Chàng trai vàng của thể thao Công an nhân dân

Thứ Ba, 30/10/2018, 10:51
Nguyễn Văn Trí, vận động viên của Trung tâm Thể thao CAND, Bộ Công an là người đã giành huy chương vàng môn pencak silat nam cho Việt Nam tại Asiad 2018, hạng cân 90kg-95kg. Nguyễn Văn Trí ở ngoài nhìn hiền khô mà can trường trên sàn đấu; và câu chuyện con đường đi đến giải Vàng của cậu cũng khá là thú vị.


Phòng tập bộ môn  pencak silat nằm trong khuôn viên của khu A Trung tâm huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội. Không khó khăn để nhận ra Trí với bộ dạng hiền khô, da trắng, to cao lừng lững. Nguyễn Văn Trí nhìn nổi bật trong tổ hơn 30 vận động viên nam và nữ.

Trí là con thứ hai trong một gia đình hai anh em có bố và mẹ làm nghề tự do ở xóm 22, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Tuy là nhà ở quê nhưng đất cũng chẳng rộng là bao, chỉ vừa đủ để hai vợ chồng và hai cậu con trai có chỗ chui ra chui vào. 

Năm Trí 10 tuổi, mẹ cậu lên Hà Nội làm nghề nấu cỗ, rồi ở lại thủ đô, thuê một căn phòng nhỏ trên gác hai khu chợ phố Khâm Thiên. Bố cậu đi nhận công trình làm nghề lắp bể nước. Công việc đồng áng ở quê nhà từ đấy bỏ hẳn. Hai anh em tự ở nhà chăm sóc nhau, nghịch thả cửa.

Trí bảo mình đến với bộ môn pencat silat như một sự kết nối của duyên số. Ngay từ ngày nhỏ Trí đã to khoẻ cao lớn hơn các bạn đồng trang lứa. Cậu luôn tay luôn chân nô nghịch khắp nhà. 

Ông Nguyễn Văn Thi và bà Nguyễn Thị Nhung là cha mẹ của cậu lúc nào cũng có sẵn cái roi mây vì cậu hay trốn đi chơi. Hôm nào cũng vậy, cứ đợi đến buổi trưa cha mẹ ngủ say là cậu lại chạy ra đồng bắt cua bắt cáy. Vào mùa gieo hạt, người nông dân phải ủi máy cày trên các thửa ruộng, cậu cùng với dăm ba đứa trẻ khác trong xóm đi sau máy cày, khi bác nông dân chạy máy cày đến đâu thì lực đẩy đất tung lên những con trê, con trắm nhảy lách tách trên mặt đất và cậu nhanh tay chộp lấy.

Mỗi buổi như vậy về nhà là cậu lại kiếm được lưng rổ cá nhưng áo quần mặt mũi bê bết lấm lem bùn đất, hai ông bà lại mang cái roi mây ra và quật vào mông cậu dăm ba cái. Tuy bị đòn như vậy nhưng cậu vẫn không chừa, những ngày sau, tháng sau vẫn đều đặn như vậy, cả ngày chỉ mong đến giữa trưa nắng chang chang như đổ lửa, thừa lúc bố mẹ ngủ, hai anh em lại trốn đi chơi.

Huấn luyện viên Nguyễn Văn Hùng và Nguyễn Văn Trí tại Trung tâm Thể Dục Thể Thao khu A, Từ Liêm Hà Nội.

Hết bắt cá, nhặt con cua, con cáy cậu lại rủ bọn trẻ trong xóm tắm sông. Cái cảnh trẻ con ở quê da đen nhẻm, tóc hung vàng vì giăng nắng, cởi truồng nhảy từ cái cầu khỉ, hay từ một mô đất cao xuống sông vừa ngộ nghĩnh vừa sinh động. 

