Lãng phí đáng sợ trong Dự án tháp đôi ở Đại học Kinh tế Quốc dân:

Bài học đắt giá cho đầu tư công

Thứ Tư, 04/07/2012, 14:20

Nếu là tài sản tư, chẳng có ai bỏ ra gần 400 tỉ đồng để rồi ngày lại ngày ngắm nhìn hai tòa tháp xây dựng dở dang. Nếu là tài sản tư, cũng chẳng ai lại để cho mưa, nắng làm cho các hạng mục đã thi công mỗi ngày thêm hỏng hóc, chất lượng công trình đe dọa xuống cấp. Dự án Nhà Trung tâm Đào tạo (còn được gọi là tháp đôi), Trường đại học Kinh tế Quốc dân (KTQD) là công trình đầu tư công, thuộc dự án nhóm A được Chính phủ phê duyệt nhưng cả năm nay đang "đắp chiếu" trong tình trạng mới xây thô đến tầng 7.

Dự án nghìn tỉ hụt hơi

Năm 2003, Thủ tướng phê duyệt quyết định đầu tư dự án Nhà Trung tâm Đào tạo với kinh phí 518 tỉ. Năm 2006, dự án được khởi công trong niềm vui hân hoan của thầy, trò Trường đại học KTQD lẫn những người quan tâm đến nền giáo dục nước nhà. Niềm vui ấy càng nhân lên gấp bội khi tư vấn giám sát, tư vấn quản lý và đặc biệt là nhà thầu đã ngày đêm dốc toàn lực để tòa tháp đôi duy nhất của một trường đại học ở Việt Nam nên vóc, nên hình.

Nhìn không khí làm việc hừng hực tại công trường, ai cũng tin rằng dự án này sẽ hoàn thành đúng tiến độ. Khi đó, tòa tháp đôi với hai khối nhà cao 19 và 13 tầng nằm ở trung tâm thành phố với mặt tiền kép sẽ trở thành biểu tượng cho sự lớn mạnh của giáo dục đại học nói chung và nâng tầm Đại học KTQD trong mắt người dân và bạn bè quốc tế. Khấp khởi mừng vui bao nhiêu thì nỗi buồn lại càng se sắt bấy nhiêu khi phải chứng kiến sự thật phũ phàng - công trình đang "đắp chiếu" cả năm nay. Không đưa vào khai thác như kế hoạch, gây lãng phí đã đành, tại dự án này còn đang tồn tại sự thật đau lòng là thiết bị vật tư khấu hao một cách vô ích, các cấu kiện đã thi công xuống cấp nghiêm trọng.

Ngày 16/6 vừa qua, có mặt tại công trường này, chúng tôi thấy nước lênh láng ở tầng hầm, các cọc thép hoen gỉ, thiết bị phục vụ thi công "nằm ngủ" im lìm. Cũng phải thôi, do tầng hầm không có mái che làm ứ đọng nước mưa gây hỏng kết cấu bê tông cốt thép. Cốt thép chờ cột vách không được thi công ghép cốt pha đổ bê tông tiếp nên cứ đứng chơ vơ giữa trời, để cho mưa nắng làm han gỉ. Thế nên, thép giảm cường độ, chất lượng công trình bị ảnh hưởng là đương nhiên.

Đầu tư gần 400 tỉ đồng, sau mấy năm trời để đổi lại một công trình xây dựng dở dang. Bất cứ người dân nào cũng nhìn thấy sự lãng phí khi để xảy ra tình trạng này. Thế nên, chúng tôi cũng tin chắc rằng, Đại học KTQD - cái nôi đào tạo ra các nhà kinh tế cho đất nước sẽ biết chính xác những con số cụ thể về tiền bạc bị mất mát mỗi ngày. Nếu "của đau" thì "con" phải "xót" chứ? Thế nhưng có một thực tế dường như ngược lại.

