Bạch Đằng Giang, lịch sử nghìn năm còn vang vọng
- Đến di tích Bạch Đằng Giang, khách không phải chi phí dịch vụ
- Khu di tích Bạch Đằng Giang - nơi giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ
Dòng sông đã đi vào huyền thoại của cuộc thủy chiến với 3 vị anh hùng nổi tiếng của dân tộc: Ngô Quyền đánh tan quân xâm lược Nam Hán (năm 938), Hoàng đế Lê Đại Hành phá tan quân Tống xâm lược (năm 981), Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đại thắng quân xâm lược Mông Nguyên lần thứ ba (năm 1288). Năm 2018 tra trên Google Maps về di tích Bạch Đằng Giang đều cho ra kết quả về với khu di tích Bạch Đằng Giang ở Thủy Nguyên, Hải Phòng mà như lãng quên khu di tích đã được Nhà nước xếp hạng là Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.
Lo ngại sự nhìn nhận sai lệch lịch sử của du khách thập phương, đầu năm nay, Ủy ban nhân dân thị xã Quảng Yên đã có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Ninh và Sở Thông tin và Truyền thông của tỉnh kiến nghị việc này.
3 vị anh hùng dân tộc: Hoàng đế Lê Đại hành, Đức vương Ngô Quyền và Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo. |
Giáo dục truyền thống từ di tích lịch sử
Đến thành phố hoa phượng đỏ, hỏi nên tới đâu chơi, câu trả lời là đi Bạch Đằng Giang. Nằm cách trung tâm thành phố 25 km về hướng Bắc, khu di tích Bạch Đằng Giang kề bên Nhà máy Xi măng TP Hải Phòng. Đây là một công trình văn hóa tín ngưỡng tâm linh được khởi công xây dựng từ năm 2008 và dần hoàn thiện bằng nguồn tiền xã hội hóa.
Bước qua cánh cổng tam quan với 3 chữ “Bạch Đằng Giang” sừng sững, cao vút là một không gian rộng lớn với hàng xi sum sê, cây đa xù xì vạm vỡ có niên đại hàng trăm năm tuổi càng làm cho cảnh vật nơi đây thêm phần an lành, mát mẻ. Đáng chú ý hơn là những cội bồ đề thân to chắc khỏe, tỏa khí linh thiêng. Nằm rải rác hai bên lối là những bức tượng các vị La Hán bằng đá trắng trên nền cỏ xanh khiến cho khuôn viên thêm phần sinh động, bắt mắt.
Ngôi đền đầu tiên ta bắt gặp trong khu di tích là đền thờ Hoàng đế Lê Đại Hành, người đã có công phá tan quân Tống xâm lược trên dòng sông Bạch Đằng vào năm 981. Đền được xây dựng trên nền đất rộng, được khởi công và hoàn thiện cách đây đúng 10 năm, năm 2009.
Bên cạnh khu đền, qua một con đường cỏ cây hoa lá là đến những bậc tam cấp lối đi lên chùa Trúc Lâm Tràng Kênh nằm cheo leo trên ngọn núi đá, thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông - người sáng lập ra trường phái Trúc Lâm Yên Tử. Tiếng nhạc thiền du dương, réo rắt, dặt dìu giữa đất trời khiến lòng người càng thêm bồng bềnh, xao xuyến.
Ngôi chùa nhỏ với khoảng sân bên ngoài có bức tượng Quan Âm Bồ tát bằng đá trắng khuôn mặt toát ra ánh sáng của lòng từ. Mùi nhang khói vấn vít, linh thiêng tỏa bên trong chùa nơi Tam Thế Phật và các vị Long Thần, Hộ Pháp tọa ngự. Đứng ở mảnh sân nhỏ trước chùa, ngó xuống ta sẽ thấy toàn bộ khu di tích Bạch Đằng Giang bao bọc xung quanh, hệt như vòng tròn của một bông hoa nhẹ nhàng ôm lấy nhụy hoa.
Đó là đền thờ Hoàng đế Lê Đại Hành, đền thờ đức thánh Trần Hưng Đạo, đền thờ đức vương Ngô Quyền, đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh như nét chấm phá của bức tranh sơn thủy hữu tình.
Cổng tam quan khu Di tích Bạch Đằng Giang, Thủy Nguyên, Hải Phòng. |
Từ trên cao thấy phía xa xa là cả một khu rừng lim, vườn tượng chế tác cọc Bạch Đằng. Cả khu đất rộng, bằng phẳng mô tả lại những trận đánh oai hùng năm xưa mà người dân đất Việt đã bền gan, quyết chí đánh đuổi quân thù bằng từng lớp cọc cắm trên dòng sông ầm ào nước chảy.
