3G - Giấc mơ và hiện thực

Thứ Sáu, 16/10/2009, 11:00
Sau rất nhiều chờ đợi, ngày 12/10, VinaPhone đã ghi một mốc mới vào lịch sử ngành viễn thông Việt Nam khi trở thành mạng di động đầu tiên cung cấp dịch vụ 3G, biến "giấc mơ 3G" thành hiện thực. Tuy nhiên, cùng với sự vui mừng còn có cả nỗi lo về tương lai 3G tại Việt Nam

I - "Giấc mơ đã thành sự thật" đó là câu ví von của khá nhiều người khi nói về sự kiện VinaPhone công bố dịch vụ 3G. Có lẽ vì thế mà buổi họp báo tổ chức ngay trước lễ ra mắt dịch vụ 3G của VinaPhone tổ chức chiều 12/10 thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo chí. Phó tổng giám đốc Tập đoàn VNPT kiêm Giám đốc VinaPhone Lâm Hoàng Vinh bị các phóng viên "quây" từ khi xuất hiện ở hành lang cho tới suốt cuộc họp báo kéo dài 40 phút và cả lúc kết thúc buổi họp báo vẫn có rất nhiều câu hỏi được đưa ra. Từ quá trình chuẩn bị 3G, chất lượng mạng 2G hiện có bị ảnh hưởng bởi 3G thế nào, các dịch vụ giá trị gia tăng của 3G, vấn đề bản quyền các chương trình phim, truyền hình tới chiến lược thu hồi vốn... tất cả đều là câu hỏi với ông Vinh.

Cũng dễ hiểu với những câu hỏi này bởi từ nhiều tháng nay, sau khi Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) cấp giấy phép thi tuyển 3G cho 4 doanh nghiệp, đặc biệt là từ một tháng nay, khi giấy phép 3G có hiệu lực, vấn đề thời sự mà những người quan tâm tới "mảng" công nghệ thông tin đó là sau khi đặt cọc 8.100 tỉ đồng để được cấp giấy phép 3G và cam kết trong 3 năm sẽ đầu tư khoảng 33.822 tỉ đồng, tương đương gần 2 tỉ USD cho "cuộc đấu" 3G, các doanh nghiệp sẽ làm gì để thu lại nguồn vốn đầu tư không nhỏ này?

Theo ông Lâm Hoàng Vinh, để có ngày ra mắt 3G đầu tiên trong 4 doanh nghiệp nhận giấy phép, VinaPhone đã có quá trình chuẩn bị suốt 3 năm chứ không phải từ khi thi tuyển giấy phép. "Chúng tôi lắp đặt 7.500 trạm thu phát sóng (BTS) để triển khai cho mạng VinaPhone 3G, số trạm này bằng tổng số trạm 2G mà VinaPhone đã lắp đặt tính tới cuối năm 2008. Vì vậy trước mắt VinaPhone mới phủ sóng 13 tỉnh, thành gồm:  Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng chúng tôi cam kết sẽ phủ sóng toàn quốc vào năm 2010" - ông Vinh khẳng định.

II - Nhưng, trước khi nói tới những tiện ích của 3G, có lẽ cũng cần phải nói qua về khái niệm 3G bởi cho tới lúc này, dám chắc trong hàng chục triệu người đang sử dụng điện thoại di động, vẫn có không ít người chưa hiểu 3G là cái gì. 3-G (viết tắt của third-generation technology) công nghệ truyền thông thế hệ thứ ba, cho phép truyền cả dữ liệu thoại và dữ liệu ngoài thoại (tải dữ liệu, gửi e-mail, tin nhắn nhanh, hình ảnh...).

Nhân viên Vinaphone giới thiệu tiện ích của 3G với khách hàng.

Trên thế giới, quốc gia đầu tiên đưa 3G vào khai thác thương mại một cách rộng rãi là Nhật Bản. Vào tháng 5/2001, tại Nhật Bản đã thử nghiệm mạng 3G chính thức đầu tiên là mạng dịch vụ Foma (NTT DoCoMo). Đến tháng 10/2001 đây cũng chính là mạng chuyển thành mạng 3G đầu tiên. Năm 2005, khoảng 40% các thuê bao tại Nhật Bản là thuê bao 3G.

