Bài toán năng lượng dầu mỏ của Israel

Thứ Tư, 12/10/2011, 09:15

Những người thăm dò địa chất ở Israel nói hàng chục mét bên dưới mặt đất là lớp đá phiến có thể được khai thác thành hàng tỉ thùng dầu. Nhưng các nhà bảo vệ môi trường cho đó sẽ là thảm họa môi trường nếu công cuộc khai thác bắt đầu.

Chuyên gia dầu mỏ người Mỹ Scott Nguyen ngửi một nắm đất đá màu đen và nghĩ đến đá phiến chứa dầu (oil shale). Scott Nguyen làm việc cho Công ty Shell ở Houston nhưng không muốn quay về Mỹ mà tự nguyện ở lại Thung lũng Elah miền Trung Israel nằm cách Jerusalem chừng 50km. Hiện thời Scott Nguyen muốn chứng minh rằng, dầu và khí có thể được khai thác từ lớp đá phiến ở bên dưới mặt đất của Israel nhờ vào công nghệ gọi là nung mặt đất đến nhiệt độ trên 300oC!

Đá phiến chứa dầu là loại đá do trầm tích tạo thành chứa chất hữu cơ và từ đó người ta có thể khai thác để thu hoạch được một lượng dầu và khí đáng kể. Giá khai thác dầu thô thấp hơn giá khai thác dầu đá phiến. Nhưng dầu đá phiến lại có lợi thế cạnh tranh hơn khi mà giá dầu thô tăng cao. Dầu đá phiến có thể được dùng như là thứ thay thế trực tiếp dầu thô. Người ta ước tính tổng cộng nguồn tài nguyên dầu đá phiến trên thế giới nhiều hơn nguồn dầu thô gấp 4 lần.

Dự án khai thác dầu đá phiến xem ra có thể sinh lợi đáng kể. Hội đồng Năng lượng thế giới (WEC) đánh giá, dưới mặt đất của Israel đang ẩn tàng một nguồn đá phiến có khả năng sản xuất khoảng 4 tỉ thùng dầu - sản lượng đủ để cung ứng cho nhu cầu dầu mỏ của Nhà nước Do Thái trong hơn 40 năm. Nhưng Scott Nguyen nói chắc nịch rằng, con số thùng dầu (đá phiến) thật ra còn cao hơn nhiều. Đó là lý do thúc đẩy ông cùng với số đồng nghiệp ở Công ty Năng lượng Israel Energy Initiatives (IEI, trụ sở ở Jerusalem) - công ty hàng đầu của Israel trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu - kéo lê những giàn khoan quanh khu vực thung lũng Elah háo hức khoan thăm dò.

Còn theo tính toán của nhà địa chất học 62 tuổi Harold Vinegar, người đã trải qua 3 thập niên làm việc cho Royal Dutch Shell (RDS A), thì "Israel có một trong số những trầm tích đá phiến chứa dầu lớn nhất thế giới, đủ để sản xuất 250 tỉ thùng dầu". Vinegar cũng cho biết thêm: "Arập Xêút có trữ lượng 260 tỉ thùng dầu. Nhưng phần đông người ta không thấy được rằng Israel có tiềm năng nằm trong số những nhà sản xuất dầu mỏ chính yếu của thế giới". Cách đây 3 năm, Vinegar từ Mỹ bay đến Israel và ông hiện là một trong những lãnh đạo của IEI.

Trước đây, Israel khai thác những lượng nhỏ đá phiến, nhưng chỉ thực hiện trong khuôn khổ chương trình phục vụ điện sinh hoạt cho dân địa phương. Việc tìm kiếm nguồn năng lượng trong nước ở Israel không có gì là mới. Trong những năm gần đây (từ năm 2009), trầm tích dầu khí tự nhiên lớn được phát hiện ở ngoài khơi của Israel, song quốc gia này vẫn còn nhập khẩu nhiều khí đốt từ quốc gia láng giềng là Ai Cập. Về sau này nguồn cung cấp không được ổn định. Hơn nữa, từ đầu năm đến nay nguồn cung còn bị gián đoạn do một loạt những vụ tấn công nhằm vào hệ thống ống dẫn chạy xuyên qua sa mạc Sinai. Chưa hết, hiện Israel đang lo ngại về mối quan hệ ngoại giao trong tương lai với Cairo, sau sự sụp đổ của cựu Tổng thống Hosni Mubarak - sự ra đi đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia trong bão táp cách mạng ở thế giới Arập vào đầu năm 2011.

