Bác Ngao và nỗ lực mở cửa của Trung Quốc

Thứ Hai, 16/04/2018, 16:15
Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) năm nay có ý nghĩa đặc biệt khi đánh dấu 40 năm cải cách và mở cửa của Trung Quốc trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm, chủ nghĩa bảo hộ thương mại trỗi dậy, châu Á và thế giới đều cần một cơ chế hoàn thiện, phát triển hơn để bảo vệ toàn cầu hóa kinh tế. Và tự do hóa thương mại mà Diễn đàn Bác Ngao là một trong những cơ chế đó.

Với chủ đề năm nay tập trung vào cải cách, mở cửa, sáng tạo, diễn đàn có thể sánh với Diễn đàn Davos này được xem là điểm đột phá, là đòn bẩy trong phát triển kinh tế của các nước trên thế giới. Bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xoay quanh chủ đề mở cửa vì vậy đã trở thành tâm điểm của dư luận.

“Mở cửa, hội nhập đang là dòng chảy chính của thế giới. Lịch sử phát triển xã hội loài người cho chúng ta biết, mở cửa sẽ mang đến sự tiến bộ, đóng cửa tất nhiên sẽ bị tụt hậu... Các nước ngày càng có mối liên hệ, tác động qua lại, tăng cường kết nối để phát triển kinh tế xã hội. Tăng cường hội nhập là lựa chọn tất yếu để phát triển".

Phát biểu trên của Chủ tịch Tập Cận Bình một lần nữa khẳng định với thế giới rằng Trung Quốc thể hiện quyết tâm không gì có thể lay chuyển được đó là tăng cường cải cách cũng như mở rộng không gian phát triển, coi đây là đóng góp của Trung Quốc vào việc thúc đẩy xây dựng hệ thống kinh tế thế giới mở hơn, có sự hợp tác chặt chẽ hơn.

Giới phân tích cũng đánh giá cao bài phát biểu này của Chủ tịch Tập Cận Bình. Chuyên gia nghiên cứu cao cấp Viện Nghiên cứu Tài chính Trùng Dương thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc Đổng Hy Diểu cho rằng một loạt chính sách mở trong lĩnh vực tài chính như nới lỏng các hạn chế về tỉ lệ nắm giữ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng, đẩy nhanh tiến trình mở cửa ngành bảo hiểm... đã phát đi tín hiệu mở cửa mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế, tạo điều kiện để tài chính phục vụ tốt hơn nền kinh tế thực, tạo thuận lợi cho việc phát triển nền kinh tế mở.

Cùng với việc thúc đẩy tiến trình mở cửa đối ngoại, các tổ chức tài chính có vốn đầu tư nước ngoài sẽ có được sự phát triển tốt hơn tại Trung Quốc.

Trong khi đó, ông Trì Phúc Lâm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Hải Nam, Trung Quốc, cho rằng trong bài phát biểu này giá trị nhất là hai từ “mở cửa”. Đây không chỉ đề cập đến mở cửa thông thường mà là nắm vững xu thế mở cửa của thế giới, qua đó đưa ra biện pháp cụ thể, có thể được coi là cương lĩnh hành động dẫn dắt công cuộc mở cửa của Trung Quốc.

Cựu Tổng thống Philipp-ines Gloria Macapagal Arroyo đánh giá bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã truyền tải những thông tin quan trọng của Trung Quốc. Bài phát biểu đề cập đến tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới, điều này theo ông là “có ích cho Philippines cũng như khu vực”.

Ông Trịnh Vĩnh Niên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Á, Đại học quốc lập Singapore, cho rằng bài phát biểu này khiến thế giới thấy được những chính sách cụ thể mà Trung Quốc sẽ áp dụng, đồng thời khiến những nước khác có niềm tin về sự phát triển trong tương lai khi có thể tiếp tục được chia sẻ những lợi ích kinh tế mà Trung Quốc mang lại cho thế giới, đồng thời tìm được con đường phát triển tự chủ thành công như Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Diễn đàn Châu Á Bác Ngao.

Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế, bà Christine Lagarde thậm chí khẳng định một loạt biện pháp cụ thể được đề cập trong bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình như mở cửa hơn nữa trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, xe hơi; giảm bớt hàng rào bảo hộ thương mại; tạo môi trường kinh doanh công bằng đã thể hiện rõ sự mở cửa, sáng tạo của Trung Quốc.

Ông Thomas Kroll, một đại biểu Mỹ tham gia Diễn đàn khẳng định Trung - Mỹ là hai nước chú trọng dựa vào sáng tạo để thúc đẩy phát triển, hai bên có thể đạt được đồng thuận về hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Theo ông, mọi sự vật trên thế giới đều không ngừng thay đổi, do vậy dám đổi thay, sáng tạo mới có thể không ngừng tạo ra động lực để thúc đẩy sự phát triển chung.   

Rõ ràng mọi sự quan tâm của dư luận đều đổ dồn vào bài phát biểu trong ngày 10/4 tại Diễn đàn Bác Ngao của Chủ tịch Tập Cận Bình. Giới phân tích cho rằng việc ông Tập Cận Bình tiếp tục đưa ra các cam kết tổng thể về tự do hóa cũng là cách để Chủ tịch Trung Quốc tìm cách đi vào chi tiết và tấn công tầm ảnh hưởng của Mỹ thông qua hàng loạt thay đổi đi kèm với sự mở cửa các thị trường Trung Quốc.

Hầu hết các ý kiến đưa ra trong và bên lề các hội thảo đều bày tỏ mong muốn Trung Quốc và Mỹ sớm tìm ra giải pháp tháo gỡ tình hình khó khăn như hiện nay, tránh để xảy ra chiến tranh thương mại, tạo hiệu ứng dây chuyền không tốt, ảnh hướng tới các nước trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế.

Giới phân tích cho rằng, dù chưa khai thông được bất đồng, diễn đàn lần này là cơ hội để Trung Quốc giải quyết xung đột ngày càng tồi tệ trong vấn đề công nghệ và thương mại với Mỹ, tránh làm gia tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xem ra đã có kế hoạch rõ ràng cho nỗ lực này.

Việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có bài diễn văn tại Bác Ngao, tổng kết thành tựu và kinh nghiệm 40 năm cải cách mở cửa, cũng như ý nghĩa quan trọng và tầm ảnh hưởng của tiến trình này với thế giới và thảo luận về triển vọng thúc đẩy cải cách mở cửa của Trung Quốc trong thời đại mới, đã là một minh chứng về vai trò của xu thế hội nhập, vốn được đánh giá không chỉ quan trọng đối với Trung Quốc mà còn mang lại lợi ích lớn cho thế giới, do Trung Quốc giờ đây đã là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.