Amazon bốc cháy: Chuyện chung hay chuyện riêng?

Thứ Năm, 05/09/2019, 14:28
Những ngày qua, các đám cháy hoành hành trên khắp “lá phổi xanh” Amazon rộng lớn. Chính quyền của ông Jair Bolsonaro trở thành tâm điểm chỉ trích vì tham vọng biến rừng thành tiền.

Tiếp đó, căng thẳng gia tăng giữa Brazil và Pháp trong khủng hoảng Amazon đánh dấu cuộc chiến đầu tiên trên thế giới giữa các quốc gia lớn về biến đổi khí hậu. Dư luận đặt câu hỏi: liệu việc Amazon cứ âm ỉ cháy qua ngày là chuyện nội bộ khu vực hay đã trở thành khủng hoảng quốc tế?

Bước đi sai lầm

Rừng nhiệt đới Amazon được coi là lá phổi của Trái đất với diện tích gần 6 triệu km2 cùng hệ động, thực vật phong phú. Amazon trải dài tới 70% trên lãnh thổ Brazil và sớm được quốc gia Nam Mỹ này coi là “của riêng”.

Từ thời cựu Tổng thống Lula da Silva (2003-2011), Amazon đã nằm trong sự quản lý của Brazil bằng điều luật: bất kì cá nhân nào muốn vào Amazon phải có giấy phép. Đây được coi như vấn đề chủ quyền quốc gia của riêng Brazil, khi Tổng thống Lula da Silva tuyên bố “rừng nằm ở đâu thì nơi đó có quyền giám sát”.

Tham vọng kinh tế đã khiến Brazil mắc sai lầm. Trong vai trò quốc gia xuất khẩu thịt bò lớn nhất thế giới, người dân Brazil đã nghĩ đến phương án đốt rừng lấy đất. Giới làm nông nghiệp được khai sáng ý tưởng này và có “tay lớn” trong Quốc hội bảo vệ - đó là nhóm lợi ích FPA gồm các nghị sĩ đại diện cho lĩnh vực nông nghiệp và chăn nuôi. FPA cực kỳ ủng hộ Tổng thống đương nhiệm Jair Bolsonaro, đi theo định hướng “biến rừng thành đất, từ đất làm ra nhiều tiền”.

Jair Bolsonaro tấn công Amazon khi gạt bỏ hoàn toàn người bản địa hay thổ dân Amazon ra khỏi các khu bảo tồn rừng mà dành quyền về cho Bộ Nông nghiệp - bản chất chính là FPA. Giới quan sát tin rằng, thời điểm ông Jair Bolsonaro lên nhậm chức (tháng 1-2019) đánh dấu sự suy tàn của Amazon.

Căng thẳng giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro ảnh hưởng đến các quyết sách cứu viện khẩn cấp cho rừng Amazon.

Chính phủ đã nới lỏng các quy định về bảo vệ môi trường và nương nhẹ hoạt động khai thác gỗ trái phép hoặc phá rừng làm nương rẫy. Bolsonaro nhiều lần khẳng định Brazil cần khai thác Amazon, cho phép các công ty khai thác khoáng sản, nông nghiệp và gỗ hoạt động ở khu vực này. Ngoài ra, chính sách phát triển nông nghiệp bằng mọi giá, nhất là “phạt rừng để trồng đậu nành”, đã tạo nên những đám cháy âm ỉ trong suốt thời gian qua.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ngày càng khốc liệt, đã ảnh hưởng mạnh đến đậu nành - một trong hai sản phẩm trụ cột của kinh tế Brazil (cùng với thịt bò). Nông dân và các nhà đầu tư Brazil đẩy mạnh trồng đậu nành, khiến thêm nhiều khu rừng bị đốt phá để lấy đất canh tác kể từ khi Trung Quốc áp thuế 25% đối với sản phẩm này của Mỹ vào tháng 7 năm ngoái và tẩy chay các nhà cung cấp Mỹ.

