Ấn Độ và Pakistan đối đầu trong lĩnh vực điện ảnh
Mệt mỏi trước hoạt động yếu ớt của nền điện ảnh nước nhà, ngày càng có nhiều diễn viên rời Lollywood - kinh đô điện ảnh Pakistan đặt tại thủ phủ Lahore của tỉnh Punjab - để tìm cơ hội ở đất nước Ấn Độ láng giềng. Nhưng giấc mơ Ấn Độ của họ thường gặp nhiều trở ngại trước sự đối đầu chính trị căng thẳng giữa hai quốc gia.
Từ sự hấp dẫn mãnh liệt của phim ảnh Ấn Độ...
Sau năm 1947, Pakistan và Ấn Độ trải qua nhiều thập niên cố dựng lên những rào cản chống lại sự trao đổi văn hóa xuyên biên giới. Phim ảnh Bollywood bị cấm chiếu ở Pakistan sau năm 1965 do hậu quả của cuộc chiến tranh đẫm máu giữa hai quốc gia.
Sau khi lật đổ Thủ tướng Zulfikar Ali Bhutto năm 1977, tướng Zia-ul-Haq của Pakistan ra sức ngăn chặn văn hóa, đặc biệt là điện ảnh của Ấn Độ tràn vào Pakistan. Mặc dù vậy, người dân Pakistan, nhất là tại các thành phố, không hề mất đi sự đam mê văn hóa Ấn Độ. Họ vẫn tiếp tục buôn lậu băng hình phim Ấn Độ vào Pakistan và bán những đĩa thu hình qua vệ tinh để xem các chương trình truyền hình của Ấn Độ.
Năm 2003, tiến trình hòa bình khởi sắc tạo nên bầu không khí mới dễ chịu cho sự giao lưu văn hóa giữa Pakistan và Ấn Độ, cùng với các dịch vụ vận tải hành khách giữa các thành phố lớn kết nối hai quốc gia. Giai đoạn này cũng diễn ra sự trao đổi diễn viên giữa hai nước dù chưa mấy ngọt ngào. Bộ phim "Nazar" năm 2005 của Bollywood được giới thiệu như là sự hợp tác văn hóa xuyên biên giới. Nhưng ngôi sao Meera trong phim bị những người bảo thủ Pakistan đe dọa giết chết khi một tờ báo lá cải ở Lahore công bố những bức ảnh nóng bỏng chụp Meera và diễn viên nam chính trong phim.
Tháng 2/2008, Tổng thống Pervez Musharraf dỡ bỏ lệnh cấm phim ảnh Bollywood, mở đường cho điện ảnh Ấn Độ làm mưa làm gió ở Pakistan. Và những đĩa phim Bollywood sao chép lậu rẻ tiền bán lan tràn đã nhanh chóng đẩy phim của Lollywood lui vào bóng tối. Nhưng đến tháng 11/2008, những cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Mumbai đã dẫn đến việc hoãn vô thời hạn những cuộc thương lượng hòa bình, đồng thời nhóm lại cuộc xung đột trong lĩnh vực văn hóa giữa hai quốc gia.
Sau những cuộc tấn công khủng bố này, Maharashtra Navnirman Sena (MNS) - đảng chính trị theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan thành lập năm 2006 ở Ấn Độ sau khi tách khỏi đảng cực hữu Shiv Sena - bắt đầu mở chiến dịch tẩy chay mọi sự hợp tác văn hóa với Pakistan. Mặc dù vậy, khán giả Pakistan vẫn niềm nở đón nhận phim ảnh Bollywood qua những đĩa phim sao chép lậu.
Những tấm bảng quảng cáo phim Ấn Độ hoành tráng ở Karachi, Pakistan. |
...đến giấc mơ hào quang Bollywood
Lollywood khóc, còn Bollywood cười. Bởi vì Lollywood khó có thể cạnh tranh nổi với Bollywood. Những khoản kinh phí khổng lồ và sự tráng lệ của Bollywood đã thu hút mạnh khán giả Pakistan đến mức hình ảnh diễn viên nước này trở nên mờ nhạt và những rạp chiếu phim trong nước luôn trong tình trạng vắng khách. Trong những năm gần đây, Lollywood chỉ sản xuất được 20 phim, trong khi Ấn Độ cho ra đời khoảng 800 phim một năm.
