BOT - Cần sân chơi công bằng

Thứ Hai, 11/09/2017, 10:01
Câu chuyện “nóng” BOT thời gian qua phản ánh một thực tế: sự tập trung quan tâm của dư luận và những bất cập, xung đột lợi ích được đẩy lên cao trào. Vẫn cần phải có BOT trong giao thông và các lĩnh vực khác trong điều kiện còn khó khăn về ngân sách, nguồn vốn là sự khẳng định của tất cả những người tham gia trong buổi tọa đàm với chủ đề “Phòng ngừa tham nhũng trong các dự án BOT” do Báo CAND vừa tổ chức.

Song vấn đề là làm như thế nào, triển khai ra sao thời gian tới để tránh thất thoát, tiêu cực mới là điều dư luận quan tâm, nhất là sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra và chỉ ra nhiều sai phạm trong các dự án BOT giao thông thời gian qua.

Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng Biên tập Báo CAND tặng hoa các khách mời.

Thông tin và minh bạch

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật là người mở màn cho cuộc tọa đàm với câu hỏi về quy trình xây dựng một dự án BOT. BOT, viết tắt của các từ tiếng Anh: Build - Operate - Transfer nghĩa là Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao, là hình thức đầu tư bằng nguồn vốn huy động từ xã hội và nhà đầu tư sau đó được thu phí để hoàn trả trong khoảng thời gian nhất định.

Theo vị đại diện của Bộ GTVT, trong điều kiện vốn ngân sách khó khăn, trên cơ sở nhu cầu thực tế cần phải đầu tư, quy hoạch được duyệt, hiện trạng tuyến đường hiện hữu, kiến nghị của địa phương, Bộ GTVT giao ban quản lí dự án lựa chọn tư vấn lập dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT.

Ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Trên cơ sở đề xuất của tư vấn, Bộ GTVT lấy ý kiến thống nhất của địa phương về chủ trương, quy mô, hướng tuyến, vị trí trạm thu giá dịch vụ của dự án (đối với một số dự án, ngoài ý kiến của UBND tỉnh còn có ý kiến của HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương); đồng thời, Bộ GTVT cũng báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Để có cơ sở xem xét, chấp thuận, Chính phủ sẽ lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, địa phương.

Một số dự án đặc thù còn lấy ý kiến của Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trên cơ sở chủ trương được chấp thuận, Bộ GTVT mới tiến hành thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư theo đúng quy trình...

Cuộc tọa đàm bắt đầu nóng lên khi vị đại diện Bộ GTVT cho biết việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án BOT của Bộ GTVT chủ yếu chịu sự điều chỉnh của Nghị định 108/2009/NĐ-CP ngày 27-11-2009. Theo đó, có 2 hình thức lựa chọn nhà đầu tư là chỉ định thầu và đấu thầu. Thông tin mời thầu quy định phải đăng tải danh mục dự án trên Báo Đấu thầu và Trang thông tin điện tử của Bộ trong thời gian 30 ngày. Nếu có 2 nhà đầu tư trở lên đăng ký thì tiến hành đấu thầu.

Chỉ định thầu sẽ xảy ra khi trường hợp trong thời gian 30 ngày đăng danh mục kêu gọi đầu tư chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký thực hiện hoặc các dự án cần thiết để đáp ứng nhu cầu cấp bách về việc sử dụng công trình kết cấu hạ tầng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bắc, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Tân Việt Bắc, khách mời của buổi tọa đàm, lại cho rằng cần phải công khai, minh bạch thông tin dự án hơn nữa. Theo diễn giải của ông Bắc, quy định là vậy song trên thực tế các doanh nghiệp thường là không tiếp cận được thông tin.

Ông Nguyễn Văn Bắc - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc công ty Tân Việt Bắc.

Nói trình độ công nghệ thông tin còn hạn chế nên không tiếp cận được với thông tin dự án là chưa đúng. Còn như nói doanh nghiệp không quan tâm thì lại càng không phải. Có doanh nghiệp thực sự nào mà không muốn có việc để làm?

Luật vẫn... đi theo

Trả lời những câu hỏi về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến BOT, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết theo báo cáo của đoàn giám sát của Ủy ban Quốc hội đã chỉ ra, hiện nay mức độ của các văn bản pháp luật về BOT mới dừng lại ở mức nghị định của Chính phủ, chưa lên tầm của Quốc hội. Vì thế cho nên việc thực hiện sẽ chịu sự điều chỉnh của rất nhiều luật.