Toan tính chính trị

Tại Hội nghị G7 mới đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố Amazon lâm nguy là “khủng hoảng toàn cầu”, kêu gọi các quốc gia phát triển nhất gây sức ép lên Brazil để giải quyết vấn nạn. Pháp cũng đề cập tới việc phản đối thỏa thuận nông nghiệp giữa Liên minh châu Âu (EU) và khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), trong đó Brazil là thành viên lớn nhất.

Toan tính của ông Macron khá rõ, khi Pháp đang dẫn đầu thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, đồng thời nâng cao vị thế của ông Emmanuel Macron như một thủ lĩnh quốc tế về bảo vệ môi trường. Quan trọng hơn, một hình ảnh tích cực “chống lửa Amazon” thể hiện tham vọng thu hút sự ủng hộ của số lượng ngày càng đông đảo các cử tri ủng hộ môi trường, chuẩn bị cho cuộc bầu cử địa phương tại Pháp trong năm 2020 và xa hơn là cuộc bầu cử tổng thống năm 2022.

Phản ứng trước đề nghị của Tổng thống Pháp, ông Bolsonaro cho rằng các quốc gia không kiểm soát rừng Amazon tự thảo luận cháy rừng tại G7 phản ánh tư tưởng muốn chiếm đóng chủ quyền lãnh thổ của nước khác? Tổng thống Brazil khẳng định cháy rừng Amazon là do hạn hán gia tăng, đồng thời cáo buộc các nhóm hoạt động vì môi trường và các tổ chức phi chính phủ đang khuấy lên “tâm lý môi trường” nhằm gây ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của Brazil.

Các đám cháy hoành hành trên khắp “lá phổi xanh” Amazon.

Tổng thống Jair Bolsonaro vẫn cho rằng châu Âu đang âm mưu kìm hãm sự phát triển của Brazil bằng chiến thuật phá hoại chính sách nông nghiệp, rằng thế giới cần “hạn chế can dự vào chuyện nội bộ của Brazil”.

Căng thẳng giữa hai lãnh đạo còn ảnh hưởng đến các quyết sách cứu viện khẩn cấp cho rừng Amazon. Tổng thống Macron thuyết phục các quốc gia khác gây quỹ 22 triệu USD nhằm hỗ trợ Brazil về tài chính để dập lửa và tái tạo Amazon. Dù vậy, Tổng thống Bolsonaro đã từ chối, tiếp tục cáo buộc ông Macron “âm mưu đế quốc” lập liên minh cứu Amazon nhưng thực chất là tấn công vào vùng đất thuộc quyền kiểm soát của Brazil.

Bên cạnh cuộc đấu khẩu giữa lãnh đạo Pháp-Brazil là cuộc chiến ngôn từ dữ dội trên các trang mạng xã hội, nổi bật với tựa đề “Macron vs. Bolsonaro - trận chiến Amazon” của các phe ủng hộ hai vị tổng thống này.

Dưới áp lực của người dân, Tổng thống Bolsonaro tuyên bố Brasilia sẵn sàng nhận viện trợ từ quốc tế nhưng với điều kiện chính quyền Brazil toàn quyền sử dụng trợ cấp và không quốc gia nào được quyền can dự. Bên cạnh đó, chính quyền cũng ban hành lệnh cấm đốt nương rẫy kéo dài trong 60 ngày sau căng thẳng ngoại giao với Pháp.

Bất chấp mọi nỗ lực, dường như Tổng thống Bolsonaro đã khiến Brazil bị khủng hoảng hình ảnh nghiêm trọng, biến cháy rừng Amazon thành mối nguy hại quốc tế, lôi kéo sự tham gia của các quốc gia khác. Bản thân Jair Bolsonaro không còn được tín nhiệm khi 60% người được hỏi muốn kiểm soát việc khai thác rừng chặt chẽ hơn với tuyên bố “nếu Bolsonaro tiếp tục bỏ mặc Amazon như hiện nay thì ông ấy nên từ chức sớm đi”...

Trần Quân
.
.