"Âm vang chiến công" vinh danh người chiến sĩ

Thứ Ba, 22/08/2017, 10:11
Tại chương trình nghệ thuật với chủ đề "Âm vang chiến công", Ban tổ chức đã trao nhiều phần quà dành cho những cán bộ Công an lão thành và cán bộ chiến sĩ Công an các tỉnh biên giới có nhiều thành tích tiêu biểu, có đóng góp trong xây dựng lực lượng Công an nhân dân, đấu tranh phòng, chống tội phạm và tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc và giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn.

Chương trình "Âm vang chiến công", đúng như tên gọi của nó, đã vang vọng dấu ấn không chỉ đối với những người ngồi trong khán phòng, mà chắc chắn, đối với cả một thế hệ tiếp nối để làm nên những chiến công, vang danh và thầm lặng ngay trong thời bình, thời kỳ dựng xây và bảo vệ tổ quốc...

Sân khấu của đêm nghệ thuật và tri ân tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ (Số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội) đầy âm hưởng hùng tráng của những chiến công và đầy dư ba của những sắc màu âm nhạc. Những khúc ca vang lên kể về một thời đạn bom đã xa nhưng vẫn đọng lại trong ký ức của rất nhiều người lính đã tóc bạc da mồi.

Ở đó, những thế hệ được kết nối, những chiến công được tiếp nối giữa những người lính đã đi qua chiến tranh, chiến đấu dũng cảm và những người lính trẻ, thế hệ sinh ra để giữ gìn, bảo vệ thành quả của cha ông, vì sự bình yên cho từng tấc đất... Những người ở trọn trong âm hưởng hùng tráng và bất tử ấy, cũng đều có cảm giác rất đỗi tự hào khi những lời ca chan chứa tình cảm dành cho quê hương, đất nước trong mỗi ca khúc được hát vang trong đêm diễn đậm tính nghệ thuật.

NSƯT Quốc Hưng.

Ca sĩ Trọng Tấn, người có mặt từ đầu chương trình không giấu được cảm xúc của mình: “Tôi thật sự thấy hạnh phúc vì được đứng trên sân khấu ngày hôm nay. Các bài hát thì vẫn thế, hát bao nhiêu lần rồi, nhưng dư âm thì khác nhau hoàn toàn. Hát để cảm nhận được những tình cảm của mình dành cho khán giả, cho ca khúc và ngược lại, để đếm cảm xúc của khán giả dành cho mình. Tôi cảm giác rằng, không ở đâu những ca khúc "Chúng con canh giấc ngủ cho Người" (sáng tác của Đăng Nước); "Nơi đảo xa" (của nhạc sĩ Thế Song) lại có thể trọn vẹn cảm xúc đến vậy. Ở phía dưới khán đài là những chiến sĩ Công an nhân dân, họ cả một đời nguyện vì dân vì nước. Được hát cho họ, thực sự là một niềm vui lớn của những nghệ sĩ như chúng tôi".

Tất cả các ca khúc xuyên suốt từ đầu tới cuối chương trình đều mang âm hưởng ngợi ca những năm tháng gian khổ mà hào hùng của nước Việt, ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngợi ca người lính, cả những người trở về và những người đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường.

Thành công vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám gắn liền với công lao to lớn của Đảng, của Bác Hồ và toàn dân tộc, trong đó có đóng góp to lớn và hết sức quan trọng của lực lượng Công an nhân dân. Cũng là ngày truyền thống 72 năm xây dựng và trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân; tôn vinh hình ảnh người chiến sĩ công an dũng cảm, mưu trí, hết lòng tận tụy vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân; hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân được khắc họa như một tượng đài nghệ thuật "Anh ở bà con thương, anh đi bà con nhớ" - tất cả chỉ giản dị vậy thôi nhưng đã làm nên một hình ảnh người chiến sỹ cao đẹp biết mấy...

Ca sĩ Trần Hồng Nhung.

Cũng là ca ngợi phẩm chất cách mạng và truyền thống vẻ vang của Công an nhân dân và phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh. Khi Tổ quốc cần thì tất cả những người lính, những người chiến sĩ đứng lên bảo vệ Tổ quốc, dựng bức thành đồng vững chãi.

Ca sĩ trẻ Trần Hồng Nhung (Giải nhì Sao mai 2009) chia sẻ rằng trước chị đã có nhiều ca sĩ đại thụ hát thành công ca khúc "Người chiến sỹ ấy" (sáng tác Hoàng Vân), lần này chị được lựa chọn là một thử thách nhưng cũng là một niềm hạnh phúc lớn. Chắc chắn chị nuôi dưỡng cảm xúc và thăng hoa cùng lời ca để được mang một phần nhỏ sức trẻ của mình để tri ân những người lính, những người chiến sĩ đã hy sinh và cống hiến cả cuộc đời mình cho độc lập tự do và bình yên của dân tộc.

