Ai sẽ đoạt giải Nobel văn học năm nay?

Thứ Hai, 07/10/2019, 21:53
Giải thưởng Nobel văn học từ năm 1901, cứ mỗi năm đến hẹn lại lên, giải lại được trao cho nhà văn có tác phẩm văn học kiệt xuất nhất bất kể là người ở quốc gia nào. Tuy nhiên, một số tác phẩm cá biệt của các nhà văn có khi được công chúng quan tâm đặc biệt nhưng giải Nobel còn phải dựa vào những tác phẩm tổng thể của tác giả.

Viện Hàn lâm Thụy Điển sẽ quyết định ai sẽ nhận được giải thưởng và viện này sẽ công bố tên của người đoạt giải vào đầu tháng 10 hằâng năm. Đây là một trong 5 giải thưởng Nobel được thành lập bởi di chúc của ông Alfred Nobel vào năm 1895.

Năm 2018, do ảnh hưởng của vụ bê bối tấn công tình dục, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã quyết định không trao giải thưởng Nobel về văn học. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1901, giải Nobel Văn học bị hủy bỏ vì lý do phi chiến tranh. Giám đốc điều hành quỹ giải Nobel, ông Lars Heiken Kirsten công khai tuyên bố rằng nếu Viện Hàn lâm Thụy Điển không lấy lại được niềm tin với công chúng thì quỹ giải thưởng Nobel sẽ thu hồi quyết định tư cách phát giải thưởng của họ.

Ngày 5-3-2019 quỹ giải thưởng Nobel tuyên bố giải Nobel Văn học sẽ được phục hồi và năm nay sẽ có 2 nhà văn được bình chọn để nhận giải cho cả năm 2018 và 2019. 

 Sau vụ bê bối năm 2018 Viện Hàn lâm Thụy Điển đã xây dựng lại niềm tin của công chúng đồng thời khôi phục uy tín của Viện và tuyên bố cải tổ lại: Thứ nhất Viện Hàn lâm cải cách lại chế độ nhiệm kỳ, bỏ chế độ viện sĩ suốt đời để cho một số người từ chức, nghiên cứu hạn chế không để viện sĩ có nhiệm kỳ quá dài. Mặt khác, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã khai trừ bà Katarina - một thành viên của viện - vì đã tiết lộ tin xấu.

Theo tin được công bố từ trang web chính thức của Viện Hàn lâm Thụy Điển trong việc cải tổ nhân sự đã có 7 viện sĩ trong 18 viện sĩ được thay thế. Các viện sĩ mới bao gồm thẩm phán Tòa án Tối cao Thụy Điển Lussen, giáo sư Maz Malm của Đại học Gothenburg để bảo đảm sự công bằng hơn trong việc bình chọn người đoạt giải. Việc thay đổi nhân sự của Viện Hàn lâm Thụy Điển cho thấy quyết tâm lấy lại niềm tin của mình.

Mặc dù giải Nobel Văn học đã trở thành giải thưởng Văn học uy tín nhất thế giới nhưng việc bình chọn và trao giải hằng năm phải gánh chịu những lời chỉ trích mạnh mẽ. Nhiều nhà văn đoạt giải thưởng đã rơi vào tình trạng âm thầm lặng lẽ không tiếng tăm, trong khi những tác phẩm của các nhà văn bị Ủy ban Nobel từ chối lại được công chúng đón nhận và yêu thích.

Viện Hàn lâm Thụy Điển còn bị chỉ trích vì thiên vị với các nhà văn có phẩm chất chính trị khác nhau và giải Nobel Văn học đã bị “châu Âu hóa”. Người ta tính rằng cho dến năm 2016, trong số 113 nhà văn đoạt giải có tới 82 nhà văn châu Âu (chiếm 74%), đặc biệt là các nhà văn nước chủ nhà.

Một số người như học giả Sabaree Mitra người Ấn Độ nói rằng “Dù giải thưởng Nobel về văn học có ý nghĩa rất lớn và thường làm lu mờ các giải thưởng khác nhưng đó không phải là tiêu chí duy nhất để đo lường thành tựu văn học”.

