Bác sĩ pháp y: Giải mã sự thật, mang lại công bằng

Thứ Ba, 18/03/2014, 15:50

Khi cái Thiện và cái Ác vẫn tồn tại song hành thì cuộc sống này vẫn cần đến bàn tay của bác sĩ pháp y, người hồi sinh cho những linh hồn oan khuất, góp phần giải mã sự thật, mang lại công bằng cho cả người sống và người đã chết.

Nước mắt bác sĩ pháp y

Đó là một ngày đầu hè năm 2013, Trung tâm Giám định pháp y (Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an) nhận được trưng cầu pháp y của Công an tỉnh Quảng Trị về việc khai quật giám định tử thi của 5 phu trầm bị sát hại  tại khu vực biên giới Việt Nam - Lào (tiếp giáp địa phận xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị).

Một ngày cuối tháng 3/2013, trong khi đi tìm trầm hương trong rừng, 5 người đàn ông trú tại xã Quảng Minh và Quảng Sơn thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã bị một nhóm đối tượng bắt cóc để đòi tiền chuộc, sau đó chúng xuống tay sát hại cả 5 người hết sức man rợ. Vụ việc gây chấn động dư luận xã hội bởi sự  dã man, tàn độc của những kẻ gây ra tội ác đối với những người dân vô tội mưu sinh bằng công việc tìm trầm vô cùng gian nan, khổ cực.

Khi phát hiện, 5 nạn nhân đã được đưa về mai táng tại quê nhà. Do các thủ tục pháp lý và công việc vận động, thuyết phục người nhà các nạn nhân hợp tác với Cơ quan điều tra, việc khai quật để giám định 5 tử thi được tiến hành sau thời gian chôn cất hơn một tháng.

Chưa bao giờ, Trung tâm Giám định pháp y phải huy động số lượng bác sĩ pháp y đông đến thế tham gia vào một vụ việc. 9 bác sĩ pháp y lên đường để có thể tiến hành cùng lúc khai quật giám định 5 tử thi. Tuy nhiên, khi vào đến Quảng Trị, do 5 nạn nhân được chôn cất ở 2 nghĩa trang cách xa nhau nên đoàn công tác phải tách làm 2 tổ.

Tổ công tác do Đại tá, Tiến sĩ  Đào Quốc Tuấn - Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y chỉ huy nhận nhiệm vụ khai quật 3 ngôi mộ được chôn cất trên địa phận Quảng Bình, cách Quảng Trị một con sông nhỏ. Từ Quảng Trị, muốn sang khu vực chôn cất của 3 ngôi mộ bắt buộc phải vượt sông. Đi đò ngang của người dân sẽ rất nhanh, chỉ mươi phút. Nhưng nhìn chiếc vali khám nghiệm, tổ công tác rút lại quyết định, bởi trường hợp xảy ra sự cố, người còn có thể bơi được nhưng vali khám nghiệm mà chìm thì lấy đâu ra đồ nghề làm việc. Đành chọn lối đi bộ men theo đường tàu hỏa dọc sông. Chừng 3km là tới cầu qua sông. Tất cả phải cuốc bộ vì con đường này đang sửa chữa, đất đá lổn nhổn, xe máy cũng không đi nổi.

Cái nắng đầu mùa miền Trung oi bức đến ngột ngạt. Tay xách vali khám nghiệm, người mặc bộ đồ pháp y kín mít, ai nấy mồ hôi nhễ nhại. Công việc khai quật mộ giám định tử thi được tiến hành dưới ánh mặt trời bỏng rát, lại đúng thời gian tử thi đang phân hủy mạnh nhất. Đối với công việc khai quật giám định tử thi thì những gì độc hại nhất cũng tập trung ở giai đoạn này.

Trừ bác sĩ pháp y, còn lại những người theo quy định được có mặt để chứng kiến việc khai quật đều không chịu nổi. Thế nhưng, với bác sĩ pháp y thì không có chuyện rời hiện trường trong lúc làm việc. Việc giám định được tiến hành khẩn trương nhưng tỉ mỉ, thận trọng để xác định chính xác nguyên nhân chết và hung khí gây án đối với từng nạn nhân.

