Ấn Độ: Ngành kinh doanh kim cương cần nguồn tăng trưởng

Thứ Tư, 18/07/2007, 09:36

Khu vực châu Á, Ấn Độ được biết đến như một  trung tâm chế tác kim cương thô lớn hàng đầu thế giới nhập từ các mỏ đá quý ở châu Phi như Nam Phi, Botswana, CongoAngola.

Đây là một ngành công nghiệp trị giá 12 tỉ USD, và các xưởng chế tác kim cương ở Gujarat và Maharashtra là những nơi có lượng nhân công nhiều nhất.

Ngành công nghiệp kim cương của Ấn Độ sử dụng khoảng 3 triệu người. Vào đầu tháng 5/2007, Bộ trưởng Tài chính Palaniappan Chidambaram đã tuyên bố rằng, việc nhập khẩu kim cương đã chế tác sẽ không còn phải chịu mức thuế 3% nữa. 

Đây là một chiến thắng quan trọng đối với ngành kinh doanh kim cương vốn đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong một thị trường quá nhiều cạnh tranh.

Các công ty địa phương từ lâu đã lập luận rằng việc miễn thuế sẽ là đúng đắn nếu ngành kim cương trong nước - đang dẫn đầu trong việc chế tác kim cương - có cơ hội phát triển một trung tâm kinh doanh hoàn chỉnh để vượt qua các đối thủ Trung Quốc và Thái Lan.

Điều này rất quan trọng để cho ngành kinh doanh kim cương có thể đa dạng hóa. Từ lâu Ấn Độ chỉ xử lý kim cương nhỏ và kém chất lượng hơn các nước đối thủ. Tuy vậy, Ấn Độ vẫn có lợi thế nhờ giá thành thấp hơn những trung tâm kim cương khác. Phí tổn bình quân cho mỗi carat mài giũa là 10 USD, thấp nhất trên thế giới. Còn tại Trung Quốc, giá đó là 17 USD, ở Tel-Aviv (Israel) là 100 USD và tại Bỉ là 150 USD.

Theo thời gian, Ấn Độ đã tăng giá trị dịch vụ lên bằng cách xuất khẩu đồ nữ trang bằng vàng nạm kim cương. Những người thợ thường nạm kim cương nhỏ và dành một khoảng trống để người khác ở nước ngoài nạm các viên lớn. Trong năm 2007, Ấn Độ đã nhập 2 tỉ USD kim cương đã qua chế tác.

Hiện nay Mỹ tiêu thụ 32% trong số 17 tỉ USD nữ trang và kim cương xuất khẩu của Ấn Độ. Tuy nhiên, thị trường Mỹ đang có những dấu hiệu sụt giảm do mức tăng trưởng kinh tế trong năm qua đã suy yếu. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều người Mỹ tiết kiệm hơn và chuyển sang mua sắm nhỏ.

Vấn đề khác nữa là những tiến bộ kinh tế nhanh chóng của Ấn Độ có thể kéo theo sự hủy bỏ cách đối xử ưu đãi đối với kim cương xuất khẩu của Ấn Độ. Cách đây 5 năm, Ấn Độ còn được xem là nước đang phát triển, vì thế Mỹ đã bãi bỏ thuế suất 6,5% đánh vào nữ trang nhập khẩu từ Ấn Độ. Đây là một lợi thế đáng kể trong một thị trường mà kim cương không phải là khuynh hướng được ưa thích nhất.

Trong trường hợp bãi bỏ ưu đãi, chính Trung Quốc sẽ là quốc gia được hưởng lợi, vì nước này chế tác những viên kim cương to nhất, hàng năm nhập khẩu đến 1 tỉ USD kim cương thô. Các quốc gia châu Phi khai thác mỏ kim cương cũng cố phát triển việc chế tác kim cương ngay tại địa phương. Động thái này sẽ ảnh hưởng đến thị phần của Ấn Độ trên thế giới.  

Nam Phi đang tăng mức thuế đánh vào kim cương thô xuất khẩu. Quyết định này sẽ dẫn đến việc gia tăng chi phí mua nguyên liệu của các công ty Ấn Độ. Chính vì thế nên những nhà buôn kim cương Ấn Độ đang điều nghiên các cơ hội đang mở ra của những thị trường mới, trong số đó là tầng lớp trung lưu trong nước đang ngày càng đông đúc và có một mãi lực rất đáng kể.

Những hãng phân phối lớn như Wal-Mart và Tập đoàn Future đang dự tính mở thêm mặt hàng nữ trang để đáp ứng nhu cầu trong nước. Có một điều chắc chắn là ngành công nghiệp kim cương Ấn Độ đang cần tìm thêm những nguồn tăng trưởng mới

Minh Luân (Theo Le Point)
.
.