Đứng ở sân chùa trên ngọn núi phóng tầm mắt ra xa để thu nhận cảnh vật, ta ước mình là một chiếc lá được gió cuốn đi, đáp xuống khoảng khuôn viên rộng thênh thang. Nơi đây chính là điểm nhấn của khu di tích với tượng 3 vị anh hùng dân tộc bằng đồng lừng lững, hiên ngang giữa mênh mông trời đất. Bức tượng đầu tiên là vua Lê Đại Hành có công đánh quân Tống xâm lược, xây dựng nước Đại Việt.
Bức tượng thứ hai là đức vương Ngô Quyền - vị Tổ Trung Hưng khai sinh nền văn minh Đại Việt, ngài đại thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, chấm dứt 1117 năm Bắc thuộc. Bức tượng cuối cùng là Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đại thắng Bạch Đằng dập tắt dã tâm xâm lược nước ta, mộng làm bá chủ thế giới của đế chế Mông Nguyên, mở ra nền văn hóa Đông A rực rỡ.
Tượng 3 vị anh hùng dân tộc được đặt trên 3 bệ đá vuông vức, dáng đứng như đang chỉ huy trận đánh, thần thái các vị tướng tài oai hùng, lẫm liệt, mắt dõi trùng khơi, chân đạp sóng, tay chạm kiếm như sẵn sàng cho chiến trận.
Bên cạnh đó là từng hàng cọc bằng sắt, bằng đồng, bằng gỗ được chế tác, phục dựng lại, nhô lên dưới làn nước của dòng sông lịch sử, để tưởng nhớ về thời kì hào hùng của dân tộc trong giai đoạn dựng nước và giữ nước.
Khu di tích là cả một quần thể đền, chùa, vườn, tượng được bố trí hài hòa, cân đối trong tổng thể không gian thăm thẳm một màu xanh dịu mát của cây cối, núi rừng, sông nước, mây trời, khiến cho tâm thần an thái, nhẹ nhàng. Ở đây tuyệt đối không có cảnh bán hàng chèo kéo, không có người ăn xin lang thang, càng không có xả rác bừa bãi. Khu du lịch tâm linh này quả thật mê hoặc lòng người.
Ban quản lý di tích lịch sử Bạch Đằng Giang cho biết, hằng năm số lượng du khách đổ về đây rất đông. Chỉ tính riêng đầu năm 2019, khu du lịch Bạch Đằng Giang đã đón hơn 200.000 lượt khách tham quan, con số này còn được tăng đều theo mỗi năm. Ngoài ra, rất nhiều trường học từ cấp tiểu học cơ sở, phổ thông trung học, đại học về đây để được học những buổi ngoại khóa về lịch sử Việt Nam.
Câu chuyện lịch sử xin đừng nhầm lẫn
Sông Bạch Đằng là con đường thủy trọng yếu để từ miền Nam Trung Quốc, cửa sông Nam Triệu, qua sông Thầy, sông Đuống và cuối cùng là sông Hồng đi vào Thăng Long Hà Nội. Sông Bạch Đằng còn gọi là Bạch Đằng Giang là một con sông chảy từ thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) và qua huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng).
Nếu như khu du lịch Bạch Đằng Giang đang là một điểm hút khách thì Di tích lịch sử Quốc gia Bạch Đằng ở Quảng Yên (được Nhà nước công nhận năm 2012) lại có phần thưa thớt và đìu hiu hơn. Tuy nhiên, với UBND thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh thì vấn đề này gần như đang bị hiểu lầm.
Một nơi thờ tự trang nghiêm trong khu Di tích Bạch Đằng Giang. |
Mọi người cứ nghĩ Bạch Đằng Giang nơi có dòng sông Bạch Đằng chảy qua huyện Thủy Nguyên mới chính là di tích của 3 vị anh hùng dân tộc chỉ huy chiến trận. Thực chất, nơi đây là địa hình núi đá vôi, không thể cắm cọc được như một số nhà nghiên cứu lịch sử đã phân tích ở các cuộc hội thảo.
Theo “Đại cương Lịch sử Việt Nam”, hay các cuốn sử Việt Nam như “Đại Việt Sử ký toàn thư”, “Đại Nam nhất thống chí”, “An Nam chí lược” thì trong trận chiến Bạch Đằng năm 1288, phía Tràng Kênh (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) chỉ là nơi quân Trần phục binh trên núi, trong các bờ sậy, lau lách.
Năm 1988, kỉ niệm 700 năm chiến thắng quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng của quân dân nhà Trần, một số cụm di tích tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh liên quan đến trận đánh năm 1288 đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia.