Quá giờ trưa, công việc hoàn tất. Những chiếc găng tay của bác sĩ pháp y được tháo bỏ, căng mọng mồ hôi. Hai bàn tay bị mất nước nhăn nheo, nhợt nhạt như người ở lâu dưới nước, toàn thân ướt sũng. Trước khi xuống đò, thấy một bác sĩ hỏi xin chiếc can nhựa rỗng lúc trước đựng rượu mà địa phương chuẩn bị cho các bác sĩ vệ sinh sau khi pháp y, ông lái đò lấy làm lạ, cứ gặng hỏi mãi.

Sang đến bờ bên kia, vị bác sĩ trẻ trả lại chiếc can cho ông lão và giải thích rằng, ngộ nhỡ bị đắm đò thì còn có chiếc can làm phao, bởi cuộc khai quật đã vắt kiệt sức lực của anh. Dù biết bơi, lúc đó cũng chẳng còn sức đâu mà bơi nữa. Không dám nói trước lý do "xin" chiếc can, sợ ông lái đò cho là điềm gở…

Công việc của bác sĩ pháp y trong một vụ khai quật tử thi.

Gần một năm đã trôi qua nhưng nhắc lại chuyện cũ, Đại tá Đào Quốc Tuấn  chợt ngừng lại hồi lâu, mắt hướng ra cửa như cố ngăn lại những giọt nước mắt xúc động. Ông bảo, ngoài một nhân chứng đã chứng kiến toàn bộ việc sát hại 5 phu trầm may mắn trốn thoát trở về thì khi giám định tử thi, bác sĩ pháp y là người biết rõ nhất nạn nhân đã bị hung thủ giết man rợ như thế nào. Tất cả đều bị đập vào đầu đến chết rồi hất xuống hố chôn.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng trong suốt chuyến công tác ấy, các thành viên của đoàn bác sĩ pháp y mang tâm trạng nặng trĩu, không chỉ đau đớn cho số phận của 5 nạn nhân, mà hơn cả là xót xa cho thân phận của những con người gánh trên vai hai chữ "phu trầm" ở dải đất miền Trung nghèo khó. Vì miếng cơm manh áo, họ chấp nhận vào nơi rừng thiêng nước độc để tìm vận may. Mà nào có thấy may, chỉ thấy toàn hiểm nguy. Không gặp phải lục lâm thảo khấu như 5 phu trầm bị sát hại, nhưng đã không ít kẻ "ngậm ngải tìm trầm" đã bỏ mạng vì lạc rừng, vì rắn rết, vì đói khát, vì những tai nạn bất ngờ như cây đổ, lũ rừng… Biết bao người phụ nữ bỗng dưng thành góa bụa, những đứa trẻ thành côi cút.

Trong chiều mưa phùn tầm tã, cái rét cuối mùa như tê tái hơn khi Đại tá Đào Quốc Tuấn nghẹn ngào kể về những buổi gặp gỡ thân nhân của các nạn nhân trong đợt công tác ấy. Những giọt nước mắt đắng đót đã rơi khi các bác sĩ pháp y được những người vợ nạn nhân cho biết, công việc tìm trầm của người đàn ông trong nhà bấp bênh chẳng thể nói trước điều gì. Nếu may mắn trúng ít lộc rừng thì nhiều cũng chỉ được vài chục triệu, đủ trang trải cho con cái ăn học. Mà người trúng như vậy cũng hiếm lắm. Còn phần lớn đều trở về tay trắng. Như thế vẫn còn hơn những người bỏ mạng nơi rừng xanh núi đỏ, có người khi tìm được xác chỉ còn là nắm xương tàn…

