Ấn Độ: Những vụ giết người vì của hồi môn

Thứ Ba, 27/12/2011, 15:35

Ngay trong thế kỷ XXI, những cô dâu Ấn Độ vẫn có thể bị thiêu sống, hay buộc phải tự sát bởi vì chồng hay gia đình nhà chồng đánh giá của hồi môn mà cô gái mang đến cùng với đám cưới quá ít ỏi. Đó là vì trong xã hội Ấn Độ, của hồi môn hay “dahej” chiếm một vị trí cực kỳ quan trọng.

Ngay từ thời xa xưa, phụ nữ không được thừa hưởng bất cứ tài sản nào của người cha. Khi người cha qua đời, quyền thừa kế sẽ dành trọn cho người con trai. Tuy nhiên, trong văn hóa Ấn Độ, bắt buộc một phần gia tài của người cha sẽ đi theo người con gái khi lấy chồng gọi là của hồi môn.

Trong xã hội tiêu dùng ngày nay, dần dần của hồi môn trở thành đề tài tranh chấp dẫn đến những hậu quả hết sức tồi tệ khi bên nhà chồng không thỏa mãn với số tài sản của cô dâu - điều đó có nghĩa là thành viên mới này không được chấp nhận. Do đó cô dâu có nguy cơ phải trả giá cho sự nghèo nàn của mình và thường bằng chính mạng sống.

Những biện pháp trừng phạt liên quan đến của hồi môn rất khác nhau. Thông thường, cô dâu bị thiêu sống hoặc bị đánh đập dã man cho đến lúc không thể chịu đựng nổi buộc phải tự tìm đến cái chết. Hiện nay ở Ấn Độ, những tội ác liên quan đến của hồi môn hay nếp nghĩ bảo thủ (coi bé gái là gánh nặng cần được phá thai) tăng lên từng giờ. Tại một số vùng ở Ấn Độ, cô dâu bị tiêm thuốc độc để chết trong lặng lẽ. Trên thực tế chỉ có khoảng 5% vụ việc được cảnh sát điều tra, nhưng 95% vụ còn lại được tạo dựng hiện trường giả tai nạn hay tự sát nên từ đó không ai quan tâm đến việc tìm hiểu sự thật về cái chết của cô dâu. Ngoài ra, cha mẹ ruột của nạn nhân ít khi tìm hiểu nguyên nhân cái chết của con gái mình do trong xã hội Ấn Độ khi con gái đi lấy chồng thì không còn là thành viên trong gia đình nữa.

Bất chấp luật cấm giết cô dâu vì của hồi môn, ở Ấn Độ cứ 77 phút lại xảy ra một  vụ như thế, theo số liệu của Cục Thống kê tội phạm quốc gia Ấn Độ (NCRB). Thông thường, chính nạn tham nhũng lan tràn trong hệ thống tư pháp Ấn Độ khiến hiếm có vụ giết người vì của hồi môn nào được đưa ra xét xử trước tòa án - một trong nhiều yếu tố tạo điều kiện cho tội ác không bị chặn đứng. Một yếu tố chính khác nữa là sự im lặng vì sợ liên lụy hay mất danh dự khiến cảnh sát không thể thu thập đủ chứng cứ để buộc tội. Về phần mình, cô dâu may mắn sống sót không dám tố cáo thủ phạm với chính quyền mà im lặng chịu đựng vì xấu hổ đã không có của hồi môn dồi dào theo ý nhà chồng.

Sự bùng nổ kinh tế được tán dương của Ấn Độ từ giữa thập niên 90, thế kỷ XX, giúp cho nhiều người tăng thu nhập và nó trở thành gốc rễ của làn sóng bạo lực liên quan đến của hồi môn. Yêu cầu về của hồi môn - thường dưới dạng nữ trang, quần áo đắt tiền, ôtô sang trọng hay tiền mặt - được coi là bất hợp pháp ở Ấn Độ từ năm 1961, song luật cấm này hiếm khi được thực thi.

Hủ tục này tác động đến mọi tầng lớp xã hội, từ nông thôn đến thành thị. Của hồi môn có giá trị cao là cái giá mà cha mẹ cô dâu phải chịu nếu muốn con gái lấy được tấm chồng "tử tế". Như tờ Times of India đã công bố biểu giá về chú rể - có công việc làm thu nhập càng cao thì của hồi môn mà nhà chú rể đòi hỏi càng tăng. Ví dụ, một doanh nhân có tấm bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh ở Ấn Độ có thể đòi hỏi của hồi môn từ cô dâu là 1,5 triệu rupee (khoảng 375.000 USD), còn chú rể làm việc trong ngành dịch vụ dân sự có "giá" là 2 triệu rupee (khoảng 500.000 USD).

Phần đông cô dâu bị nhà chồng thiêu sống vì của hồi môn.

Thậm chí sau khi của hồi môn được trả xong, phía nhà chồng vẫn tiếp tục đòi hỏi tiền bạc cũng như những món hàng hóa xa xỉ từ gia đình cô dâu. Nếu yêu cầu không được thỏa mãn, cô dâu sẽ bị đánh đập và giết chết theo nhiều cách. Theo số liệu của NCRB, năm 2009 có 8.391 cái chết liên quan đến của hồi môn được ghi nhận trên toàn quốc, còn năm 2010 là 8.383 vụ. NCRB cũng tiết lộ 90.000 vụ người chồng hay gia đình nhà chồng tra tấn ngược đãi cô dâu trong năm 2010, tăng 5% so với năm 2009. Theo Ranjana Kumari, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Xã hội (CSR) - nhóm tư vấn về những vấn đề phụ nữ ở New Delhi, xu thế đòi của hồi môn càng mạnh nơi tầng lớp người giàu có và nổi tiếng.

Ví dụ, trong tháng 7/2007, Bộ trưởng Nội các Ấn Độ Arjun Singh bị bắt trong vụ bê bối liên quan đến việc người cháu trai của ông đòi mẹ vợ món hồi môn là chiếc Mercedes và một căn hộ khang trang. Trong năm 2006, cựu ngôi sao môn cricket Manoj Prabhakar của Ấn Độ phải hầu tòa vì tội hành hạ người vợ có của hồi môn không nhiều.

Trong cuốn sách "Những vụ giết người vì của hồi môn ở Ấn Độ", nhà sử học Veena Oldenburg bình luận rằng, hủ tục của hồi môn đang ngày càng gia tăng như thể không có gì ngăn chặn được và khoản tài sản vô lý này được coi là "nguồn thu nhập" thiết yếu cho gia đình nhà chồng. Các nhóm trợ giúp phụ nữ nạn nhân của hủ tục của hồi môn ở Ấn Độ cho biết, giá trị của hồi môn thường cao gấp 7 lần thu nhập trong một năm của một người thành đạt ở Ấn Độ, cho nên của hồi môn thật sự là vần đề ám ảnh chết người cho mọi gia đình nước này. Trong khi đó, ly hôn là chuyện không thể chấp nhận được ở Ấn Độ nên cô dâu đành phải câm lặng sống và chấp nhận đánh đổi cả tính mạng của mình

Diên San (tổng hợp)
.
.