70 năm – Trọn vẹn một tình yêu

Thứ Tư, 19/10/2016, 16:10
Chiều 14-10-2016, tại trụ sở Báo Công an nhân dân (CAND), 92 Nguyễn Du, Hà Nội, đã diễn ra cuộc gặp mặt, giao lưu các thế hệ lãnh đạo, cán bộ chiến sĩ, phóng viên Báo CAND qua các thời kỳ nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Báo CAND phát hành số đầu tiên (1/11/1946 - 1/11/2016), cũng là dịp 20 năm Chuyên đề An ninh thế giới, Văn nghệ Công an phát hành số đầu tiên.

Giữa trời thu Hà Nội, cuộc gặp mặt này vô cùng ý nghĩa, là dịp "ôn cố tri tân", là dịp để những người bạn cũ lâu ngày gặp lại, tay bắt mặt mừng và kể cho nhau nghe những ký ức chưa bao giờ mờ phai một thời đứng trong hàng ngũ những người làm báo của lực lượng CAND.

Buổi chiều hôm ấy, mới hơn 3 giờ, nhưng đã có rất nhiều bậc lão thành đến. Mở cửa cầu thang máy, nhà báo Trần Liêu, nguyên Tổng Biên tập, đã được đón nhận những tình cảm chân tình, nồng nhiệt, những cái ôm chặt, những cái bắt tay, những tiếng xuýt xoa vì bác vẫn khỏe mạnh hồng hào.

Thiếu tướng, TS Phạm Văn Miên, Tổng Tiên tập; Đại tá Đặng Văn lân, Phó Tổng Biên tập gặp gỡ, giao lưu với các thế hệ làm báo CAND.

Cuộc gặp thực sự trở thành một nơi để những tiếng cười vang lên, những tiếng vỗ tay mừng vui khi các bác, các chú... vào hội trường để tham dự buổi gặp mặt đầm ấm và ý nghĩa.

Dự buổi gặp này, có Thiếu tướng Mai Văn Hà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, Trưởng Ban chỉ đạo các hoạt động kỷ niệm 70 năm Báo CAND phát hành số đầu tiên; các bác, các chú, các anh chị là các nhà báo lão thành, là Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập, cán bộ, phóng viên Báo CAND và các ấn phẩm chuyên đề qua các thời kỳ, từ thời báo còn là bản tin phát hành nội bộ đến khi trở thành tờ báo phát hành công khai và lớn mạnh như hiện nay, như: Hoàng Sỹ Nho, Lương Sỹ Cầm, Trần Liêu, Ngôn Vĩnh...

Chủ trì buổi gặp mặt, giao lưu, Thiếu tướng, TS Phạm Văn Miên, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo CAND đã thông tin những nét cơ bản về Báo CAND trong thời gian qua và các hoạt động tuyên truyền của Báo CAND, các số chuyên đề về 70 năm ngày Báo CAND phát hành số đầu tiên. Báo CAND là một đơn vị cấp cục trực thuộc Tổng cục Chính trị  CAND.

Hiện nay báo có 11 đơn vị cấp phòng bao gồm 10 ban, 1 cơ quan đại diện tại phía Nam (thành phố Hồ Chí Minh). Ngoài ra, còn có bộ phận thường trú trên dọc miền đất nước: Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ và đang làm thủ tục ra mắt văn phòng ở Tây Nguyên. Báo CAND có 1 đảng bộ cơ sở với 11 chi bộ trực thuộc.

Đảng bộ, các chi bộ trực thuộc  nhiều năm liền được công nhận trong sạch, vững mạnh; các tổ chức quần chúng hoạt động hiệu quả, đơn vị luôn đoàn kết nội bộ, đời sống cán bộ công nhân viên không ngừng được cải thiện.

Trong số CBCS có nhiều nhà văn, nhà thơ, dịch giả, nhà báo có tên tuổi. Những năm qua, Báo CAND tham gia và được tặng nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi văn học, báo chí quốc gia...

Từ số báo phát hành lần đầu tiên ngày 1-11-1946 với tên gọi "Báo Công an Mới", sau nhiều lần đổi tên (Rèn Luyện, Nội san CAND, Tập san CAND và Báo CAND). Tháng 10-1988 Báo CAND phát hành công khai, cho đến nay, báo đã liên tục phát triển và lớn mạnh không ngừng. Năm 2003, Bộ Công an sáp nhập Báo ANTG với Báo CAND.