Đi ngược lại thời gian, chúng tôi mới biết rằng, dù là chủ đầu tư nhưng đến nay, Trường đại học KTQD mới góp 4,8 tỉ đồng. Nếu so với con số gần 400 tỉ đồng đã chi phí cho công trình này thì thật nhỏ nhoi. Vậy, nguồn vốn nào đã chi cho việc xây dựng công trình này? Xin thưa, đó là ngân sách Nhà nước. Mà đã là ngân sách Nhà nước thì có đóng góp của toàn dân. Vậy thì, càng phải để những đồng tiền nhỏ nhoi, gom góp từ hàng triệu người dân  được sử dụng hữu ích chứ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), đơn vị quản lý nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp cho đầu tư cơ bản cho giáo dục hàng năm, đơn vị có thẩm quyền rót vốn cho dự án này đương nhiên phải có trách nhiệm dõi theo đồng tiền đã bỏ ra. Phải hối thúc để vốn ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học phát huy tác dụng. Hà cớ gì, một công trình xây dựng dở dang ở nơi chỉ cách trụ sở Bộ chừng hơn 1km lại phải để dang dở như vậy? Hiện tại, cả Trường KTQD lẫn Bộ GD&ĐT đang đổ lỗi cho cơ chế.

Trong khi sự lãng phí hữu hình được làm mờ bởi trách nhiệm chung thì những đơn vị đứng tên là bên B trong dự án này lại đưa ra con số thiệt hại rất cụ thể. Cũng phải thôi, bởi với trách nhiệm là bên B, tư vấn giám sát, tư vấn quản lý, nhà thầu đã cam kết thực hiện các điều khoản trong hợp đồng. Để thực hiện việc này, họ phải đầu tư trang thiết bị và tập trung nhân lực. Cũng bởi tôn trọng những ràng buộc đã ký, mà nhà thầu không ngại ngần nhập khẩu 120 tấn cáp dự ứng lực trị giá 9,6 tỉ đồng nhưng hiện đang tồn kho. Đấy còn chưa kể, do hệ thống điện nước đặt chờ cho công trình chủ đầu tư không tổ chức đấu thầu trong khi, không có hệ thống điện nước thì không thể thi công được nên nhà thầu phải chủ động đặt trước hệ thống chờ để đổ bê tông.

Đến nay, nhà thầu đã thi công đến cos + 32.1m nhưng chủ đầu tư mới chỉ định thầu hệ thống đặt chờ kỹ thuật cho sàn cos 0.00m. Ngoài ra, còn rất nhiều khối lượng phát sinh như: Toàn bộ khối lượng cáp dự ứng lực cho sàn khối nhà từ trục 7-12 (khối nhà 13 tầng); toàn bộ khối lượng cốt pha cốt thép bê tông dầm cos +23.35 trục từ 4-7. Tính đến thời điểm hiện tại, nhà thầu đã đầu tư 179,6 tỉ đồng nhưng mới được thanh toán 115 tỉ.

Ngoài giá trị đã đầu tư cho thi công chưa được chủ đầu tư thanh toán 64,6 tỉ, phải chịu lãi suất vốn vay 1,7 tỉ/tháng. Nhà thầu đã đầu tư 60 tỉ trang thiết bị máy móc thi công phải chịu khấu hao và lãi vay ngân hàng mỗi tháng 1,4 tỉ đồng. Như vậy, tính ra mỗi tháng nhà thầu phải trả lãi suất ngân hàng gần 3 tỉ đồng cho số tiền đã đầu tư thi công cho dự án mà chủ đầu tư chưa thanh toán. Nếu không vì đáp ứng tiến độ, không vì đảm bảo chất lượng công trình. Và cái quan trọng nhất là giữ uy tín, Tổng công ty 36 đã không bỏ tiền túi để ứng trước cho nhà thầu, để rồi được "đáp trả" bằng những thiệt hại là những con số tiền tỉ mỗi tháng và cả sự thờ ơ không thèm phúc đáp hàng chục văn bản mà nhà thầu đã gửi đến cho chủ đầu tư.

Cần phải xác định rõ ràng rằng, chủ đầu tư dự án này là Trường đại học KTQD. Đơn vị chủ quản của trường này là Bộ GD&ĐT. Với trách nhiệm là cơ quan chủ quản, Bộ GD&ĐT cũng là cơ quan có chức năng phân bổ nguồn vốn ngân sách để thực hiện dự án này. Với tư cách là chủ đầu tư, Đại học KTQD có trách nhiệm tự bổ sung vốn cho dự án. Đồng thời, trường này cũng có trách nhiệm đề ra phương án huy động các nguồn vốn khác. Ngoài ra, chủ Đại học KTQD phải thực hiện các điều khoản đã ký kết với nhà thầu, với các đơn vị tư vấn. Nhắc đến vị trí, vai trò của hai đơn vị này để biết, để xảy ra sự chậm trễ, gây lãng phí nhiều tỉ đồng là do đâu.

Công trình dừng thi công cả năm nay.

