Băn khoăn “cởi trói” thi sắc đẹp, không cấm hát nhép?

Thứ Tư, 10/02/2021, 14:08
Năm 2021 đánh dấu bước ngoặt mới trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Theo đó, Nghị định 144/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/2/2021 thay thế cho Nghị định 79/2012/NĐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành có nhiều điểm mới.


Cởi mở, tích cực hơn

Nghị định số 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn gồm 5 chương và 31 điều với nhiều nội dung được cho là thông thoáng, “cởi trói” nhiều thủ tục hành chính, giấy phép con, như: Bỏ khái niệm “tác phẩm sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam” (hay được gọi “ca khúc trước 1975”), trước đây nếu muốn phổ biến các tác phẩm này phải có hồ sơ xin cấp phép riêng; bỏ khái niệm “cấp phép”, thay bằng cụm từ “văn bản chấp thuận” của cơ quan quản lý nhà nước; cá nhân muốn thi người đẹp quốc tế không cần phải có danh hiệu nào từ một cuộc thi sắc đẹp trong nước, chỉ cần có thư mời của ban tổ chức và không có tiền án, tiền sự, không đang trong giai đoạn bị cấm biểu diễn...

Trước đó, Nghị định 79/2012/NĐ-CP về cấp phép biểu diễn nghệ thuật được tách thành 2 nhóm với tác phẩm sáng tác trước năm 1975 hoặc của người Việt Nam sinh sống, định cư ở nước ngoài và tác phẩm sau năm 1975. Với tác phẩm sáng tác sau năm 1975 sẽ không cần phải cấp phép phổ biến mà chỉ cần cấp phép biểu diễn theo từng chương trình cụ thể. Tuy nhiên, với tác phẩm sáng tác trước năm 1975 và tác phẩm của người Việt Nam ở hải ngoại phải được cấp phép phổ biến, sau đó mới được đưa vào các chương trình biểu diễn nghệ thuật. 

Quy định này đã gây nên nhiều tranh cãi, tạo nên sự phân biệt giữa các ca khúc theo từng giai đoạn. Đây cũng chính là quy định từng gây ồn ào không đáng có khi có những ca khúc đã đi sâu vào tâm trí của người yêu nhạc Việt nhưng bỗng nhiên bị đột ngột dừng lưu hành trong đó có bài hát nổi tiếng “Con đường xưa em đi”. Trước phản ứng gay gắt của dư luận, quyết định này đã được thu hồi sau đó.

Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân sắc đẹp Việt 2020 bị phạt vì tổ chức chui.

Nghị định 144/2020/NĐ-CP đã bỏ quy định cấp phép phổ biến các ca khúc trước năm 1975. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là quy định tiến bộ. Điều này đã tạo sự bình đẳng trong sân chơi âm nhạc, đây cũng là một cách quản lý văn hóa tiến bộ, khi không nặng về tiền kiểm. Ngoài ra, một điểm mới khác trong Nghị định số 144/2020/NĐ-CP được dư luận rất quan tâm là không còn quy định cấm sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn (hát nhép) hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn (đàn nhái) như ở Nghị định 79. 

Nếu như trước đây, tại Điểm d Khoản 2 Điều 6 Nghị định 79 quy định, một trong các hành vi bị cấm đối với tổ chức, cá nhân biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật là: Sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn. Thì nay, tại Nghị định 144, Chính phủ đã không còn quy định cấm nêu trên.

Lĩnh vực thi người đẹp, người mẫu cũng có nhiều quy định mới gây chú ý và được tán thưởng. Đặc biệt là việc cơ quan quản lý nhà nước sẽ có quyền thu hồi danh hiệu, giải thưởng của các cuộc thi nhan sắc. Điều 18 quy định về việc thu hồi danh hiệu, giải thưởng, hủy kết quả cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn, cuộc thi người đẹp, người mẫu. Quy định này chính là hành lang pháp lý để hoạt động biểu diễn đúng với quy định pháp luật, tránh rơi vào tình trạng không thể thu hồi giải thưởng vi phạm như đối với Lê Âu Ngân Anh tại cuộc thi Hoa hậu Đại dương trước đây.

Tác động xã hội

Theo đánh giá chung, việc thực thi Nghị định mới sẽ tăng quyền và trách nhiệm đối với cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, phù hợp với xu thế và yêu cầu mới của xã hội ngày nay. Như ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từng chia sẻ: “Nghị định cố gắng làm sao đảm bảo yếu tố quyền con người của hiến pháp, bên cạnh đó là sự thông hiểu với những nghệ sĩ, làm sao để những người làm trong lĩnh vực sáng tạo có cá tính riêng biệt không bị tổn thương bởi quy tắc quản lý”.

