Bãi cọc Cao Quỳ mở ra hướng nghiên cứu mới về Chiến thắng Bạch Đằng 1288

Thứ Bảy, 28/12/2019, 07:53
Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia đều khẳng định việc phát hiện, khai quật di tích bãi cọc có giá trị to lớn, đầy đủ, toàn diện và chính xác, mở ra hướng nghiên cứu mới về chiến dịch, chiến thắng Bạch Đằng năm 1288.

Nếu như trước đây chúng ta dựa vào sách và các mô tả rất trừu tượng, các nhà khoa học phải tưởng tượng ra, với một điểm “neo” là bãi cọc đã được phát hiện ở thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh), sau đó các nghiên cứu đều xoay quanh đấy thì cho đến gần đây, khi phát hiện bãi cọc Cao Quỳ ở xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng, cho thấy trận địa này nằm rất gần cửa Bạch Đằng, có một lạch triều chạy qua đây. 

Và rất có thể bãi cọc này còn lớn hơn bãi cọc đã tìm thấy ở Quảng Yên nên chưa thể khẳng định trận đánh chính nằm ở bãi cọc Quảng Yên hay Cao Quỳ...

 Chứng tích của một trận địa cổ

Đầu tháng 10 vừa qua, người dân địa phương trong lúc đào đất tại cánh đồng nằm trong khu vực đê bao sông Đá Bạc, thuộc thôn Cao Quỳ, xã Liên Khê bất ngờ phát hiện 2 thân gỗ chôn sâu dưới lòng đất. Bảo tàng Hải Phòng đã xuống hiện trường khảo sát, kiểm tra, lấy mẫu cọc gửi Viện Khảo cổ học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) giám định niên đại. 

Các nhà khoa học, chuyên gia tại hội nghị báo cáo kết quả khai quật bãi cọc Cao Quỳ.

Sau đó, đoàn khảo sát của Viện Khảo cổ học Việt Nam tiếp tục xuống hiện trường, phát hiện thêm 9 đầu cọc, kết quả giám định C14 cho niên đại 1270-1430 AD. Theo đó, Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng có văn bản đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng khai quật di tích cánh đồng Cao Quỳ.

Kết quả khảo sát và khai quật khảo cổ trên diện tích 950m², với 3 hố khai quật đã phát hiện 27 cọc. Các cọc phân bố không thẳng hàng, theo chiều Đông - Tây, đường kính từ 26-46cm và trên thân có mộng ngàm dùng để buộc dây kéo. Nghiên cứu địa tầng cũng cho thấy, khu vực xuất lộ cọc là lòng sông bị bồi lấp, các thân gỗ xuất lộ trong lớp bùn xám, có thể được chôn/đóng xuống qua lớp bùn đen lẫn cát hoặc tới lớp trầm tích sét trắng lẫn vàng loang lổ.

Trở lại lịch sử vùng đất nằm ở phía hữu ngạn sông Bạch Đằng là huyện Thủy Nguyên ngày nay, chính là địa bàn trọng yếu của cả 3 trận thủy chiến ác liệt nhất trong lịch sử cổ trung đại Việt Nam, từ thế kỷ thứ X đến XIII. Đó là chiến thắng năm 938 của Đức vương Ngô Quyền đánh tan quân xâm lược Nam Hán, kết thúc 1.000 năm Bắc thuộc, khẳng định độc lập chủ quyền của đất nước. 

Tiếp đến, năm 981, Hoàng đế Lê Đại Hành đánh bại quân Tống sang xâm lược, bảo vệ nền độc lập của quốc gia Đại Cồ Việt. 

Cuối cùng là vào năm 1288, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã tổ chức một trận địa cọc hùng vĩ dọc 2 bên sông Bạch Đằng, tiêu diệt, bắt sống đạo binh thuyền hùng mạnh của quân Nguyên Mông, với 600 chiến thuyền, 40 nghìn quân, do Ô Mã Nhi chỉ huy, kết thúc cuộc kháng chiến hào hùng chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ ba của dân tộc ta.

Trong quá trình khai quật di tích cánh đồng Cao Quỳ vừa qua, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng tiếp tục khảo sát các di tích, dòng sông cổ, bến cổ thuộc xã Liên Khê. Được biết, cách đây khoảng 30 năm, khi canh tác trên cánh đồng Cao Quỳ, nhiều người dân cũng đã phát hiện được hàng chục cọc gỗ, có đường kính khoảng từ 35-50cm. 

