Ảnh chắp ghép đoạt giải gây tranh cãi

Thứ Tư, 03/08/2016, 16:05
Những ngày qua, không chỉ có cuộc thi nhiếp ảnh tại Hà Nội (Liên hoan ảnh Nghệ thuật khu vực Hà Nội lần thứ V) ồn ào tranh cãi ảnh chắp ghép đoạt giải mà ngay cả cuộc thi nhiếp ảnh trong tháng 7 vừa qua tại thành phố Hồ Chí Minh (Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực TPHCM) cũng lình xình câu chuyện ảnh chắp ghép được giải. Phải chăng các tác giả vi phạm quy chế cuộc thi, ban giám khảo đã để lọt lưới, hay có cơ chế mở để các tác giả tha hồ sáng tạo, nhân bản, chỉnh sửa…?

Hàng năm ở nước ta có rất nhiều cuộc thi nhiếp ảnh  do các cơ quan đoàn thể ban ngành tổ chức, đứng đầu là Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, theo sau là nhiều hội nhiếp ảnh địa phương như Hội nhiếp ảnh Hà Nội, Hội Nhiếp ảnh TP Hồ Chí Minh,…các cơ quan báo ảnh đăng cai, nhưng đa số các cuộc cuộc thi đều diễn ra lặng lẽ, ít gây tiếng vang. 

Ngay kể cả nhiều nghệ sĩ cả đời cầm máy ảnh nhưng nhất quyết không vào Hội Nhiếp ảnh, vì rằng… không thích. Một vài cá nhân đoạt giải tại các cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế chỉ đăng vỏn vẹn vài tin mang tính thông tấn. Cuộc thi nhiếp ảnh cũng chỉ nổi sóng khi có những sự vụ lình xình gây tranh cãi.

Bức “Họa sĩ Phan Kế An” của tác giả Nguyễn Đắc Như.

Liên hoan Nhiếp ảnh khu vực Hà Nội năm nay với đề tài: "Ấn tượng Hà Nội" do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phối hợp với Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Hà Nội tổ chức, nhận được gần 2.000 bức ảnh của 276 tác giả ở Hà Nội. Liên hoan Nhiếp ảnh được tổ chức tại 8 khu vực trên khắp cả nước. Sự việc bắt đầu ồn ào khi tác phẩm "Họa sĩ Phan Kế An" của tác giả Nguyễn Đắc Như, ảnh chắp ghép, lẽ ra đoạt Huy chương vàng. 

Ngay sau khi có những tiếng ì xèo không hay về bức ảnh của mình, tác giả Nguyễn Đắc Như có đơn xin rút không nhận giải thưởng, đồng thời xin rút toàn bộ ảnh triển lãm và ảnh đoạt giải của liên hoan. Ban giám khảo cũng không ghi nhận giải thưởng. Sự việc chỉ trở nên ầm ĩ và khó hiểu khi một tấm ảnh chắp ghép đáng lẽ đoạt Huy chương Vàng bị hủy bỏ giải thưởng, thì một tấm ảnh khác đoạt giải Huy chương Bạc "Vì thành phố xanh - sạch - đẹp" của tác giả Phạm Hoài Nam cũng là chắp ghép mà vẫn đoạt giải. 

Để lí giải điều này và trấn an dư luận, nhà nhiếp ảnh Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo của cuộc thi cho biết: Bức ảnh đoạt giải Huy chương Bạc tại Liên hoan nhiếp ảnh khu vực Hà Nội của tác giả Phạm Hoài Nam xứng đáng, vì trong gần 2.000 bức ảnh gửi dự thi thì đây là bức khả dĩ nhất, hơn nữa sự chắp ghép trong ảnh này là chấp nhận được chứ không bị thô về lỗi chắp ghép như bức ảnh “Họa sĩ Phan Kế An” của tác giả Nguyễn Đắc Như. Và ông cũng thừa nhận: "Tiêu chí cuộc thi không cấm chắp ghép ảnh, chỉ là không chắp ghép ảnh làm sai sự thật của ảnh".

Hình ảnh bị nghi ngờ nhân bản trong ảnh "Vì thành phố xanh-sạch-đẹp".

Chính vì thể lệ cuộc thi không rõ ràng nên có nhiều ý kiến phản hồi tranh cãi. Người ta không đồng tình với việc một ảnh chắp ghép bị tước giải một tấm ảnh khác cũng chắp ghép lại đoạt giải. Ảnh chắp ghép lại đứng cùng ảnh nguyên bản. Nhiều nhà nhiếp ảnh cực đoan (cả đời chụp ảnh nguyên bản, hay còn gọi là ảnh sự thật) khăng khăng không đồng ý việc ngồi chung mâm (với ảnh chắp ghép, ảnh làm giả - họ gọi thế). Từ đây, ranh giới của sự sáng tạo gây nên tranh cãi.

