Bài trừ nạn trục lợi, vu khống trên mạng xã hội
- Đăng tin giả người ăn xin “mặt đen”, like ảo nhưng phạt thật
- Singapore cảnh cáo Facebook về thông tin giả mạo
Đây là vấn đề được các doanh nghiệp, đại diện cho một số cơ quan quản lý liên quan đã có một buổi ngồi lại cùng nhau đưa ra phương án đối phó và giải quyết.
Đấu tranh đơn lẻ sẽ không hiệu quả
Chỉ cần một câu nói vô ý thức hoặc có chủ đích, những phát ngôn trên mạng xã hội (MXH) gây ra những tác hại khôn lường từ tổn thất vật chất, tổn thương tinh thần, cho đến tổn hại cuộc sống cá nhân, đến hoạt động doanh nghiệp, kìm hãm sự phát triển của nhận thức văn minh hoặc tệ hơn, có thể gây ngộ nhận, dẫn đến phát triển sai lệch trong hành vi lối sống cộng đồng.
Nếu ẩn đằng sau là mục đích vu khống trục lợi thì còn gây ra những tác hại khó có thể đong đếm. Đó là một hành vi đi ngược lại sự phát triển lành mạnh của một xã hội văn minh, một cộng đồng nhân bản.
Một buổi tọa đàm về vai trò của doanh nghiệp trước nạn vu khống, trục lợi trên mạng xã hội. |
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), hiện ở Việt Nam có khoảng gần 70 triệu người dùng Internet, trong đó có khoảng 62 triệu người dùng MXH. Có rất nhiều người được coi là “nghiện” MXH.
Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục phó Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ TT&TT, có nhiều kẻ xấu và thế lực thù địch tác oai tác quái trên MXH. Gần đây, việc nói xấu, bôi nhọ nhau giữa các cá nhân và các doanh nghiệp gia tăng. Nhưng bản thân doanh nghiệp vẫn đang tranh đấu với vấn nạn trên một cách đơn lẻ, nên hiệu quả không cao. Chính vì vậy, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
Về vấn đề này, luật sư Trương Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết: “Nhiều người bị vu khống trục lợi có đến chỗ tôi và nói: “Em bị Cá tháng Tư rồi chị ơi!”, nghĩa là họ bị thông tin không có thật vu khống trục lợi. Chúng ta cần cùng đoàn kết lại bắt những “con Cá tháng Tư” này.
Tuy nhiên, tôi còn nhìn dưới góc độ có nhiều người dùng từ vu khống trục lợi nói các điều xấu nhưng có đơn vị dùng để nói tốt về bản thân. Nếu xử lý hành vi vu khống người khác còn có luật nhưng xử lý hành vi tự vu khống, đánh bóng bản thân mưu cầu trục lợi thì chưa có luật”.
Trong thời đại kết nối và thông tin này, người ta lợi dụng sự kết nối mở rộng truyền thông để vu khống và trục lợi. Có rất nhiều cách nên người ta tự vu khống về mình để rồi tạo nên khoản lợi lớn cho người ta. Chính vì vậy, nói không với vu khống thì bản thân doanh nghiệp phải chủ động trước, phải tự bảo vệ trước đã.
Trong Bộ luật Dân sự, xâm phạm đến danh dự, uy tín doanh nghiệp, hay của người khác là người bị hại có quyền thưa ra tòa và bồi thường thiệt hại rồi. Thậm chí, đến mức độ nào sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy theo mức độ xem xét.
Theo luật sư Trương Thị Hòa thì rất mong có sự kết hợp đoàn kết, liên thông giữa các doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời cần người tiêu dùng cũng vào cuộc, rồi xây dựng văn hóa doanh nghiệp, để có sức mạnh từ trong mỗi bản thân doanh nghiệp thì mới phòng ngừa vu khống.
Tin giả là vấn nạn toàn cầu chứ không của riêng quốc gia nào. |
Đi tìm giải pháp hữu hiệu
Một số chủ doanh nghiệp cho biết, doanh nghiệp và Nhà nước bị vu khống và bị tin giả nhiều nhất. Nhưng người bị ảnh hưởng nhiều nhất là người đọc tin giả. Vì người đọc tin giả không biết mình đang đọc tin giả, nên chia sẻ lan truyền nhanh do tốc độ MXH, gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp và Nhà nước.
Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, Saigon Co.op có sử dụng một fanpage để tuyển dụng, mục đích muốn lan truyền thông tin bên mình tuyển dụng nhân sự, tốt cho hệ thống siêu thị của mình. Thì lập tức rất nhiều trang Facebook giả thông tin, thu phí ứng viên khiến họ quay lại phản ứng doanh nghiệp.
“Cho dù vậy, doanh nghiệp chúng tôi vẫn hỗ trợ thiệt hại cho những ứng viên này, còn thực tế họ bị đối tượng khác lừa tiền”, ông Huy nói.
Còn ông Phạm Ngọc Hưng (Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh) cho rằng nhờ công nghệ MXH mà công tác marketing rất là nhanh, người mua hàng, người tiêu dùng cũng rất có lợi. MXH có hai mặt: lợi cho người sử dụng nhưng trong đó cũng mang tác hại vì có tính lan truyền rất nhanh. Do đó các doanh nghiệp phải tự giải quyết, tự bảo vệ quyền lợi của mình trước. Nếu doanh nghiệp phát hiện bị vu khống thì phải lấy ngay bằng chứng nộp kèm với đơn kiện gửi đến cơ quan chức năng. Doanh nghiệp nhờ thừa phát lại lập vi bằng về vụ việc để làm bằng chứng.
Chủ shop “Đầm bầu thời trang Mami” tung tin sai lệch về Dịch tả lợn Châu Phi nhằm mục đích tạo giật gân câu khách đã bị xử phạt 20 triệu đồng. (nguồn: LĐO). |
Qua theo dõi, cơ quan chức năng nhận thấy Việt Nam hiện nằm trong top 10 các quốc gia sử dụng MXH nhiều nhất trên toàn thế giới. 4 quốc gia Đông Nam Á dẫn đầu là Phillipines, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan. Trong 62 triệu tài khoản ở Việt Nam sử dụng MXH, thường xuyên có tương tác là 45-47 triệu tài khoản, 1 ngày 1 người trưởng thành trung bình sử dụng 2,5 giờ đồng hồ cho MXH.
Riêng ở TP Hồ Chí Minh có 14 triệu tài khoản MXH. Cứ 9,6 phút mỗi người chạm điện thoại 1 lần. 1 ngày chạm điện thoại 150 lần. Đây là nhu cầu có thật và là căn bệnh, cơn nghiện trên toàn thế giới.
Thời gian qua, cơ quan chức năng ở TP Hồ Chí Minh thường xuyên nhận được đơn thư phản ánh tố cáo khiếu nại của các nhóm bệnh viện thẩm mỹ, phòng khám tư nhân, nhóm bất động sản, tranh chấp dân sự khác. Khoảng 6 tháng gần đây, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp bắt đầu thay đổi, đã tiếp cận văn minh hơn đó là không đàm phán, không thỏa thuận, không bắt tay, không chấp nhận với thông tin sai xấu, mà doanh nghiệp làm việc với cơ quan nhà nước, có trường hợp đưa ra tòa án.
Việc xử lý những trường hợp vi phạm hiện căn cứ theo Nghị định 174 năm 2013, việc vu khống trên mạng chỉ bị xử lý phạt tối đa 30 triệu, chỉ khi nó xảy ra trục lợi, đánh vào doanh nghiệp. “Khi chúng tôi nhận được những phản ánh này chúng tôi xử lý rất nhanh, giao cho thanh tra sở mời đơn vị lên, nếu thấy vấn đề hành chính thì chúng tôi xử lý hành chính, hình sự thì chúng tôi xử lý hình sự.
Và đơn vị khi bị nói xấu vu khống trên mạng, bị khách thể xâm phạm, chủ thể hoàn toàn có thể đưa ra tòa và công khai xử lý thì lúc đó bao nhiêu thiệt hại sẽ được tòa kết luận, chứ không phải chúng tôi. Chúng tôi chỉ kết luận có 30 triệu thôi, khi mà Chính phủ chưa thay đổi điều luật này, do đó rất cần ý kiến tham mưu với Chính phủ”, đại diện Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh phân trần.
