9-2015, sự can thiệp quân sự của Nga vào Syria đã cứu chính quyền Tổng thống Basha al-Assad và làm thay đổi cục diện cuộc chiến tại nước này. Và vừa chỉ cách đây 2 ngày, việc thất thủ của tổ chức nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã được báo trước tại Aleppo - thành phố trước đây là trung tâm kinh tế của Syria, nhờ vào các cuộc tấn công, không kích của quân đội Nga và của chính quyền Assad lại càng làm tăng ưu thế của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Vào đúng thời điểm thế giới lắng xuống theo dõi quá trình chuyển giao quyền lực ở nước Mỹ vào tay ông Donald Trump, Điện Kremlin đã ra lệnh tăng cường các cuộc không kích vào thành phố lớn thứ hai này của Syria. Nga hy vọng thành phố này sẽ được hoàn toàn giải phóng vào cuối năm nay và qua đó tạo ra việc đã rồi ở Syria trước khi ông Donald Trump chính thức nắm quyền vào tháng 1-2017.

Sự can thiệp của Nga vào Syria - chiến dịch đầu tiên được tiến hành bên ngoài khu vực Liên Xô cũ dưới thời Tổng thống Putin, đã chứng tỏ quân đội nước này đã được hiện đại hóa và tăng cường mạnh mẽ kể từ cuộc cải cách từ năm 2008 nhằm lấp đầy những khiếm khuyết bộc lộ trong cuộc chiến tại Chechnya và Gruzia.

Giới phân tích cho rằng “Cách đây 10 năm, sự can dự của Nga vào vấn đề Syria là không thể. Cho đến khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3/2014, quân đội Nga không còn là một tác nhân quốc tế. Công cụ quân sự như vũ khí hủy diệt và vũ khí hạt nhân không thể được sử dụng bên ngoài biên giới nước Nga”.

Từ năm 2005 đến năm 2015, chi tiêu quốc phòng của Nga đã tăng gấp đôi. Thậm chí hiện nay, ngân sách quốc phòng còn lên đến 5% GDP. Nga đã trang bị những vũ khí, khí tài hiện đại, bổ sung các tàu chiến cho lực lượng hải quân, xây dựng các lực lượng đặc biệt tác chiến bên ngoài.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trải qua một năm sóng gió và thành công.

Chỉ trong vòng vài năm, vị thế của Nga đã được khôi phục khi có tới 64% ý kiến tích cực cho rằng chính quân đội đã tạo điều kiện cho nước Nga quay trở lại giữ vai trò quan trọng trên trường quốc tế, và thậm chí hiện nay quân đội được người dân Nga quan tâm hơn so với Giáo hội Chính thống.

Bà Isabelle Facon - chuyên gia thuộc Quỹ Nghiên cứu chiến lược (FRS) cho biết sở dĩ hoạt động quân sự của Nga đã có hiệu quả ở Syria là bởi hoạt động này được đề ra để phục vụ các mục tiêu chính trị và chính sách đối ngoại của Điện Kremlin.

Tatiana Kastoueva-Jean - chuyên gia của IFRI, thì cho rằng việc sử dụng công cụ quân sự cho phép Nga đạt được kết quả nhanh hơn và chắc chắn hơn so với sử dụng “sức mạnh mềm” mà trong đó các “đòn bẩy chủ chốt đã bị yếu đi”. Chính nhờ vào sự linh hoạt mà quân đội Nga đã thu được nhiều thắng lợi.

Về lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong Thông điệp Liên bang, Tổng thống Putin đã khẳng định rằng Nga đảm bảo được sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô, duy trì dự trữ tài chính đạt gần 400 tỷ USD, lạm phát được khống chế ở mức 5,8% và tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 0,3%. Đây là tiền đề quan trọng để ông Putin quyết định giao chính phủ lên kế hoạch hướng tới mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn của thế giới trong thời gian tới, cũng đồng nghĩa với việc nâng vị thế của Nga trong nền kinh tế toàn cầu.

Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ vực dậy nền kinh tế, ông Putin còn tiến hành chiến dịch "bàn tay sắt" trong cuộc chiến chống tham nhũng. Sự kiên quyết, không khoan nhượng với nạn "quan tham" của nhà lãnh đạo Nga đã tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội Nga, bất chấp đời sống của họ trở nên khó khăn hơn trong bối cảnh chung của đất nước.

Trong cuộc chiến đương đầu với các lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây, lợi thế cũng đang nghiêng về ông Putin khi bất đồng giữa các nước ở bên kia bờ Đại Tây Dương không ngừng gia tăng và ngày càng có nhiều tiếng nói ủng hộ Nga.

Xét trong bối cảnh chung hiện nay, có thể nói rằng những năm tháng khó khăn của nước Nga dưới thời ông Putin đã trôi qua. Nga đã xây dựng được nền tảng cơ bản, tạo đà cho sự phát triển kinh tế bền vững, giảm thiểu tối đa sự tác động từ bên ngoài, đồng thời tăng cường được vị thế trên trường quốc tế.

Không chỉ trở thành một trung tâm sức mạnh trong thế giới đa cực ngày nay, những hành động của Moscow trong năm 2016 đã chứng tỏ Nga tìm lại được vị thế cường quốc cũng như tạo điều kiện cho Tổng thống Vladimir Putin củng cố quyền lực.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.