IEI thăm dò khai thác dầu đá phiến ở Israel.

Về phương diện dầu mỏ, Israel nhập khẩu gần như toàn bộ cho nhu cầu sử dụng trong nước - khoảng 100 triệu thùng dầu một năm - và chủ yếu từ nước Nga và các nước thuộc Liên Xô (cũ). Lượng dầu nhập khẩu trở nên hạn chế từ năm 2006, trong suốt cuộc chiến tranh với Hezbollah, khiến cho Israel gặp nguy cơ cạn kiệt năng lượng.

Nhưng bất chấp sự khan hiếm về năng lượng sản xuất tại địa phương, Scott Nguyen và đội của ông vẫn không hưởng được sự ưu đãi nào. Một số dân địa phương, các nhà bảo vệ môi trường và giới chính khách đều chỉ trích dữ dội hoạt động của họ. Như trường hợp từng xảy ra ở Mỹ - nơi có trầm tích đá phiến khổng lồ - việc khoan thăm dò bị ngưng lại ở Colorado do phương pháp gọi là bơm hóa chất xuống dưới mặt đất để sản xuất dầu đã gây lo ngại về tác động xấu đến nguồn nước uống.

Vấn đề tương tự cũng đang rơi vào tranh cãi triền miên ở Israel. Thậm chí một ủy ban địa phương còn được thành lập để đối đầu với dự án của Scott Nguyen. Người dân địa phương lo ngại một phần do khu vực khoan thăm dò cũng là nơi chứa tầng ngậm nước (mạch nước ngầm) nhạy cảm về chính trị được san sẻ bởi Israel và vùng Bờ Tây của Palestine.

Tại những cuộc họp, đại diện Công ty IEI đã cố gắng trấn an dân địa phương rằng tầng không ngậm nước (lớp đá cứng) nằm giữa phân cách lớp đá phiến với tầng ngậm nước bên dưới, và phương pháp nung nóng đá phiến để lấy dầu cũng sẽ không tác động đến mạch nước ngầm. Nhưng dân địa phương vẫn không thấy an tâm. Về phía mình, Mikhel Harm ở WEC nhận định: "Tiến trình khó kiểm soát và có thể đặt ra một nguy cơ cho nước ngầm".

Công ty của Scott Nguyen khẳng định Israel có thể cũng có trầm tích dầu tương tự như ở Arập Xêút, với khoảng 260 tỉ thùng dầu. Nhưng John Corben, cố vấn của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), cho rằng không thể có sự so sánh như thế được.

Theo Corben, ở Arập Xêút "dầu là dầu trên thực tế" trong khi ở Israel thì khác: người ta phải bỏ ra thật nhiều tiền để nung nóng đá mà lấy dầu. Điều đó cho thấy công ty của Scott Nguyen hãy còn chặng đường dài phía trước để vượt qua, trước khi chứng minh được công nghệ hoạt động hiệu quả và trước khi có được giấy phép cần thiết từ chính quyền Israel. Tuy nhiên, hiện tại Scott Nguyen vẫn dự đoán sự sản xuất dầu (đá phiến) sẽ bắt đầu từ năm 2018 trở đi. Còn John Corben nói nếu khai thác được 4 hay 5 tỉ thùng dầu thì đó quả là con số khổng lồ đối với một đất nước nhỏ bé như Israel.

Trầm tích dầu đá phiến của Israel vẫn còn chưa được khai thác rộng rãi cũng vì lý do địa chính trị. Như phân tích của chuyên gia, không một công ty dầu mỏ lớn nào sẵn sàng làm việc ở Israel vì họ không muốn bị hất khỏi nguồn cung cấp dầu của Trung Đông

Trần Phong (tổng hợp)
.
.