An ninh hàng không: Mở rộng đường trời…

Thứ Tư, 18/01/2017, 14:30
Ngập lụt khiến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất tê liệt nhiều giờ, máy bay không thể cất, hạ cánh trực tiếp uy hiếp an toàn hàng không trong mùa mưa năm 2016. Tình trạng kẹt xe, ùn tắc tại cửa ngõ ra vào sân bay, khiến cho hành khách hoang mang lo âu, chậm trễ cho những chuyến bay nội địa và quốc tế.

Những vấn đề nóng liên quan đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã và đang diễn ra với nhiều tranh luận, nhiều dự án, phương án nhằm giải quyết những bài toán nan giải, thách thức đang đặt ra hiện nay của ngành Hàng không Việt Nam hôm nay và tương lai trên trời lẫn dưới đất khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Từ gò đất cao ráo đến sân bay quốc tế tầm cỡ khu vực

Theo tài liệu trong sách “Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ” để lại, trước năm 1919 Tân Sơn Nhứt (Tân Sơn Nhất) là tên gọi một ngôi làng nằm trên một gò đất cao ráo, phía bắc Sài Gòn, có từ thời Nguyễn Hữu Cảnh vào khai khẩn, lập nên vùng đất Sài Gòn - Gia Định thuộc phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định.

Năm 1920, chính quyền thực dân Pháp thành lập phi đội Nam Kỳ, nên lấy một phần diện tích thuộc “gò đất cao ráo” của làng Tân Sơn Nhứt và phần đất ở làng Chí Hòa để làm sân bay mang tên Tân Sơn Hòa. Đến năm 1921 mới có chuyến bay thẳng đầu tiên Hà Nội - Sài Gòn khai trương, thời gian cho một lượt bay mất 8 giờ 30 phút.

Sau đó, chính quyền thực dân Pháp muốn mở rộng sân bay phục vụ cho mục đích quân sự nên từng có ý định xây dựng sân bay mới vuông vức tại khu vực Cát Lái - Thủ Đức, với mỗi cạnh dài khoảng 1.400m, nhưng do khủng hoảng kinh tế nên dự án không triển khai, đành phải mở rộng sân bay phía làng Tân Sơn Nhứt cho đến ngày nay.

Liên quan đến thuở ban sơ của ngành Hàng không Việt Nam, cũng có chuyện về viên phi công đầu tiên của Không quân Pháp là ông Đỗ Hữu Vị (1883-1916), là con trai Đỗ Hữu Phương (Tổng đốc Phương) một điền chủ giàu có nổi tiếng Nam kỳ lục tỉnh. Trên tạp chí Nam Phong số ra tháng 2-1920 có bài viết về ông Vị là phi công đầu tiên lái thử máy bay Gaudron bay vòng quanh nước Pháp và cũng chính ông này bay biểu diễn máy bay tại trường đua Phú Thọ, Sài Gòn và Hà Nội.

Có một câu chuyện khác cũng liên quan, mà hầu hết người dân Nam bộ đều biết, là Hắc công tử Trần Trinh Huy (Ba Huy) ở xứ Bạc Liêu - là người đầu tiên của Việt Nam sở hữu máy bay riêng. Thời đó, chỉ có vua Bảo Đại được Chính phủ bảo hộ Pháp trang bị cho một máy bay loại hai cánh quạt để bay đó đây thăm thú, nghỉ dưỡng. Chiếc máy bay này từng được chụp ảnh lưu lại tại phi trường Tân Sơn Nhứt khoảng năm 1933 khi vua Bảo Đại từ Đà Lạt nghỉ dưỡng bay về Sài Gòn.

Với điền sản khổng lồ 200 ngàn ha ruộng của cha là Hội đồng Trạch để lại, cậu Ba Huy không thể trông coi bằng xe ngựa hoặc tàu thuyền mất khoảng 18 ngày đi lại mới hết, nên chơi ngông dốc “núi vàng” khoảng 100 cân (tương đương 100 tỷ đồng ngày nay) để mua một chiếc máy bay và thuê phi công người Pháp lái bay đi thăm ruộng.

Ngày 24 tháng 6 năm 1932, máy bay của cậu Ba Huy đặt mua về đến sân bay Tân Sơn Nhứt, tờ báo La Courrier Saigonnais đăng tin khiến cho giới nhà giàu Nam Kỳ sửng sốt. Sau đó, cậu Ba Huy, từng du học tại Pháp và học lái máy bay đã lên sân bay Tân Sơn Nhứt tự tay lái bay về Bạc Liêu (thời đó là Cà Mau) bay lượn khắp vùng trong sự ngưỡng mộ và bái phục của mọi người.

Sân bay Tân Sơn Nhứt đến cuối năm 1933 mới đón chuyến bay đầu tiên của Hãng Hàng không Air France bay từ Paris sang đúng một tuần mới hạ cánh, do không bay đêm. Cho đến năm 1937, toàn quyền Đông Dương cho phép thành lập Sở Hàng không dân dụng Đông Dương, chuyên khai thác các chuyến bay trong nước và quốc tế, từ đó chính thức mở ra chương mới cho ngành hàng không dân dụng trên đất Việt Nam.