Cùng với không gian nghệ thuật mang âm hưởng vừa hùng tráng vừa sâu lắng, da diết để thấy được vẻ đẹp thanh bình của quê hương đất nước sau những năm kháng chiến gian khổ, là không gian đặc biệt dành cho sự tri ân những người lính, những người đã trở về sau hòa bình. Trong chương trình, 15 phần quà đặc biệt đã được dành tặng để tri ân các cựu cán bộ chiến sĩ, các cán bộ chiến sĩ khó khăn, có nhiều thành tích tiêu biểu trong xây dựng lực lượng Công an nhân dân, đấu tranh phòng, chống tội phạm và tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Đó là các đồng chí công an đã có tuổi và chịu những thiệt thòi về hoàn cảnh gia đình như ông Trần Quang Dật, hiện bị tai biến nằm ở nhà. Ông là người vài năm trước đã chạy xe máy cả trăm cây số đến các tỉnh, thành để kiếm tìm tung tích đồng đội từng cùng ông vào chi viện chiến trường trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông đi tìm những đồng đội đã không may mắn được trở về. Có những lúc, dữ liệu duy nhất của ông là địa điểm họ hy sinh...

Sân khấu đêm nhạc “Âm vang chiến công”. Ảnh: Minh Trí.

Đó là ông Lã Văn Cộng (Gia Lâm, Hà Nội), người đã cùng đồng đội vượt Trường Sơn vào miền Nam (năm 1965) và được phân công về công tác tại Ty An ninh tỉnh Gia Lai. Ông đã bị nhiễm chất độc hóa học và trở lại miền Bắc năm 1971. Khi lập gia đình, sinh con, di chứng khủng khiếp và tàn độc của chiến tranh để lại trong cơ thể của 3 người con trai ông và 1 người cháu ngoại, đó là điều khiến ông đau đớn và trăn trở nhất.

Ngoài ra, trong chương trình còn tổ chức trao quà cho một số cán bộ chiến sĩ công an khó khăn, có nhiều thành tích, đang công tác tại nhiều tỉnh, thành, đặc biệt là các chiến sĩ trẻ công tác tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã có nhiều thành tích trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự xã hội.

Đó là Thượng úy Cà Văn Nghĩa, sinh năm 1986, người dân tộc Thái, công tác tại Công an huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Nhiệm vụ chính của Nghĩa là trinh sát và đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy. Vân Hồ là một địa bàn nguy hiểm, điểm nóng về ma túy trên toàn quốc. Nhiều lần các đồng chí ở đây đã phải đối mặt với nguy hiểm khi gặp sự chống trả quyết liệt của các đối tượng buôn bán cái chết trắng. Chúng sẵn sàng dùng vũ khí nóng... để chống trả lực lượng chức năng và manh động bất cứ lúc nào.

Năm 2015, Thượng úy Cà Văn Nghĩa đã được Bộ trưởng Bộ Công an tặng bằng khen trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Năm 2016, Thượng úy Cà Văn Nghĩa được Chủ tịch nước tặng Huân chương chiến công hạng Ba, được UBND Tỉnh Sơn La tặng bằng khen; được Bộ Công an tặng giải thưởng Thanh niên công an tiêu biểu lần thứ VII... Nghĩa cũng chia sẻ, anh cảm thấy bất ngờ và xúc động, vừa cảm thấy vinh dự cho bản thân khi được sự quan tâm của lãnh đạo Báo Công an nhân dân cũng như chương trình "Âm vang chiến công".

Với tất cả những động viên ấy, Cà Văn Nghĩa khẳng định, anh sẽ quyết tâm làm tốt nhiệm vụ được giao để xứng đáng với những phần thưởng và niềm tin của mọi người đã dành trọn cho mình.

Các ca sĩ nhí trong chương trình. Ảnh Minh Trí.

Cùng độ tuổi như Nghĩa là Thượng úy Dương Văn Khái, người Mông, công tác tại Phòng Phòng chống phản động và chống khủng bố Công an tỉnh Hà Giang. Khái chia sẻ rằng, thành tích của anh, cũng là thành tích chung của cả đơn vị. Anh và đồng đội luôn sát cánh để cùng nhau chống lại các thế lực thù địch bảo vệ sự bình yên của Tổ quốc. Anh cũng vui mừng vì đây là lần thứ hai được xuống Hà Nội để được đứng trên bục vinh dự nhận phần thưởng cho những đóng góp của mình. Anh nguyện sẽ đem sức lực của tuổi trẻ để bảo vệ bình yên cho Tổ quốc, cho nhân dân...

Đêm nghệ thuật "Âm vang chiến công" đã để lại nhiều dư âm cho những người tham dự chương trình. Đó là một ngọn lửa thắp sáng niềm tin và thắp sáng tình đồng đội, của sự kết nối những thế hệ. Chúng tôi tin rằng những món quà nghệ thuật ngày hôm nay sẽ như tiếp thêm tinh thần của toàn dân, toàn quân, quyết chiến đấu bảo vệ vì một nền hòa bình, độc lập, thống nhất của Tổ quốc Việt Nam, Tổ quốc linh thiêng, Tổ quốc anh hùng...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.