Cùng với đó, kết quả nghiên cứu các di tích của xã Liên Khê, như đền Thụ Khê, chùa Mai Động, chùa Thiểm Khê đã được xếp hạng Di tích quốc gia từ năm 1993, liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng lần thứ ba. Những di tích này còn ghi đậm dấu ấn vào năm 1288, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã về đây khảo sát trận địa, tập luyện binh mã cho trận chiến chống quân Nguyên Mông.

Theo đó, bước đầu Viện Khảo cổ học nhận định, bãi cọc Cao Quỳ thuộc trận chiến Bạch Đằng lần 3, năm 1288, để ngăn chặn quân Nguyên Mông không đi vào khu vực sông Giá và khu vực chỉ huy của Trần Quốc Tuấn, buộc đạo quân này đi theo sông Đá Bạc ra sông Bạch Đằng và bị rơi vào trận địa cọc của ta bố trí sẵn, khiến toàn bộ quân địch bị nhấn chìm xuống đáy sông. Chấm dứt hoàn toàn mộng xâm lăng của đế quốc Nguyên Mông với quốc gia Đại Việt.

Thay đổi nhiều quan điểm nhận định về chiến thắng Bạch Đằng

Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia đều khẳng định việc phát hiện, khai quật di tích bãi cọc có giá trị to lớn, đầy đủ, toàn diện và chính xác, mở ra hướng nghiên cứu mới về chiến dịch, chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. Phát hiện này góp phần thay đổi toàn bộ nhận định trước đây cho rằng, trận chiến Bạch Đằng chỉ diễn ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ngày nay. 

Cùng với đó, từ kết quả giám định, phân tích, khảo sát thực địa, các đại biểu đồng quan điểm, bãi cọc Cao Quỳ là một phần trận địa liên quan đến chiến dịch chống quân Nguyên Mông năm 1288 của quân dân nhà Trần.

TS Lê Thị Liên, nguyên Trưởng Phòng Nghiên cứu khảo cổ học dưới nước (Viện Khảo cổ học) bày tỏ niềm vui, tự hào khi bãi cọc Cao Quỳ được phát lộ. Theo TS Liên, bãi cọc Cao Quỳ được thiết kế giống như “hàng rào”, làm hẹp dòng chảy, tàu địch bị “dồn toa” khi rút chạy và rơi vào kế “hỏa công” của quân dân nhà Trần.

PGS.TS Bùi Văn Liêm, Tổng Biên tập Tạp chí Khảo cổ học, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học, thành viên Hội đồng Di sản quốc gia nêu rõ, từ kết quả giám định cọc gỗ phát lộ tại cánh đồng Cao Quỳ cho thấy niên đại khớp với trận chiến Bạch Đằng năm 1288. Nhận định này hoàn toàn có cơ sở vì ngoài cọc gỗ, quá trình khai quật phát hiện nhiều mẫu vật khác cùng niên đại.

Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, bãi cọc Cao Quỳ giúp các nhà khoa học nghiên cứu, người dân cả nước có nhận thức mới đúng đắn, đầy đủ, khách quan, sát hiện thực hơn về trận chiến Bạch Đằng năm 1288. 

Phát hiện này khẳng định Hải Phòng chính là nơi từng diễn ra các trận đánh và có đóng góp quan trọng trong chiến dịch chống quân xâm lược Nguyên Mông của quân dân nhà Trần. Từ đó, thay đổi quan điểm trước đây là trận chiến Bạch Đằng chỉ diễn ra tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh ngày nay, mà là chiến dịch có quy mô rất lớn, diễn ra ở nhiều trận địa liên hoàn...

“Chiến thắng này không chỉ thể hiện hào khí Đông A, niềm tự hào, tự tôn dân tộc Đại Việt mà mang ý nghĩa quốc tế. Chính từ thất bại tại Bạch Đằng, vó ngựa quân Nguyên Mông phải ngừng mở rộng xâm lược các nước Đông Nam Á và Nhật Bản...” - GS.TS Nguyễn Quang Ngọc nhận định.

GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư liên ngành lịch sử - khảo cổ - dân tộc học, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia khẳng định, phát lộ bãi cọc tại cánh đồng Cao Quỳ là một phát hiện cực kỳ quan trọng để giúp chúng ta có những nhận thức hết sức mới, thậm chí làm thay đổi nhận thức về chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 của quân dân nhà Trần trước quân xâm lược Nguyên Mông. 

Cũng theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, lâu nay có nhiều ý kiến về việc xác định trận Bạch Đằng diễn ra trên địa bàn Quảng Ninh hay Hải Phòng ngày nay. Bây giờ có thể khẳng định, trận Bạch Đằng chủ yếu dựa vào địa thế hai bên bờ sông, hai địa phương đều có đóng góp. 

