Australia: Bùng nổ khai thác đá quý opal

Thứ Tư, 12/07/2017, 08:23
Viên đá opal (ngọc mắt mèo) to nhất và chất lượng cao nhất của Australia trị giá đến hơn 780.000 USD nhờ nhu cầu đang tăng từ các nhà chế tác sản phẩm mỹ nghệ và trang sức từ đá quý trên khắp thế giới.

Hiện nay, bang South Australia (nằm giữa miền nam nước này) cung cấp khoảng 80% lượng đá quý opal cho thế giới và nơi tập trung của nền công nghiệp là Coober Pedy - thị trấn có 3.500 dân nằm cách Adelaide chừng 1.368km về phía bắc.

Thợ mỏ Craig Stutley và người bạn đi cùng là Richard Saunders hợp sức ấn mũi khoan chui sâu 12 mét xuống lớp đất đỏ để tạo ra một cái “lỗ nhỏ”. Hai người đàn ông làm việc giữa trời nắng gắt trong vùng hẻo lánh bang South Australia để đào xới mặt đất săn tìm opal - loại đá quý lấp lánh nhiều màu sắc khác nhau. Nhưng opal khá khan hiếm và những người như họ phải mất nhiều tháng hay thậm chí nhiều năm kiên nhẫn tìm kiếm mới may mắn thấy được viên đá trị giá cả gia tài.

Richard Saunders.

Stutley, 47 tuổi, lên tiếng: “Anh phải hết sức kiên nhẫn nếu không thì không thể làm được công việc này”. Nơi Stutley và Saunders khai thác là vùng đất nằm về phía bắc thị trấn Coober Pedy thuộc bang South Australia. Đây là nơi nổi tiếng là “thủ phủ opal của thế giới”.

Vào thời điểm cao trào săn tìm opal cách đây 40 năm, có đến hàng ngàn dân Coober Pedy phơi mình giữa nắng nóng đến 47 độ C chỉ để tìm thấy vài chục viên đá.

Năm 2016, sản lượng opal khai thác được trên toàn lãnh thổ Australia trị giá tổng cộng là 15,1 triệu AUD (khoảng 11,5 triệu USD) - theo số liệu từ chính quyền bang South Australia. Giá đá opal trên thế giới tăng gấp đôi trong vài năm qua nhờ nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh từ Ấn Độ và Trung Quốc cũng như Mỹ.

Hồi tháng 3-2017, Stutley và Saunders gặp may khi được phép khai thác khu mỏ opal vừa được mở cửa trở lại. Hai người bạn, cùng với chừng 50 thợ mỏ khác, được chọn ngẫu nhiên trong vòng “quay số” để bắt đầu khai thác trở lại khu bảo tồn Shell Patch nằm cách thị trấn Coober Pedy chừng 35km về phía bắc. Hơn 200 người tham gia vòng “quay số” và mỗi một người trúng giải được quyền khai thác khoảnh đất có diện tích 100m x 50m.

Trang sức chế tác từ opal.

John Dunstan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khai mỏ Opal Australia (OMA). Là một trong số những người đầu tiên tham gia làm việc ở Shell Patch, ông nhận được một khoản tiền công nhỏ cho ngày lao động sau khi tìm thấy một viên đá trị giá chừng 5.900 UAD. John Dunstan hy vọng cuộc khai mỏ ở Shell Patch sẽ thu hút thêm nhiều người mới bước vào ngành công nghiệp hấp dẫn này. Ông cũng cho biết hiện nay hầu như không tìm thấy bất cứ mỏ opal nào mới ở Australia.

John Dunstan cũng nhận định nếu một mỏ opal mới được tìm thấy thì chắc chắn nó sẽ tạo ra “cơn sốt opal” ngay lập tức. Do giá trị cao, opal được coi là “đá quý quốc gia” của Australia. Năm 1965, John Dunstan - lúc đó chỉ mới 14 tuổi - chính là người tìm thấy mỏ opal đầu tiên ở Australia. Ông tiết lộ: “Opal là lẽ sống của tôi. Nó là niềm đam mê khó tả”.

Justin Lang, 27 tuổi, nằm trong số những thợ mỏ mới vào nghề mà Dustan mong muốn gặp được. Cách đây 5 năm, Lang và Daniel Becker, 43 tuổi, khởi động khai mỏ opal. Becker hào hứng mô tả công việc khai mỏ opal là thú vui mang lại bộn tiền! Khoảng 1 tuần trong tháng, Lang và Becker tạm ngưng công việc bán hàng ở thị trấn Hahndorf (gần Adelaide) để thẳng hướng đến Coober Pedy săn tìm opal. Theo Lang, với opal thì “khả năng bỏ túi được hàng triệu AUD là thực tế”.

Richard Saunders và Một viên đá opal thô (ảnh nhỏ).

Tuy nhiên, hoạt động khai thác opal chỉ là quy mô nhỏ và không rầm rộ giống như những công ty khai mỏ đồng và uranium ở Australia. Vào đầu năm 2017, tạp chí thời trang Vogue quảng cáo một số gương mặt nhà thiết kế nữ trang trẻ tuổi, mô tả họ là những người giúp cho opal trở thành sản phẩm thời trang cho giới trẻ sau nhiều năm loại đá này bị coi là đồ trang sức dành cho người già.

Ngoài ra, bộ sưu tập nữ trang mới nhất của thương hiệu Pháp Dior cũng tập trung vào opal. Emily Amey, nhà thiết kế nữ trang ở New York (Mỹ) sử dụng nguồn opal từ Australia, nhận định: “Mỗi viên opal là một sản phẩm hoàn toàn khác. Màu sắc khác, hoa văn khác. Opal là loại đá thần bí”.

Hiện nay, Ethiopia là quốc gia nhập khẩu khoảng một nửa sản lượng opal từ Australia trong khi các nước khác lấy từ nguồn khác bao gồm Brazil và Peru. Dự đoán, có lẽ không bao lâu nữa Australia sẽ bị mất ngôi vương opal của mình trước sự cạnh tranh sản xuất từ các quốc gia khác.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.