50 năm nhìn lại thảm họa hàng không

Chủ Nhật, 16/01/2011, 21:30
50 năm trước, 2 máy bay thương mại chở khách va chạm bên trên thành phố New York khoảng 1.600m, rơi xuống một khu phố đông đúc gần Brooklyn. Thi thể đầy máu của các nạn nhân nhuộm đỏ tuyết sau khi chiếc máy bay phản lực rơi xuống một con đường với vận tốc 320km/giờ. Đây là thảm họa hàng không đẫm máu nhất cho đến nay, giết chết tất cả 128 người trên cả hai máy bay và 6 người trên mặt đất.

Vụ tai nạn xảy ra ngày 16/12/1960, giữa máy bay phản lực thuộc Hãng Hàng không Mỹ United Airlines và một máy bay cánh quạt TWA là thảm họa hàng không tồi tệ nhất cho đến nay, giết chết 134 người, bao gồm 128 người trên cả 2 máy bay.  Đó là tai nạn đầu tiên mà các nhà điều tra đã sử dụng rộng rãi cái gọi là hộp đen và nó thúc đẩy cải tạo hệ thống kiểm soát không lưu để phòng tránh những bi kịch tương tự trong tương lai.

Hình ảnh vụ tai nạn cho thấy chiếc DC-8 vỡ nát của United Airlines nằm trên Đại lộ thứ 7, dãy thương mại của khu Dốc Công viên kề cận Brooklyn. Có ít nhất 10 tòa nhà cao tầng bị phá hủy, trong đó có nhà tang lễ, hiệu giặt ủi và nhà thờ Pillar of Fire. Trong số những  người chết có 1 công nhân thu dọn rác và 2 người đàn ông bán cây Giáng sinh. Hy vọng trào dâng tại Brooklyn khi một hành khách nhí được phát hiện còn sống sót, nhưng rồi lại tiêu tan khi em qua đời không lâu sau đó.

Bà Eileen Bonner, Chánh giám sát điều dưỡng bệnh viện, cho biết đó là em Stephen Baltz, 11 tuổi: "Dường như Thượng đế muốn cứu em sống, nhưng rồi không nỡ (để em sống trong tàn phế)".

Những mảnh vụn của chiếc máy bay Mỹ United nằm ngay giữa Đại lộ thứ 7 và Quảng trường Sterling.

Chiếc máy bay, Constellation TWA, đâm vào một căn cứ không quân trên đảo Staten. Chuyến bay United đang trên đường từ Chicago đến sân bay Idlewild, hiện nay là sân bay Kennedy; trong khi chuyến bay TWA đang trên đường từ DaytonColumbus (bang Ohio) đến LaGuardia. Ông Paul Dotzenroth (37 tuổi) có mặt trên chuyến bay United.

Vợ ông, bà Gloria (giờ đã 85 tuổi), biết vụ rơi máy bay qua tivi: "Người ta loan báo số chuyến bay, tôi biết chắc chồng tôi đang trên chuyến bay đó vì tôi đã nói chuyện với thư ký của Paul". Gloria Dotzenroth cho biết Paul là chủ tịch một công ty kỹ thuật, một kỹ sư nhiều sáng kiến, chuyên phát triển sản phẩm cho ngành công nghiệp đóng gói.

George M. Walsh lúc đó đang học lớp 1 tại một trường tư gần hiện trường vụ tai nạn Brooklyn. Walsh, giờ là một người săn tin cho Hãng AP tại Albany (New York) nhớ lại lúc đó ông nghe thấy một "tiếng nổ kinh hoàng". Trẻ em được đưa đến phòng tập thể dục, và mẹ của Walsh cuối cùng cũng đưa Walsh và chị gái đến đây sau một hồi lái xe "hoảng loạn" từ Flatbush. Họ đã gặp Stephen Baltz, lớn hơn Walsh vài tuổi, là trọng tâm tin tức của cả nước Mỹ lúc đó. Cậu bé Stephen được tìm thấy còn sống nhưng bị bỏng rất nặng, được gấp rút chở đến Bệnh viện Methodist gần đó.

Bonner, khi đó là Giám đốc dịch vụ điều dưỡng Methodist, nhớ lại rằng, các bác sĩ và y tá vội vã đến hiện trường tai nạn với hy vọng cứu người sống sót, nhưng tất cả mọi người đã chết - trừ Stephen. Bonner, 82 tuổi sống ở Brooklyn, cho biết: "Chúng tôi đặt Stephen trên một sàn trống trong khoa phụ sản. Stephen là đứa bé dễ mến nhất mà ai cũng muốn gặp".

Cha mẹ của Stephen vào được bệnh viện - nhờ cửa phụ - từng người một để trốn giới báo chí đang phát cuồng với Stephen. Nhưng Stephen không thể sống vì đa chấn thương và do hít phải khói độc hại. Stephen qua đời vào sáng hôm sau.

Không có đài tưởng niệm tại hiện trường vụ tai nạn. 50 năm đã trôi qua sau thảm họa. Năm 2007, lô đất trống tại hiện trường vụ tai nạn đã được thay thế bởi một tòa nhà chung cư 5 tầng. Hầu hết các thi thể được thu hồi, nhưng một số không thể nhận diện vẫn được chôn cất tử tế. Nghĩa trang Green-Wood lịch sử của Brooklyn đã khánh thành tượng đài đá hoa cương cao khoảng 2,5m để tưởng niệm các nạn nhân vụ tai nạn.

Sau tai nạn, Cơ quan Quản lý hàng không Liên bang - sau này đổi tên thành Cục Hàng không liên bang - lập những quy định mới để ngăn chặn sự tái phát của thảm kịch như vậy. Một quy định mới yêu cầu các phi công hoạt động theo quy tắc bay tự động phải báo cáo mọi trục trặc của thiết bị thông tin và thiết bị bay. Một quy chế khác giới hạn tốc độ gần sân bay là 462,99km/giờ. Lúc gặp nạn, máy bay Mỹ United Airlines DC-8 hạ xuống với tốc độ 557,45km/giờ.

Về lâu dài, FAA cho biết trong một thông cáo báo chí nhân kỷ niệm tai nạn, vụ va chạm đã thúc đẩy cơ quan này hiện đại hóa hệ thống kiểm soát không lưu thông qua một lực lượng đặc nhiệm trình báo cho Tổng thống Kennedy. "Thật  xấu hổ khi nghĩ rằng thảm họa giúp "mồi lửa" cho sự tiến bộ, nhưng thực tế là vậy. Thảm họa sẽ trở thành chất xúc tác rất đáng kể cho những cải tiến", theo lời ông Marc S Moller, một luật sư đã dành trọn sự nghiệp của mình cho việc khởi kiện các tai nạn máy bay

Lê Đoàn (tổng hợp)
.
.