Trong quá trình triển khai, cũng có thể là anh em vô tình hoặc cố ý bỏ 1 khâu nào đấy. Đó là điều có thể xảy ra và dẫn đến tình trạng bất cập như cơ quan Kiểm toán Nhà nước đã nêu.

Ông Kiên cũng thừa nhận hệ thống văn bản pháp luật thời điểm đầu triển khai các dự án BOT là yếu, không phù hợp ở cả hai khía cạnh: đảm bảo quản lí của cơ quan quản lí nhà nước đối với chương trình dự án BOT và lại không phản ảnh được sự bình đẳng của cơ quan nhà nước khi tham gia vào dự án BOT với tư cách là một đối tác với một doanh nghiệp giữa các thành phần kinh tế tham gia phát triển kinh tế xã hội. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Cương lĩnh 2011 đã nêu rõ các thành phần kinh tế đều bình đẳng như nhau.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội.

Như ban đầu, nếu theo Nghị định 108, Kiểm toán Nhà nước không vào kiểm toán được các công trình BOT thì sau khi nắm bắt tình hình thực tế, Chính phủ quyết định Kiểm toán Nhà nước đã có cơ sở pháp lý để thực hiện việc này. Và bây giờ, kết quả Kiểm toán Nhà nước về chi phí công trình mới là kết quả tổng đầu tư để làm căn cứ tính thời hạn thu phí trên dự án.

Đoàn giám sát đang đề nghị trên cơ sở tổng kết 5 năm thực hiện dự án BOT, tháng 6-2016, Chính phủ phải tổng kết và có văn bản về các chương trình: Nâng nghị định BOT lên thành pháp lệnh hoặc luật để có tính pháp lý cao hơn. Và hơn nữa phải đảm bảo tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư.

Kết luận của đoàn giám sát của UBTVQH cũng cho hay trong 50 dự án BOT đã đi vào khai thác, có 8 dự án BOT có vấn đề mà người dân ở khu vực đặt trạm thu phí có phản ứng. Nhưng cách xử lý tại mỗi trạm lại theo cách khác nhau.

Ví dụ, dự án BOT trên Quốc lộ 91B đi từ An Giang đến Kiên Giang có trạm T2 được phát hiện có vấn đề. Ngay sau đó, đoàn giám sát của UBTVQH đã có kiến nghị với Bộ GTVT về việc xử lý việc thu phí tại trạm T2 và 1 tháng sau đã có phương án xử lý.

Còn như đối với tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ đã thi công xong giai đoạn 1 (chỉnh sửa mặt đường cũ), nhà đầu tư đang tiến hành giai đoạn 2 (mở rộng thêm 2 làn ở 2 bên). Đây là trạm BOT đầu tiên có sự mâu thuẫn của các nhà đầu tư trong dự án. Cơ quan quản lý đã phát hiện sai phạm ở một số cơ quan, đơn vị của nhà đầu tư đã cố tình không thực hiện đúng quy định về việc báo cáo kết quả kiểm xe, doanh số đếm xe.

Theo báo cáo của đoàn, việc doanh nghiệp thu phí tại đây sau khi trải thảm mặt đường là đúng, nhưng việc thu phí mặt đường mới là không hợp lý, cần chỉnh sửa cho phù hợp, hài hòa. Đối với việc đếm xe cũng phải dựa vào quy định của Bộ GTVT về quản lý tập trung.

Ông Kiên cũng lưu ý rằng, trên cả tuyến Pháp Vân - Ninh Bình, đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ có lưu lượng xe cao hơn đoạn Cầu Giẽ - Cao Bồ. Các nhà đầu tư đã lợi dụng sơ hở này và tạo ra sự “lập lờ” về mức phí. Tuy nhiên, sự việc này đã bị phát hiện và xử lý. Số liệu về tất cả các trạm BOT đã được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán kỹ và công bố. Đây cũng là cơ sở để tính thời gian thu phí. Tóm lại, bài toán đặt ra là làm sao để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng.

Cần sân chơi công bằng

Câu chuyện thu phí và khả năng tham gia của các doanh nghiệp đối với các dự án BOT là một trong những chủ đề nóng của buổi tọa đàm. Ông Đoàn Huy Vinh, Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán Chuyên ngành 2, Kiểm toán Nhà nước cung cấp thông tin: Những năm vừa qua Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện 60 dự án và thấy một số bất cập về cơ chế chính sách.