Năm cậu học lớp 9, vào tuổi dậy thì, người bắt đầu như cây mạ trổ bông, cao to lừng lững, duyên số thế nào cậu lại được một bác giới thiệu lên Trung tâm Thể dục Thể thao CAND tận Hà Nội. Trước khi nhận cậu vào trường, cậu được một bác trên Hà Nội về tận nhà xem người kỹ lưỡng ngó chân, nhìn tay, rồi bảo quay mấy vòng rồi bác gật đầu bảo: "Được đấy".

Sau câu “được đấy” của bác khách lạ thì ít lâu sau cậu được gọi lên Trung tâm để đi học võ. Bác ấy nói có nhiều môn phái võ lắm, nhưng cậu hợp với pencak silat. Cậu bé 15 tuổi khi ấy còn chẳng hề biết pencak silat là môn võ thế nào? Chỉ tò mò môn võ gì mà nghe như tiếng tây ngồ ngộ…

Rồi cũng đến ngày cậu nhập học trên Hà Nội. Ban ngày học võ ở trung tâm, tối đến học văn hoá. Khi Trí chuyển lên Hà Nội thì lớp học văn hoá đã vào giữa học kì nên không vào được, thành ra ngày học võ còn tối đến thì lại rảnh rang. 

Lần đầu tiên xa nhà lâu như vậy lại chân ướt chân ráo mới lên chưa quen biết ai, cứ sau khi học võ xong, 5 giờ chiều Trí lại được bố chờ ở cửa đón, xong hai bố con chạy xe máy về nhà trọ của mẹ là một căn gác bé tí trên phố Khâm Thiên. Cả ba người, bố mẹ và con trò chuyện thủ thỉ với nhau đến 9 giờ tối là cậu lại ngồi sau xe máy bố chở về trung tâm. 

Hơn nửa tháng ròng ngày nào cũng thế, đến khi công việc của bố nhiều, việc đưa đón cậu con trai trở nên bất tiện thì bố mẹ cậu quyết định mua cho cậu chiếc xe đạp. 

Từ ngày có xe đạp, cứ đến chiều sau giờ học võ cậu lại lóc cóc đạp xe đi qua những con đường Hà Nội thơm mùi hoa sữa khoảng 7 km từ Trung tâm Thể dục Thể thao trên phố Nguyễn Xiển để đến căn phòng bé tí trên căn gác hai của mẹ ở khu phố Khâm Thiên. 

Mẹ cậu làm nghề nấu cỗ. Hằng ngày, cứ chập tối khi thấy tiếng lách cách ở cửa là mẹ cậu biết con trai mình đã đến, bà lại đã chuẩn bị cho con một khẩu phần để bồi bổ sức khoẻ và ngồi nhìn đứa con trai đang tuổi ăn tuổi lớn “đánh” hết bay một cách ngon lành, âu yếm và trìu mến biết bao.

Nguyễn Văn Trí đã đánh bại vđv singapore để đoạt huy chương vàng.

Một thời gian sau Trí đã quen bạn bè, và thân thiết với thầy giáo không còn bám mẹ nhằng nhẵng như hồi mới xuống Hà Nội nữa. Rồi đến lúc cũng bước vào năm học mới, sau giờ học võ là cậu lại đến một ngôi trường ở Cầu Lủ cách Trung tâm Thể dục thể thao CAND khoảng 4 cây số để học văn hoá vào buổi tối.

Trong niềm hân hoan của Trí về giải thưởng của mình tại Asiad vừa qua, Trí bảo trước khi thi đấu hai đêm liền cậu cứ trằn trọc khó ngủ vì nghĩ đến trận thi đấu cũng có ít nhiều áp lực tâm lý. May thay Trí đã là người chiến thắng và đây là Huy chương Vàng thứ ba cho Việt Nam tại cuộc thi lần này. 

Ngay khi trọng tài phân định trận đấu, chỉ vài phút sau trên trang mạng xã hội của thầy giáo - Thượng tá Nguyễn Xuân Hải, phó Giám đốc Trung tâm hiện lên hai chữ reo lên đầy vui mừng và phấn khởi của thầy: "Vàng rồi!"