Tại châu Âu, tháng 10/2001 cũng bắt đầu có mạng 3G thương mại của Telenor (Thụy Điển). Nhưng do thời điểm đó tại đây không có máy đầu cuối thương mại  nên không có khách hàng. Đến tháng 3/2003, khi mạng Three giới thiệu công nghệ này tại Anh và Italia thì 3G mới thực sự phổ biến tại châu Âu.

Cho tới nay, trong tổng số hơn 4 tỉ thuê bao di động, mới chỉ có 157,5 triệu thuê bao 3G (chiếm khoảng 4%). Hiện Nhật Bản và Hàn Quốc là những quốc gia triển khai 3G thành công nhất vì có hơn 70% thuê bao 2G chuyển sang 3G. Còn tại Italia, nơi được coi là triển khai 3G thành công nhất châu Âu nhưng cũng mới chỉ có 30% là thuê bao 3G...   

Giá tần số cho công nghệ 3G rất đắt tại nhiều nước, nơi mà các cuộc bán đấu giá tần số mang lại hàng tỉ euro cho các chính phủ. Bởi vì chi phí cho bản quyền về các tần số phải trang trải trong nhiều năm trước khi các thu nhập từ mạng 3G đem lại, nên một khối lượng đầu tư khổng lồ là cần thiết để xây dựng mạng 3G. Nhiều nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đã rơi vào khó khăn về tài chính và điều này đã làm chậm trễ việc triển khai mạng 3G tại nhiều nước ngoại trừ Nhật Bản và Hàn Quốc, nơi yêu cầu về bản quyền tần số được bỏ qua do phát triển hạ tầng cơ sở IT quốc gia được đặt ưu tiên cao.

Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng, ở các nước phát triển, theo kinh tế thị trường, việc giành giấy phép 3G rất tốn kém thông qua việc đấu giá. Mỗi giấy phép 3G rẻ thì cũng phải mất vài trăm triệu, đắt thì đến 7-8 tỉ USD. Còn tại Việt Nam không dùng hình thức đấu giá tốn kém đó mà học theo mô hình của một số nước Bắc Âu là thi tuyển. Việc này không làm tốn kém vốn đầu tư của doanh nghiệp, đây là sự hỗ trợ đắc lực của Nhà nước cho các doanh nghiệp. Nhà nước còn hỗ trợ các doanh nghiệp đảm bảo điều kiện cần thiết như thủ tục hợp chuẩn, nhập khẩu các thiết bị, đầu tư đảm bảo doanh nghiệp có thể triển khai 3G một cách nhanh chóng nhất. Đây lại là một cách hỗ trợ gián tiếp khác.

Vì vậy, sau khi Bộ TT-TT mở cuộc thi tuyển giấy phép 3G, đã có 6 doanh nghiệp, liên doanh thông tin di động tham gia.  Hồ sơ thi tuyển 3G của các doanh nghiệp phải trải qua 2 vòng (sơ tuyển và xét tuyển). Vòng sơ tuyển là đánh giá chất lượng hồ sơ theo khoảng 11 tiêu chí. Vòng xét tuyển với 5 tiêu chí là: vùng phủ sóng, thời gian triển khai nhanh; tiền đặt cọc và cam kết sử dụng chung hạ tầng của mạng 2G... Mức tổng điểm cao nhất được đưa ra là thang điểm 1.000.

Kết quả Bộ TT-TT đã cấp giấy phép 3G cho 4 doanh nghiệp và liên doanh: Viettel, VinaPhone, MobiFone, Liên doanh EVN Telecom và HT Mobile. Giấy phép 3G cấp cho 4 doanh nghiệp lần này là tiêu chuẩn IMT-2000 trong băng tần số 1900-2200 MHz. --PageBreak--

Tổng số tiền 4 doanh nghiệp di động trúng tuyển đặt cọc khi tham gia thi tuyển là 8.100 tỉ đồng. Và theo cam kết đầu tư cho 3G trong 3 năm đầu lên tới 33.822 tỉ  đồng, tương đương gần 2 tỉ  USD. Bộ TT-TT cấp phép thiết lập mạng và cấp phép tần số với thời hạn 15 năm để triển khai cung cấp dịch vụ. Doanh nghiệp cam kết cung cấp dịch vụ 3G sớm nhất là một tháng sau khi được giấy phép (không tính thời gian 3 tháng chuẩn bị tài chính đặt cọc) và doanh nghiệp cam kết cung cấp dịch vụ muộn nhất là sau 9 tháng.