Thứ nhất là quy định về thu phí, đa phần các dự án bị thu phí hở, tạo ra sự không công bằng. Ví dụ, một người đi đường ngắn phải trả phí bằng người đi hết đoạn đường BOT. Thứ hai là vị trí trạm, nhất là các trạm trước năm 2009, vị trí đặt không đúng phạm vi dự án, khoảng cách trạm không đảm bảo 70km. Nhưng cũng có quy định là nếu dưới cự ly ấy thì phải có ý kiến địa phương và thường là do nhu cầu kinh tế phát triển, nhiều địa phương dễ thống nhất về vị trí dẫn tới tình trạng nhiều trạm không đủ khoảng cách.

Ông Đoàn Huy Vinh, Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán Chuyên ngành 2, Kiểm toán Nhà nước.

Hiện nay Bộ Tài chính thống nhất Bộ GTVT đối với đường cao tốc giá trần là 2.000 đồng/xe tiêu chuẩn/km. Hầu hết các tuyến cao tốc đang thu 1.500 đồng/xe/km. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật giải thích rằng theo quy định pháp luật, nguyên tắc xác định giá là “bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý”.

Đối với tuyến đường cao tốc có đặc thù riêng là tuyến mới, người dân luôn có sự lựa chọn đi đường quốc lộ hoặc cao tốc. Tuy nhiên, ông Nhật cũng khẳng định không phải do có sự lựa chọn mà phía chủ đầu tư có thể lựa chọn bất cứ giá dịch vụ nào. Nếu chọn giá dịch vụ quá cao (thời gian thu phí rút ngắn) sẽ không phù hợp với sức chi trả của người dân, người dân sẽ lựa chọn tuyến quốc lộ để lưu thông; lưu lượng xe sử dụng dịch vụ thấp, sẽ không hiệu quả tài chính.

Ngược lại, nếu lựa chọn giá quá thấp cũng sẽ không đủ bù đắp chi phí, nếu kéo dài thời gian hoàn vốn thì phía ngân hàng cung cấp tín dụng không cho vay. Do vậy, để đảm bảo hiệu quả tài chính thì mức giá lựa chọn phải đảm bảo đủ bù đắp chi phí nhưng cũng phù hợp với sức chi trả của người dân thì họ mới lựa chọn sử dụng dịch vụ và doanh nghiệp thu được tiền.

Phía đại diện Bộ GTVT còn cho biết thêm, Bộ đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ dự án thu phí tự động không dừng để minh bạch tất cả các thông tin dư luận quan tâm. Tuy nhiên, khi được hỏi về thông tin rằng tất cả dữ liệu về lưu lượng xe và số tiền thu được hằng ngày của các trạm thu phí đều được báo cáo về Tổng Cục Đường bộ từ bao giờ, đại diện Bộ GTVT cho biết chỉ mới thực hiện được từ... đầu năm!

Về câu chuyện khả năng của các doanh nghiệp tham gia một cách rộng rãi các dự án BOT, ông Nguyễn Văn Bắc đưa ra đề xuất cần chia nhỏ các gói thầu ngay từ đầu, và đều được đấu thầu công khai. Việc chia nhỏ gói thầu này sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn chiếm đa số hiện nay, có cơ hội hơn. Cũng theo ông Bắc, đã là doanh nghiệp thì phải thấy lãi người ta mới làm.

Nhưng nói như thế không có nghĩa là BOT là không thể lỗ. Lỗ nằm ở thời gian thực hiện dự án, ở giá vật liệu dịch chuyển, ở nghiệp vụ tính toán nguồn thu - chi phí... Tuy nhiên, nếu đấu thầu công khai, mọi thứ được điều chỉnh theo quy luật thị trường, thì chỉ những doanh nghiệp có đủ năng lực mới tồn tại được. Sân chơi lúc ấy mới thực sự công bằng.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng việc phân chia nhỏ các gói thầu của dự án BOT sẽ nảy sinh nhiều vấn đề như cách thức phân chia gói thầu, cách thức giám sát, quản lý chất lượng; rồi thì hạch toán ra làm sao... Tuy nhiên, ông Kiên đã ghi nhận đề xuất này và cho biết về phía cơ quan soạn thảo luật sẽ đối chiếu với thực tế triển khai và hiệu quả để nghiên cứu ra phương án tối ưu với phương châm không bỏ sót bất cứ phương án nào.

Kết thúc buổi tọa đàm, Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng Biên tập Báo CAND khẳng định với tư cách là đơn vị tổ chức tọa đàm, sẽ có văn bản tổng hợp ý kiến, đề xuất đối với các cơ quan chức năng cũng như trình Chính phủ, Quốc hội và các Bộ, ngành liên quan với mong muốn nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo đồng thuận trong nhân dân và áp dụng khoa học công nghệ trong triển khai các dự án BOT, qua đó đảm bảo quyền lợi cho người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội.

Việt Ba
.
.