Trong báo cáo tình hình thực hiện dự án này của Cục Cơ sở Vật chất thiết bị trường học - Đồ chơi trẻ em (gọi tắt là Cục Cơ sở vật chất) ngày 8/5/2012 nêu: Ngày 1/1/2006, công trình tháp đôi khởi công xây dựng. Gói thầu xây lắp phần móng và hai tầng hầm đã hoàn thành. Hiện nay, dự án đang thực hiện gói thầu xây lắp phần thân, đã xây dựng đến tầng 7 trong tổng số 19 tầng. Từ năm 2002 đến năm 2011, Trường đại học KTQD được cấp 382,656 tỉ đồng từ ngân sách Nhà nước, trong đó chi cho giải phóng mặt bằng là 68.964 triệu đồng. Trong mục theo dõi việc cấp vốn đầu tư dự án cho thấy, tùy từng năm, số vốn cấp khác nhau. Cao nhất là 60 tỉ (năm 2008) thấp nhất 2,8 tỉ (năm 2002). Vốn nhà trường đóng góp là 4,484 tỉ đồng.

Chúng tôi được biết, năm 2011, Bộ GD&ĐT cấp 30 tỉ đồng cho dự án này nhưng mới thực chi 18 tỉ. Không thanh toán giá trị đã xây lắp đã nghiệm thu và các chi phí phát sinh trong quá trình xây lắp; hết thời hiệu hợp đồng nhưng chủ đầu tư không ký phụ lục hợp đồng kéo dài thời gian với đơn vị thi công, đơn vị tư vấn nên khối lượng nhà thầu thi công cũng không được tư vấn ký xác nhận, nguồn vốn được Nhà nước bố trí, không trả nhà thầu… Việc này khiến cho nhà thầu phải ngừng thi công. Dự án tháp đôi đại học lẽ ra phải được hoàn thành đúng tiến độ, vậy mà lại bị hụt hơi giữa đường, đẩy bên B rơi vào tình cảnh sa chân trong sình lầy, dư luận bất bình.

Phải tháo gỡ, đó là đòi hỏi bắt buộc. Bộ GD&ĐT nhiều lần đề nghị Trường đại học KTQD đưa ra phương án huy động vốn. Các bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư cũng có văn bản yêu cầu Bộ GD&ĐT phải đưa ra phương án huy động vốn từ nguồn khác. Thế nhưng, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa đưa ra được phương án khả thi nào. Trong khi đó, giải pháp hoàn thiện phần đã xây dựng để đưa vào sử dụng được Bộ GD&ĐT đưa ra. Tuy nhiên, phương án này lại gặp phải sự phản đối của chủ đầu tư, của người am hiểu lĩnh vực xây dựng… Đến hôm nay, vẫn chưa có lời giải cho ẩn số - nguồn vốn nào cho tháp đôi Đại học KTQD, trong khi đó những phát sinh pháp lý lại bắt đầu bùng nổ.

Đại tá Đặng Thái Giáp, TGĐ Công ty 36: Khởi kiện chủ đầu tư ra tòa

Nhà thầu đã làm hết trách nhiệm của mình để công trình Nhà Trung tâm Đào tạo hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng tốt nhất. Chúng tôi đã đầu tư thiết bị máy móc, áp dụng công nghệ hiện đại nhất để thi công và bỏ cả tiền túi cho việc này. Thế nhưng, đáp lại sự nhiệt thành của chúng tôi là thái độ vô cảm, để mặc kiểu "sống chết mặc bay…". Chị cần bằng chứng ư? Đây! Hàng chục công văn lên, công văn xuống nhưng chủ đầu tư chẳng thèm trả lời chúng tôi.

Đến mức, ngày 5/6 vừa qua, chúng tôi có báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Trong văn bản này, ngoài việc nêu rõ khối lượng đã thi công, chúng tôi còn đề nghị chủ đầu tư phải có văn bản chính thức trả lời các kiến nghị; có cơ chế giải quyết các nợ đọng cũ với nhà thầu thi công, đủ để đáp ứng tiến độ dự án; ký phụ lục hợp đồng; bồi thường thiệt hại cho nhà thầu; bồi thường toàn bộ thiệt hại cho Tổng Công ty 36 vì không kịp có ý kiến giải quyết các kiến nghị, chậm thanh toán, tạm ngừng thi công dự án theo Hợp đồng đã ký kết với nhà thầu và theo quy định của pháp luật.