Đến lúc người Mỹ xâm lược, cùng chính quyền Sài Gòn cũ cho mở rộng đường băng 3.000 m bằng bê tông thay thế đường băng nhỏ hẹp bằng đất đỏ thời Pháp, vừa phục vụ mục đích thương mại, vừa làm căn cứ quân sự.

Trước năm 1975, phi trường Tân Sơn Nhất là nơi có tần suất khai thác cao nhất Đông Nam Á. Diện tích khu vực sân bay 3.600 ha, gấp 3 lần diện tích sân bay Changi Singapore. Theo đó, hàng rào sân bay Tân Sơn Nhất kéo dài từ ngã tư Bảy Hiền dọc theo đường Trường Chinh ngày nay đến An Sương và từ đường Nguyễn Kiệm, Phổ Quang đến Nguyễn Oanh, Quang Trung ngày nay, đều thuộc sân bay Tân Sơn Nhất.

Sau 1975, phần đất sân bay được cắt chia cho các quận Tân Bình, Gò Vấp quản lý cùng với quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, đã thu hẹp sân bay còn 1.500 ha, trong đó có 850 ha dành cho hàng không dân dụng, số còn lại do Bộ Quốc phòng quản lý trong khu sân bay quân sự ngày nay.

Lịch sử những chuyến bay đầu tiên sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30-4-1975 có thể xem như là những mốc son mới của lịch sử Hàng không Việt Nam. Vào ngày 1-5-1975, máy bay trực thăng Mi6 của Không quân VN do phi công Lê Đình Ký thuộc Trung đoàn Không quân 916 hạ cánh đầu tiên xuống sân bay Tân Sơn Nhất.

Hai ngày sau, máy bay vận tải IL14 của Lữ đoàn 919 hạ cánh và ngày 15-5-1975, máy bay IL18 của Lữ đoàn 919 chở Chủ tịch Nước Tôn Đức Thắng cùng nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ Hà Nội vào Sài Gòn dự lễ mừng chiến thắng lịch sử. Đường Hàng không VN chính thức kết nối Hà Nội - Sài Gòn và ngược lại, bắt đầu với tần suất 5,6 lần/chuyến/ngày.

Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình mới đây, ông Đặng Tuấn Tú - Giám đốc Cảng HKQT Tân Sơn Nhất báo cáo: Năm 2015 số lượng hành khách đi đến Tân Sơn Nhất đạt 26,5 triệu lượt, dự kiến kết thúc năm 2016 sẽ đạt 32 triệu lượt hành khách đi đến, nhưng tình trạng quá tải vẫn đang tiếp diễn và gia tăng.

Mở rộng đường trời cho chim sắt bay...

Bảo đảm an ninh hàng không, năm 2016 các lực lượng kiểm soát an ninh Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đã kiểm tra phát hiện 55.761 trường hợp hành khách mang đồ vật cấm vận chuyển trên các chuyến bay nội ngoại. Trong số này có 90 trường hợp vận chuyển trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ.

Cũng trong năm qua, có 26 trường hợp vi phạm an toàn tĩnh không và 2 trường hợp liên quan đến sự cố an ninh, an toàn mạng tại sân bay. Công tác phục vụ an toàn bay, xử lý nghiêm các vi phạm, uy hiếp, đe dọa an toàn bay trong dịp cao điểm từ tết dương lịch đến trước và sau tết Nguyên đán 2017 đang đặt ra cho Cảng HKQT Tân Sơn Nhất nhiều thách thức.

Nghị định về an ninh hàng không, có hiệu lực từ ngày 27-11-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bao gồm các quy định về các biện pháp kiểm soát an ninh hàng không, đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng, về lực lượng kiểm soát an ninh hàng không, kết cấu hạ tầng, trang thiết bị và phương tiện, kinh phí, trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác bảo đảm an ninh hàng không...

Toàn cảnh sân bay, máy bay chen chúc cất, hạ cánh, chen chúc bãi đỗ và công tác soi chiếu kiểm tra an ninh hàng không…

Tại sân bay, lực lượng kiểm soát an ninh hàng không đã phát hiện nhiều trường hợp hành khách phát ngôn đe dọa an toàn bay, gây mất ANTT khu vực sân bay và trên máy bay, sử dụng giấy tờ giả và có hành vi khiêu khích, tấn công, đe dọa nhân viên, phi hành đoàn... Sau vụ khủng bố kinh hoàng tại Mỹ ngày 11-9-2001, an ninh hàng không thế giới đang đặt ra nhiều vấn đề về các mối đe dọa nguy hiểm về tội phạm khủng bố và việc sử dụng vận chuyển vật cấm, sử dụng giấy tờ giả, vé giả...

Theo tính toán, từ ngày 20-1 đến 10-2-2017, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đón khoảng 2,5 triệu lượt khách, trung bình mỗi ngày có khoảng 800 chuyến bay với khoảng 123.000 hành khách. Theo thống kê của cơ quan hàng không dân dụng, nửa đầu năm 2016 đã có 15,8% chuyến bay trễ giờ, kế hoạch 32 triệu khách của năm 2016 chỉ có thể có khả năng tiếp đón 20 triệu lượt với tình trạng quá tải đang gia tăng.

