An ninh cho mùa SEA Games 29

Thứ Hai, 28/08/2017, 12:24
SEA Games 29 đã chính thức khai mạc. Với gần 5.000 vận động viên đến từ 11 quốc gia đăng ký tranh tài cùng hàng chục ngàn cổ động viên của các nước, Malaysia đang phải gồng mình, đặt trong tình trạng cảnh giới cao để đảm bảo an toàn, an ninh cho mùa thể thao lớn nhất khu vực.


15.000 cảnh sát, binh sĩ

Hãng tin Channel Asia News cho biết, điểm khác biệt lớn nhất trong kỳ SEA Games lần này chính là vấn đề an ninh. Giới chức Malaysia muốn đảm bảo với các vận động viên, đại biểu và du khách đến tham dự Thế vận hội thể thao Đông Nam Á rằng, đối với vấn đề an ninh SEA Games 2017, nước chủ nhà sẽ không có bất kỳ khoan nhượng nào.

15.000 cảnh sát và binh sĩ được huy động bảo vệ an ninh SEA Games 29. Ảnh: EPA.

Cụ thể, theo tiết lộ của Bộ trưởng Giới trẻ và thể thao Malaysia Khairy Jamaluddin, ngay từ tháng 4, Malaysia đã thành lập một ủy ban cấp cao do Phó Thủ tướng Ahmad Zahid Hamidi đứng đầu để theo dõi các vấn đề an ninh cho SEA Games. Ủy ban này đã thiết lập một cơ chế quản lý khủng hoảng gồm: Ủy ban Kiểm soát khủng hoảng (CCC) và các đội quản lý khủng hoảng (CMT).

Trước thềm SEA Games 29, ủy ban cấp cao này đã tổ chức hàng loạt cuộc tập trận hoặc các bài tập với tình huống giả định để chuẩn bị tối đa tinh thần cho việc đối phó với tình huống xấu có thể xảy ra trong SEA Games. Một số bài tập cuối cùng đã được thực hiện trước sự chứng kiến của Thủ tướng Naji Razak và Phó Thủ tướng Ahmad Zahid Hamidi.

Theo tin từ hãng Reuters, trong các cuộc tập trận, Malaysia còn huy động đội lính nhảy dù vũ trang để có thể đột nhập từ trên xuống trong trường hợp xảy ra khủng bố hoặc cướp xe buýt. Hôm 6-8, một bài tập khác giúp các đơn vị của cảnh sát với sự hỗ trợ của máy bay trực thăng, tập dừng xe buýt bị gắn bom bằng cách cho người đột nhập vào xe buýt để khống chế khủng bố, giải cứu con tin...

Tổng Thanh tra cảnh sát Malaysia Tan Sri Khalid Abu Bakar khi trả lời phỏng vấn báo giới cho biết, có tới gần 15.000 cảnh sát và các binh sĩ quân đội được huy động nhằm đảm bảo an ninh trong suốt thời gian diễn ra SEA Games 29.

Riêng trong ngày khai mạc và bế mạc, có ít nhất 2.000 cảnh sát và 1.000 binh sĩ được lệnh túc trực xung quanh khu vực sân vận động. Chính phủ Malaysia cũng ra lệnh cấm mang pháo hoa, dao, kéo, xì gà, mũ bảo hiểm, ô... vào khu vực sân vận động quốc gia ở Bukit Jalil. Ngoài ra, các thành viên của lực lượng hành động đặc biệt (UTK) sẽ túc trực tại từng địa điểm diễn ra thi đấu, trong khi các vận động viên và các đại biểu sẽ được hộ tống mỗi khi ra sân vận động.

Trả lời phỏng vấn báo giới, cảnh sát trưởng thành phố Kuala Lumpur Datuk Amar Singh nói rằng số lượng lớn các sĩ quan cảnh sát được huy động là để đảm bảo tính thông suốt trong quá trình diễn ra Đại hội.

Trong số 38 môn thi đấu của SEA Games, có đến 20 môn diễn ra ở thủ đô Kuala Lumpur, tập trung chủ yếu ở những địa điểm lớn như SVĐ Bukit Jalil, Trung tâm thể thao dưới nước, Trung tâm quần vợt quốc gia... nên cảnh sát cũng đã lên kế hoạch chi tiết, hướng dẫn người dân di chuyển tránh các tuyến đường dọc theo các khách sạn lưu trú của VĐV cũng như các địa điểm thi đấu để hạn chế ùn tắc giao thông. Cho đến nay, chính quyền Kuala Lumpur đã tính đến 10 tuyến đường được sử dụng để dẫn các đoàn đi thi đấu...

Và nỗi lo khủng bố

Được biết, đây là lần thứ 6 Malaysia đăng cai sự kiện thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Từ đầu năm đến nay, Malaysia đã phải đưa ra nhiều cảnh báo về nguy cơ các công dân nước này bị chiêu mộ sang Syria hoặc Iraq để gia nhập IS hoặc thậm chí trở thành “những con sói đơn độc của IS” ngay trên mảnh đất quê hương của mình. Có lẽ vì thế mà trong chiến dịch an ninh mùa SEA Games lần này, Malaysia cực kỳ chú trọng đến vấn đề chống khủng bố. Cảnh sát Malaysia đã phối hợp với Cục Nhập cư nước này, thực hiện chiến dịch đặc biệt tại thủ đô Kuala Lumpur để loại bỏ các mối đe dọa về an ninh trước thềm SEA Games 29 đối với cộng đồng người nhập cư.

Có ít nhất 3 chiến dịch như vậy đã được tiến hành từ ngày 4 đến 13 tháng 8 với sự tham gia của gần 1.000 cảnh sát, nhân viên an ninh. Lực lượng này đã kiểm tra toàn bộ các căn hộ có người nhập cư sinh sống, nhằm phát hiện những người nước ngoài không có giấy tờ hợp lệ, cũng như đối tượng có liên hệ với các nhóm khủng bố, đặc biệt là nhóm có trụ sở tại Iraq và Syria.

Có hơn 400 người bị bắt (trong đó có 250 người nước ngoài) và trong số đó, có 16 người được cho là “có liên hệ với các tổ chức khủng bố”. Tổng Thanh tra cảnh sát Malaysia Tan Sri Khalid Abu Bakar cho biết: “Chúng tôi đang thực hiện từng bước để đảm bảo rằng những gì đã xảy ra tại Anh, Indonesia, Pháp... sẽ không lặp lại tại đây”.

Malaysia có đặc điểm dân số chiếm số đông là người Hồi giáo, được xem là “mảnh đất” màu mỡ cho IS phát triển lực lượng. Tuy từ trước đến nay chưa xảy ra một vụ khủng bố nghiêm trọng nào trên lãnh thổ Malaysia, nhưng Bộ Nội vụ của nước này vẫn cảnh báo, cho đến tháng 6 năm nay, ít nhất 15 âm mưu đã bị phát hiện. Vì thế, người ta không loại trừ khủng bố có thể nhằm vào thời gian diễn ra SEA Games để gây rối.

Châu Anh (tổng hợp)
.
.