Mọi người tới tấp chúc mừng. Sau mùa giải, các chú, các bác trên Trung tâm Thể thao CAND, Bộ Công an cũng đánh xe về tận nhà ở quê để ăn bữa cơm thân mật với Trí và gia đình. Rồi hôm mồng 3 tháng 9 vừa rồi, Trí lại cùng các vận động viên có thành tích tốt tại Asiad lần này lên Sân vận động Mỹ Đình để nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.

Hôm nhận thưởng xong, Trí về nhà thì các bác, các cô chú ở trong thôn, trên xã, trên huyện ra đón tại cầu Lạc Quần cách nhà 7, 8 cây số.  Trí về đến nhà, trong xóm đến 30, 40 người, trẻ có, già có đến chật kín từ nhà ra tới sân; trẻ em khắp thôn kéo đến cười đùa ríu rít. Mẹ Trí bảo chả biết là mọi người đến chúc mừng đông đến thế chứ không thì đã cho mổ thịt con lợn bà thím mới cho để mời mọi người rồi.

Trí bảo mình nhớ và biết ơn người thầy, người huấn luyện viên của mình ở Trung tâm Thể thao CAND - Đại úy Lê Anh Tuấn. Thầy Tuấn không chỉ là một huấn luyện viên tốt mà thầy còn như một người bạn, người anh, người tri kỉ với Trí. 

Có lần tập luyện bị chấn thương nặng, Trí tưởng chừng như khó có thể trở lại với nghề, hay những lần đạt thành tích chưa tốt, Trí đã từng ngừng học khoảng gần một năm rồi bỏ về quê. Chính thầy Tuấn là người đã động viên an ủi Trí cũng như gia đình rất nhiều. Thành công của Trí như ngày hôm nay có hình bóng của người thầy mang sắc phục tận tâm ở phía sau để trợ lực và dìu dắt, nâng đỡ.

Và cũng không thể không nhắc đến những người trong gia đình đã ủng hộ Trí, đặc biệt là bố Trí, ông Nguyễn Văn Thi. Ông từng nói với Trí từ thuở còn là cậu bé ham chơi: "Bố hi sinh đời bố để cho mày ăn học. Bố mẹ sẵn sàng bán cả nhà đi để cho mày học hành thành tài, nên mày phải cố mà học lấy cái chữ, con ạ".

Một người nữa mà thỉnh thoảng nhớ đến, bất giác Trí mỉm cười, đó là anh Phạm Văn Tí, một vận động viên pencak silat ở Trung tâm Thể dục Thể thao CAND. Ngày Trí mới lên Trung tâm, Trí nhìn anh Tí đầy ngưỡng mộ. Trí nhỏ tuổi, các thế võ còn chưa tường tận, thỉnh thoảng tập các động tác khó lại bị chấn thương. Anh Tí khi ấy đã thường xuyên tham dự các cuộc thi đấu nước ngoài được nhiều giải thưởng quốc tế.

Một lần, sau khi anh Tí nhận giải thưởng lớn ở nước ngoài về, Trí rụt rè nói với anh: "Nhìn anh thi đấu tốt được đi hết nước nọ đến nước kia em ngưỡng mộ lắm, không biết bao giờ em mới được một lần như anh nhỉ?". Anh Tí xoa đầu Trí cười bảo: "Em đi một lần làm gì, phải đi nhiều lần vào chứ".

Không ngờ lời anh nói hôm ấy sau này lại trở thành sự thật. Cậu bé Nguyễn Văn Trí bắt cá tắm sông ngày nào giờ đã có thành tích vượt bậc, đã biết buồn giận vu vơ, biết nhớ thương mong mỏi và gánh trên vai cả ý thức trách nhiệm của một vận động viên tầm quốc gia.

Trần Mỹ Hiền
.
.