Bài toán giữ đất trước nạn “cát tặc” chưa có lời giải

Thứ Ba, 12/07/2016, 17:25
Những năm gần đây, tình hình khai thác, kinh doanh khoáng sản trái phép, đặc biệt là khai thác cát lậu trên địa bàn phường Long Phước, quận 9, TP HCM diễn ra phức tạp. Việc khai thác cát bừa bãi tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, gây sạt lở bờ sông, làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công trình và an toàn giao thông đường thủy, khiến dư luận hết sức bức xúc.

Vườn ở… giữa sông

Len lỏi qua mấy khu vườn của người dân nằm kề bờ sông, chúng tôi tới khu vực đang bị đội quân khai thác cát lậu “tấn công dữ dội nhất”. Khoát tay chỉ ra sông Đồng Nai, đoạn chảy qua khu phường Long Phước, quận 9 TP HCM, anh H., một “thổ dân” ở đây, dẫn chúng tôi tới hiện trường nói: “Hàng chục héc-ta đất của người dân khu vực này đã bị mất trắng. Con số này mỗi ngày một tăng, làm sao có thể lấy lại được. Giờ chỉ mong cơ quan chức năng vào cuộc một cách quyết liệt mới có thể giữ đất”.

Anh H. đã nhiều lần dẫn phóng viên các báo đài xuống hiện trường. Lần nào xuống anh cũng thấy đất của bà con khu vực này bị “hà bá” nuốt thêm một ít. Anh xót, dù nhà không có đất tại khu vực này. Anh bảo: “Đất của ai cũng vậy, mất đất là mất tiền, giờ không giữ chưa biết chừng cứ đà này vài năm nữa nhà mình cũng chẳng còn”. Nhà anh H. cách bờ sông vài trăm mét.

Tang vật chất đống tại sân trụ sở phường Long Phước chờ xử lý.

Trên tuyến sông Đồng Nai, nạn khai thác cát trái phép diễn ra ồ ạt. Sau một thời gian dài bị bơm, hút vô tội vạ, trữ lượng cát ở khu vực giữa sông gần như cạn kiệt. Để tận thu, hiện các đối tượng hút cát lậu tổ chức bơm, hút sâu vào phía bờ, tạo hàm ếch rộng, khiến bờ sông, ruộng vườn của người dân bị sạt lở nghiêm trọng. Để giữ đất, có người đã dựng chòi, thuê người trông coi nhưng cũng bằng không bởi đội quân hút cát vừa đông lại vừa liều lĩnh, đe dọa cả người trông coi. Chúng còn đưa vòi hút tới tận chân chòi, không nhanh chóng bỏ của chạy lấy người, có ngày làm mồi cho “hà bá”.

Một người dân mua hơn 3.000 m2 đất để an dưỡng tuổi già, nhưng đến nay cát tặc “xơi tái” của bà hơn 2.000 m2. Có người tìm về đây mua đất, bẵng đi thời gian khi quay lại thăm, không biết đất của mình nằm ở vị trí nào. Hỏi người bán đất thì được biết hiện đất của mình ở... giữa sông.

Một cán bộ của xã Long Phước cho biết, qua thống kê vào đầu năm 2016, toàn xã có khoảng 42 ha đất dọc sông Đồng Nai bị sạt lở, nguyên nhân chủ yếu do bơm hút cát trái phép. Tình trạng rất đáng lo ngại, chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp ngăn chặn nhưng “cát tặc” vẫn hoành hành.

Ông Tư, 75 tuổi, gắn bó với vùng đất này cũng từng ấy năm. Trải qua bao thăng trầm thời cuộc, bao lần trốn quân dịch, bấy nhiêu lần những bụi dừa nước, cây bần che chở ông. Giờ đây, những rặng dừa ngày một ít đi, những cây bần tối hôm trước còn đứng đó, sáng hôm sau đã lộn ngược giữa dòng. Tất cả do khai thác cát lậu mà ra nông nỗi.