Nhưng xét về cấu trúc địa chất thì việc quân ta ém quân bên Thủy Nguyên phù hợp hơn vì có núi non thuận lợi với phục binh. Có khả năng lớn đây là nơi đã được quân ta dụ địch vào để đánh. Do đó, từ việc phát lộ bãi cọc lần này mở ra rất nhiều hướng nghiên cứu mới, trên cả phương diện về khảo cổ học, lịch sử quân sự và kháng chiến chống ngoại xâm...

Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử

“Các hiện vật nằm trong lòng đất nhiều thế kỷ, nay xuất lộ, do tác động ánh sáng mặt trời, khí hậu... dễ dẫn đến bị hư hại. Nếu có vấn đề gì, chúng ta không chỉ có lỗi với các bậc tiền nhân mà cả hậu thế mai sau” - TS Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) bày tỏ lo ngại. 

Bãi cọc Cao Quỳ được khai quật.

Theo đó, cùng với các phương án bảo vệ, không để du khách, người dân hiếu kỳ xâm phạm hiện vật, TS Trần Đình Thành đề nghị TP Hải Phòng phải sớm quy hoạch sử dụng đất khu vực cánh đồng Cao Quỳ để di tích tránh bị xâm hại.

PGS.TS Doãn Đình Lâm, Viện Địa chất (Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ) thì cho rằng, để bảo vệ tốt nhất di tích, Sở Văn hóa - Thể thao Hải Phòng cần sớm hoàn thiện các thủ tục công nhận di tích cấp thành phố. Đồng thời, phối hợp cơ quan chức năng xây dựng hồ sơ trình công nhận là di sản cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt với di tích bãi cọc Cao Quỳ để có cơ sở pháp lý, sự vào cuộc của nhiều đơn vị chung tay bảo vệ.

GS.TSKH Vũ Minh Giang cũng bày tỏ quan điểm: “Sau khi xuất lộ và được khai quật thì khâu bảo tồn sẽ như thế nào? Những chiếc cọc được ngâm dưới đất hàng nghìn năm, giờ khai quật, mặt trời chiếu, ánh nắng, nhiệt độ sẽ phá hủy rất nhanh nên bảo tồn như thế nào? Việc bảo tồn trong lòng đất có khi sẽ giữ được lâu hơn khi xuất lộ. 

Tiếp đến, chúng ta sẽ phát huy ý nghĩa của trận Bạch Đằng như thế nào? Việc tôn tạo, phát huy làm sao cho sinh động, thu hút giới trẻ tới xem bằng sự thích thú và tự hào. Và cách tái hiện cho lớp trẻ và những người đến tham quan có thể thấy rõ được chiến trận của các cụ trước đó phải đi đẵn gỗ như thế nào? Vận chuyển ra lòng sông ra sao? Điều đó hay và thu hút vô cùng”.

Theo đó GS.TSKH Vũ Minh Giang đề xuất ý tưởng xây dựng bảo tàng tái hiện lại trận chiến Bạch Đằng trên địa bàn di tích, làm sống lại khí thế hào hùng của thời chống quân Nguyên Mông. Đồng thời cũng gợi mở các cơ quan chức năng mở rộng nghiên cứu để đề nghị công nhận chiến dịch Bạch Đằng 1288 là di sản thế giới.

Trên cơ sở các báo cáo và ý kiến của Viện Khảo cổ học, các nhà khoa học, các chuyên gia, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành cho biết, sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan của thành phố phối hợp với Viện Khảo cổ học hoàn thiện các thủ tục để tổ chức công bố, thông tin, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin, truyền thông, trên các diễn đàn khoa học trong nước và quốc tế về phát hiện và kết quả khai quật bãi cọc Cao Quỳ.

Thành phố Hải Phòng cũng sẽ khẩn trương triển khai thủ tục công nhận di tích lịch sử cấp thành phố và xúc tiến các thủ tục đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt cho bãi cọc. Đồng thời, tổ chức khảo sát tổng thể trên phạm vi rộng từ khu vực xã Liên Khê dọc theo sông Đá Bạc đến khu di tích Bạch Đằng Giang, thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, để lập quy hoạch và xây dựng dự án hạ tầng kỹ thuật, nhằm khai thác, phát huy giá trị của bãi cọc Cao Quỳ cùng các di tích trong khu vực. 

Trong đó, yêu cầu bảo đảm về đường giao thông, hệ thống cây xanh, công viên, bãi đỗ xe, khu vực tham quan, tìm hiểu bãi cọc cùng các công trình hạ tầng phục vụ người dân, du khách đồng bộ, liên hoàn, hiện đại.

V. Huy
.
.