Trên đà đó, Báo CAND được Trung ương và Chính phủ xác định là một trong 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện, thời gian tới sẽ thực hiện theo lộ trình gồm: báo giấy, báo điện tử, báo hình - Kênh ANTG phối hợp với Truyền hình Hà Nội, trong dịp 70 năm sẽ ra mắt Báo CAND điện tử phiên bản tiếng Anh... Đồng chí Thiếu tướng, Tổng Biên tập bày tỏ: Trong thành tích hôm nay có sự đóng góp quý báu, những kinh nghiệm và những bài học sâu sắc của những thế hệ lãnh đạo, CBCS.

Thiếu tướng Mai Văn Hà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND và lãnh đạo Báo CAND trong buổi gặp mặt đầm ấm. Ảnh: Hoàng Lâm.

Thế hệ những người làm báo CAND hiện nay nguyện giữ gìn và phát huy truyền thống 70 năm, Anh hùng Lao động, giữ vững kỷ cương của đơn vị lực lượng CAND. Báo CAND mong tiếp tục nhận được sự động viên, chia sẻ, giúp đỡ của các đồng chí nguyên lãnh đạo và toàn thể cán bộ chiến sĩ, biên tập viên, phóng viên và công nhân viên Báo CAND qua các thời kỳ để Báo CAND ngày càng phát triển vững mạnh...

Nghiêm khắc và chuẩn chỉnh thì được đánh giá là... số một, song ông lại được coi là một "hoạt náo viên" đầy hóm hỉnh không thể thiếu trong những cuộc giao lưu, Đại tá Đặng Văn Lân, Phó Tổng Biên tập giới thiệu các bác, các cô, các chú, các anh, các chị đã có thời gian gắn bó, đóng góp, cống hiến với tất cả niềm say mê, nhiệt huyết, cùng làm nên thương hiệu Báo CAND qua các thời kỳ, cùng ôn lại những kỷ niệm, những năm tháng gắn bó với sự nghiệp làm báo.

Trong cuộc hội ngộ nhân dịp 70 năm Báo CAND phát hành số đầu tiên, có những người đã không thể có mặt vì lý do sức khỏe, bận công việc... Đó là bác Lê Phương - nguyên cán bộ tờ tin Công an Mới; bác Trần Tuấn Anh - cán bộ báo từ năm 1948...

Cũng tại buổi gặp mặt hôm nay, các thế hệ làm Báo CAND không khỏi bùi ngùi, bày tỏ sự tri ân, công lao đóng góp trong sự phát triển Báo CAND của các đồng chí là lãnh đạo và CBCS đã đi xa. Những thế hệ làm Báo CAND luôn tự hào và mãi ghi nhớ đến công lao của các đồng chí góp phần cho Báo CAND phát triển và lớn mạnh như ngày hôm nay.

Đồng chí Thiếu tướng Mai Văn Hà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, Trưởng Ban chỉ đạo các hoạt động kỷ niệm 70 năm Báo CAND phát hành số đầu tiên, thay mặt Đảng ủy, lãnh đạo Tổng cục gửi lời chúc mừng tới các thế hệ làm báo CAND. Thiếu tướng Mai Văn Hà nêu rõ, trải qua 70 năm xây dựng, phát triển, Báo CAND đã khẳng định được vị thế trong làng báo chí Việt Nam và ấn tượng tốt trong lòng CBCS CAND và nhân dân.

Trước tình hình thế giới, khu vực hiện nay có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nhiệm vụ của lực lượng CAND nói chung, nhiệm vụ của Báo CAND ngày càng nặng nề. Đồng chí Phó Tổng cục trưởng mong muốn và tin tưởng rằng, với truyền thống 70 năm anh hùng, các thế hệ CBCS Báo CAND tiếp tục đoàn kết, chung sức đồng lòng, làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an...

Chúc mừng những bước phát triển và kết quả đạt được của Báo CAND trong những năm qua, bác Trần Liêu - nguyên Tổng Biên tập, bác Lương Sỹ Cầm - người cao tuổi nhất trong cuộc gặp mặt đã trải lòng: Hằng ngày, các bác vẫn đọc và theo dõi các ấn phẩm của Báo CAND, vui mừng thấy Báo CAND ngày càng phát triển và lớn mạnh, nội dung phong phú, chất lượng được cải tiến, được bạn đọc trong và ngoài nước yêu thích...

