Những vụ án có thật gợi ý tưởng cho “cha đẻ” của Sherlock Holmes

Thứ Năm, 02/11/2017, 09:35
Những người yêu quý nhân vật thám tử Sherlock Holmes của nhà văn Anh Arthur Conan Doyle chắc chắn không thể quên những vụ án ly kỳ trong loạt truyện nổi tiếng khắp thế giới. Nhưng ít ai biết rằng không ít các vụ án ly kỳ hấp dẫn được viết nên ấy, tác giả của nó, Conan Doyle đã lấy ý tưởng từ những vụ án có thật ngoài đời.

Cuốn sách "The Man Who Would Be Sherlock: The Real Life Adventures Of Arthur Conan Doyle" (Người trở thành Sherlock: Những cuộc phiêu lưu đời thực của Arthur Conan Doyle) mới được xuất bản đã hé lộ mối liên hệ giữa đời thực và tiểu thuyết. Tác giả cuốn sách Christopher Sandford đã phân tích những chủ đề giống nhau giữa truyện và các vụ án ngoài đời được Conan Doyle sử dụng làm chất liệu để hư cấu thành những cuộc phiêu lưu khiến bạn đọc say mê: từ vụ án thầy giáo của Conan Doyle sát hại vợ cho tới vụ "sát thủ động vật" George Edalji.

Khi Doyle 7 tuổi và học tại trường Newington ở Edinburgh, một người di cư Pháp tên là Eugene Chantrelle đã được tuyển làm giáo viên dạy ngôn ngữ hiện đại trong trường. Mười năm sau, Chantrelle bị treo cổ vì đầu độc vợ.

Nhà văn Arthur Conan Doyle.

Trong cuốn sách mới, tác giả Christopher Sandford đã nhấn mạnh những chi tiết giống nhau giữa vụ giết người ở trường học của Doyle và câu chuyện đầu tiên về thám tử Sherlock "The Study in Scarlet" (tên tiếng Việt: Cuộc điều tra màu đỏ hoặc Chiếc nhẫn tình cờ). Trong câu chuyện này, Sherlock đã giải quyết được vụ giết hại hai người đàn ông mà bản thân họ bị đầu độc.

Vụ án tại trường Newington liên quan tới giáo viên tương lai của Doyle và người bạn là tiến sĩ Joseph Bell - một nhà khoa học pháp y vốn được coi là một trong những hình mẫu của Sherlock. Tháng 9-1866, Doyle chuyển về trường Newington, một ngôi trường ở Edinburgh cách nhà cậu bé ba con phố.

Nhà khoa học pháp y Joseph Bell - một trong những hình mẫu của Sherlock Holmes.

Không lâu sau khi Doyle tới học trường này, ông Chantrelle vào dạy môn ngôn ngữ. Khi Doyle biết thầy giáo Chantrelle năm 1866, ông này đã có mối quan hệ với một học sinh 15 tuổi học lớp 5 trong trường tên là Elizabeth Cullen Dyer. Mối quan hệ này không bị ai phát hiện cho tới mùa đông năm 1867, khi Dyer mang thai. Cả hai người đều bị đuổi khỏi trường học. Khi đó, thầy giáo Chantrelle 34 tuổi còn Dyer 17 tuổi. Họ kết hôn năm 1868 ở Edinburgh và có bốn con trai.

Có tin đồn rằng Chantrelle còn có nhiều vợ ở một số thành phố Bắc Mỹ cũng như có một vợ ở nhà tại Pháp. Người ta còn đồn rằng quan hệ tình dục của Chantrelle thường có xu hướng ác dâm.

Cuộc hôn nhân của Chantrelle và Elizabeth không hạnh phúc. Tháng 12-1876, Elizabeth báo cảnh sát rằng đã bị Chantrelle dùng roi ngựa quất không thương tiếc vào mông trần. Lúc đó, Chantrelle chỉ bị nhắc nhở.

Tháng 10 sau đó, Chantrelle ký hợp đồng với công ty bảo hiểm Ngôi sao Scotland, theo đó anh ta sẽ nhận được 1.000 bảng (tương đương 90.000 bảng ngày nay) trong trường hợp cô vợ trẻ chết trước mình.

Thầy giáo ngôn ngữ Chantrell - người bị treo cổ vì đầu độc vợ.

Tại phiên xét xử Chantrelle, anh ta đã gặp khó khăn khi hiểu định nghĩa "chết bất ngờ" trong hợp đồng và hỏi xem chuột rút và tai nạn với khói hoặc hơi độc có được tính trong hợp đồng không.

Sáng ngày 2-1-1878, một cô hầu gái đã tìm thấy Elizabeth nằm bất động trên giường. Có mùi khí gas xộc lên trong phòng, rõ ràng là do van bị vỡ trong lò sưởi gần đó.

Sau khi kiểm tra, một bác sĩ nói rằng đó là một vụ ngộ độc khí than, một trường hợp không bất thường thời đó. Sau đó, nạn nhân được đưa tới bệnh viện Hoàng gia và chết chiều hôm đó. Elizabeth lúc này 26 tuổi.