Ông Trần Hướng Dương cũng nhấn mạnh, với những quy định mới, Cục sẽ chuyển từ tiền kiểm (kiểm tra trước sự kiện) sang hậu kiểm (kiểm tra sau sự kiện) là chủ yếu. Việc hậu kiểm cũng không nhằm “bắt lỗi” mà để tạo điều kiện tốt hơn cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Tất nhiên, những đơn vị, cá nhân vi phạm vào các điều cấm sẽ bị xử lý nghiêm. Cơ quan quản lý nhà nước cũng kỳ vọng, những quy định mới này sẽ góp phần giúp công chúng được thưởng thức đầy đủ nhất những tác phẩm hay, có ý nghĩa, lành mạnh.

NSND Lê Ngọc Cường, nguyên Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng, Nghị định 144/2020/NĐ đã tăng quyền và trách nhiệm cho người nghệ sĩ, cho nhà tổ chức biểu diễn, cho cán bộ địa phương. Đồng thời cũng tăng cường hậu kiểm và xử phạt nghiêm, giảm dần hình thức tiền kiểm. Khi đề cao tính tự giác, tăng mức hình phạt xử lý sai phạm đồng nghĩa với việc nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý và người tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Dễ thấy, một trong những thay đổi lớn của nghị định lần này nằm ở các quy định về thi người đẹp, hoa hậu. Lần đầu tiên, việc tổ chức các cuộc thi hoa hậu, người đẹp sẽ không cần sự cấp phép của cơ quan quản lý văn hóa là Cục Nghệ thuật biểu diễn, các sở quản lý văn hóa mà chỉ cần UBND tỉnh chấp nhận. Bên cạnh đó, tại Điều 19 của Nghị định, các điều kiện, thủ tục tổ chức đưa người mẫu, người đẹp dự thi ở nước ngoài cũng được “nới lỏng” hơn. Các cá nhân muốn ra nước ngoài dự thi, người đẹp, người mẫu không phải đạt danh hiệu nào ở một cuộc thi người đẹp trong nước, chỉ cần có giấy mời của tổ chức, cá nhân tổ chức cuộc thi.

Vẫn còn những băn khoăn

Theo khảo sát, quy định này nhận được sự ủng hộ của nhiều đơn vị tổ chức. Chuyên gia đào tạo hoa hậu Phúc Nguyễn cho rằng việc đưa cấp phép về địa phương cũng là một bước tiến rất cởi mở, giúp các đơn vị tổ chức rút ngắn được thời gian xin cấp phép. Tuy nhiên, việc không giới hạn số lượng, quy mô cuộc thi sắc đẹp sẽ góp phần làm cho sân chơi hoa hậu trở nên bát nháo, mạnh ai nấy tổ chức, kể cả không có chuyên môn... Danh hiệu hoa hậu vì thế cũng sẽ trở nên rẻ rúng.

“Đặc biệt, tôi không ủng hộ việc bỏ quy định “phải lọt top 3 các cuộc thi sắc đẹp lớn trong nước mới được cấp phép đi thi các cuộc thi quốc tế” bằng “chỉ cần có giấy mời và đáp ứng yêu cầu của ban tổ chức cuộc thi quốc tế đó”. Vì giấy mời tham gia các cuộc thi nhan sắc quốc tế ai cũng có thể có được nhưng không phải ai cũng có thể, dễ dàng trở thành đại diện của một quốc gia để thi quốc tế”, vị chuyên gia bày tỏ.

Sự lo ngại của chuyên gia Phúc Nguyễn đều có cơ sở khi thực tế, ngay cả lúc cơ quan quản lý “trói chặt” các cuộc thi nhan sắc trong nước thì đã có liên tiếp các cuộc thi “ao làng” diễn ra, chuyện mua bán danh hiệu phía hậu trường... Khi được cởi trói, tình trạng các cuộc thi nhan sắc hội chợ, nhà nhà người người đi “săn” giải thưởng... là thực trạng khó tránh khỏi.

Thực tế, việc tái diễn cuộc thi người đẹp “chui” không mới, chuyên gia Phúc Nguyễn cho rằng một trong những nguyên nhân là do  mức  xử phạt hành chính hiện nay chưa đủ sức răn đe. Danh hiệu hoa hậu và các danh hiệu khác trong cuộc thi hoa hậu thường tạo ra cho người đoạt giải rất nhiều cơ hội kèm theo lợi ích khiến nhiều người chuộng các danh hiệu hoa hậu, hoa khôi. Đi cùng với đó là lợi ích của các đơn vị tổ chức. Trong khi đó, chiểu theo quy định hiện hành (tại  Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo), hành vi tổ chức cuộc thi người đẹp không có giấy phép bị phạt tối đa là 50 triệu đồng (với cá nhân) và gấp đôi (tức là 100 triệu đồng - đối với tổ chức). Mức phạt này dường như chẳng thấm gì so với lợi ích mà đơn vị tổ chức cuộc thi người đẹp có được từ tài trợ, thậm chí bán các danh hiệu “hoa hậu”, “hoa khôi”, do đó, một số đơn vị sẵn sàng chịu phạt hành chính để tổ chức các cuộc thi “chui”. 