Năm nay sẽ rất khó có thể dự đoán được hai nhà văn sẽ giành chiến thắng bởi vì trên thế giới này có rất nhiều nhà văn xuất sắc. Giải Nobel Văn học là một giải thưởng lớn có uy quyền với một lịch sử lâu dài, nhìn lại lịch sử của nó ta thấy có những quy luật luôn phải tuân theo.

Năm nay, sẽ có 2 giải Nobel được trao cho 2 nhà văn nên một nhà văn nam và một nhà văn nữ là điều có khả năng xảy ra. Trong các ứng cử viên của năm 2019 thì những nhà văn, nhà thơ tên tuổi như nhà văn Haruki Murakami (Nhật Bản), nhà thơ Adonis (Syria), nhà văn Tiango Kenya và nhà văn Margaret Atwood (Canada).

Các nhà văn Trung Quốc cũng có hy vọng đoạt giải lần thứ hai sau 7 năm nhà văn Mạc Ngôn nhận được giải này.

Vậy chúng ta hãy điểm mặt thành tích những nhà văn lớn có khả được nhận giải, (người đoạt giải sẽ được Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố vào 13 giờ ngày 10-10-2019).  

Nhà văn Haruki Murakami (Nhật Bản)

Nhà văn Haruki Murakami.

Nhà văn Haruki Murakami sinh năm 1949 tại Tokyo, là một trong những nhà viết tiểu thuyết, dịch giả văn học được biết đến nhiều nhất hiện nay ở trong và ngoài nước Nhật.

Hơn một phần tư thế kỷ hoạt động trong lĩnh vực văn học, ông có rất nhiều tác phẩm ăn khách như “Rừng Na Uy”, “Kafka bên bờ biển”, “Lắng nghe gió hát” và “Những năm tháng hành hương”... Haruki Murakami đã trở thành hiện tượng văn học Nhật Bản đương đại, được gọi là “Nhà văn được yêu thích”, “Nhà văn của giới trẻ”. Tác phẩm của ông đã được dịch ra khoảng 38 thứ tiếng trên thế giới.

Ông đã đạt được nhiều giải thưởng văn học Nhật Bản và quốc tế. 

Ông Murakami  từng được đề cử vào giải Nobel từ năm 2009 và trong 10 năm liền luôn đứng trong danh sách đề cử nhưng vẫn chưa đoạt giải nên người ta gọi ông là “vua trên đường đua giải Nobel”. Có người cho rằng tuy ông nổi tiếng trên toàn thế giới, tác phẩm của ông quá thịnh hành, quá phổ biến nhưng thiếu đi tính phê phán, không phù hợp với hương vị thuần túy và nghiêm túc của giải Nobel Văn học.

Nhà thơ Adonis (Sirya)

Nhà thơ Adonis (Sirya).

Adonis là nhà tư tưởng, nhà lý luận văn học, dịch giả nổi tiếng ở Syria, là nhà thơ đương đại kiệt xuất Ảrập. Ông từng giành giải thưởng văn học Brussels, giải thưởng văn học Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều giải hưởng văn học quốc tế khác. Những năm gần đây ông thường xuyên là ứng cử viên cho giải Nobel Văn học. Ông sinh năm 1930 ở Sirya nhưng trưởng thành ở Lebanon rồi cuối cùng định cư ở Paris.

Người ta gọi ông là kẻ phản nghịch đi ra từ Ảrập truyền thống. “Thế giới mang lại cho tôi cơ thể đầy vết thương nhưng từ vết thương lại mọc ra đôi cánh”.

Ông Adonis là một người được hoàn thiện giữa sự cách tuyệt của hai nền văn hóa. Văn hóa Ảrập trong tiềm thức của người phương Tây vẫn bị coi là nền văn hóa xa lạ, thậm chí là thù địch và sau vụ 11-9 đã trở thành nhu cầu cấp thiết để tìm hiểu các nền văn hóa Ảrập.

Sự cống hiến của Adonis không chỉ với tư cách là nhà thơ, là người đưa tin, ông còn là ý nghĩa quan trọng của mối quan hệ hội nhập giữa nền văn hóa phương Tây và nền văn hóa Ảrập truyền thống.

Nhà văn V Tiango (Kenya)

Nhà văn V Tiango (Kenya).