Rời khỏi Lahore, nhiều nghệ sĩ Pakistan đã có được một số thành công ở nước láng giềng - như là ca sĩ và nam diễn viên Ali Zafar làm nên tên tuổi với phim "Tere Bin Laden", hay nữ diễn viên Veena Malik gây dấu ấn khi tham gia chương trình truyền hình thực tế Bigg Boss. Nhưng cũng có không ít người ngậm ngùi trở về Pakistan.
Dù nổi tiếng hay không, diễn viên Lollywood vẫn phải trải qua thủ tục giấy tờ rắc rối khi muốn vào đất Ấn Độ, đồng thời thường xuyên bị chính quyền nước này gây khó dễ và chỉ được phép lưu trú trong thời gian giới hạn. Như nữ diễn viên Veena Malik bộc bạch với tờ Indian Express của Ấn Độ: "Rất dễ có được visa của Mỹ. Nhưng tôi không được ở lại Ấn Độ trong hơn 45 ngày liên tục".
Diễn viên Pakistan cũng chịu đựng những sự chỉ trích từ hai bên biên giới. Người Pakistan buộc tội họ thiếu lòng tự trọng khi đi tìm hào quang ở Bollywood và làm bẽ mặt nước nhà khi giơ mặt ra cho những người cực đoan ở Ấn Độ phỉ báng. Mặt khác, diễn viên Lollywood cũng không tránh được sự xúc phạm. Vào tháng 2-2011, các đạo diễn Ấn Độ bị đảng cực hữu theo chủ nghĩa địa phương Shiv Sena nước này đe dọa họ sẽ gặp "những hậu quả nguy hiểm" nếu tuyển chọn diễn viên Pakistan thay vì là người Ấn Độ. Sự cố chấp và phân biệt chủng tộc ở Ấn Độ đã làm nhụt chí giới nghệ sĩ trẻ Pakistan muốn tìm kiếm tương lai ở đất nước này.
Các nhóm nghệ sĩ Pakistan muốn chính quyền cấm chiếu phim Bollywood trên cả nước. |
Và hy vọng vực dậy hình ảnh Lollywood
Ngày 5/10/2011, một nhóm diễn viên, ca sĩ và đạo diễn ở Lahore đề nghị chính quyền Pakistan ban lệnh cấm chiếu phim Ấn Độ trong mọi rạp chiếu phim của Pakistan nhằm giúp công nghiệp điện ảnh nước nhà phát triển. Họ cho rằng hiện nay nhiều rạp chiếu phim ở Pakistan chỉ chiếu phim ảnh Bollywood mà không hề quan tâm đến việc giới thiệu phim trong nước, hậu quả là nền điện ảnh nước nhà dần suy thoái. Ngoài ra, nhóm người này còn yêu cầu không chỉ cấm chiếu phim Ấn Độ trên cả nước Pakistan, mà còn phải cấm các kênh truyền hình tư nhân phát sóng chương trình giải trí của Ấn Độ.
Tiếp đến, vào cuối tháng 11/2011, một nhóm nghệ sĩ bao gồm diễn viên, đạo diễn và nhà sản xuất phim quyết định mở cuộc chiến pháp lý yêu cầu chính quyền cấm chiếu phim Ấn Độ trên cả nước Pakistan. Họ tuyên bố lo sợ khán giả Pakistan quá say mê phim Ấn Độ sẽ khiến cho điện ảnh nước nhà chậm phát triển. Đạo diễn Aslam Dar cho biết, họ sẽ thuê một luật sư giỏi để bảo vệ quyền lợi cho họ. Còn diễn viên Moamar Rana cho biết, muốn có một nỗ lực phối hợp, với sự giúp đỡ của vài luật sư hàng đầu, để vấn đề được giải quyết rốt ráo