Năm 1953, người ta đã phát hiện bãi cọc nằm trong một đầm nước giáp đê sông Chanh, thuộc địa phận thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Bãi hiện còn hàng trăm cọc, một số cọc được cắm thẳng đứng, đa số cọc cắm chếch. Các cọc lớn bằng gỗ lim, gỗ táu, đầu dưới vát nhọn, đầu trên bị gãy. Độ dài trung bình từ 2m- 2,8m, có cọc dài lên đến 3,2m. Năm 2005 tại cánh đồng Vạn Muối, thuộc thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh lại tiếp tục phát hiện được một bãi cọc với hàng chục cây cọc trên khu vực rộng 100m, dài 300m.
Người ta đã đo, ước lượng cọc có đường kính từ 10-30cm, có cọc dài trên 2m. Gần đây nhất vào năm 2009 bãi cọc đồng Má Ngựa cũng ở địa phận của huyện này, được các nhà khảo cổ học tiến hành khảo sát và khai quật, bãi cọc có chiều dài 70m, rộng 30m.
Căn cứ vào những chứng cứ thu thập được từ các bãi cọc nằm rải rác trong thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh và nhiều di tích lịch sử khác trong vùng nên cụm quần thể di tích này đã được Nhà nước xếp hạng là Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng. Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng có 11 di tích, gồm bãi cọc Yên Giang, bãi cọc đồng Vạn Muối, bãi cọc đồng Má Ngựa, đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, bến đò Rừng, đình Yên Giang, đền Trung Cốc, đình Trung Bản, thêm 2 di tích miếu Cu Linh và đình Đền Công ở địa phận Uông Bí.
Phòng triển lãm các cổ vật lịch sử trong chiến thắng Bạch Đằng năm xưa thuộc khu di tích Bạch Đằng Giang. |
Nhiều năm trở lại đây, khu di tích gốc này có phần trầm lắng và chưa được trùng tu, tôn tạo cho xứng tầm, trong khi đó khu du lịch Bạch Đằng Giang thị xã Thủy Nguyên (Hải Phòng) lại rực rỡ, hoành tráng lấn át.
Thậm chí, năm 2018, trên bản đồ Google Maps và khi check in trên Facebook đã chỉ dẫn khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng của thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh đều dẫn tới Bạch Đằng Giang, Thủy Nguyên, Hải Phòng. Vào tháng 3 năm nay, UBND thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh kiến nghị với UBND tỉnh Quảng Ninh vì khi tra “Bạch Đằng Giang” trên Google Maps thì chỉ ra khu du lịch Bạch Đằng Giang ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng chứ tuyệt nhiên không thấy có Khu Di tích lịch sử cấp Quốc gia Bạch Đằng ở Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.
Sau đó, ngày 13-3 Sở Thông tin và Truyền thông UBND tỉnh Quảng Ninh đã có công văn gửi Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông nói về vấn đề trên.
Qua kiểm tra, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh xác nhận: Trên Google Maps không có hiện tượng sai lệch vị trí của khu di tích Bạch Đằng Giang, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh vì trên bản đồ Google Maps chưa cập nhật vị trí Khu di tích lịch sử Bạch Đằng thuộc thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, chỉ hiển thị vị trí di tích Bạch Đằng Giang thuộc địa phận huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.
Và có hiện tượng sai biệt khi check-in trên mạng xã hội Facebook về địa chỉ khu di tích Bạch Đằng tại địa phận thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh lại chỉ dẫn sai ra khu di tích Bạch Đằng Giang, Thủy Nguyên (Hải Phòng).
Đến nay cả hai địa điểm trên Google Maps và mạng xã hội Facebook đều đã khắc phục về vị trí Di tích Quốc gia Bạch Đằng, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Nhưng nhiều người vẫn cứ lo ngại giới trẻ ngày nay liệu có nhầm lẫn công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử địa danh nơi diễn ra trận chiến thắng Bạch Đằng trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam là ở vị trí nào.
Dù sao khu du lịch Bạch Đằng Giang, trong khu sinh thái Tràng Kênh, thị xã Thủy Nguyên (Hải Phòng) tuy chưa chứng minh được là nơi diễn ra trận đánh lớn trên sông nước bằng đường thủy nhưng nhìn những công trình đồ sộ, quy mô và bề thế là công sức tập thể của bao con người tâm huyết, ta thấy dấy lên lòng tự hào dân tộc về tinh thần đoàn kết chống giặc ngoại xâm của ông cha trên mảnh đất quê hương. Dòng sông Bạch Đằng ngày nay trong xanh và hiền hòa vẫn không ngừng tuôn chảy.