Bác Ngôn Vĩnh, nguyên Tổng Biên tập chia sẻ: "Qua buổi gặp mặt các thế hệ làm báo CAND tôi thấy rất vui mừng và tự hào khi được đứng trong đội ngũ sống dưới mái nhà chung của những người làm báo CAND. Những người đã dành nhiều tâm huyết, trí tuệ, xây dựng tờ báo, những người thực sự là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa.

Qua các thế hệ và qua các thời kỳ đó là những người mở đường cho sự ra đời của tờ báo như bác Lê Giản, Tổng Giám đốc Nha Công an Trung ương, cũng là Tổng Biên tập đầu tiên của Báo CAND; như là bác Nguyễn Tài, (sau này là Thứ trưởng Bộ Công an) người đã lập và xin giấy phép mở đường cho sự ra đời của Báo Công an Mới, tiền thân của Báo CAND. Đó là những người làm báo CAND trong kháng chiến chống Pháp như bác Tuấn Anh, người đã in báo bằng cách đánh máy từng bản một, rồi sau đó là in báo bằng bản in đá.

Là những người làm báo sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc và trong chống chiến tranh phá hoại của giặc Mĩ đầy khó khăn, gian khổ, lúc đó phóng viên đi lấy tài liệu toàn đi bộ, có người có xe đạp, cả tòa soạn chỉ có một chiếc xe ba bánh... Đó là những người làm báo sau khi thống nhất đất nước, anh em có mặt khắp mọi miền đất nước từ cực bắc đến cực nam. Tôi vui mừng và tự hào vì qua các thời kỳ, lãnh đạo tờ báo đều là những người giàu nghị lực, có trí tuệ đem lại sự phát triển mạnh mẽ có tầm cao cho tờ báo. T

ôi vui mừng và tự hào bởi đội ngũ cán bộ và phóng viên là những người có kiến thức rộng, tận tụy, xông xáo, tỏa đi mọi miền của Tổ quốc để có những thông tin kịp thời phong phú, đem đến những món ăn, thông tin bổ ích cho nhân dân. Tất cả các thế hệ làm báo CAND tuổi tác khác nhau, có những người đã 90 tuổi, gần 90 tuổi, lại có thế hệ trẻ 20 tuổi nhưng đều đoàn kết, gắn bó thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, phấn đấu làm nên ngôi nhà chung khang trang ấm áp - Báo CAND ngày nay".

Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, nguyên Tổng Biên tập Báo CAND đã chia sẻ: "Với lịch sử 70 năm Báo CAND, tôi cảm thấy hạnh phúc vì tờ báo CAND đã luôn bám sát nhiệm vụ của công an, được quan tâm sát sao và có những giai đoạn từ năm 1969 đến nay Báo CAND, Chuyên đề ANTG luôn đứng hàng đầu về số lượng trong hệ thống báo chí của lực lượng CAND, cũng như báo chí toàn quốc, phủ sóng tới hang cùng ngõ hẻm của đất nước và tới tận tay kiều bào nước ngoài, tạo dư chấn và đáng tự hào, đáng oai hùng.

Sức ảnh hưởng của Báo CAND, Chuyên đề ANTG đã hội tụ được lực lượng cộng tác viên ở tất cả các lĩnh vực cùng tham gia phát triển, là cầu nối để nhân dân hiểu hơn về hình tượng Người chiến sĩ CAND. Điều đặc biệt nhất là từ trước tới nay, chúng ta đã luôn quan tâm đến công tác xã hội  -từ thiện. Dấu chân của những người làm báo đã đi đến tận vùng sâu vùng xa, những nơi bị thiên tai, mưa lũ, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Chính vì nhân văn và công tác xã hội - từ thiện tốt nên tình cảm của nhân dân dành cho lực lượng CAND không ngừng tăng cao".

Đại tá, nhà văn Như Phong, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo CAND hào hứng chia sẻ: "Ban Biên tập Báo CAND thực sự đã rất sáng kiến khi tổ chức được cuộc gặp gỡ các thế hệ làm báo CAND, một buổi gặp đầm ấm, giản dị, tình cảm và đầy ý  nghĩa. Có lẽ rất lâu rồi mới có một buổi gặp gỡ đầy đủ như thế này và chúng tôi hết sức xúc động khi thấy những bác tuổi đã cao như bác Trần Liêu, bác Lương Sỹ Cầm... vẫn khỏe mạnh. Kỷ niệm của các anh em thì nhiều và không thể nói hết được, tất cả đều đáng trân trọng.