Về vùng phủ sóng, doanh nghiệp cam kết thấp nhất là 46% dân số và doanh nghiệp cam kết cao nhất là 86% dân số. Còn về tốc độ truy cập, các doanh nghiệp cam kết tốc độ thấp nhất ở nông thôn là 144 Kbps và 380 Kbps ở thành thị, có doanh nghiệp cam kết mức cao nhất là 20 Mbps.

Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng, sau khi tiến hành cấp phép, Bộ sẽ kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thiết lập mạng và dịch vụ viễn thông 3G của các doanh nghiệp theo đúng hồ sơ và cam kết của doanh nghiệp trong hồ sơ thi tuyển. Bộ cũng đã ban hành quy chế đặt cọc, kiểm tra và xử phạt khi triển khai mạng 3G. Quy chế này quy định chi tiết các mức phạt và cách thức xử lý với doanh nghiệp thực hiện theo cam kết. Trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định sẽ bị xử phạt hoặc thậm chí tước giấy phép 3G. Trong 24 tháng, nếu doanh nghiệp nào không triển khai dịch vụ theo đúng cam kết và phủ sóng tới 10% dân số sẽ bị thu hồi giấy phép.

Việc sử dụng nền tảng công nghệ 3G trong việc đưa internet về các trung tâm, bưu điện, trường học ở các vùng sâu, vùng xa sẽ còn rẻ hơn việc sử dụng công nghệ vệ tinh, hoặc kéo đường cáp để cung cấp Internet về vùng sâu, vùng xa.

III - Trở lại với VinaPhone 3G, vậy các thuê  bao sẽ được hưởng những tiện ích gì từ 3G? Theo ông Lâm Hoàng Vinh, trước mắt VinaPhone sẽ cung cấp cho khách hàng 6 dịch vụ mới: Mobile Internet (truy cập Internet tốc độ cao trực tiếp từ  điện thoại), Mobile Broadband (truy cập Internet tốc độ cao từ máy tính thông qua sóng di động); các dịch vụ có tính đột phá như: Video Call (đàm thoại thấy hình giữa các thuê bao VinaPhone), Mobile Camera (xem trực tiếp hình ảnh tình trạng các nút giao thông); các dịch vụ giải trí cao cấp như Mobile TV (xem trực tiếp 15 kênh truyền hình trên máy di động là VTV1, VTV3, HTV1, HTV3, HTV7, HTV9, O2TV, FashionTV, Channel News Asia, ChannelV, TV5 Asia, NHK, DW, CCTV9, Australia Network); 3G Portal (thế giới thông tin và giải trí trên điện thoại di động).

Các dịch vụ của VinaPhone 3G sẽ được cung cấp cho toàn bộ các khách hàng hiện có của VinaPhone và thuê bao hòa mạng mới. Tất cả thuê bao hiện tại có thể sử dụng ngay các dịch vụ của mạng 3G mà không cần phải thay thế SIMCard, không phải cài đặt phức tạp trên máy đầu cuối. Quyền truy cập vào mạng 3G sẽ được tự động cung cấp căn cứ theo các tin nhắn đăng ký dịch vụ của khách hàng. Một số dịch vụ mới cung cấp cho cả hai mạng 2G (khách hàng đang sử dụng công nghệ di động hiện tại) và 3G như Mobile TV, Mobile Internet.

Về cơ bản cước các dịch vụ hiện có trên mạng 2G sẽ không thay đổi khi được sử dụng trên mạng 3G, như cước thoại, nhắn tin, MMS, Data. Dịch vụ Mobile TV và Mobile Camera có mức cước thuê bao tháng tương ứng là 50.000 đồng và  30.000 đồng không giới hạn thời lượng xem. Dịch vụ  Mobile Internet có 5 gói cước giới hạn và 3 gói cước không giới hạn theo ngày/tuần/tháng, gói cước thấp nhất là 10.000 đồng/tháng. Cước Video Call ở mức 1.500 đồng/phút đối với thuê bao trả sau và 2.000 đồng/phút đối với thuê bao trả trước. Dịch vụ Mobile Broadband gồm gói cước dung lượng 3Gb là 150.000 đồng/tháng và gói cước không giới hạn.