Sau khi triển khai quyết liệt các dự án thoát nước, chống ngập và các dự án giải quyết ùn tắc, kẹt xe đường ra vào sân bay hiện nay, cảng HKQT Tân Sơn Nhất đang triển khai các dự án xây thêm đường băng, mở rộng hai ga chờ và vị trí đỗ máy bay, các công trình dịch vụ gửi xe, tiện ích dành cho hành khách... Trong đó, phương án gửi máy bay “ngủ nhờ” qua đêm tại sân bay Cần Thơ cũng đang được tính đến như một giải pháp cấp bách hiện nay.

 Ban ngày, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất bị quá tải vì thiếu đường băng cất, hạ cánh. Lúc cao điểm từ 17h mỗi ngày, hàng đoàn máy bay trườn ra đường băng sếp-lốt (slot) đợi đến lượt cất cánh. Nhiều chuyến bay về sân, phải bay vòng vèo trên trời đợi lệnh xuống đường băng hạ cánh và cũng thường thấy trong vài phút mỗi chuyến, nối nhau cất cánh trong khi có 2-3 máy bay đang trên trời chờ hạ cánh.

Ban đêm, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất bị quá tải về chỗ đậu đỗ máy bay. Hiện Cảng HKQT Tân Sơn Nhất chỉ có 50 vị trí đỗ khai thác thương mại và 29 vị trí đỗ phục vụ tàu bay đậu qua đêm. Với tần suất như hiện nay, bãi đỗ máy bay đang bị quá tải báo động, giống như việc ùn tắc máy bay trên trời, dưới đất đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hàng không.

Sân bay Tân Sơn Nhứt năm 1933 đón máy bay chở Vua Bảo Đại từ Đà Lạt về.

Vừa qua, Bộ Quốc phòng và Bộ GTVT đã ký cam kết, quân đội sẽ nhường 21ha sân đỗ máy bay quân sự cho Cảng HKQT Tân Sơn Nhất xây dựng làm sân đậu máy bay thương mại, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai sử dụng và nếu hoàn thành cũng chỉ đủ cho 13 máy bay đậu đỗ, chưa thể giải quyết tình trạng quá tải hiện nay khi từng ngày các hãng hàng không quốc tế đang ký kết hợp tác với hàng không VN càng nhiều.

Để giảm tải cho Tân Sơn Nhất về chỗ đỗ đậu máy bay qua đêm, Cục Hàng không dân dụng VN đã có đề nghị các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Vasco triển khai kế hoạch đưa tàu bay đậu qua đêm tại sân bay Cần Thơ từ đầu năm 2017.

Cùng với đà tăng trưởng kinh tế hiện nay, tần suất 600-700 chuyến bay/ngày đang báo động thật sự về tình trạng mất kiểm soát an toàn trên trời lẫn dưới đất. Đặc biệt là hoạt động của cơ quan không lưu trong điều kiện thời tiết biến đổi thất thường như hiện nay. Công tác quản lý, điều hành bay và các nhân viên không lưu phải làm việc trong tình trạng vô cùng căng thẳng với lưu lượng máy bay dày đặc xin lên xuống sân bay mỗi ngày đêm.

Từ 7h ngày 10-11-2016, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam đã chính thức áp dụng phương thức bay đi/đến SID/STAR RAV1 tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, với phương thức dẫn đường mới hiện đại nhất thế giới. Cho phép tàu bay sử dụng các đường bay thẳng trực tiếp có thể bay bất kỳ đường bay mong muốn nào trong tầm phủ sóng của đài dẫn đường mặt đất hoặc trong không gian. Do đó, vùng trời có thể khai thác một cách tối ưu nhất.

Việc mở rộng 2 đường băng tại sân bay Tân Sơn Nhất là rất cần thiết và chắc chắn sẽ giảm tải cho lượng máy bay lên xuống với tần suất cao như hiện nay. Tại New York, (Mỹ) sân bay quốc tế Kenedy có 4 đường băng, nhưng ước tính 95% thời gian chỉ sử dụng 2 đường băng. Phần còn lại chỉ để dự phòng cho những tình huống khẩn cấp hoặc giảm quá tải cho các sân bay lân cận như: Boston, Washington, Tonronto...

Phải mở rộng, đầu tư nâng cấp sân bay, công trình dịch vụ, phụ trợ... và trả lại cho sân bay Tân Sơn Nhất như nguyên trạng của sân bay ngày trước với tất cả diện tích, tính năng, công suất cho phép khai thác đó là một giải pháp thông minh và hữu hiệu nhất có thể. Khi đó, chắc chắn sân bay Tân Sơn Nhất chẳng thua kém gì sân bay Changi Singapore.

Bên cạnh đó, việc mở thêm các sân bay tỉnh lân cận như Biên Hòa, Phan Thiết, Bình Dương thành các cảng phụ cận, cảng hàng hóa sẽ góp phần hạ nhiệt tình trạng quá tải, uy hiếp an toàn hàng không hiện nay cho sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Hoàng Châu
.
.