ADB hỗ trợ thêm 6,5 tỉ USD ứng phó đại dịch

Thứ Tư, 25/03/2020, 16:59
Hôm 19-3, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố gói hỗ trợ ban đầu trị giá 6,5 tỉ USD để đáp ứng nhu cầu trước mắt của các quốc gia thành viên đang phát triển, trong đó có Việt Nam, ứng phó với đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, ADB cũng sẵn sàng cung cấp thêm hỗ trợ tài chính và tư vấn chính sách trong tương lai khi điều kiện cho phép, bên cạnh gói hỗ trợ này.

Cần có hành động mạnh mẽ ở cấp độ toàn cầu

Trong một tuyên bố, Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 đã trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu nghiêm trọng nên đòi hỏi phải có hành động mạnh mẽ ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu. Do đó, ADB sẽ tăng cường hợp tác hơn nữa với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các ngân hàng phát triển khu vực và các cơ quan tài trợ song phương chủ để bảo đảm triển khai hiệu quả hoạt động ứng phó với COVID-19 của mình.

Gói hỗ trợ của ADB mới công bố bao gồm xấp xỉ 3,6 tỉ USD trong các hoạt động thuộc kênh chính phủ cho một loạt biện pháp ứng phó trước những hậu quả về kinh tế và y tế của đại dịch, 1,6 tỉ USD trong các hoạt động không thuộc kênh chính phủ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, thương mại trong nước và khu vực, cũng như các công ty bị tác động trực tiếp.

ADB cũng sẽ huy động khoảng 1 tỉ USD nguồn vốn ưu đãi thông qua tái phân bổ từ các dự án đang triển khai và đánh giá khả năng cần thiết sử dụng các nguồn dự phòng, cũng như sẽ cung cấp 40 triệu USD viện trợ hỗ trợ kỹ thuật và giải ngân nhanh.

Theo Chủ tịch ADB, để cung cấp gói hỗ trợ cho các quốc gia thành viên đang phát triển một cách nhanh chóng và linh hoạt hết mức có thể, ADB sẽ xem xét điều chỉnh các công cụ tài trợ và quy trình kinh doanh của mình. Những điều chỉnh này sẽ bao gồm khả năng tiếp cận nhanh hơn cho các nền kinh tế đang khó khăn nghiêm trọng, tinh giản thủ tục cho các khoản vay, với các quy trình linh hoạt và nhanh chóng hơn.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde.

Cùng chung nỗ lực ứng phó đại dịch COVID-19, Hội đồng quản trị WB và Công ty Tài chính quốc tế (IFC) - một thành viên của Nhóm WB - vừa phê duyệt gói hỗ trợ nhanh 14 tỷ USD để giúp các công ty và các quốc gia ứng phó với tác động của dịch bệnh. Trong đó, IFC sẽ nâng gói hỗ trợ lên 8 tỷ USD từ mức 6 tỷ USD ban đầu.

Gói hỗ trợ này 4 hợp phần, gồm 2 tỷ USD cho gói hỗ trợ khủng hoảng khối ngành sản xuất, 2 tỷ USD cho chương trình tài trợ thương mại toàn cầu hiện tại, giúp giảm nhẹ rủi ro thanh toán của các định chế tài chính để các tổ chức này có thể cung cấp tài trợ thương mại cho các công ty nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa. Một phần 2 tỷ USD nữa cho chương trình giải pháp vốn lưu động, 2 tỷ USD còn lại là cho chương trình thanh khoản thương mại toàn cầu và chương trình tài trợ hàng hóa thiết yếu.

Trước đó, IFC đã tăng hạn mức tài trợ thương mại cho 4 ngân hàng tại Việt Nam lên 294 triệu USD để những ngân hàng này có thể tiếp tục tài trợ các công ty có nhu cầu, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nhiều ngành nghề chao đảo

Bất chấp việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) “bơm” vào thị trường khu vực gói kích thích kinh tế trị giá 750 tỷ euro (khoảng 820 tỷ USD), trong phiên giao dịch ngày 19-3, sắc đỏ vẫn là màu chủ đạo của các thị trường chứng khoán châu Á. Chứng khoán Hàn Quốc lao dốc trên 8% giá trị, dẫn tới kích hoạt cơ chế tạm ngừng giao dịch trong 20 phút.