Với riêng Đại tá Đào Quốc Tuấn, có lẽ đây là một trong số ít những vụ án để lại trong ông nhiều day dứt, xót xa cho thân phận những con người phải mang mạng sống của mình để đánh cược với cuộc mưu sinh. Với phu trầm, cái chết đối với họ hình như quá nhẹ nhàng so với những hối thúc cơm áo gạo tiền hàng ngày. Bởi cái chết oan nghiệt của 5 phu trầm không ngăn được những đồng nghiệp của họ. Vụ án chưa khép lại nhưng các phu trầm trong xã, trong huyện đã bước vào một hành trình mới mà chính bản thân họ cũng không thể biết được điều gì đang chờ đợi ở phía trước.

Giám định thương tích tại Trung tâm Giám định pháp y (Viện KHHS - Bộ Công an).

Chiến công thầm lặng

Không trực tiếp khám chữa bệnh cho bệnh nhân, công việc của những người thầy thuốc pháp y của Lực lượng Công an hết sức thầm lặng nhưng góp phần không nhỏ vào cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Ngay trong những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, theo yêu cầu của Cơ quan An ninh điều tra, một tổ công tác của Trung tâm Giám định pháp y Công an vẫn đang tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành khai quật, thu mẫu giám định 9 ngôi mộ ở Quảng Trị và 70 ngôi mộ ở Đắk Lắk liên quan tới dấu hiệu lừa đảo hài cốt liệt sĩ của đối tượng Nguyễn Thanh Thúy tức "cậu Thủy" đang gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Với con số chưa đầy 20 cán bộ chiến sĩ, trong đó có 1 tiến sĩ, 5 thạc sĩ y khoa,  còn lại là bác sĩ đa khoa và 7 giám định viên tư pháp,  trung bình mỗi năm giải quyết trên dưới 1.000 vụ việc giám định các loại ở nhiều lĩnh vực, thế nhưng khi hỏi về nghề bác sĩ pháp y, không riêng gì Đại tá Đào Quốc Tuấn mà hầu hết các bác sĩ, cán bộ, giám định viên tư pháp của Trung tâm Giám định pháp y Công an đều không muốn chia sẻ những khó khăn, vất vả mà họ đã và đang trải qua.

Không chia sẻ, không phải vì ngại, mà theo giải thích của Thượng tá Trần Ngọc Sơn, Phó giám đốc Trung tâm thì do đặc thù của công tác pháp y liên quan đến yêu cầu điều tra nên bác sĩ pháp y phải tuân thủ quy định của ngành, không được tiết lộ thông tin trong quá trình điều tra, trong khi ở một vụ án thì bác sĩ pháp y là một trong những người nắm thông tin sớm nhất. Bác sĩ điều trị còn có thể chia sẻ công việc với đồng nghiệp, với người thân để trao đổi kinh nghiệm, để xả stress. Nhưng với bác sĩ pháp y, ngoài kiến thức chuyên môn có thể học hỏi nhau, còn lại thông tin vụ việc giải quyết phải hoàn toàn giữ bí mật.

Ở một số trường hợp nhất định, bác sĩ điều trị còn có cơ hội sửa sai với bệnh nhân, nhưng bác sĩ pháp y thì không. Mỗi kết luận của bác sĩ pháp y đưa ra phải tuyệt đối chính xác, vì nó liên quan đến sinh mạng, thậm chí cả sinh mệnh chính trị của con người. Bác sĩ pháp y phải biết giữ tâm trong sáng. Sự trong sáng đó bao hàm cả sự chí công, vô tư, khách quan và khoa học. Đó chính là phẩm chất y đức của người bác sĩ pháp y trên hành trình đưa công bằng và công lý đến với mọi người, cả người chết oan khuất, người đang sống, đôi khi cả thủ phạm vì giám định có thể kết luận lỗi gây ra của họ là cố ý hay vô ý.