Vụ việc khiến tiến sĩ Bell và thư ký của ông là tiến sĩ Henry Littlejohn chú ý. Cùng với nhau, họ phát hiện ra dịch nôn trên ga trải giường của Elizabeth và trong dịch có thuốc phiện. Chất này kết hợp với tác động của việc hít phải khí gas dần dần đã gây ra cái chết cho Elizabeth.

Chantrelle bị đưa ra xét xử vì giết vợ, bị kết án có tội và bị hành quyết ngày 31-5-1878. Ông Littlejohn được đề nghị tham gia buổi hành quyết Chantrelle. Người ta kể lại rằng Chantrelle đã quay sang ông Littlejohn và nói nhỏ: "Gửi lời khen của tôi cho Joe Bell. Ông ta đã làm tốt trong việc đưa tôi tới giá treo cổ".

Tờ London Globe đăng một đoạn dài về những lời cãi cọ giữa Elizabeth và chồng, trong đó nhấn mạnh việc anh ta đã đối xử nhẹ nhàng hơn với vợ trong những tuần cuối cuộc đời, rõ ràng là để lừa vợ có cảm giác an toàn…

Tác giả Sandford, năm nay 60 tuổi sống ở Seattle, Washington, nói: "Vụ án Chantrelle tất nhiên khiến Doyle quan tâm vì nó liên quan tới một người chồng đặc biệt xảo quyệt ngược đãi vợ bằng thuốc độc. Dù cách này hay cách khác, bất hòa hôn nhân và việc phải dùng tới thuốc độc đều là hai chủ đề khá phổ biến trong danh sách các tác phẩm về Sherlock".

Thuốc độc xuất hiện thường xuyên trong nhiều đoạn là một đặc điểm trong cốt truyện về thám tử Sherlock, thể hiện ngay từ vụ án đầu tiên trong "A Study in Scarklet". Theo tác giả Sandford, bất hòa hôn nhân và thuốc độc có lẽ là hai chủ đề lấy ý tưởng từ vụ Chantrelle.

Trong cuốn sách, tác giả Sandford còn phân tích hai vụ án có thực khác mà tác giả Doyle biết rất rõ. Đó là các vụ án liên quan tới nghi phạm "sát thủ động vật" George Edalji và Oscar Slater - người bị cho là giết một phụ nữ già ở Glasgow.

Trong cả hai vụ, Doyle đều tin rằng hai nghi phạm vô tội. Ông cho rằng đã có những vụ nhầm lẫn danh tính và tích cực bảo vệ họ. Tác giả Sandford nhận xét: "Tôi cho rằng điều nổi bật nhất với tôi là sự kiên trì đến mức ngoan cố của Doyle khi hành động".

Tượng của Sherlock Holmes tại Picardy Place  Edinburgh.

George Edalji, cậu con trai 27 tuổi của một cha sở - người bị khinh ghét vì có nguồn gốc đạo phái Parsee. Gia đình họ bị quấy rối, bôi nhọ đến khốn khổ. Nhiều kẻ đã viết thư đe dọa gửi cho người khác và ký giả mạo tên của Edalji, càng khiến gia đình anh bị căm ghét. Khi có một loạt động vật bị giết hại dã man trong vùng, cảnh sát nhận được thư nặc danh nói rằng Edalji là thủ phạm và quy kết cho anh tội này.

Về sau, Edalji đã viết một bài kể về nỗi thống khổ của mình rồi đăng trên báo. Sau đó, anh đã gửi bài báo cho tác giả Doyle. Từ đó, Doyle bắt đầu quan tâm và tự mình điều tra vụ việc của Edalji, phát hiện ra nhiều bằng chứng không đúng sự thật, thậm chí còn bị cảnh sát ngụy tạo. Với niềm tin rằng Edalji vô tội, Doyle thường xuyên gửi thư cho báo chí, đòi phỏng vấn Bộ trưởng Nội vụ và nộp đơn kiến nghị về vụ việc cho tới gần lúc ông qua đời 23 năm sau đó. Theo tác giả Sandford, Doyle không phải là người dễ dàng bị lay chuyển trên con đường đã chọn.

Có thể thấy, một số vụ án mà Doyle trực tiếp chứng kiến, thậm chí nắm rõ tường tận trong thời đại của ông như kể trên đã trở thành những chất liệu quan trọng để ông sáng tác các câu chuyện hấp dẫn về thám tử Sherlock Holmes.

Arthur Conan Doyle sinh năm 1859 tại Edinburgh trong một gia đình Ireland giàu có. Ông học làm nghề bác sĩ, có bằng tại trường Đại học Edinburth năm 1881.

Ông làm bác sĩ phẫu thuật trên tàu săn cá voi và là nhân viên y tế trên tàu hơi nước chạy tuyến Liverpool và Tây Phi. Sau đó, ông định cư ở Southsea, Portsmouth, Anh, vừa hành nghề y vừa viết sách. Ông viết 60 truyện về Sherlock Holmes. Ngoài ra, ông còn là tác giả của gần 200 tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, sách lịch sử…

Thùy Dương
.
.