ASEAN với nỗ lực mở toang cánh cửa kinh tế

Thứ Hai, 01/07/2019, 11:39
Hội nghị cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 34 vừa diễn ra đã thông qua văn kiện “Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” (AOIP), trong đó đưa cụm “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” vào từ điển thuật ngữ chính thức của ASEAN.

Sự thay đổi này phù hợp và gắn liền với nguyên tắc lấy ASEAN làm trung tâm thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn đầu, dựa trên đối thoại và hợp tác nhằm mục tiêu xây dựng trật tự khu vực cởi mở và bao trùm.

Sáng kiến này tiếp nối quan điểm cởi mở và bao trùm của ASEAN, xác định ASEAN là “bên môi giới trung thực trong môi trường chiến lược gồm các lợi ích cạnh tranh”. Với biểu ngữ “Một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đối thoại và hợp tác thay vì đối đầu”, AOIP xây dựng chính sách lâu dài của ASEAN trong đó tính đến tất cả các đối tác và bạn bè, đặc biệt là các nước lớn, trong các khuôn khổ của ASEAN, thúc đẩy thói quen đối thoại và hợp tác của họ, khuyến khích họ tự kiềm chế và khai thác các khả năng cũng như nguồn lực của họ để giải quyết thách thức chung.

Một chỉ số khác cho thấy sự tập trung mang tính chuẩn mực của AOIP vào các mối quan hệ giữa các quốc gia là tầm quan trọng của Hiệp ước Thân thiện và hợp tác Đông Nam Á (TAC) như là quy tắc ứng xử cho các nước trong khu vực, đặc biệt là về bình đẳng chủ quyền, giải quyết hòa bình các tranh chấp và từ bỏ vũ lực. Điều này một lần nữa là yếu tố cơ bản trong kịch bản của ASEAN nhằm duy trì phép lịch sự và ổn định trong trật tự khu vực đang thay đổi.

Kênh đào Kra sẽ là mấu chốt của AOIP với khả năng kết nối và rút ngắn khoảng cách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Việc coi Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một khái niệm của ASEAN có lẽ là khía cạnh quan trọng nhất trong AOIP. Trong suốt năm 2018 và đến đầu 2019, thuật ngữ này vẫn là điểm gây nhiều tranh cãi nhất trong các cuộc tranh luận nội bộ của ASEAN. Để có được sự khác biệt định tính dù tiếp nhận cùng một tên gọi, AOIP hướng sự chú ý từ cạnh tranh chiến lược sang chú trọng hợp tác kinh tế. Nói cách khác, ASEAN muốn vượt qua, đồng thời tận dụng động lực cạnh tranh nước lớn thông qua cách tiếp cận định hướng phát triển.

Một mặt ASEAN công nhận mối quan hệ an ninh - kinh tế trong cuộc tranh luận đang tiếp diễn trong khu vực, đó là đằng sau mỗi sáng kiến kinh tế chủ chốt của các nước lớn là những động lực hoặc hàm ý chiến lược, dù về thương mại hay tính kết nối. Mặt khác, ASEAN tìm cách nói giảm nhẹ về phương diện chiến lược an ninh và tập trung vào hợp tác phát triển kinh tế trên thực tế.

AOIP không coi sự kết hợp giữa châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương như là một cấu trúc địa lý lớn nhất. Đây là vấn đề thực tế, khi xét tới tính đa dạng trên phạm vi rộng về địa hình, dân tộc, lịch sử, các hình thái xã hội - văn hóa và quan hệ quốc tế trải rộng khắp hai đại dương này. Thay vào đó, AOIP nhìn nhận sự hội tụ giữa hai khu vực này từ hai góc nhìn: Một khu vực hội nhập, kết nối kinh tế năng động và một không gian biển liền mạch.

Góc nhìn hội nhập và kết nối kinh tế nhắm tới việc hiện thực hóa những tiềm năng kinh tế từ sự chắp vá các thỏa thuận thương mại tự do hiện có hoặc đang được đàm phán, trong đó có RCEP, cũng như nhiều sáng kiến kết nối đang lan truyền khắp khu vực. Đó là “Vành đai và Con đường” do Trung Quốc dẫn dắt; Quan hệ đối tác cơ sở hạ tầng chất lượng do Nhật Bản dẫn dắt.

Bên cạnh đó là các chương trình của những tổ chức lớn như Tập đoàn Tài chính phát triển quốc tế Mỹ, Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Phát triển cơ sở hạ tầng châu Á, Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN và Tiểu vùng sống Mekong mở rộng cùng nhiều sáng kiến khác. Góc nhìn này giải thích sự chú trọng vào tính kết nối như một lĩnh vực hợp tác quan trọng trong khuôn khổ AOIP.

Quan điểm thứ hai nhìn nhận Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như một không gian biển liền mạch, do đó tầm quan trọng của nó gắn liền với “lĩnh vực hàng hải và triển vọng trong cấu trúc khu vực đang phát triển”. Hợp tác hàng hải là một trong ba lĩnh vực hợp tác chủ chốt của AOIP, cùng với khả năng kết nối và các mục tiêu phát triển bền vững. ASEAN sẽ muốn tránh đề cập đến bất kỳ điều gì mà có thể bị hiểu thành sự tán thành hoặc can dự của họ vào bất kỳ liên kết hay liên minh quân sự nào trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Cuối cùng, cần phải hiểu rằng AOIP không có nghĩa là một sự thay đổi điển hình trong văn hóa chiến lược của ASEAN. Nó đại diện cho quan điểm riêng của ASEAN giữa lúc có nhiều luận điệu cạnh tranh, do đó mang đến một kịch bản chung cho các nước thành viên ASEAN trong việc ứng phó với những áp lực từ bên ngoài trước việc có một lập trường về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Hơn nữa, bằng việc thông qua AOIP mà ưu tiên việc xây dựng cộng đồng và vai trò trung tâm của ASEAN, các nươc thành viên ASEAN lựa chọn đứng về phía ASEAN chứ không phải về phía bất kỳ nước lớn nào cho dù họ can dự vào việc chung. Theo ý nghĩa này, ASEAN mang đến điểm tựa khu vực giữ cho từng nước thành viên không bị chuyển hướng đi theo ý đồ của một nước lớn đối với nước khác.

AOIP cũng khẳng định tiếng nói và khả năng của ASEAN trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là trong việc khai thác những tiềm năng kinh tế và khả năng kết nối trong khi giải quyết các thách thức cạnh tranh chiến lược. Nó khác với các sáng kiến và nền tảng khác nhưng tìm kiếm sự hiệp lực và bổ sung ở lĩnh vực nào có thể.

Quan điểm này giúp ASEAN không phản đối hay tán thành chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở hay bất kỳ tầm nhìn chiến lược nào khác trong khu vực này nhưng lại để ngỏ những cơ hội  hợp tác khi có sự tâm đầu ý hợp hay cùng chung lợi ích. Và bằng việc đảm bảo chính sách “cánh cửa để ngỏ” của ASEAN với tất cả các quốc gia và đối tác, AOIP củng cố những nỗ lực của ASEAN nhằm duy trì sự đa cực trong khu vực.

Huy Thông (tổng hợp)
.
.