Thượng tá Trần Ngọc Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Giám định pháp y, Viện KHHS Bộ Công an cho biết, ngày 25/9/2013, Bộ trưởng Trần Đại Quang đã ký Công văn số 3718/BCA-X11 về một số giải pháp nhằm thu hút, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác pháp y trong lực lượng CAND, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/10/2013. Trong đó có những giải pháp cụ thể về biên chế nhằm thu hút cán bộ và đề ra một số chế độ, chính sách ưu đãi đặc biệt đối với các cán bộ trực tiếp làm công tác pháp y.

"Sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Công an và sự tin tưởng của nhân dân chính là nguồn động viên lớn lao để lực lượng pháp y vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà Đảng và ngành đã giao phó" - Thượng tá Trần Ngọc Sơn khẳng định.

Có thể mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nhưng quả thật, ngay cả những người công tác trong ngành y cũng phải công nhận rằng, làm bác sĩ chuyên khoa đã khó, làm bác sĩ pháp y còn khó hơn vì  họ phải làm tốt cả giải phẫu học, mô học lẫn sinh lý học; có kiến thức về  điều trị cho tất cả các chuyên ngành như một bác sĩ đa khoa.

Không những vậy, ngoài chuyên ngành bác sĩ đa khoa, giám định viên, bác sĩ pháp y còn được trang bị kiến thức về khoa học hình sự, về hiện trường, nắm chắc kiến thức pháp luật và được trang bị nghiệp vụ công an nên các đánh giá, kết luận của giám định viên Trung tâm đưa ra đã đáp ứng tốt các yêu cầu của công tác điều tra, truy tố, xét xử. Nhất là trong thời gian gần đây, đặc biệt từ khi Luật Giám định tư pháp có hiệu lực,  ngoài giám định pháp y làm rõ nguyên nhân chết trong các vụ việc thì một phần việc quan trọng khác mà các bác sĩ, giám định viên tư pháp của Trung tâm Giám định pháp y - Bộ Công an phải đảm nhiệm là giám định thương tích, thương tật phục vụ yêu cầu của Cơ quan điều tra và đề nghị trưng cầu giám định đích danh từ người dân.

Anh Nguyễn Văn Thanh, 39 tuổi, ở Thanh Oai, Hà Nội tâm sự, anh bị chém vào tay trong một vụ xô xát, cần giám định thương tích để làm căn cứ giải quyết vụ việc. Từ lâu đã nghe danh của Trung tâm Giám định pháp y Công an, sau khi điều trị lành vết thương, anh Thanh đã trực tiếp đến đề nghị trưng cầu giám định. Khi khám thương cho anh Thanh, các bác sĩ phát hiện anh bị đứt dây thần kinh quay nhưng quá trình điều trị tại bệnh viện đã không phát hiện ra. Nhờ có sự phát hiện kịp thời ấy, anh Thanh đã đến bệnh viện chữa trị sớm, nếu không sẽ bị liệt cả cánh tay.

Gần 30 năm gắn bó với công việc bác sĩ pháp y, Đại tá Đào Quốc Tuấn tâm sự,  cùng là bác sĩ nhưng sứ mệnh của các bác sĩ pháp y lại làm công việc quá đặc biệt, phải trải qua nhiều áp lực tâm lý nặng nề từ xã hội, từ gia đình… Những người trụ lại được với nghề cũng là những người bản lĩnh nhất khi đã vượt qua áp lực tâm lý ấy. Vẫn biết là như vậy nhưng mỗi khi đến dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2, trong thâm tâm của người làm ngành y, bác sĩ pháp y không tránh khỏi  những giây phút trăn trở, suy nghĩ về công việc, về nghề nghiệp của mình.

Nhưng đó cũng chỉ là phút thoảng qua, bởi tập thể các bác sĩ pháp y, những người thầy thuốc - chiến sĩ Công an đã xác định một điều hết sức giản dị,  mỗi người có một sứ mạng nghề nghiệp riêng. Khi nghề nghiệp đã lựa chọn mình thì phải làm hết trách nhiệm, làm tốt nhất khả năng của mình

Hương Vũ
.
.