Nhà nhiếp ảnh Hoàng Nguyên - Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cho rằng: Ảnh chắp ghép cũng chẳng phải lạ lẫm gì, trên thế giới từ nhiều năm nay cũng có vô số cuộc thi chắp ghép ảnh và thí sinh tha hồ tung tẩy sáng tạo, muốn  chắp cái gì vào, muốn bỏ cái gì ra là do tác giả, họ làm sao thì làm miễn là tấm ảnh đẹp về thẩm mỹ, hoàn chỉnh về bố cục, độc đáo về ý tưởng, hấp dẫn về chủ đề nhưng đó là cuộc thi dành riêng cho ảnh chắp ghép và Ban giám khảo có tiêu chí riêng.  

Còn ở đây lại là cuộc thi ảnh chắp ghép và ảnh chụp nguyên bản cùng dự thi thì đương nhiên có sự so sánh, tranh cãi. Tại sao tôi thật mà tôi không được giải, tại sao tác giả kia không thật lại đoạt giải?… Nên chăng có những cuộc thi dành riêng cho ảnh chắp ghép thì sẽ không gây nên sự ồn ào vừa qua, mà Ban giám khảo lại đỡ đau đầu.

Nhà nhiếp ảnh Quốc Bảo - Hội Nhiếp ảnh Việt Nam khẳng định: "Đúng là trên thế giới có nhiều cuộc thi ảnh chắp ghép, và ngay ở Việt Nam cũng có một số nhà nhiếp ảnh gửi ảnh chắp ghép đi dự thi quốc tế và đoạt giải. Nhưng muốn gì thì gì cũng cần phải ưu tiên cho ảnh chụp thật sống động trong khoảnh khắc. Vì một tay máy giỏi hay không giỏi là do bắt được từng khoảnh khắc hơi thở trong đời sống. Chứ ảnh mang về đưa lên máy chỉnh sửa thêm cho này bớt chỗ kia thì cũng không còn  hồn của bức ảnh, của người thợ ảnh". 

Với ông một tấm ảnh đẹp là một tấm ảnh có hồn, lay động được lòng người, mà lay động lòng người thì nhất thiết phải là ảnh bắt được trong từng khoảnh khắc, chứ không phải là tấm ảnh đã được chỉnh sửa kĩ lưỡng qua kỹ thuật công nghệ hiện đại của photoshop.

Trở lại với những bức ảnh cắt ghép tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tại Hà Nội bức ảnh "Họa sĩ Phan Kế An" chụp một họa sĩ già ngồi gần bên khung tranh, cạnh ông là bàn làm việc và kế tiếp đó là hai lọ bút.  Bức ảnh được Ban giám khảo đánh giá cao so với gần 2.000 bức dự thi, nhưng rồi lại bị thu hồi lại giải thưởng ngay sau đó vì mắc lỗi chắp ghép thô và làm sai lệch sự thật của bức ảnh. 

Bức ảnh đoạt Huy Chương Bạc  với tên gọi "Vì thành phố xanh- sạch - đẹp" của tác giả Phạm Hoài Nam cũng bị đặt ra nghi vấn tác giả khá thô bạo khi nhân bản nữ công nhân lao động cắt tỉa hoa tại đài phun nước Bờ Hồ. Người ta cũng tỏ ra nghi ngờ sự xuất hiện của cô công nhân môi trường đẩy xe rác là từ đâu được bê đến? Tác giả Phạm Hoài Nam không muốn trả lời báo chí vì: "Mọi thắc mắc thì chủ tịch hội đồng giám khảo đồng thời là Chủ tịch Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đã trả lời hết rồi".

Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Việt Nam một lần nữa lại làm "bia đỡ đạn" khi công bố cuộc thi nhiếp ảnh lần này tổ chức trên 8 tỉnh thành cả nước không chỉ dành cho những tay máy chuyên nghiệp, mà những tay máy không chuyên vẫn có quyền tham dự. Cuộc thi  không đòi hỏi yêu cầu quá cao vì muốn ưu tiên nhiều tay máy không chuyên tham dự. Chính vì thế thể lệ cuộc thi cũng đã ghi rõ: "Quy chế liên hoan cho phép chắp ghép ảnh, không chấp nhận ảnh chắp ghép làm sai lệch sự thật". 

Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh, Vũ Quốc Khánh cũng thừa nhận: "Quy chế này có thể gây hiểu lầm và hiện đang làm khó cho chính Ban tổ chức và Hội đồng giám khảo". Ông cũng cho biết: Ngay khi cuộc thi kết thúc Hội Nhiếp ảnh Việt Nam sẽ họp để chọn phương pháp tối ưu để xem xét về việc có nên chấp nhận ảnh chắp ghép hay không(?!).

Thu Hà Nội - Ảnh khoảnh khắc.

Liên hoan ảnh Nghệ thuật tại thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày tháng 7 vừa qua vừa công bố giải thưởng đã gây ra ì xèo về bức ảnh đoạt giải nhì: "Ném đĩa" của tác giả Nguyễn Sinh Long là chắp ghép sai sự thật. Nhiếp ảnh Nguyễn Sinh Long cho biết: Ông chụp tấm ảnh này là lúc vận động viên đang thi đấu tại một giải dành cho người khuyết tật ở sân vận động Thống Nhất TP HCM. Theo ông Long: Ông chụp tấm ảnh "Ném đĩa" là người thật, việc thật không ghép bất cứ một chi tiết nào. Ông bảo: "Tôi chụp ở trên xuống khi vận động viên đang ngồi trên ghế trong tư thế ném đĩa, hai tay dang ra, nhìn ở trên xuống sẽ thấy cái bóng".

Một vài nhà chuyên môn cho rằng bức ảnh "Ném đĩa" của tác giả Nguyễn Sinh Long có cắt ghép và dàn dựng. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Gia Bình khảng khái nói: "Vận động viên khuyết tật khi thi đấu thì chân phải chằng vào ghế, và ghế cũng cần phải chằng lại cho cố định. Nhìn kĩ bức ảnh thì thấy động tác của vận động viên thi đấu đang thõng thượt chứ không phải là đang trong một trận đấu".

Tại sao có sự nghi ngờ ảnh chắp ghép làm sai sự thật, "Ném đĩa" của tác giả Nguyễn Sinh Long lại vẫn được giải nhì? Nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Minh Sơn - Trưởng Ban giám khảo giải thích: Ông đã xem file gốc của bức ảnh, bức ảnh nếu có chắp ghép thì chỉ sai về lỗi kỹ thuật chứ không phải sai sự thật, vì vẫn là vận động viên khuyết tật trong cuộc thi đấu. Hơn nữa ý nghĩa của bức ảnh "Ném đĩa" rất nhân văn, bức ảnh không chụp cả người mà chỉ lấy bóng của vận động viên, ý muốn gửi gắm của tác giả là vận động viên khuyết tật tàn nhưng không phế, họ vẫn vươn lên trong cuộc sống.

Khoảnh khắc tuổi thơ.

Theo nhà nhiếp ảnh Hoàng Thắng - Hội Nhiếp ảnh Việt Nam: "Hiện nay, thời đại của công nghệ kỹ thuật số, với các tính năng hiện đại, nên người ta ưa chỉnh sửa ảnh gốc nhưng đôi khi bị lạm dụng quá đà thành ra bức ảnh bị can thiệp quá thô bạo. Với nghệ sĩ có lòng tự trọng, tay nghề cao thì họ sẽ chụp ảnh khoảnh khắc vì để có được những khoảnh khắc họ phải mất thời gian bỏ công sức chờ đợi, trông ngóng, săn đuổi nhiều ngày, nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm. Còn với những ai muốn theo kiểu "mì ăn liền" thì chụp nhanh, chụp vội rồi về máy nhờ công nghệ để chỉnh sửa thêm bớt. Nước ta một dạo đã có "phim mì ăn liền" thì nay với ảnh chắp ghép cũng là một kiểu "nhiếp ảnh mì ăn liền". Bản chất của hai việc này giống hệt nhau, đều tạo ra sản phẩm nhanh, dễ dãi." 

Việc sắp xếp lại ảnh trong nhiếp ảnh đang thành một phong trào, điều này không chỉ có ở trong các cuộc thi nhiếp ảnh với quy mô lớn dành cho các tác giả không chuyên mà ở ngay cả các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Ngay cả ảnh báo chí cũng đã xảy ra những trường hợp tương tự. Ranh giới mập mờ giữa ảnh chắp ghép và ảnh khoảnh khắc, vậy phải chăng ảnh sự thật đang bị đánh tráo(?!). 

Và đến bao giờ lòng tự trọng về nghề thôi thúc thì lúc đấy người ta mới có một bức ảnh sự thật của nghệ thuật, của đạo đức, và sự chuyên nghiệp. Và rồi, nếu còn sự lên ngôi của ảnh chắp ghép thì xã hội sẽ nhân bản những "thợ ảnh" chứ không còn những nhà nhiếp ảnh chân chính.

Trần Mỹ Hiền
.
.