Nhà văn Tiango được coi là một những nhà văn lớn nhất châu Phi hiện nay. Ông sinh năm 1938 trong một gia dình nông dân nghèo ở Kenya. Năm 1964, ông tốt nghiệp Đại học Majere, Uganda sau đó tiếp tục học Khoa Văn tại Đại học Leeds, Anh. Năm 1967 ông về nước và giảng dạy tại Đại học Nairobi. Ở đây ông đã đổi Khoa Văn học Anh thành Khoa Văn học và Ngôn ngữ châu Phi.

Cũng trong năm 1967, ông bị chính phủ bắt giữ vì phản đối việc bắt buộc giáo dục bằng tiếng Anh. Sau khi được thả, ông cùng gia đình sống lưu vong cho đến khi nhà độc tài Arap Moi sụp đổ, ông mới trở về tổ quốc của mình. Vì lý do chính trị và sức khỏe, trong những năm gần đây ông sang sống ở Hoa Kỳ.

Cuốn sách đầu tay của ông “Con ơi, đừng khóc nữa” là cuốn tiểu thuyết tiếng Anh đầu tiên được xuất bản ở Đông Phi. Sau khi xuất bản cuốn sách thứ ba “Một hạt giống lúa mạch” ông từ bỏ đạo Kitô và bắt đầu xuất bản các tác phẩm bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Kể từ đó ông viết nhiều bài tản văn, tiểu thuyết, kịch và truyện cho thiếu nhi thông qua ngôn ngữ mẹ đẻ để thúc đẩy quá trình phi thực dân hóa châu Phi.

Một nhà văn phải sống lưu vong, một người quan tâm đến thế giới thứ ba, một nhà văn thúc đẩy quá trình phi thực dân hóa châu Phi nếu giành được giải thưởng lớn này thì sẽ không có gì phải ngạc nhiên.

Nữ văn sĩ Margaret Atwood (Canada)

Nữ nhà văn Margaret Atwood (Canada).

Nữ văn sĩ Margaret Atwood sinh năm 1939, là nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học nổi tiếng, bà đã có 4 lần được đề cử vào danh sách nhận giải Nobel. Năm 2000 bà nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết “Thích khách mù”.

Tháng 10-2013 khi nữ nhà văn Canada Monroe đoạt giải Nobel Văn học, ông Lý Kính Trạch - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc trong lần giao lưu về sách đã nói: “Chúng tôi không thể hiểu được vì sao trong các nhà văn Canada, người ta không chọn nhà văn Margaret Atwood mà lại chọn nhà văn Monroe để trao giải Nobel Văn học. Theo quan điểm của chúng tôi, tiểu thuyết của Monroe và của Carver không khác nhau nhiều mà bà Margaret Atwood có thể là đại biểu xứng đáng cho giới văn học Canada hơn”.

Năm 2017 bà Margaret Atwood đoạt giải Kafka văn học.

Nhà văn Milan Kundera (Cộng hòa Czech) 

Nhà văn Milan Kundera (Cộng hòa Czech).

Nhà văn Milan Kundera là ứng cử viên nhiều tuổi nhất, ông sinh năm 1929, tác phẩm của ông được hoan nghênh nhiều nhất ở Cộng hòa Czech và ở châu Âu. Vào năm 1980, Kundera đã làm cho nền văn học chính trị của Czech lên đến đỉnh cao.

Các tác phẩm của Milan Kundera được xem là một trong những hiện tượng đáng được chú ý trong văn học hiện đại. Mỗi cuốn tiểu thuyết cô đọng của ông mang lại cho độc giả một cái nhìn độc đáo về thế giới hiện đại và vị trí của con người trong đó. Tác phẩm của ông còn được độc giả Trung Quốc hoan nghênh và biết đến nhiều nhất.

Milan Kundera đã giành được khá nhiều giải thưởng: Giải thưởng Médicis cho tiểu thuyết nước ngoài, giải thưởng Jérusalem, giải thưởng Aujourdhui, giải thưởng Herder, giải thưởng lớn về văn học của Viện Hàn lâm Pháp dành cho toàn bộ tác phẩm của ông. 

Nguyễn Đình Thiêm (theo “Xinhuanet.com”)
.
.