Một trường hợp bị Công an tỉnh Quảng Bình xử phạt 12,5 triệu đồng vì tung tin “vi khuẩn ăn thịt người”. Nguồn: thanhnien.vn. |
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cũng đã chỉ đạo ngành chức năng không quan liêu thỏa hiệp và không cho phép làm ngơ với vi phạm công khai trên mạng. TP Hồ Chí Minh hiện có 3.500 doanh nghiệp (chiếm 50% trên tổng số doanh nghiệp cả nước) nên vấn đề được đăt ra hôm nay về doanh nghiệp nói không với vu khống trục lợi trên MXH là rất phù hợp nhưng không đoàn kết sẽ không bao giờ đấu tranh được với nạn nói xấu trên MXH.
Theo quy định, những hành vi nói xấu, bịa đặt rồi xúc phạm đến cá nhân và doanh nghiệp trên mạng xã hội, trong đó có việc xúc phạm đến danh dự của người khác thì có thể xử lý hành chính; cao hơn thì có 2 trường hợp có thể xem xét là tội làm nhục người khác, tội này là tội hình sự hoặc tội vu khống, tội này cũng là một biện pháp xử lý hình sự. Tùy theo mức độ, hình thức vi phạm cơ quan chức năng sẽ xem xét là tội làm nhục người khác hay tội vu khống.
Còn trong kinh doanh thì có cách xử lý khác, đó là vấn đề vi phạm những quy định cấm không được thực hiện cạnh tranh không lành mạnh. Mỗi vi phạm như thế có một đơn vị xử lý khác nhau. Ngoài ra về mặt dân sự, khi mà thấy tác động đến danh dự, nhân phẩm thì có thể kiện dân sự.
Theo ông Lê Quang Tự Do, cách xử lý khi bị vu khống trên MXH, các doanh nghiệp nên xử lý theo 3 bước: Phải thông tin ngay đến người tiêu dùng, khẳng định thông tin sai sự thật với những bằng chứng rõ ràng cụ thể; chuyển ngay những thông tin thông cáo báo chí cho Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ TT&TT để yêu cầu chủ quản MXH hạn chế thông tin phát tán ra ngoài; doanh nghiệp phải họp với chính quyền địa phương và công an địa phương truy tìm những người tung tin đó để xử lý.
“Tại sao phải có 3 bước ưu tiên như vậy? Vì trên mạng thông tin lan tỏa rất nhanh, 3 bước này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tức thời khi gặp khủng hoảng”, ông Do giải thích.
Ông Lê Quang Tự Do cũng cho biết, năm 2020, Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử sẽ tập huấn cho khối doanh nghiệp phối hợp với các hiệp hội để thiết lập những cơ chế giúp doanh nghiệp phòng ngừa, xử lý nạn vu khống, nói xấu trên MXH. Đồng thời, tham mưu cho Chính phủ sửa Nghị định 72 để quản lý Internet và thông tin trên mạng cho phù hợp tình hình hiện nay.
Ý kiến các chuyên gia đều thống nhất rằng hiện nay việc tạo hành lang pháp lý không chưa đủ, doanh nghiệp chống nạn vu khống trục lợi còn cần phải đoàn kết chặt chẽ với nhau.
Đối với các quốc gia khác trong khu vực, trong hoạt động chống tin giả, từ tháng 11-2019, Singapore đã chính thức hợp thức hóa Luật Phòng, chống thông tin giả. Ngày 11-11-2019, Thái Lan chính thức công bố và ra mắt Trung tâm Phòng, chống thông tin giả, bao gồm 5 thành phần: Cơ quan nhà nước; doanh nghiệp nhà nước; Hội Nhà báo Thái Lan; khối trường đại học và nhóm quân đội - cảnh sát.
Trong tổ chức này được nhà nước Thái Lan yêu cầu quy định mỗi cơ quan nhà nước nói trên phải cử tối thiểu 3 người để mục tiêu là trong vòng 2 giờ đồng hồ khi phát hiện tin giả, tin sai sự thật phải đưa thông tin xác thực trên 1 trang web chính thức và xử lý những thông tin giả cũng như truy lùng đối tượng tung tin giả để xử lý.
Như vậy, với sự quan tâm của ngành chức năng trong việc tạo hành lang pháp lý vững mạnh, tin rằng trong thời gian tới, sẽ có những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ cá nhân và doanh nghiệp trên môi trường MXH.