Ông Tư bảo, có thời gian, nhất là những tháng cuối năm  2015, đêm nào chúng (cát tặc) cũng khai thác rầm trời. Thời gian gần đây có ít đi, không còn rầm rộ như trước nữa, tuy nhiên có hôm vẫn kéo dài cả đêm. Tiếng nổ phát ra từ những chiếc ghe, tàu hút cát ầm ầm suốt đêm khiến những người già như ông chẳng thể ngủ được.

Tàu, ghe hút cát xong sáng ra lại rút về bên kia sông, phía huyện Nhơn Trạch, nằm chờ, tối hôm sau nếu không có động tĩnh gì lại tiếp tục hoạt động. Một đoạn kè bê tông sâu tới 15-20 m, gần nơi ông ở, của một người dân xây dựng chắn sóng, chống “cát tặc” bị đổ sụp xuống sông. Xưa có câu “một đêm ăn trộm bằng ba năm làm”, nay một đêm những kẻ khai thác cát trái phép có thể khai thác hàng trăm m3, thu nhập lên tới hàng trăm triệu đồng. Chính vì thu nhập cao như thế nên “cát tặc” cực kỳ liều lĩnh và manh động.

Tang vật khai thác cát trái phép được trục vớt nằm ngổn ngang tại chân cầu Long Thuận, phường Long Phước.

Ngăn chặn “vòi rồng”

Từ cuối năm 2015 đến nay, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, chủ công là Đội 3, Công an TP HCM, phối hợp với các đơn vị chức năng của quận 9 và cơ quan chức năng các địa phương giáp ranh Đồng Nai, Long An, Bình Dương tích cực đấu tranh, triệt phá các đối tượng khai thác, bơm hút, mua bán cát trái phép trên các tuyến sông Đồng Nai, Sài Gòn…

Nhiều đối tượng, phương tiện, tang vật vi phạm bị bắt giữ và bị xử phạt hành chính lên tới hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, nạn khai thác cát trái phép vẫn diễn ra, có phần gia tăng về cường độ và sự manh động.

Các nhóm đối tượng sử dụng phương tiện thủy, trang bị máy bơm có công suất lớn để hút cát trái phép ngày càng nhiều. “Cát tặc” không nạo vét đúng địa điểm cần nạo vét, hoặc nạo vét vượt quá độ sâu luồng quy định. Đáng chú ý là thực trạng bơm hút cát trái phép trên các tuyến sông Tắc, sông Đồng Nai (khu vực giáp ranh quận 9, TP HCM; TP Biên Hòa, Đồng Nai) có biểu hiện của hoạt động bảo kê và tính chất, mức độ ngày càng manh động.

Sau một đêm hút cát, các ghe thuyền “nằm nghỉ” phía bên Đồng Nai chờ đêm đến lại hoạt động.

Việc khai thác cát trái phép gây thất thu kinh tế, tác động xấu đến môi trường, xâm phạm nghiêm trọng đến nguồn trữ lượng khoáng sản quốc gia và sự ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa bàn.

Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (PC68) Công an TP HCM đã xây dựng và thực hiện kế hoạch phối hợp với các lực lượng chức năng Công an quận 9, Phòng Cảnh sát cơ động (PK20), Phòng Cảnh sát hình sự (PC45), Phòng Cảnh sát kinh tế (PC46), lực lượng Biên phòng, Cảng vụ hàng hải Đồng Nai, Phòng Cảnh sát đường thủy CA tỉnh Đồng Nai và các phường Long Phước, Long Bình, quận 9, đấu tranh triệt phá các đối tượng khai thác, bơm hút, mua bán cát trái phép trên tuyến sông Đồng Nai.

Còn trên tuyến sông Sài Gòn, đơn vị đã phối hợp với Công an huyện Củ Chi, UBND huyện Củ Chi, thường xuyên trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình, kịp thời thực hiện các kế hoạch đấu tranh triệt phá.

“Cát tặc” thường hoạt động mạnh về đêm. Tại khu vực sông Đồng Nai, nhất là đoạn chảy qua địa phận phường Long Phước, Long Bình, chúng khai thác với quy mô và cường độ mạnh. Phòng PC68 đã phối, kết hợp với các ban ngành, phát hiện, bắt giữ hàng chục vụ, thu giữ nhiều phương tiện, trong đó có 20 phương tiện bơm hút, 5 phương tiện mua bán, 42 đối tượng.