Theo quy định của pháp luật, phải có vốn dự án mới được mời thầu, mới được khởi công. Với tư cách là nhà thầu chính, chúng tôi không quan tâm đến nguồn vốn ở đâu bởi đây là trách nhiệm của chủ đầu tư. Chúng tôi cũng là doanh nghiệp Nhà nước, chúng tôi phải có trách nhiệm bảo tồn và phát triển nguồn vốn này. Nội lực doanh nghiệp chúng tôi có, nhưng nếu cứ gặp chủ đầu tư như kiểu này thì ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hiện nay, chúng tôi buộc phải dừng thi công bởi hết thời hiệu hợp đồng. Nhiều hạng mục thi công xong, không ai nghiệm thu. Nếu tiếp tục thi công, chúng tôi lại sai luật. Thế nên, cực chẳng đã, chúng tôi hiện đang hoàn tất thủ tục pháp lý để khởi kiện chủ đầu tư ra tòa vì đã vi phạm các điều khoản trong hợp đồng.

Ông Trần Duy Tạo, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất Thiết bị trường học - Đồ chơi Trẻ em, Bộ GD&ĐT: Nếu nhà trường có cơ chế huy động vốn hợp lý, mỗi năm Bộ cấp tối đa 100 tỉ  (trong vòng 4 năm) để hoàn thành dự án.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang thực hiện 3 dự án nhóm A. Đó là xây mới Trường đại học Tây Bắc; xây dựng phân hiệu Đại học Thủy sản; Nhà Trung tâm Đào tạo, Đại học KTQD. Ngoài ra, Bộ còn có các dự án khác cho giáo dục phổ thông, vốn đối ứng cho các dự án ODA… Thế nên, việc tập trung vốn ngân sách cho Đại học KTQD là rất khó. Tuy nhiên, Bộ cũng nhiều lần đề nghị Trường KTQD có phương án huy động vốn ngoài ngân sách. Nếu có cơ chế hợp lý, Bộ sẽ cấp tối đa 100 tỉ đồng/năm trong vòng 4 năm cho trường này để hoàn thành dự án. Thế nhưng đến giờ, trường này vẫn chưa đưa ra được phương án huy động vốn nào khả thi.

Phương án, đáp ứng 10% vốn cho dự án mà Trường KTQD đưa ra chúng tôi thấy không hợp lý. Theo kiểm toán Nhà nước, mỗi năm nguồn thu từ học phí của trường này 300 - 400 tỉ. Thế nên, việc dành một phần để xây dựng cơ bản, trường có thể làm được. Nguyên nhân của việc trì trệ này là khi phê duyệt dự án không nêu rõ tỷ lệ vốn ngân sách, vốn xã hội hóa, vốn nhà trường là bao nhiêu. Vì lẽ này, nên trường ỷ lại vào vốn ngân sách.

GS.TS. Phan Công Nghĩa, Phó Hiệu trưởng trường Đại học KTQD: Xin cơ chế đặc biệt

Việc đầu tiên trong tuần này là chúng tôi họp với các đơn vị liên quan đến việc xây dựng để giải quyết các vấn còn tồn đọng. Tiếp đến, chúng tôi tiếp tục xin cơ chế đặc thù để có vốn thực hiện tiếp dự án. Về nội lực, trường khó đáp ứng yêu cầu đóng góp vốn lớn hơn đề xuất 10%. Còn giải pháp hoàn thiện 7 tầng đã xây thô đưa vào sử dụng, ý kiến cá nhân tôi là không khả thi. Bởi lẽ, để làm việc này phải phê duyệt lại dự án, phải có vốn để hoàn thiện…                                

V.N.

- Năm 2003, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định đầu tư xây dựng Nhà Trung tâm Đào tạo Trường đại học KTQD với tổng mức đầu tư 518,1 tỉ đồng.

- Năm 2005, Bộ GD&ĐT có Quyết định điều chỉnh bổ sung dự án với tổng mức đầu tư 792,5 tỉ đồng. Nguồn vốn: Ngân sách Nhà nước, vốn tự bổ sung của nhà trường và các nguồn vốn hợp tác khác; tiến độ thực hiện: 2003 - 2010.

- Năm 2010, Đại học KTQD có tờ trình xin điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 1.160 tỉ đồng và điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ 2003-2012. Bộ GD&ĐT hiện chưa phê duyệt điều chỉnh mức đầu tư này.

Vĩnh Nghi
.
.