Với tôi, tờ báo ANTG, một tờ báo vô tiền khoáng hậu đã mang lại cho tôi những kinh nghiệm quý báu trong cả một đời làm nghề. Đó là những năm tháng tôi được sống và trải nghiệm nhiều nhất, được đi nhiều nhất. Suốt chặng đường dài từ năm 1982 đến năm 1995, hầu như tôi không ở Hà Nội mà đi khắp nơi, từ biên giới thâm sơn cùng cốc đến địa đầu Tổ quốc.

Thời ấy khổ cực nhưng lại sung sướng hơn, thú vị hơn nhiều bởi vì đó là những cái sung sướng vì được làm nghề, được cống hiến. Có thời điểm, tôi đi 3 tháng mà về chỉ viết được 3 cái phóng sự... Tôi được 10 Giải thưởng Báo chí quốc gia thì trong đó đã có 7 giải viết về đề tài và chiến công của lực lượng CAND. Chắc chắn đó là những năm tháng không thể quên được trong cuộc đời của mỗi con người...".

Nhà báo Trần Anh Tú, Trưởng ban Báo điện tử, Báo Đại đoàn kết, trước đây là Thư kí Ban Báo CAND online, tâm sự: "Nếu có ước muốn trong cuộc đời này..." thì có lẽ ước muốn của nhiều người sẽ là trở về "thời ngày xưa". Tôi cũng vậy. Và ngày 14/10 vừa qua, tôi như được quay trở lại những tháng ngày tôi còn khoác áo lính, làm báo CAND. Tôi được nhận về báo từ tháng 9/2004, vào cái thời Internet còn "chậm rãi" hơn bây giờ nhiều. Nhóm chúng tôi được coi là "kiêu binh" của tờ báo với nhiều ưu đãi chỉ để làm một tờ báo điện tử của lực lượng Công an vừa nghiêm ngắn, vừa hấp dẫn.

Không rõ chúng tôi là thế hệ thứ bao nhiêu của ngôi nhà CAND nhưng chỉ vài ngày sau khi bước chân qua chiếc cổng ngôi nhà 100 Yết Kiêu huyền thoại đó, chúng tôi đã như trở thành người thân. Các cô, các chú, các anh chị thuộc lớp cao niên như Hữu Ước, Phạm Văn Miên, Đặng Đình Thành, Đặng Văn Lân... đều nhiệt thành chỉ dạy cho chúng tôi không chỉ về chuyên môn báo chí mà cả về nghiệp vụ Công an. Hiểu về lực lượng, càng thêm yêu Lực lượng Công an.

Đó là động lực để chúng tôi cống hiến nhiều hơn cho tờ báo, đưa đến cho độc giả trong và ngoài nước những tin bài mang đậm chất Nhân văn - Tin cậy - Kịp thời như chính khẩu hiệu của báo. Hơn 11 năm ở Báo CAND, để rồi có lúc bùi ngùi khi chuyển cơ quan. Giờ đây sáng nào tôi cũng đi qua cơ quan cũ. Trụ sở 100 Yết Kiêu giờ là nơi làm việc của mấy đơn vị. Cơ quan Báo cũng hợp về một trụ sở. Nhưng mỗi lần qua phố Yết Kiêu lại là một lần lắng xuống. Đây là nơi tôi trưởng thành. Và đây cũng là nơi tôi có một tình yêu...".

Kết thúc buổi gặp gỡ, giao lưu là một bữa tiệc linh đình và những lời ca tiếng hát trao cho nhau... 70 năm thật dài, nhưng đầm ấm tình người và trọn vẹn một chữ tình khi có một ngày gặp lại để trao cho nhau tất cả tấm chân tình trong niềm vui sum họp...

Như lời của nhà thơ Hà Văn Thể, nguyên Trưởng ban Kinh tế - Văn hóa - Xã hội: "70 năm vững bước một con đường/ Từ thuở rừng sâu nhà tranh vách đất/ Báo vẫn in ra trên đá lạnh run người/ Các thế hệ hôm nay đồng lòng tiếp nối/ Tràn đầy niềm tin, lại vào trận mới - Báo CAND bạn của muôn nhà...".

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.