Cách đây chưa đầy 1 tháng, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 90 triệu đồng đối với Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân sắc đẹp Việt 2020 tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 18-11-2020 mà không có giấy phép (theo quy định hiện hành, cuộc thi phải được Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép mới được tổ chức). Đây là mức phạt hành chính cao nhất cho đến nay đối với hành vi tổ chức thi người đẹp không có giấy phép.

Trước đó, đầu tháng 1-2020, khi vòng chung khảo cuộc thi Miss Global Her Beauty diễn ra, Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao TP Hà Nội đã phối hợp Công an quận Nam Từ Liêm kiểm tra, lập biên bản với ban tổ chức vì cuộc thi không được cấp phép, sau đó đã phạt hành chính đơn vị tổ chức với mức cao nhất theo quy định hiện hành là 49 triệu đồng. Rồi, tháng 10-2020, Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phạt hành chính 7,5 triệu đồng đối với tạp chí Kids Model Việt Nam - đơn vị tổ chức cuộc thi Miss Baby Viet Nam (Hoa hậu Nhí Việt Nam), diễn ra tại thành phố Huế, trong khi đơn vị này chỉ được cấp phép tổ chức biểu diễn thời trang trẻ em...

Đòi hỏi tính tự giác của nghệ sĩ?

Trong lĩnh vực âm nhạc, việc bỏ quy định cấm hát nhép, đàn nhái cũng đứng trước lo ngại có thể làm giảm chất lượng chuyên môn của các chương trình biểu diễn, khiến nghệ sĩ dễ dàng lừa dối khán giả. Trước khi có thông báo về Nghị định 144, các ca sĩ như Chi Pu, Bích Phương, rapper Binz... từng gây tranh cãi khi hát nhép, hát chồng (sử dụng bản ghi âm thu sẵn để hát cùng giọng thật) tại nhiều chương trình ca nhạc. Nhiều người cho rằng, quy định mới trong nghị định sẽ “cởi trói” cho những nghệ sĩ không có giọng hát tốt sẽ lợi dụng cơ hội này để khoác áo ca sĩ đứng trên sân khấu biểu diễn, lấn sân nghệ thuật. 

Đặc biệt hơn là mối lo bất công cho những nghệ sĩ nội lực thực thụ. Những người dành nhiều năm thậm chí một nửa đời người bằng nỗ lực và danh dự của nghề để đứng trên sân khấu có thể bị đánh đồng với những “con rối” chỉ biết điều chỉnh khẩu hình trên bài hát đã thu sẵn, xử lý mượt mà? Liệu rồi, điều đó có thể khiến nhiều nghệ sĩ chân chính nản lòng, chọn con đường dễ hơn? Và thiệt thòi lại là khán giả?

Ca sĩ Văn Mai Hương.

Ca sĩ Văn Mai Hương - Á quân Vietnam Idol 2010 cho rằng, đây là một sự thật mỉa mai. Khi nhiều năm nay, các nghệ sĩ trong nghề đều đấu tranh cho những điều đàng hoàng, tử tế của âm nhạc và đặc biệt là nạn hát nhép thì giờ có nghị định mới bỏ cấm hát nhép. “Tuy nhiên, ở góc độ tích cực, có thể điều này để nâng cao trách nhiệm của mỗi người. Nghị định ra là một phần, nếu nghệ sĩ có lòng tự trọng thì phải tự nhìn nhận chuyện này như thế nào, chứ không phải vì không phạt mà vứt bỏ lòng tự trọng để lên sân khấu hát nhép”, nữ ca sĩ chia sẻ.

Trong khi đó, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung gay gắt cho rằng: “Việc bỏ quy định cấm sử dụng bản ghi âm để biểu diễn không làm phát huy tính sáng tạo của văn nghệ sĩ. Trái lại, điều này tạo điều kiện để văn nghệ sĩ thiếu ý thức, sống dễ dãi và lơ là với nghề của mình. Nếu những người quản lý nghệ thuật lại phó mặc mọi hành vi biểu diễn cho sự tự ý thức của nghệ sĩ, trông đợi vào sự tẩy chay của công chúng thì vai trò của người quản lý nghệ thuật liệu có còn cần thiết hay không?”.

Sự vận động của đời sống văn hóa, xã hội... luôn đặt ra những bài toán cho câu chuyện quản lý. Hiệu quả của những quy định mới sẽ như thế nào cũng được chứng minh bằng thời gian và sự trải nghiệm thực tế. Đặc biệt, Cục Nghệ thuật biểu diễn nhấn mạnh trong quá trình triển khai, sẽ thường xuyên tiếp nhận các thông tin phản hồi để kịp thời có những hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Mong rằng, những băn khoăn trên sẽ sớm được trả lời với sự “hậu kiểm” quyết liệt của Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Thảo Dung
.
.