Các chỉ số của Trung Quốc, Australia cũng đồng loạt giảm mạnh. Tại khu vực Đông Nam Á, nhiều thị trường chứng khoán rung lắc mạnh, dẫn đầu là Philippines với mức giảm gần 13%, trong khi thị chứng khoán Indonesia cũng giảm 5%.

Giá vàng châu Á trong các phiên giao dịch ngày 19-3 cũng chung số phận. Nhưng ngược lại, giá dầu lại đảo chiều đi lên sau 3 phiên giảm mạnh liên tiếp. Đại dịch COVID-19 cũng tiếp tục khiến ngành hàng không và vận tải tổn thương nghiêm trọng khi nhu cầu của các hành khách sụt giảm với tốc độ chưa từng thấy. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) ước tính, doanh thu của ngành hàng không có thể thiệt hại tới 113 tỷ USD dựa trên kịch bản tồi tệ nhất, đó là chưa tính các hạn chế đi lại mà chính phủ nhiều nước đã áp đặt trong vài ngày qua.

Để tồn tại qua đại dịch này, IATA nhận định, ngành hàng không toàn cầu cần các biện pháp và gói cứu trợ từ các chính phủ với quy mô từ 150 - 200 tỷ USD. Theo tính toán, có 79 hãng hàng không trên thế giới đủ tiền mặt để duy trì hoạt động trong 1,5 tháng tới. Con số này giảm dần là 40 hãng trong 3 tháng. Trường hợp xấu nhất là chỉ còn 5 hãng tồn tại được trong 7,5 tháng.

Trong bối cảnh đó, một lĩnh vực của ngành hàng không lại đang “phất” lên nhờ đối tượng khách hàng giàu có - đó là dịch vụ cho thuê máy bay riêng. Tại châu Á, các công ty cho thuê máy bay riêng cho biết trong 2 tháng qua, số khách hàng mới đã tăng đều đặn, khi những người chạy trốn dịch bệnh hồi tháng 1 lại quay trở về vào tháng 3 từ các vùng mà dịch đã lan tới.

Tương tự, mô hình “kinh tế không tiếp xúc” cũng đang được mùa “nở hoa”. Các hoạt động “không tiếp xúc” như làm việc tại nhà và mua sắm trực tuyến đang lan rộng trên phạm vị toàn cầu. Trong lĩnh vực ăn uống, doanh thu giao hàng tận nơi tăng mạnh. Phần lớn các hoạt động phỏng vấn tuyển dụng, giảng dạy đại học, tư vấn xuất khẩu... đều diễn ra theo hình thức trực tuyến. Điều này cho thấy, mô hình “kinh tế không tiếp xúc” có thể sẽ trở thành xu hướng mới sau khi dịch bệnh được khống chế.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã bắt đầu chuyển đổi hình thức kinh doanh cho phù hợp mùa dịch, trong đó, dễ chuyển đổi là các công ty công nghệ. Nhiều công ty trước đây chỉ sản xuất camera quan sát, giờ nghiên cứu, kết hợp thêm khả năng đo thân nhiệt - một công dụng rất nhiều nơi cần lúc này.

Các công ty thời trang lại chuyển sang in áo phông, vòng tay mang khẩu hiệu thời dịch bệnh như: "Hãy rửa tay", "Đừng ho vào tôi", "Tôi sống qua thời virus Corona". Các hãng sản xuất đồ xa xỉ cũng đã chuyển mình. Còn một hướng khách các doanh nghiệp đang xoay chuyển đó là hướng tới thời gian giải trí của lượng khán giả lớn, chưa bao giờ có thời gian rảnh nhiều đến thế.

Hải Hà
.
.