Bờ kè bằng bê tông đóng sâu 15-20m sụp đổ do khai thác cát lậu.

Khoảng 22 giờ ngày 10-12-2015, các trinh sát thuộc PC68 tuần tra trên tuyến sông Tắc (một nhánh của sông Đồng Nai) chảy qua địa phận KP. Phước Thiện, phường Long Bình, Q.9 phát hiện hai ghe không số hiệu, trang bị máy công suất lớn, vòi... đang khai thác cát trái phép nên tiến hành bắt giữ trong đêm.

Phát hiện lực lượng tuần tra, các ghe này nổ máy bỏ chạy, ném máy móc xuống sông để phi tang nhưng bị các trinh sát truy đuổi, bắt gọn. Hai ghe hút cát, cùng 9 người liên quan được đưa về Công an phường Long Bình để làm việc. Các đối tượng khai được chủ ghe thuê đi hút cát trộm để bán lại cho các sà lan trên sông Đồng Nai.

Theo Trung tá Trần Văn Thành, phòng PC68 Công an TP HCM, không ít lần lực lượng chúc năng gặp phải sự chống trả quyết liệt của bọn chúng. Thấy lực lượng mỏng, chúng lao vào tấn công nhằm tẩu tán tài sản, phi tang chứng cứ. Bọn chúng thường xuyên cắt cử người cảnh giới để theo dõi các động thái của lực lượng chức năng. Chúng chia thành nhiều trạm, có khi cách xa cả 7-8 km, làm nhiễu thông tin, kể cả mua chuộc, gây rất nhiều khó khăn cho công tác phá án. Khi bị động, gặp tình huống nguy cấp, chúng có thể đánh chìm ghe, bằng cách rút “lõ lù”, nhằm phi tang chứng cứ.

“Cát tặc” cũng thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động. Nếu như trước đây đối tượng chia thuyền khai thác cát thành ba khoang, trên đó có lắp máy trực tiếp hút cát thì hiện nay, chúng bố trí máy hút “vòi rồng” trên một ghe nhỏ để hút, truyền lên ghe lớn nên rất khó bắt quả tang ghe trực tiếp hút cát.

Lực lượng đấu tranh chống “cát tặc” của địa phương lại quá mỏng, yếu, phương tiện vừa thiếu, vừa cũ trong khi đối tượng lại sử dụng các phương tiện hiện đại, công suất lớn nên việc giữ đất còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó chế tài xử phạt hành vi khai thác, vận chuyển, mua bán cát lậu cũng có những bất cập. Chẳng hạn bắt được ghe lớn chở cát chỉ có thể xử phạt hành vi vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc. Thực tế hầu như chỉ giữ được phương tiện chứ không bắt được đối tượng phạm tội nên rất khó xử lý.

Anh H. tại khu vực khai thác cát lậu khiến nhiều diện tíc đất giờ chỉ còn trên giấy.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh, Chủ tịch UBND phường Long Phước, Q9, TP HCM cho biết, hầu hết những kẻ khai thác cát trái phép đều từ địa phương khác tới. nên khó quản lý, xử lý.

Một luật sư cho biết, việc khai thác cát trái phép là vi phạm Luật Khoáng sản. nhưng việc xử lý rất khó vì chưa có án lệ, còn phụ thuộc vào cách hành xử của mỗi địa phương.

Theo Bộ luật Hình sự, người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu hoặc dưới 2 triệu nhưng gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Hành vi khai thác trái phép khoáng sản quốc gia, giá trị lên tới hàng trăm triệu, hàng tỉ đồng mà chỉ bị phạt  hành chính, dẫn tới việc các đối tượng coi thường pháp luật. Rất nên có khung hình phạt, các biện pháp chế tài đủ mạnh, khi đó mới có thể hạn chế phần nào nạn khai thác cát trái phép, không chỉ trên sông Đồng Nai.

Đức Hà
.
.