Muốn sử dụng 3G, thuê  bao phải có máy hỗ trợ tính năng 3G (hỗ trợ băng tần 2.100Mhz). Các máy điện thoại di động smart phone trên thị trường hiện nay hầu hết đều có hỗ trợ tính năng này. Ngay sau khi ra mắt 3G, VinaPhone cũng đã cho ra thị trường bộ hòa mạng ALO- 3G với mức giá 1,6 triệu đồng gồm cả máy điện thoại và thẻ sim. Sử dụng dịch vụ nào như đã nêu trên, chỉ cần nhắn tin tên dịch vụ đó, cách ra viết thêm từ on gửi đến số điện thoại 888.

IV - Tương lai của mạng 3G ở Việt Nam sẽ ra sao hiện vẫn còn là câu hỏi chưa mạng nào dám trả lời chính xác. Vì vậy mà ngay tại buổi lễ nhận giấy phép trúng tuyển 3G, cả 4 doanh nghiệp trúng tuyển đều có chung tâm trạng mừng và lo. Mừng vì trúng tuyển nhưng lo vì áp lực quá lớn về cam kết số tiền đặt cọc, khả năng triển khai. Mà nói như đại diện Viettel thì nếu không cẩn thận 3G sẽ trở thành cái bẫy với các doanh nghiệp.

Viettel cam kết trong 3 năm sẽ đầu tư 12.789 tỉ đồng để xây dựng hạ tầng 3G, cao nhất trong tất cả các doanh nghiệp và gấp gần 1,5 lần doanh nghiệp cam kết đứng thứ hai là VNPT (với 9.556 tỉ đồng). Viettel cũng là doanh nghiệp cam kết mức đặt cọc cao nhất với 4.500 tỉ đồng, gấp 3 lần số tiền đặt cọc của VNPT và VMS.

MobiFone cũng cam kết sẽ phủ sóng 3G tới 100% các đô thị trên 63 tỉnh, thành. Mạng di động này còn tuyên bố sẽ là nhà cung cấp dịch vụ 3G đầu tiên trong 3 tháng sau khi được cấp phép. Trong vòng một năm kể từ ngày cấp phép, MobiFone cam kết sẽ phủ sóng 3G tới 100% đô thị thuộc 63 tỉnh, thành trên cả nước, và trong 3 năm sẽ phủ sóng 3G tới 98% dân số. Và theo cấp độ ưu tiên giảm dần, MobiFone sẽ tiến hành phủ sóng 3G từ đô thị đông dân, đô thị, ngoại ô, nông thôn và tuyến quốc lộ.

Vậy đối tượng khách nào sẽ sử dụng 3G khi mà trong số hơn 100 triệu thuê bao di động hiện nay, phần đông vẫn là người có thu nhập thấp, chỉ có nhu cầu "alô" mà thôi? Và nếu như vậy thì bao giờ các nhà mạng mới có thể thu hồi vốn? Theo ông Lâm Hoàng Vinh, 3G là cuộc cách mạng phổ cập Internet trên máy di động. Vì vậy, những khách hàng 3G sẽ là các thuê bao di động sử dụng data nhiều nhất như doanh nhân, giới trẻ. Và theo tính toán của ông Vinh thì sau 7 năm, VinaPhone sẽ thu hồi được vốn đầu tư.

Cho tới thời điểm này, 3 nhà mạng đã được cấp phép 3G khác cũng đang gấp rút chuẩn bị cho ngày ra mắt dịch vụ. Việc VinaPhone trở thành doanh nghiệp cung cấp 3G sớm nhất và quyết tâm phủ sóng 3G toàn quốc vào năm 2010 đã khiến các mạng di động phải tăng tốc.

Vậy sau cuộc đua hạ giá cước như vừa qua, các mạng sẽ tiếp tục cuộc đua 3G để giữ và giành thị phần thế nào? Hãy chờ!

Nguyễn Thiêm
.
.